Australia đạt bước tiến quan trọng trong thúc đẩy Sáng kiến Cảnh sát Thái Bình Dương
Ngày 10/12, Australia đã chính thức khánh thành Trung tâm Pinkenba tại Queensland, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong Sáng kiến Cảnh sát Thái Bình Dương ( PPI).
Cảnh sát đang làm nhiệm vụ tại Australia. Ảnh: THX/TTXVN
Đây là một phần trong nỗ lực tăng cường năng lực thực thi pháp luật và đảm bảo an ninh tại khu vực Thái Bình Dương, với sự hỗ trợ tài chính trị giá 400 triệu đô la từ chính phủ Australia trong vòng 5 năm.
Trung tâm Pinkenba được thiết kế để trở thành một cơ sở đào tạo hiện đại và là trụ sở điều phối của Nhóm Hỗ trợ cảnh sát Thái Bình Dương (PPSG), lực lượng đa quốc gia có nhiệm vụ ứng phó với các tình huống khẩn cấp và hỗ trợ các sự kiện lớn trong khu vực. Các chương trình đào tạo tại đây bao gồm quản lý trật tự công cộng, điều tra, bảo vệ cá nhân, với mục tiêu trang bị cho sĩ quan cảnh sát những kỹ năng cần thiết để đối mặt với các thách thức ngày càng phức tạp.
Video đang HOT
Bên cạnh vai trò đào tạo, Trung tâm Pinkenba còn đóng vai trò hỗ trợ các cơ sở huấn luyện an ninh tại Papua New Guinea, Fiji và Samoa, nhằm tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia Thái Bình Dương. Tính đến nay, hơn 200 sĩ quan từ 22 quốc gia thành viên đã tham gia các khóa huấn luyện tại đây, góp phần xây dựng một mạng lưới an ninh khu vực vững chắc và hiệu quả hơn.
Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, Ủy viên Cảnh sát Liên bang Australia ( AFP) Reece Kershaw nhấn mạnh rằng việc xây dựng năng lực thực thi pháp luật là điều kiện tiên quyết để bảo vệ cộng đồng trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng. Đồng thời, ông khẳng định Trung tâm Pinkenba là minh chứng cho cam kết lâu dài của Australia đối với an ninh khu vực thông qua sự đoàn kết và hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong Thái Bình Dương.
PPI không chỉ hướng tới việc nâng cao năng lực cảnh sát mà còn tập trung vào việc đối phó với các vấn đề an ninh nổi cộm như tội phạm có tổ chức, buôn lậu ma túy và các mối đe dọa an ninh mạng. Các quan chức Australia nhấn mạnh rằng sáng kiến này cũng nhằm ngăn chặn nguy cơ từ các lực lượng bên ngoài lợi dụng khoảng trống an ninh trong khu vực để mở rộng ảnh hưởng.
Đặc biệt, cơ sở tại Pinkenba được trang bị công nghệ hiện đại, cho phép mô phỏng các tình huống thực tế để nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm cho sĩ quan. Môi trường đào tạo đa dạng, từ khu vực nhà ở đến các không gian chiến thuật phức tạp, giúp các sĩ quan cảnh sát sẵn sàng đối mặt với nhiều loại hình thách thức khác nhau.
Sáng kiến Cảnh sát Thái Bình Dương không chỉ mang ý nghĩa chiến lược trong việc củng cố an ninh khu vực mà còn thể hiện trách nhiệm của Australia đối với cộng đồng Thái Bình Dương. Với sự hỗ trợ từ PPI, các quốc gia thành viên sẽ có thêm nguồn lực và chuyên môn để bảo vệ hòa bình và ổn định trong một môi trường an ninh ngày càng phức tạp và biến động.
Australia: Xem xét phạt nặng mạng xã hội nếu không có biện pháp bảo vệ trẻ em
Chính phủ Australia đã đưa ra dự luật mới, theo đó các nền tảng mạng xã hội có thể bị phạt lên đến 50 triệu đô la Australia (khoảng 32,5 triệu USD) nếu không có biện pháp ngăn chặn trẻ dưới 16 tuổi truy cập vào nền tảng của họ.
Biểu tượng Instagram, Facebook và WhatsApp. Ảnh minh họa: Kyodo/TTXVN
Theo dự luật được chính phủ đệ trình lên Quốc hội ngày 21/11, các nền tảng mạng xã hội như X, Tiktok, Facebook hay Instagram được yêu cầu bảo mật chặt chẽ và xóa mọi thông tin xác minh về độ tuổi mà các nền tảng này thu thập được.
Bộ trưởng Truyền thông Australia Michelle Rowland nhấn mạnh rằng mục tiêu của dự luật là bảo vệ sự an toàn và sức khỏe tinh thần của trẻ em. Bà cho biết trách nhiệm thuộc về các nền tảng mạng xã hội chứ không phải cha mẹ hay trẻ em.
Tuy nhiên, bà Rowland cũng lưu ý một số công ty như YouTube sẽ được miễn quy định trên vì thanh thiếu niên có thể cần sử dụng cho mục đích học tập hoặc các lý do khác. Ngoài ra, nền tảng nhắn tin WhatsApp và một số trò chơi trực tuyến khác cũng được miễn.
Nếu được thông qua, các nền tảng mạng xã hội sẽ có thời hạn 1 năm để tìm cách triển khai và thực hiện quy định trên. Các công ty truyền thông xã hội cho biết họ sẽ tuân thủ quy định mới, song cảnh báo chính phủ nên tránh hành động quá nhanh mà không có sự tham vấn phù hợp.
Một số nhà phân tích cũng bày tỏ nghi ngờ tính khả thi của dự luật. Chuyên gia Katie Maskiell tại Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ở Australia đánh giá dự luật được đề xuất không phải là "giải pháp toàn diện" trong việc bảo vệ trẻ em vì văn kiện này có nguy cơ khiến giới trẻ chuyển sang sử dụng "những không gian trực tuyến bí mật và không được quản lý". Bà này kêu gọi cần phải hành động nhiều hơn nữa trong vấn đề này.
Từng được ca ngợi là phương tiện để duy trì kết nối và cập nhật thông tin nhanh chóng, các nền tảng mạng xã hội đã bị hoen ố hình ảnh vì vấn nạn bắt nạt trên mạng, việc lan truyền nội dung bất hợp pháp và các khiếu nại can thiệp bầu cử. Một số quốc gia đã thắt chặt quyền truy cập của trẻ em vào các nền tảng mạng xã hội. Điển hình như Tây Ban Nha đã thông qua một dự luật vào tháng 6, theo đó trẻ dưới 16 tuổi bị cấm truy cập vào mạng xã hội. Ngoài ra, tại bang Florida của Mỹ, trẻ dưới 14 tuổi cũng sẽ bị cấm mở tài khoản mạng xã hội theo luật mới dự kiến có hiệu lực vào tháng 1/2025.
Rạn san hô Great Barrier đối mặt với tình trạng san hô chết hàng loạt tệ nhất trong lịch sử Ngày 19/11, nghiên cứu của Viện Khoa học Hàng hải Australia tiết lộ một số khu vực của Rạn san hô Great Barrier đang phải chịu tỷ lệ tử vong cao nhất trong lịch sử, trong khi các nhà khoa học lo ngại phần còn lại của rạn san hô này có nguy cơ chịu chung số phận. Rạn san hô Great Barrier...