Australia nói tin Trung Quốc đưa tên lửa ra Hoàng Sa còn tranh cãi
Ngoại trưởng Australia hôm nay cho biết Trung Quốc không bác bỏ cũng không thừa nhận thông tin triển khai tên lửa ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm nay gặp tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
“Tất nhiên bất cứ việc quân sự hóa đảo nào cũng sẽ là mối quan ngại nghiêm trọng với không chỉ khu vực và toàn cầu”, Ngoại trưởng Julie Bishop hôm nay nói tại Bắc Kinh, sau khi gặp Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì. “Nhưng vấn đề về tên lửa đất đối không vẫn còn đang tranh cãi. Do đó, chừng nào chúng ta có hình ảnh rõ ràng hơn về nó, chắc chắn đó là vấn đề đáng quan ngại”.
Bà Bishop là quan chức phương Tây đầu tiên thăm Trung Quốc sau khi xuất hiện thông tin Bắc Kinh triển khai tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Sau cuộc gặp với ông Dương, Ngoại trưởng Australia cho biết bà đã nêu vấn đề này và hai bên thảo luận về nó. Khi bị gặng hỏi liệu Trung Quốc có bác bỏ thông tin về sự hiện diện của các tên lửa hay không, bà đáp: “Không, họ không bác bỏ, nhưng họ cũng không thừa nhận chúng ở đó. Thông tin này không được thừa nhận”.
Tuy nhiên, Global Times dẫn lời Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm nay xác nhận nước này “đã triển khai các vũ khí trên đảo từ lâu”. Bộ không nói cụ thể loại vũ khí trên đảo. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm qua còn cáo buộc truyền thông phương Tây “dựng chuyện”.
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm nay dựa vào hình ảnh vệ tinh thương mại, khẳng định Bắc Kinh triển khai tên lửa tới Hoàng Sa, cho rằng hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry chỉ trích Trung Quốc tăng cường quân sự hóa Biển Đông.
Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974. Việt Nam đã nhiều lần yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hoạt động phi pháp ở cả Hoàng Sa và Trường Sa.
Video đang HOT
Vị trí đảo Phú Lâm và đảo Quang Hòa, quần đảo Hoàng Sa. Đồ họa: The Diplomat
Trọng Giáp
Theo VNE
Giáo sư Thayer: Trung Quốc mượn cớ đối phó Mỹ để quân sự hóa Biển Đông
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 là một minh chứng cho thấy Trung Quốc có thể triển khai những loại vũ khí tương tự trên quần đảo Trường Sa trong thời gian ngắn, GS. Carl Thayer nói với Thanh Niên.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng Trung Quốc có thể bố trí tên lửa phòng không ở quần đảo Trường Sa trong thời gian ngắn - Ảnh: Bảo Vinh
Truyền thông quốc tế đang tập trung sự chú ý vào thông tin Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không HQ-9 đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đang bị nước này chiếm đóng.
Quanh co và thừa nhận
CNN ngày 18.2 dẫn thông tin từ Hoàn Cầu Thời báo (Global Times) cho biết Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định các hệ thống phòng thủ trên biển và trên không đã tồn tại trên các đảo này từ lâu nay. Tuyên bố cũng ngang nhiên khẳng định Hoàng Sa là lãnh thổ của Trung Quốc (?) và Bắc Kinh có quyền triển khai các biện pháp phòng thủ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng phương Tây thổi phồng về cái gọi là "mối đe dọa từ Trung Quốc" - Ảnh: Reuters
Đây được xem là lá bài ngửa từ phía Trung Quốc sau khi liên tục nói những cáo buộc của phương Tây quanh HQ-9 là "tưởng tượng" và "thổi phồng".
Trong ngày 17.2, Ngoại trưởng Vương Nghị nói với các phóng viên tại Bắc Kinh rằng ông "hy vọng truyền thông phương Tây chú ý hơn tới các ngọn hải đăng của Trung Quốc và những cơ sở hạ tầng, bao gồm hệ thống theo dõi thời tiết, các khu neo đậu phục vụ tàu thuyền đánh cá...", theo Global Times.
