Australia khẳng định có thể điều trị hội chứng đông máu hiếm gặp liên quan đến vaccine AstraZeneca
Các bác sĩ Australia mới đây khẳng định có thể phát hiện và điều trị hội chứng đông máu hiếm gặp, còn được gọi là huyết khối kèm hội chứng giảm tiểu cầu (TTS), liên quan đến vaccine AstraZeneca.
Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo các bác sĩ, hội chứng TTS hết sức bất thường vì gây ra cả cục máu đông và lượng tiểu cầu thấp trong máu, tuy nhiên cho đến nay, tỷ lệ tử vong do TTS đã giảm xuống ở châu Âu, nơi lần đầu tiên phát hiện hội chứng này. Trong khi đó tại Australia, tính đến cuối tuần trước, nước này ghi nhận 31 ca mắc TTS và 10 ca bị nghi ngờ xuất hiện hội chứng trên.
Trong số này, 23 ca đã xuất viện và đang hồi phục, 4 ca cần được chăm sóc thêm và 13 người vẫn đang nằm viện. Cũng theo những bác sĩ trên, có hai lý do để khẳng định có thể điều trị được TTS, trước hết là vì các bác sĩ đã phát hiện nhiều ca mắc TTS hơn do tầm soát tốt hơn, điều này cho thấy hội chứng này phổ biến hơn, nhưng gây ít tử vong hơn so với đánh giá ban đầu. Lý do thứ hai là các phương pháp điều trị chứng bệnh trên đã được cải thiện.
Bác sĩ Huyền Trần, trưởng đơn vị huyết khối và cầm máu của bệnh viện Alfred, thành phố Melbourne, đồng thời là thành viên của Hiệp hội huyết khối và đông máu của Australia và nhóm công tác điều tra hội chứng của Australia và New Zealand, khẳng định “Chúng tôi có thể nhận ra, chẩn đoán và điều trị TTS”. Giáo sư Trần, người đã trực tiếp tham gia vào việc chăm sóc hầu hết bệnh nhân TTS ở bang Victoria, lý giải các bệnh lý mới phát hiện luôn có tỷ lệ tử vong cao hơn, nhưng sau đó tỷ lệ tử vong sẽ giảm mạnh.
Video đang HOT
Cũng về vấn đề này, ông Paul Monagle, giáo sư thuộc Đại học Melbourne nhận xét nhìn vào dữ liệu từ nước ngoài, tỷ lệ tử vong do TTS đang giảm xuống, hầu hết đều xuống mức 10% và tỷ lệ này sẽ còn tiếp tục giảm thêm. Theo chuyên gia y tế trên, đây không phải là căn bệnh thảm khốc như đánh giá ban đầu, song còn rất nhiều việc phải làm để xác định rõ nguyên nhân gây ra TTS.
Để điều trị hội chứng TTS hiếm gặp, các bác sĩ Australia đang sử dụng phương pháp tiêm kháng thể lấy từ máu của những người hiến tặng. Phương pháp điều trị này, được gọi là globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch, đã được chứng minh là có hiệu quả trong điều trị các rối loạn đông máu tự miễn dịch tương tự.
Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua, nhóm Cố vấn Kỹ thuật Tiêm chủng (ATAGI) ở Australia đã đưa ra kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine Pfizer cho những người dưới 50 tuổi do có bằng chứng cho thấy người trẻ tuổi có nguy cơ cao hơn về mắc hội chứng TTS. Tại thời điểm đó, dựa trên dữ liệu ở nước ngoài, nhóm cố vấn này ước tính nguy cơ bị mắc TTS là từ 4-6 ca/một triệu người với tỷ lệ tử vong là 25%, có nghĩa là 1/4 người mắc hội chứng này có thể sẽ tử vong. Quyết định trên của ATAGI được đưa ra dựa trên tính toán cân bằng giữa rủi ro, bao gồm cả tỷ lệ tử vong 25% và lợi ích.
Tỷ lệ tử vong do TTS ở Australia hiện nằm trong khoảng từ 2,4 đến 3,2%. Tuy nhiên, số người được tiêm chủng phòng COVID-19 ở nước này vẫn ít hơn nhiều so với các nước khác. Nước này cũng hiện khuyến cáo không tiêm vaccine AstraZeneca cho những người dưới 50 tuổi.
