Atiso – thương hiệu đặc sản của Đà Lạt
Đà Lạt – xứ sở thông reo sở hữu những đặc quyền thiên nhiên khí hậu ôn hòa, mát mẻ, đủ 4 mùa trong một ngày là điều kiện sinh sống tuyệt vời cho cỏ, cây, hoa, lá.
Cùng với phát triển du lịch cho những người yêu thích sự lãng mạn bình yên, giờ đây Đà Lạt còn khoác cho mình một diện mạo mới với những trang trại rau, hoa công nghệ cao phủ khắp các sườn đồi, thung lũng. Đà Lạt nổi tiếng với rất nhiều sản phẩm như: rau, hoa, mứt và đặc biệt là Atiso. Nhắc đến Đà Lạt không thể không nhắc đến Atiso mà hầu hết tất cả các du khách khi rời khỏi Đà Lạt cũng phải mang theo ít nhất một sản phẩm từ cây Atiso.
Ảnh minh họa
Cây Atiso đang được bà con vùng Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng và vùng Sa Pa, tỉnh Lào Cai đưa vào canh tác rất hiệu quả. Cây Atiso không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn được coi là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người trồng và ngay như ở Đà Lạt – Atiso dường như đã trở thành một đặc sản không thể thiếu trong hành lý của du khách mỗi khi đến với thành phố này.
Atiso là loại cây dược liệu được du nhập vào Đà Lạt từ đầu thế kỷ 20 với những công dụng tuyệt vời cho sức khỏe như hạ cholestorol, chữa các chứng bệnh về gan, thận, hạn chế các điều kiện bệnh lý liên quan đến stress và đặc biệt còn có khả năng phòng tránh các bệnh ung thư. Thực tế không có nhiều loại cây nào mà toàn bộ từ cây, rễ, gốc, thân cho đến lá, hoa đều sử dụng như cây Atiso.
Video đang HOT
Hiện nay diện tích trồng Atiso ở Đà Lạt đã lên đến 100ha, trong đó nhiều vườn đã áp dụng quy trình VietGAP, GACP để cho ra đời sản phẩm chất lượng cao, áp dụng tiêu chuẩn GACP gọn gàng hơn, không sử dụng phân hóa học mà chỉ dùng phân chuồng ủ hoai mục, phun thuốc vi sinh, không dùng thuốc hóa học. Giống Atiso trước kia lấy từ cây con sau này dùng mầm cây làm giống để trồng lại. Thời gian trồng của một cây từ lúc trồng đến lúc thu hoạch 1 vụ và bỏ đi là 6 tháng. Cây Atiso phải trồng đúng vụ và nếu không trồng đúng vụ sẽ bị ủng cây và chết vì cây Atiso vào mùa nắng mới phơi được.
Đà Lạt vào mùa Atiso khắp các nơi, các vườn đồi xanh mướt trải dài tít tắp những nhánh lá khỏe khoắn vươn dài trong nắng hứa hẹn một vụ Atiso bội thu. Thường Atiso thu hoạch 6 lứa lá thì để cây nuôi hoa và một cây có rất nhiều bông hoa, có những bông hoa có đường kính trên 10cm, khi thu lá Atiso trong vòng 24 giờ sẽ phải đưa đến nhà máy để chế biến. Cùng với việc áp dụng quy trình trồng theo quy chuẩn thì việc liên kết sản xuất ngày càng được mở rộng để đảm bảo ổn định đầu ra cho người trồng cũng như chất lượng đầu vào cho các doanh nghiệp chế biến.
Hiện nay theo tính toán của các nhà vườn, bình quân 1ha có 20.000 cây Atiso và mỗi cây thu 1kg hoa tươi, 15-17 kg lá, khoảng 0,5 kg thân, rễ khô, giá thấp nhất cũng được 100.000 đồng/cây và như vậy 1ha trồng Atiso có thể cho thu nhập tiền tỷ. Lá Atiso sau khi thu hái sẽ được đưa về các công ty thu mua để chế biến một số công ty lớn như Ladophar đã áp dụng bộ tiêu chuẩn GACP WHO cho toàn bộ quá trình sản xuất, chế biến.
GACP WHO là các nguyên tắc thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới. Toàn bộ quá trình sản xuất được thực hiện nghiêm ngặt với hệ thống trang thiết bị hiện đại. Các sản phẩm từ Atiso rất đa dạng ngoài trà Atiso túi lọc nổi tiếng còn có các dạng cao Atiso, hoa Atiso tươi ở dạng đông lạnh hay mới lạ như trà lá Atiso tươi của công ty Ladophar được tiêu thụ rất mạnh. Ở Đà Lạt có nhiều hộ đã làm giàu từ Atiso.