Ông Vương Nghị cũng cho rằng việc phi quân sự hóa ở Biển Đông cần phải có sự nỗ lực của các nước trong và ngoài khu vực, đồng thời hy vọng lời hứa phi quân sự hóa trong thỏa thuận giữa Mỹ và ASEAN sẽ được thực hiện.
Như vậy, một mặt Trung Quốc khẳng định có quyền trang bị thiết bị phòng thủ trong các khu vực họ ngang nhiên cho là lãnh thổ của mình, một mặt nhắc nhở cuộc họp vừa qua giữa Mỹ và ASEAN phải tôn trọng việc phi quân sự hóa (!).
Giáo sư Carl Thayer: Trung Quốc mượn gió bẻ măng
Trao đổi với Thanh Niên, Giáo sư Carl Thayer (Úc), chuyên gia về Biển Đông cho biết đúng như Global Times nói, việc quân sự hóa của Trung Quốc tại đảo Phú Lâm đã được thực hiện từ lâu. Theo đó các đường băng ở đảo Phú Lâm gần đây đã được mở rộng lên 3.048 m, kèm theo những khu vực chứa máy bay và máy bay quân sự.
"Trong năm vừa qua, các loại máy bay chiến đấu J-11 BH/BHS đã được triển khai ở đó. Một hòn đảo ngoài khơi bờ biển Phú Lâm cũng có trạm tín hiệu tình báo SIGNNT. Những hình ảnh gần đây cũng cho thấy các bước đánh dấu cột mốc mới trong việc xây dựng trên hai đảo Bắc và đảo Cây (hoặc đảo Cù Mộc) thuộc nhóm đảo An Vĩnh, quần đảo Hoàng Sa", Giáo sư Carl Thayer cho biết.
Các đường băng trên đảo Phú Lâm có thể phục vụ những loại máy bay chiến đấu như Su-27, Su-30, máy bay ném bom H-6 và máy bay vận tải lớn, theo ông Thayer.
Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc dường như đang ngày càng công khai việc quân sự hóa của họ. Giáo sư Carl Thayer khẳng định việc triển khai tên lửa HQ-9 là một minh chứng rằng Trung Quốc có thể làm điều tương tự ở quần đảo Trường Sa trong thời gian ngắn, lấy lý do là đối phó mối đe dọa từ phía Mỹ.
Một khu trục hạm của Hải quân Mỹ. Trung Quốc sẽ dùng lý do "mối đe dọa từ Mỹ" để đẩy mạnh quân sự hóa trên Biển Đông - Ảnh: Bloomberg
Nhận định trên hợp lý với những lập luận trong bài viết ngày 18.2 của Global Timeskhi cho rằng: "Đối mặt với những hành động khiêu khích thường xuyên sắp tới từ quân đội Mỹ, Trung Quốc nên tăng cường khả năng phòng vệ trong các đảo thuộc Hoa Nam (Biển Đông - NV). Việc triển khai hệ thống phòng thủ không thuộc lĩnh vực quân sự, vì quân sự hóa một hòn đảo có nghĩa là chúng được dựng thành một pháo đài có thể làm tiền đồn cho các cuộc xung đột quân sự".
Global Times đề cập tới việc Mỹ đưa tàu chiến vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây phi pháp trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, báo Trung Quốc cũng nhắc tới trường hợp đảo Guam được Mỹ triển khai tàu ngầm, hệ thống tên lửa nhằm "ngăn chặn Trung Quốc, biến thành trụ cột mới trong việc răn đe quân sự của Mỹ ở Thái Bình Dương".
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Chuyên gia cảnh báo nguy cơ Trung Quốc đưa tên lửa diệt hạm ra Biển Đông Trung Quốc sẽ tăng cường hoạt động quân sự và triển khai tên lửa diệt hạm ra Biển Đông nếu căng thẳng giữa nước này với Mỹ tiếp tục leo thang, các nhà quan sát quân sự cảnh báo. Xe chở dàn phóng tên lửa diệt hạm của Trung Quốc diễu hành trên Thiên An Môn, Bắc Kinh ngày 3.9.2015 - Ảnh: AFP...