Australia tăng đầu tư cho nghiên cứu vaccine phòng Covid-19
Song song với các biện pháp chống dịch Covid-19, Australia tiếp tục tăng đầu tư cho công tác nghiên cứu bào chế vaccine phòng dịch bệnh này.
Dịch Covid-19 trong tuần vừa qua tại Australia đã có dấu hiệu dịu bớt căng thẳng khi tốc độ lây nhiễm đã giảm xuống dưới 10%, giảm 1/3 so với 2 tuần trước đó. Tuy vậy, các biện pháp chống dịch vẫn đang được chính quyền thắt chặt và người dân được yêu cầu không được chủ quan. Song song với đó, Australia tiếp tục tăng đầu tư cho công tác nghiên cứu bào chế vaccine Covid-19.
Nhóm các nhà nghiên cứu vắc-xin tại Đại học Queensland gồm các giáo sư Paul Young, Trent Munro và Tiến sĩ Keith Chappell. Nguồn: The Lott.
Trong một thông báo mới đây, chính phủ Australia đã quyết định đầu tư 220 triệu AUD để nâng cấp Trung tâm phòng chống dịch bệnh (ACDP) của nước này, nhằm đáp ứng mục tiêu khẩn thiết trước mắt là nắm được nhiều thông tin hơn về virus SARS-CoV-2 và thúc đẩy các thử nghiệm vaccine phòng Covid-19.
Quyết định của chính phủ Australia được đưa ra trong bối cảnh Trung tâm phòng chống dịch bệnh thuộc Cơ quan Nghiên cứu khoa học và công nghiệp (CSIRO) đặt tại Geelong đang triển khai các thử nghiệm lâm sàng trên động vật một số mẫu vaccine Covid-19 do các nhà khoa học nước này phát triển và dự kiến lô vaccine này sẽ có mặt trên thị trường sau khoảng 18 tháng.
Trong một phát biểu vào ngày hôm nay (4/4), ông Greg Hunt, Bộ trưởng Y tế Australia cho biết, trung tâm này đã đạt được những tiến bộ nhanh chóng trong các nghiên cứu y học và đang tiến gần đến một loại vaccine Covid-19 tiềm năng. Ngoài việc thúc đẩy rút ngắn thời gian thử nghiệm vaccine, khoản đầu tư này sẽ giúp tăng cường khả năng ứng phó khẩn cấp của Trung tâm phòng chống dịch bệnh Australia trong việc phát triển các biện pháp ngăn ngừa các dịch bệnh truyền nhiễm và bảo đảm an toàn sinh học cho đất nước.
Trong một diễn biến có liên quan khác, Công ty xổ số Lott tại Australia vừa tuyên bố sẽ đóng góp số tiền 1 triệu AUD giúp đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu và thử nghiệm vaccine Covid-19 tại nước này. Khoản tài trợ này sẽ được chuyển đến trường hóa học và sinh học phân tử thuộc Đại học Queensland, nơi đang nghiên cứu vaccine Covid-19 dựa trên phương pháp kẹp phân tử.
Tiến sĩ Trent Munro, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, khoản tài trợ này sẽ giúp các nhà khoa học đẩy nhanh hơn nữa chương trình nghiên cứu vaccine và sản phẩm có thể sẽ có được sớm hơn so với dự kiến trước đây là 18 tháng.
Theo số liệu cập nhật tính đến 11 giờ trưa 4/4 (theo giờ địa phương), Australia đã ghi nhận hơn 5.400 trường hợp mắc Covid-19, tăng hơn 100 ca nhiễm mới so với cùng thời điểm ngày hôm qua (3/4), trong đó 28 nạn nhân đã tử vong./.
Hữu Tiến
Trung Quốc thử vaccine ngừa virus corona trên người
108 người trong độ tuổi 18-60 từ Vũ Hán được tiêm vaccine ngừa virus corona chủng mới do một công ty dược phẩm Trung Quốc phối hợp quân đội phát triển.