Atiso không chỉ là thương hiệu đặc sản của Đà Lạt mà còn là sản phẩm thế mạnh của ngành trà Lâm Đồng – địa phương duy nhất trên cả nước phát triển trà Atiso. Năm 2013 Atiso Đà Lạt trở thành một trong ba sản phẩm của Lâm Đồng được bình chọn trong Top 50 đặc sản quà tặng nổi tiếng Châu Á và lọt vào Top 50 các món ăn, trái cây đặc sản Việt Nam sách kỷ lục guinnes Việt Nam ghi nhận.
Theo Danviet
Thu tiền tỷ mỗi năm từ trồng cây atiso
Hiện toàn huyện Sa Pa (Lào Cai) có hơn 70 ha diện tích cây atiso cho thu hoạch gần 4.000 tấn lá tươi, đem lại nguồn thu gần 8 tỷ đồng/năm.
Nằm ở độ cao từ 1.500 - 1.800 mét, khí hậu ôn đới với nhiệt độ trung bình từ 15 - 18 độ C, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai có nhiều lợi thế để phát triển các loại cây dược liệu bản địa. Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân ở vùng cao này đã phát triển một số các loại cây thuốc quý như đương quy, bạch chuột, mộc hương, tam thất, đỗ trọng... cung cấp nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất thuốc trong nước.
Từ việc bán lá tươi, người trồng atiso ở Sa Pa thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.
Gia đình ông Má A Sinh là một trong những hộ trồng nhiều atiso nhất ở xã Sa Pả. Loại cây này không chỉ cho gia đình thu hoạch lá, mà thân, củ và hoa cũng đem lại nguồn thu đáng kể. Được hướng dẫn kỹ thuật và có công ty nhận bao tiêu sản phẩm, ông Sinh rất yên tâm chăm sóc 3 ha dược liệu.
"Gia đình trồng 3 ha cây atiso, theo tính toán của gia đình, trừ chi phí mỗi năm gia đình cũng có thu nhập 300 triệu đồng", ông Sinh tự tin cho biết.
Atiso là loại cây đem lại nguồn thu nhập khá, giúp nhiều hộ dân ở Sa Pa vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Nhận thấy rõ tiềm năng kinh tế từ cây atiso, huyện đã đưa loại cây trồng này vào danh mục cây trồng dược liệu chủ đạo.
Hiện toàn huyện có hơn 70 ha cây atiso. Trung bình mỗi năm bà con thu hoạch gần 4.000 tấn lá tươi, đem lại nguồn thu gần 8 tỷ đồng. Cây atiso có thị trường bao tiêu ổn định do Công ty cổ phần Traphaco cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân. Để đáp ứng đủ việc tiêu thụ atiso và một số cây dược liệu khác trên địa bàn huyện, Công ty Traphaco Sa Pa đã được đầu tư, lắp đặt các công nghệ dây chuyền tiên tiến.
Ông Đỗ Tiến Sỹ, Giám đốc Công ty Traphaco Sa Pa cho biết, trong nhiều năm gần đây, công ty đã tích cực và chủ động trong việc liên kết 4 nhà, qua đó cùng đồng hành với bà con nông dân, phối hợp với địa phương quy hoạch vùng trồng phát triển dược liệu, làm sao mỗi cây dược liệu có định hướng tại một địa điểm trồng một cách cụ thể, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng của cây dược liệu.
Phát huy lợi thế về khí hậu và đất đai, từ năm 2015, huyện Sa Pa đã triển khai dự án trồng 4, 5 ha cây đương quy, tam thất cho một số hộ dân tại xã Sa Pả và khu vực thị trấn Sa Pa. Để khuyến khích, mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, huyện đã có nhiều chính sách, xây dựng các kế hoạch phát triển, quy hoạch vùng trồng cây dược liệu.
Bà Trần Thị Lan Hương, Phó trưởng phòng Kinh tế huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai cho biết, trong giai đoạn từ năm 2015 - 2020, huyện Sa Pa chú trọng phát triển vùng cây dược liệu lên 200 ha. Đối với các diện tích cây dược liệu khác, huyện tuyên truyền, vận động cho các hộ dân tiến hành trồng theo đúng quy hoạch, không phát triển ồ ạt để nhằm tiêu thụ hết sản phẩm cho nông dân.
Việc quy hoạch, mở rộng diện tích trồng dược liệu trong giai đoạn tiếp theo trên cùng cao Sa Pa là hết sức cần thiết, nhằm thay đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng nông thôn mới tại nhiều xã khó khăn của Sa Pa.
Theo Thanh Thủy (VOV)