Australia sốt ruột sắm tàu ngầm Nhật Bản để làm gì?
Kế hoạch sở hữu tàu và công nghệ sản xuất tàu ngầm Nhật của Australia sẽ được đặt lên bàn đàm phán giữa quan chức hai nước Nhật-Australia trong tuần này.
Theo đó, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera sẽ tiếp đón Ngoại trưởng Australia Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng Australia David Johnston tại Tokyo vào ngày 11/6. Đây là vòng thứ 5 của cuộc đàm phán có tên gọi là “2 2″.
Trọng tâm của cuộc thảo luận giữa hai nước sẽ là bàn bạc về việc Nhật chuyển giao công nghệ tàu ngầm cho Australia trong giai đoạn Australia đang cần thay thế hạm đội tàu ngầm tàng hình trong những năm sắp tới, với mức chi phí lên đến 37 tỉ USD.
Nếu hai nước cùng đi đến thống nhất, Australia sẽ có được công nghệ đóng tàu ngầm của Nhật, hoặc thậm chí có thể là cả đội tàu ngầm do Nhật sản xuất.
Video đang HOT
Tàu ngầm lớp Soryu của Nhật Bản
Được biết hiện nay Australia là quốc gia đầu tiên dành sự quan tâm đặc biệt đến tàu ngầm trang bị hệ thống AIP do Nhật Bản sản xuất. Theo đó việc tiếp cận công nghệ Nhật và hợp đồng mua tàu ngầm là nội dung thảo luận chính trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Australia Tony Abbott và các quan chức cấp cao của Nhật hồi tháng Tư vừa qua.
Trước đó Bộ trưởng Quốc phòng Australia cũng gặp các quan chức Nhật Bản để thảo luận về thương vụ tàu ngầm. Các quan chức Hải quân Australia đã có chuyến thăm lên tàu ngầm của Nhật để xem xét công nghệ của loại tàu này bao gồm cả hệ thống động lực không dùng không khí (AIP).
Dù các nguồn tin chưa tiết lộ Australia sẽ mua loại tàu ngầm nào của Nhật Bản, nhưng căn cứ vào sự quan tâm đặc biệt Australia đối với tàu ngầm AIP của Nhật có thể thấy, tàu ngầm lớp Soryu có thể sẽ là câu trả lời cho tương lai của hạm đội tàu ngầm Australia.
Hải quân Australia hiện cần 12 tàu ngầm. Giá mỗi chiếc tàu ngầm lớp Soryu của Nhật vào khoảng 600 triệu USD – thấp hơn một nửa so với tàu ngầm do Australia tự đóng. Dự kiến, Australia sẽ thay thế các tàu ngầm 3.400 tấn Collins đã lỗi thời trong lực lượng hải quân nước này. Ngoài ra công nghệ Nhật Bản cũng có thể giúp Australia kéo dài thời gian sử dụng của tàu ngầm Collins đến cuối những năm 2020.
Việc Australia muốn nhanh chóng sở hữu lực lượng tàu ngầm hiện đại từ Nhật Bản có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nguyên nhân hàng đầu đến từ Trung Quốc.
Cùng chung nhận định này, trong một báo cáo có tựa đề “Giấc mơ mới của Trung Quốc” do Viện chính sách chiến lược Australia tài trợ, nhà kinh tế Mỹ David H Hale nhận định rằng Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh quốc gia của Australia trong tương lai.
Nhà kinh tế Hale cho biết trong báo cáo rằng hiểm họa lớn nhất đối với an ninh Australia trong tương lai là sự kết hợp của 2 nhân tố: sự phát triển kinh tế của Trung Quốc và khả năng Mỹ rút khỏi khu vực khi yếu dần.
Một khi Mỹ quyết định rút các binh sĩ khỏi khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Australia sẽ bị nguy hiểm trước “sự gây hấn từ bên ngoài”. “Sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là cường quốc sẽ trở thành thách thức chính sách an ninh lớn nhất đối với Australia trong thế kỷ 21, ông Hale nhận định trong báo cáo.
Mặc dù nhà kinh tế Mỹ không nhắc tới Trung Quốc là kẻ gây hấn trong báo cáo, nhưng ông Hale nói rõ rằng việc Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng để đạt được các mục đích có thể là một thách thức lớn đối với an ninh của Australia.
Theo Đất Việt