Thái Lan điều chỉnh kế hoạch tiêm chủng
Giới chức Thái Lan ngày 26/5 cho biết, nước này sẽ sửa đổi chiến lược tiêm chủng quốc gia, đặt trọng tâm vào các vùng và lĩnh vực bị ảnh hưởng nhất và nơi các ổ dịch có nhiều khả năng xuất hiện nhất, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm phòng thấp trong khi đất nước đang đối mặt với đợt bùng phát dịch nghiêm trọng.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 12/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Lực lượng phản ứng nhanh chống COVID-19 của chính phủ cho biết chiến lược tiêm chủng sẽ ưu tiên "tâm dịch" Bangkok và các tỉnh lân cận, các điểm nóng du lịch, các công trình xây dựng và những người có nguy cơ lây lan virus như các nhân viên vận tải công cộng. Chính phủ Thái Lan mới đây cũng đã quyết định kéo dài thời gian tiêm liều thứ hai của vaccine AstraZeneca lên 16 tuần, thay vì 10 tuần như trước đây, nhưng khẳng định việc trì hoãn sẽ không gây bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào đến phản ứng miễn dịch với COVID-19.
Dự kiến, Thái Lan sẽ bắt đầu tiêm chủng đại trà từ tháng tới và trong số hơn 66 triệu dân đến nay mới chỉ 2,5 triệu người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) cảnh báo tình trạng thiếu hụt vaccine có thể ảnh hưởng đến kế hoạch tiêm chủng quốc gia. FTI kêu gọi chính phủ cho phép các công ty tư nhân nhập khẩu thêm vaccine từ nhiều nhãn hiệu khác nhau, trong khi những tin tức gần đây cho thấy một số bệnh viện đã đình chỉ việc tiêm chủng bằng vaccine AstraZeneca do tình trạng khan hiếm vaccine này.
Chủ tịch FTI Supant Mongkolsuthree hy vọng tình trạng khan hiếm vaccine chỉ là một vấn đề ngắn hạn và các nhà chức trách có thể giải quyết. FTI đặc biệt lo lắng về tình trạng thiếu hụt trong tháng 6 khi chính phủ có kế hoạch tiêm khoảng 10 triệu liều mỗi tháng. Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul đã trấn an dư luận, khẳng định rằng Chính phủ Thái Lan sẵn sàng khởi động một chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 lớn như đã hứa từ ngày 7/6 bằng vaccine của hãng AstraZeneca.
Hiện Thái Lan đã phê duyệt sử dụng 4 loại vaccine ngừa COVID-19 của các hãng AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinovac và Moderna. Hiệp hội Bệnh viện Tư nhân (PHA) hy vọng vaccine Moderna sẽ có sẵn cho các khách hàng tư nhân ở Thái Lan vào quý 3 năm nay.
Ngày 26/5, Thái Lan ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao nhất từ trước đến nay, với 41 ca trong 24 giờ qua. Kể từ đầu dịch, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 137.894 ca nhiễm, trong đó có 873 người không qua khỏi.
Trong một diễn biến khác, công ty AstraZeneca của Anh/Thụy Điển và tập đoàn sản xuất ống tiêm và thiết bị y tế Nipro của Nhật Bản đã ký một thỏa thuận cung cấp vaccine ngừa COVID-19 tại Nhật Bản. Nipro cho biết hợp đồng bao gồm việc đưa vaccine vào lọ và đóng gói, sẽ bắt đầu được thực hiện từ tháng tới.
Nhật Bản đã chính thức phê chuẩn sử dụng vaccine của AstraZeneca ngày 21/5 vừa qua, cùng với vaccine của hãng Moderna. Nước này cũng đã nhất trí mua 120 triệu liều vaccine của hãng
AstraZeneca, đủ để tiêm cho 60 triệu người. Người phát ngôn của hãng AstraZeneca cho biết với thỏa thuận trên, Nipro đã trở thành công ty thứ 3 của Nhật Bản, cùng với Daiichi Sankyo và KM Biologics, phối hợp trong quy trình đóng gói các liều vaccine.
Liều vaccine của AstraZeneca tại Nhật Bản ban đầu sẽ được tách khỏi dung dịch hòa tan nguyên chất nhập khẩu từ Mỹ. Việc cung cấp cho nhu cầu nội địa sẽ dần được chuyển sang cho các nhà sản xuất của Nhật Bản, với khoảng 90 triệu liều sẽ do công ty dược JCR và các đối tác địa phương thực hiện.
Nhật Bản đã bắt đầu tiêm phòng từ giữa tháng 2,và sử dụng các loại vaccine nhập khẩu của hãng Pfizer/BioNTech. Vaccine của Moderna đã được đưa vào sử dụng từ tuần này, cùng thời điểm khai trương các trung tâm tiêm chủng đại trà. Nhưng hiện chưa có kế hoạch sử dụng vaccine của hãng AstraZeneca tại Nhật Bản trong bối cảnh có nhiều lo ngại về các trường hợp xuất hiện huyết khối trên thế giới.
Thái Lan dự tính mua tổng cộng 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 Chính phủ Thái Lan đã đặt mục tiêu mua 100 triệu liều vaccine để tiêm cho 50 triệu người trong tổng dân số khoảng 70 triệu người của Thái Lan nhằm tạo ra khả năng miễn dịch cộng đồng. Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 7/4/2021. (Ảnh: THX/TTXVN) Thủ tướng Thái Lan Prayut...