Ấu dâm, nỗi đau con trẻ, nỗi đau người già
Những nghi can giết người đã trở thành “người tù oan thế kỷ” vì suy đoán có tội, vội vàng, vô trách nhiệm của các điều tra viên.
Câu chuyện một người mẹ quyết tâm đòi công lý cho cô con gái 6 tuổi nghi bị xâm hại tình dục bởi một ông giá 76 tuổi ở Vũng Tàu đang khiến báo chí cũng như mạng xã hội sục sôi. Đó là điều dễ hiểu khi mà nạn ấu dâm là điều có thật, và những lão già mất nết cũng luôn có thật. Song, những nghi can phải đi tù oan vì những bản kết luận điều tra vội vàng cũng là điều có thật.
Ngày 9.8 mới đây, ông lão 80 tuổi Trần Văn Thêm mới thoát khỏi cái án oan giết người kéo dài hơn 40 năm cuộc đời. Đó là câu chuyện về một cuộc đời bị đánh cắp chỉ vì sự thiếu trách nhiệm của những điều tra viên. Những điều tra viên ấy vốn không thù không oán với ông Thêm, họ chỉ vì tin vào suy đoán của mình, và áp lực muốn hoàn thành công việc mà đánh đập buộc người đàn ông ấy phải nhận tội và mang án oan suốt cuộc đời.
Ông Trần Văn Thêm – người tử tù mới được minh oan sau 41 năm mang án tử.
Bi kịch số phận của ông Trần Văn Thêm, cũng như nhiều “người tù thế kỷ” khác trên đất nước này thực ra giống nhau bởi lối suy đoán có tội của những người hành pháp. Tư duy suy đoán có tội là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến oan sai. Và, điều kinh khủng, khi cách nghĩ ấy không chỉ tồn tại ở một vài cá nhân điều tra viên. Tôi kinh hãi khi nhìn thấy cách nghĩ ấy tràn lan trên báo chí, trên mạng xã hội, từ rất nhiều thành phần xã hội, trong nghi án ấu dâm ở Vũng Tàu.
Ông già 76 tuổi ở Vũng Tàu bị một bà mẹ trẻ tố cáo đã có hành vi ấu dâm đối với cô con gái 6 tuổi của mình. Hành vi mà ông lão bị tố cáo không được bắt quả tang. Cho đến lúc này, mọi chứng cứ vẫn chỉ là lời kể của bé gái 6 tuổi, và đơn trình báo một chiều của một người đàn ông nước ngoài. Công an địa phương chưa có đủ căn cứ để khởi tố vụ án. Nhưng, trên báo chí, trên mạng xã hội, ông lão 76 tuổi ấy đã mặc nhiên được coi là một kẻ ấu dâm nguy hiểm, một con ác quỷ đội lốt người. Dù cho nguyên tắc một người chỉ được coi là có tội sau khi tòa tuyên án thì ai cũng hiểu.
Ấu dâm là một chứng bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại. Theo một thống kê của Tổ chức bảo vệ trẻ em thế giới thì tại nước Mỹ, cứ 4 trẻ em gái thì có một em là nạn nhân của những kẻ ấu dâm. Nhưng điều đó không có nghĩa vì ghê sợ nạn ấu dâm mà bất cứ nghi can nào cũng nhanh chóng bị trừng trị, dẫu có đủ chứng cứ hay không.
Điều gì sẽ xảy ra nếu như cơ quan điều tra vội vàng kết luận dựa trên những chứng cứ mong manh, và sức ép của dư luận xã hội về vụ ấu dâm này? Tôi không nghĩ rằng những người cha, người mẹ đang mong muốn bảo vệ con cái mình lại hy vọng có thêm một người tù oan như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, hay Trần Văn Thêm.
Video đang HOT
Xâm hại tình dục trẻ em là một tội ác cần nghiêm trị. Giết người cũng thế. Những nghi can giết người đã trở thành “người tù oan thế kỷ” vì suy đoán có tội, vội vàng, vô trách nhiệm của các điều tra viên. Cho đến lúc này, ông lão 76 tuổi ở Vũng Tàu có thực sự đã xâm hại tình dục với cháu gái hay không, cơ quan công an chưa thể xác định, song dưới sức ép của dư luận, liệu các cán bộ điều tra vụ việc này có áp dụng phương pháp “truyền thống” để buộc tội ông già như cách khiến những “người tù thế kỷ” phải thừa nhận những tội ác mà họ đã không làm?
Nỗi đau của những người tù oan, và nỗi đau của những cô bé là nạn nhân bởi thói ấu dâm, chẳng nỗi đau nào mà không làm tổn thương với lương tri của cộng đồng, theo cách tồi tệ nhất của những vết thương.
