Australia lên kế hoạch phân phối vaccine ngừa COVID-19 từ tháng 3/2021
Chính phủ Australia vừa hoàn tất ký kết hợp đồng với các công ty phân phối, hậu cần và công ty theo dõi tiến độ phân phối vaccine ngừa bệnh COVID-19 tại nước này kể từ tháng 3/2021, trong đó nhóm đối tượng ưu tiên là nhân viên y tế và người cao tuổi.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, công ty chuyển phát nhanh DHL và chuỗi cung ứng hậu cần Linfox sẽ chịu trách nhiệm phân phối vaccine, đồng thời làm việc với Bộ Y tế Australia để thiết kế và vận hành mạng lưới phân phối quốc gia, bao gồm cả việc đảm bảo để vaccine có thể đến được với những người dân ở các khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa.
Vaccine phòng COVID-19 do hãng Pfizer/BioNTech phát triển. Ảnh: THX/TTXVN
Các công ty này cũng được yêu cầu phải theo dõi và báo cáo nhiệt độ bảo quản của vaccine vào mọi thời điểm. Tiêu chuẩn nhiệt độ bảo quản phải đảm bảo trong khoảng từ 2 – 8 độ C đối với loại vaccine có tiêu chuẩn chuỗi lạnh và dưới -70 độ C đối với vaccine của hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech trong suốt quá trình vận chuyển và phân phối.
Dự kiến, vaccine của hãng Pfizer/BioNTech sẽ là loại vaccine được triển khai đầu tiên tại Australia, do đã trải qua đầy đủ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và cho kết quả rất khả quan. Canberra khẳng định sau khi được các cơ quan quản lý thuốc, Cục Quản lý Sản phẩm Điều trị (TGA) Australia chấp thuận, nước này có thể bắt đầu tiến trình phân phối 10 triệu đơn vị vaccine đầu tiên từ tháng 3/2021. Trước đó, Chính phủ Australia đã cam kết đảm bảo hơn 117 triệu liều vaccine khác nhau, phân phối rộng rãi trên cả nước, trong đó mỗi người dân sẽ phải tiêm đủ 2 liều để đảm bảo hiệu quả phòng bệnh.
Công ty kiểm toán tài chính PwC sẽ là đối tác chương trình phân phối triển khai vaccine của Bộ Y tế Australia, trong khi công ty dịch vụ chuyên nghiệp Accenture sẽ thiết kế và triển khai phần mềm cần thiết để theo dõi tiến trình vận hành ở các giai đoạn khác nhau trong chuỗi phân phối.
Ngày 24/12, Bộ trưởng Y tế Grey Hunt cho biết có “3 giai đoạn quan trọng” trong việc triển khai vaccine, bao gồm đánh giá dựa trên dữ liệu từ các công ty phát triển vaccine, vận chuyển và phân phối. Ông khẳng định hiện Australia đang đi đúng hướng và trước kế hoạch. Mặc dù vậy, cần phải đặt yếu tố an toàn lên trước tiên và đảm bảo để mọi người dân Australia đều có thể tiếp cận với vaccine.
Tính đến sáng 24/12 (giờ Việt Nam), Australia ghi nhận 28.258 trường hợp mắc COVID-19 (tăng 20 trường hợp trong 24 giờ qua), trong số đó có 908 trường hợp tử vong.
Hơn 1 triệu người dân Mỹ đã được tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn số liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết hơn 1 triệu người ở nước này đã được tiêm mũi đầu tiên của vaccine ngừa bệnh COVID-19.
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Los Angeles , Mỹ, ngày 18/12/2020. Ảnh: THX/TTXVN
Theo CDC, tính đến sáng 23/12 (theo giờ Mỹ), có ít nhất 1.008.025 người Mỹ đã được tiêm mũi đầu. Trong khi đó, gần 9,5 triệu liều đã được phân phối. Hai loại vaccine hiện đang được lưu hành tại Mỹ là loại vaccine do hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp sản xuất và vaccine của Moderna (Mỹ). Cả hai loại vaccine này đều cần tiêm đủ hai mũi, mỗi mũi cách nhau khoảng 3 tuần.
Truyền thông Mỹ nhận định việc thúc đẩy vaccine tại Mỹ đánh dấu sự bắt đầu chấm dứt đại dịch COVID-19. Các chuyên gia y tế ước tính khoảng 70% dân số Mỹ sẽ cần phải tiêm phòng để đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng. Các đợt tiêm chủng ban đầu được thực hiện khi nước Mỹ đang bước vào giai đoạn được dự đoán là nguy hiểm nhất của đại dịch, kể từ khi bùng phát dịch hồi đầu năm nay. Các chuyên gia cảnh báo số ca mắc bệnh sẽ tăng đột biến sau lễ Giáng sinh, trong bối cảnh nước Mỹ hiện ghi nhận khoảng 3.000 ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày.
Giới chức Mỹ khuyến cáo người dân cần tiếp tục tuân thủ các hướng dẫn về sức khỏe ngay cả khi được tiêm vaccine. Theo bà Rochelle Walensky - người được Tổng thống đắc cử Joe Biden đề cử cho vị trí điều hành CDC - nhấn mạnh một mặt cần đảm bảo rằng ngày càng có nhiều người Mỹ được tiêm vaccine hơn, mặt khác chính quyền không thể bỏ qua các biện pháp phòng ngừa hiện nay.
Dược sĩ Israel nhập viện vì vô tình tiêm vaccine ngừa COVID-19 quá liều Một dược sĩ Israel sau khi bị nhầm lẫn tiêm 4 liều vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer đã được đưa vào bệnh viện để các y bác sĩ theo dõi. Một lọ chứa vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer tại Ramat Gan, Israel ngày 19/12. Ảnh: Reuters Trả lời truyền thông Israel, anh Uday Azizi cho biết sau vài giờ khi được tiêm vaccine,...