Australia – ‘cơn sóng mới’ trong cuộc chạy đua vũ trang châu Á
Châu Á hiện là khu vực có mức chi tiêu quân sự dẫn đầu thế giới. Trong đó, doanh thu bán vũ khí cho châu Á và châu Đại Dương hiện chiếm 47% khối lượng giao dịch vũ khí toàn cầu.
Theo tạp chí The Diplomat, mức chi tiêu quân sự của các quốc gia nằm trong và gần khu vực Biển Đông hiện đang là điểm nóng được quan tâm đặc biệt. Theo đó, Ấn Độ và Pakistan đã không ngừng tăng số lượng vũ khí nhập khẩu. Australia cũng không nằm ngoài xu hướng tăng ngân sách quốc phòng này.
Những số liệu mới được Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố cho thấy số lượng vũ khí nhập khẩu của Australia đã tăng 83% trong vòng nửa thập kỷ tính tới năm 2013. Theo đó, Australia hiện là quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn thứ 7 trên thế giới.
Xe bọc thép nội địa Bushmaster của Australia từng tham gia tại chiến trường Iraq và Afghanistan.
Trong bối cảnh chính phủ tại nhiều quốc gia khác cắt giảm đáng kể khoản chi tiêu ngân sách quốc phòng, Thủ tướng Australia Tony Abbott lại quyết định tăng khoản chi tiêu quân sự thêm 6% lên mức 1,4 tỷ USD. Thậm chí, Thủ tướng Abbott còn thông báo Australia sẽ mua thêm 58 chiến đấu cơ tối tân F-35 của Mỹ.
Phần lớn những loại vũ khí quan trọng được Australia nhập khẩu từ Mỹ. Ngoài tiêm kích F-35 được dự kiến đi vào biên chế lực lượng không quân Australia vào năm 2020, quốc gia này hiện còn sở hữu 8 máy bay trinh sát Poseidon, 2 tàu tấn công đổ bộ và 7 máy bay không người lái trinh sát Triton đặt mua của Mỹ. Theo đó, lượng vũ khí Australia đặt mua hiện chiếm 10% tổng doanh thu xuất khẩu vũ khí của Mỹ
Video đang HOT
Không chỉ tăng khoản chi nhập khẩu vũ khí, Australia cũng đang chú trọng tới ngành sản xuất vũ khí nội địa. Hiện tại, Australia đã quyết định chi 26 tỷ USD để đóng 3 tàu khu trục vào năm 2015 và 12 tàu ngầm chạy bằng năng lượng điện – diesel.
Theo kế hoạch, 12 chiếc tàu ngầm sẽ được hoàn thành vào năm 2030 và cải thiện dự án tàu ngầm lớp Collins mà Hải quân Hoàng gia Australia đang sử dụng.
Gần đây, Australia đã bán 4 xe bọc thép Bushmaster nội địa cho Nhật Bản. Trước đó, Bushmaster đã được Lực lượng Quốc phòng Australia sử dụng nhiều lần tại chiến trường Iraq và Afghanistan.
Cho tới nay, hơn 1.000 chiếc Bushmaster đã được Australia sản xuất và bán ra nước ngoài. Trong đó, Hà Lan và Jamaica là 2 quốc gia mới đặt mua các xe bọc thép Bushmaster của Australia.
Lâu nay, Australia là đất nước có lịch sử tự sản xuất các vũ khí loại nhỏ cho Lực lượng Quốc phòng quốc gia và chủ yếu thông qua nhà máy Lithgow, vốn được tư nhân hóa hồi năm 2006.
Trong bối cảnh tình hình căng thẳng an ninh leo thang và mức chi tiêu quốc phòng tăng nhanh chóng tại khu vực, Australia sẽ tận dụng cơ hội này để tìm kiếm các khách hàng tiềm năng nằm trong danh sách đồng minh để tăng doanh thu xuất khẩu vũ khí.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ The Diplomat, tạp chí có trụ sở ở Tokyo, chuyên về chính trị, văn hóa và xã hội tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Theo Infonet
Đông Bắc Á đang biến thành thùng thuốc súng
Kẹt trong một cuộc chạy đua vũ trang mới, Đông Bắc Á đang biến thành một thùng thuốc súng.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố trong cuộc họp quốc hội ở Bắc Kinh hôm 5/3 rằng chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc năm nay tăng 12,2%, lên 808,2 tỷ NDT.
Trung Quốc tăng chi tiêu quốc phòng hơn 10% mỗi năm kể từ 1989, ngoại trừ năm 2010, chỉ tăng 7,5% do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Với tốc độ này, Trung Quốc được dự báo là vượt Mỹ để đứng thứ 1 thế giới về chi tiêu quốc phòng vào năm 2032.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ công bố bản xem xét chi tiêu quốc phòng 4 năm một lần hôm 4/3 với kế hoạch tăng cường sự hiện diện hải quân ở khu vực châu Á Thái Bình Dương từ mức 50% như hiện nay lên 60% vào năm 2020.
Nhật cũng nâng chi tiêu quốc phòng hàng năm trong hai năm qua. Năm 2013, lần đầu tiên trong vòng 11 năm sau khi Thủ tướng Abe nhậm chức, Tokyo tăng ngân sách quốc phòng và ngân sách quốc phòng năm 2014 tăng 2,8%.
Việc tăng chi tiêu đã tái xác nhận sự đối đầu ngày càng tăng giữa Trung Quốc với liên minh Mỹ-Nhật.
Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, chi tiêu quốc phòng hàng năm của các quốc gia trên thế giới thực chất đã giảm vào năm 2012. Đây là lần đầu tiên trong vòng 14 năm con số này tụt xuống khi Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Italia mạnh tay giảm chi. Tuy nhiên, các nước châu Á, đặc biệt là Đông Bắc Á vẫn mắc kẹt trong cuộc chạy đua vũ trang và xu hướng này đe dọa tới hòa bình khu vực.
"Chúng ta sẽ tăng cường toàn diện bản chất cách mạng của lực lượng vũ trang Trung Quốc, tiếp tục hiện đại hóa và nâng cấp khả năng, tiếp tục nâng cao năng lực chiến đấu và bảo vệ trong thời đại thông tin", ông Lý Khắc Cường tuyên bố. Quan chức này cũng cảnh báo Trung Quốc sẽ không bỏ qua những hành động nhằm quay trở lại các bài học lịch sử.
Thủ tướng Trung Quốc dường như đề cập tới Nhật. Trong những năm vừa qua, Trung Quốc và Nhật đã cố tránh các cuộc xung đột liên quan tới đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Hoa Đông. Bất cứ sai lầm nào của mỗi bên đều có thể châm ngòi cho một cuộc đối đầu về quân sự.
Chi tiêu quân sự hàng năm của Hàn Quốc chỉ bằng 1/5 của Trung Quốc và bằng 1/2 những gì Nhật chi tiêu mỗi năm. Năm nay, chi tiêu quốc phòng của Hàn Quốc tăng 3,5% do có nhiều sức ép phải tăng chi tiêu phúc lợi xã hội và củng cố mạng lưới an sinh xã hội. Ngoài ra, theo Hàn Quốc, bước theo con đường của Nhật và Trung Quốc không phải là ý hay.
Lãnh đạo Hàn Quốc cho rằng nước này cần tập trung nhiều hơn vào việc chống lại các mối đe dọa từ Triều Tiên thay vì ganh đua với Trung, Nhật về chi tiêu quốc phòng. Seoul cần có chiến lược quốc gia để đương đầu với các mối đe dọa từ Triều Tiên.
Hoài Linh
Theo_VietNamNet