Ba ngày sau khi công ty dược phẩm CanSino Biologics được chính phủ "bật đèn xanh", thử nghiệm vaccine ngừa nCoV được thực hiện tại Vũ Hán.
Theo thông tin trên tài liệu đăng ký thử nghiệm, các tình nguyện viên từ 18 đến 60 tuổi với sức khỏe tốt được chia làm 3 nhóm, mỗi nhóm gồm 36 người. Các nhóm sau đó được dùng vaccine liều thấp, trung bình hoặc cao tại cơ sở của lực lượng cảnh sát vũ trang thành phố.
Chen Wei - thiếu tướng, nhà khoa học quân đội, cũng là người đứng đầu thử nghiệm là người đầu tiên được tiêm vaccine này.
Chen Wei (thứ hai từ phải sang) là người đầu tiên được tiêm vaccine ngừa nCoV ở Trung Quốc.
Wang Junzhi, nghiên cứu sinh Học viện Kỹ thuật Trung Quốc cho biết những người tham gia được cách ly 14 ngày sau khi tiêm vaccine và được theo dõi y tế chặt chẽ.
Một số tình nguyện viên chia sẻ trên mạng xã hội về trải nghiệm của họ.
"Lúc đăng ký tôi không nghĩ gì nhiều", một phụ nữ có tên trên mạng là Xiao Mi chia sẻ. Cô nằm trong nhóm tiêm vaccine liều thấp.
Xiao cho biết: "Kể từ lúc tôi nhận được thông báo đến lúc tiêm chỉ mất một ngày." Xiao đã đọc về các tác dụng phụ có thể xảy ra, bao gồm dị ứng, và cảm thấy sợ sau khi tiêm. "Nhưng có thể điều đó đã là tệ nhất rồi", cô nói.
Xiao Mi kể về thử nghiệm vaccine trên mạng xã hội. (Ảnh: Weibo)
Hai người cùng nhóm Xiao thấy nhiệt độ cơ thể họ tăng lên 38 độ C, một số bị tiêu chảy, nhưng tất cả các tác dụng phụ đều qua khá nhanh. Xiao cho biết điều quan trọng hơn là cảm thấy đang làm được điều gì đó có ích cho xã hội.
" Tôi nghĩ là mình có thể chịu được (hậu quả). Tôi muốn một lần vượt qua những lo ngại của người bình thường. Chúng ta nên cảm ơn tất cả những người đang đứng chắn phía trước những người dân bình thường".
Vaccine được công ty dược phẩm Trung Quốc phát triển hợp tác cùng quân đội. (Ảnh: Weibo)
Mỹ và Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua phát triển vaccine chống Covid-19. Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ tại Massachusetts cũng đã bắt đầu những thử nghiệm vaccine đầu tiên.
Wang Junzhi cho biết quá trình thử nghiệm dường như đang diễn ra khá tốt đẹp và hầu hết các nhóm nghiên cứu sẽ có thể hoàn thành nghiên cứu tiền lâm sàng vào tháng tới, đi đến thử nghiệm lâm sàng ngay sau đó.
Tuy nhiên, Roy Hall, giáo sư về virus học tại Đại học Queensland, Australia, nói rằng vẫn sẽ mất một thời gian trước khi vaccine sẵn sàng đi vào sản xuất hàng loạt. "Có thể vaccine sẽ sẵn sàng trong vòng 6 đến 9 tháng kể từ khi bắt đầu thử nghiệm lâm sàng".
Video: Mỹ thử nghiệm vaccine chống virus corona trên người
PHƯƠNG ANH (Nguồn: South China Morning Post)
Chăm sóc sức khỏe cho du học sinh ở Australia Để được cấp visa, tất cả du học sinh Việt Nam phải mua và duy trì bảo hiểm y tế dành cho sinh viên quốc tế trong suốt thời gian du học. Từng học cử nhân Kế toán và thạc sĩ Quản trị kinh doanh ở Đại học Victoria, Melbourne, chị Trương Nguyễn Thoại Giang (48 tuổi, quê Bình Dương, hiện làm việc...