Theo Danviet
Hai vụ án oan "đặc biệt" trong lịch sử tố tụng năm 2015
Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén cùng bị cơ quan tố tụng kết án oan nhưng hai ông lại được giải oan "nhờ" hung thủ ra đầu thú
Những cái tên Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén cho ra hàng triệu kết quả tìm kiếm trên Google. Những cái tên gắn với những vụ án oan sai có thể nói đã "ghi dấu ấn đặc biệt" trong lịch sử ngành tố tụng Việt Nam năm 2015. Họ đều bị bắt, bị cáo buộc, bị kết án tù; gia đình, người thân bị mang tiếng, rồi những chuỗi ngày dài đằng đẵng kêu oan, được giải oan, được đền bù tiền tỷ. Điều đáng nói họ được giải oan nhưng không phải do các cơ quan tố tụng phát hiện oan sai.
Ông Nguyễn Thanh Chấn và vợ trong ngày được xin lỗi công khai (Ảnh: Việt Đức)
Được minh oan nhờ hung thủ ra đầu thú
Vụ án oan của ông Nguyễn Thanh Chấn đã tốn không ít giấy mực của báo chí. Năm 2003 tại thôn Me, xã Nghĩa Hưng, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang xảy ra vụ giết người, nạn nhân là chị Nguyễn Thị Hoan. Sau một thời gian truy tìm hung thủ, cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt ông Chấn và kết án chung thân với tội danh giết người, mặc dù ông Chấn đã gắng sức kêu oan. Sau 10 năm tù tội, năm 2013, ông Chấn mới được chính thức minh oan. Điều đáng nói ở đây, không phải các cơ quan tố tụng tìm ra hung thủ thực sự mà do kẻ gây án là Lý Nguyễn Chung ra đầu thú.
Tháng 4/2015, Tòa Phúc thẩm - TAND Tối cao đã tổ chức xin lỗi công khai ông Nguyễn Thanh Chấn tại địa phương. Sau khi được minh oan, ông Chấn và gia đình bắt đầu hành trình đòi bồi thường oan sai. Gia đình ông Chấn đưa ra mức bồi thường 9,3 tỷ đồng. Còn cơ quan tố tụng dựa trên một số quy định đưa ra mức bồi thường gần 600 triệu đồng, tuy nhiên, gia đình ông Chấn không đồng ý vì cho rằng, mức bồi thường đó không còn phù hợp với thực tế cuộc sống hiện nay. Cuối cùng, cơ quan tố tụng và gia đình ông Chấn thống nhất mức bồi thường là 7,2 tỷ đồng.
Có thể nói, câu chuyện oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn đã khép lại khi ngày 16/10/2015, đại diện gia đình ông Chấn cho biết đã nhận được số tiền 7,2 tỷ đồng bồi thường oan sai từ Tòa án Nhân dân Tối cao.
Người duy nhất bị kết án oan 2 lần
Sau hơn 17 năm tù tội, sáng 28/11, người tù oan Huỳnh Văn Nén - người bị kết án với tội danh giết người trong vụ án bà Lê Thị Bông (Tân Minh, Hàm Tân, Bình Thuận) đã được đại diện các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận trao quyết định đình chỉ điều tra bị can. Sáng 3/12, đại diện các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Thuận đã tiến hành xin lỗi công khai ông Huỳnh Văn Nén tại trụ sở UBND thị trấn Tân Minh, thừa nhận những sai sót đã dẫn tới hậu quả nghiêm trọng đó là việc ông Nén bị bắt giam, 2 lần bị oan trong 2 vụ án giết bà Lê Thị Bông (1998) và "kỳ án vườn điều" (1993).
Ông Huỳnh Văn Nén trong ngày được xin lỗi công khai (Ảnh: Việt Quốc)
Cũng giống như trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Nén được minh oan nhờ lá đơn tố cáo của Nguyễn Phúc Thành (SN 1979, ngụ thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), người cũng đang thụ án 18 tháng tù tại Trại giam Sông Cái (Bộ Công an) ở Ninh Thuận. Thành đã tố cáo 2 người bạn của mình là Nguyễn Thọ (SN 1976, ngụ thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) và Hồ Văn Việt (SN 1979, ngụ thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận), dựa trên cơ sở đã được nghe họ kể lại chuyện khi vừa gây án.
Sau này khi Thọ ra đầu thú đã thừa nhận cùng Hồ Văn Việt sát hại bà Lê Thị Bông để cướp tài sản vào tháng 4/1998. Năm 2001, Việt chết do bệnh tật.
Năm ngày sau khi được xin lỗi công khai, ngày 8/12, ông Nén và đại diện gia đình bên vợ ông đã ký vào đơn kiến nghi gửi tới Cục Điều tra - Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và 3 cơ quan tố tụng của tỉnh Bình Thuận (gồm Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Bình Thuận, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Thuận) đề nghị khởi tố vụ án hình sự những người tiến hành tố tụng đã gây oan sai cho ông Nén trong 2 vụ án vườn điều (vụ án bà Dương Thị Mỹ bị giết) và vụ án bà Lê Thị Bông bị giết.
Ông Nén và gia đình đề nghị khởi tố vụ án hình sự đối với những người tiến hành tố tụng (điều tra viên, thủ trưởng cơ quan điều tra ký kết luận điều tra, kiểm sát viên, lãnh đạo Viện Kiểm sát ký cáo trạng, thẩm phán xét xử cấp sơ thẩm) của các cơ quan pháp luật tỉnh Bình Thuận trong 2 vụ án bà Dương Thị Mỹ và Lê Thị Bông theo những tội danh sau: Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282 Bộ Luật Hình sự), Tội truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội (Điều 293 Bộ luật Hình sự), Tội ra bản án trái pháp luật (Điều 295 Bộ luật Hình sự), tội dùng nhục hình (Điều 298 Bộ luật Hình sự), tội bức cung (Điều 299) và tội làm sai lệch hồ sơ vụ án (Điều 300 Bộ luật Hình sự).
Trong đơn, ông Nén và gia đình nêu đích danh hai điều tra viên (Cao Văn Hùng, nguyên Điều tra viên của Công an tỉnh Bình Thuận và ông Đinh Kỳ Đáp, nguyên Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Thuận) là những người đã điều tra vụ án vườn điều và vụ án bà Lê Thị Bông, đề nghị cơ quan có thẩm quyền truy cứu trách nhiệm hình sự những người này vì cho rằng hậu quả do những hành vi mà hai ông này và những người tiến hành tố tụng khác gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.
Ngày 24/12, luật sư và ông Huỳnh Văn Nén đã tới làm việc và gửi đơn kiến nghị tại Cục Điều tra - Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Đại diện cơ quan điều tra thuộc Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết đã chính thức thụ lý đơn yêu cầu khởi tố vụ án hình sự với những người tố tụng vụ án "Vườn Điều" và "bà Bông" tại thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Vào những ngày cuối cùng của năm 2015, ông Nén đã gửi đơn đến TAND tỉnh Bình Thuận và Cục Bồi thường Nhà nước - Bộ Tư pháp xin ứng trước 1 tỷ đồng tiền bồi thường oan sai để trang trải cuộc sống của gia đình, trong khi chờ đợi giải quyết đầy đủ việc bồi thường thiệt hại trong án oan hơn 17 năm.
Theo Luật Bồi thường nhà nước, khi quyết định ông Nén đã bị bắt giam, truy tố, xét xử oan sai tới hai vụ án với 17 năm, 5 tháng, 5 ngày tù, việc bồi thường oan sai cho ông Nén là đương nhiên. So từ việc bồi thường oan sai trong vụ án oan 10 năm của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, chắc chắn số tiền bồi thường cho án oan hơn 17 năm của ông Huỳnh Văn Nén cũng phải là khoản tiền tỷ.
Tuy nhiên, như lời Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) - một trong 7 luật sư tham gia hỗ trợ pháp lý miễn phí cho ông Huỳnh Văn Nén, cho rằng "số tiền đền bù ấy khó bù đắp được những ngày tháng bị ép cung, dùng nhục hình buộc nhận tội "giết người, cướp tài sản" mà ông Huỳnh Văn Nén phải chịu đựng trong hơn 17 năm qua. Không ai muốn bị bắt oan để nhận tiền bồi thường".
Câu chuyện oan sai của ông Huỳnh Văn Nén đã kết thúc. Tuy nhiên, liệu ông có phải mất một "hành trình đòi bồi thường oan sai" như ông Chấn hay không và các cơ quan chức năng sẽ xử lý thế nào đối với những người đã gây oan sai cho ông chắc chắn sẽ còn tốn nhiều giấy mực của báo chí./.
Theo Hà Thanh/VOV.VN
"Siết" một loạt luật để chống làm oan, sai người dân Đẩy nhanh tiến độ giải quyết án hình sự, hạn chế thời hạn tạm giam cá nhân, đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội, không làm oan công dân, đảm bảo quyền, chế độ của người bị giam giữ chờ thi hành án tử hình... là những nội dung thống nhất trong hệ thống luật tố tụng hình sự. Vụ án oan...