Assassin’s Creed IV: Black Flag – Freedom Cry: Tiếng gọi của tự do
Một bản DLC chuẩn mực với cốt truyện tươi mới và gameplay cải tiến từ phiên bản gốc.
Câu chuyện của Freedom Cry bắt đầu 15 năm sau những sự kiện xảy ra trong Assassin’s Creed IV: Black Flag và đưa người chơi nhập vai Adewale, thuyền phó thân cận một thời của Edward Kenway nhưng nay đã trở thành thành viên của hội Sát thủ.
> Xem video giới thiệu Assassin’s Creed IV: Black Flag – Freedom Cry
Khoảng thời gian hơn một thập kỉ chia cách giữa game gốc và phiên bản DLC này đã cắt đứt gần như mọi mối liên hệ giữa hai nhân vật chính nói trên, bởi vậy bạn có thể “nhảy cóc” sang Freedom Cry bất cứ lúc nào kể cả khi chưa hoàn thành mục chơi theo cốt truyện của Black Flag. Tuy vậy, có lẽ bạn sẽ muốn mài giũa kĩ năng “thực chiến” của mình một chút với Black Flag trước khi chuyển sang Freedom Cry bởi những thách thức của bản DLC này đến ngay từ những giây phút đầu tiên.
Ở trường đoạn mở đầu của Freedom Cry, Adewale, giờ đã là một thành viên chính thức của hội Sát thủ, đang đuổi bắt một kẻ thuộc phe Templar và gói đồ bí ẩn mà hắn đang sở hữu. Adewale chiếm được gói đồ đó nhưng rồi sóng to gió lớn lại khiến con tàu của anh bị đắm giống như Edward Kenway trước đây, đánh dạt anh vào rìa thành phố Port-au-Prince, nơi anh tìm ra một nghĩa vụ cao cả hơn rất nhiều so với cuộc đụng độ bất diệt giữa hai phe phái Assassin và Templar. Việc giải đáp những bí ẩn xoay quanh gói đồ của phe Templar bỗng chốc trở thành thứ yếu so với việc giải phóng nô lệ và giúp họ xây dựng một đội quân kháng chiến bí mật mang tên The Maroons.
Mặc dù rất nhiều hoạt động gameplay đặc sắc từng góp mặt trong Black Flag như đánh bắt cá, lặn tìm kho báu… cũng quay trở lại trong Freedom Cry, nhưng trọng tâm của bản DLC này nằm ở những hoạt động hoàn toàn mới liên quan tới việc phóng thích nô lệ. Dạo quanh đường phố của Port-au-Prince bạn có thể bắt gặp đám đầy tớ đang chạy trốn khỏi những tay buôn nô lệ, và trong tình huống này, lấy mạng những tay buôn đó sẽ đem lại tự do cho đám đầy tớ khốn khổ kia.
Những hoạt động khác, chẳng hạn như giải phóng nô lệ đang bị đem ra đấu giá (bằng cách giết chết tất cả lính gác hoặc “khôn khéo” hơn một chút, đút lót tên lính “chủ trì” một khoản tiền nhỏ) hay thả họ khỏi cũi sắt, đòi hỏi người chơi phải có những kĩ năng nhất định nếu muốn hoàn thành bởi nhiều nô lệ hơn cũng đồng nghĩa với việc có nhiều lính canh gác hơn, bao gồm cả những tay lính giám sát (overseer) to lớn (một phiên bản khác của lính brute trong Black Flag). Bản thân người chơi cũng phải tự đề cao cảnh giác bởi những tên cai ngục đi tuần quanh các đường phố (được hiển thị bằng mũi tên màu đỏ với vòng tròn lớn màu vàng bao quanh) sẽ tống cổ bất cứ kẻ nào có làn da màu vào ngục tù xiềng xích, bao gồm cả Adewale. Đây là điều tương đối phiền phức, đặc biệt là nếu như bạn đang làm nhiệm vụ bám đuôi một mục tiêu nào đó.
Bên ngoài phạm vi thành phố Port-au-Prince, có vô số cơ hội để người chơi giải phóng nhiều nô lệ hơn nữa, thông qua việc đánh chiếm tàu buôn nô lệ trên biển hoặc đột kích vào những khu đồn điền trên các hòn đảo nhỏ. Việc đánh chiếm các tàu buôn nô lệ tỏ ra tương đối thử thách bởi bạn vừa phải đánh bại đoàn tàu hộ tống được vũ trang “đến tận răng” (thường bao gồm 3 – 4 Schooner và một vài “tiểu yêu” Gunboat), lại vừa phải tránh không để “tên bay đạn lạc” làm hư hại đến chính những con tàu buôn và kho hàng hóa chất đầy người của chúng. Bạn cần phải giữ khoảng cách với đoàn tàu tùy tùng, đồng thời giã xuống đầu chúng những loạt mưa đạn súng cối và tìm cách tách chúng ra để có thể “xử lí” từng tàu một.
Video đang HOT
Đột kích đồn điền cũng khó khăn chẳng kém bởi những đồn điền này luôn lúc nhúc lính gác và nếu như bạn bất cẩn để chúng rung chuông báo động, chúng sẽ phớt lờ bạn và quay sang tàn sát chính những nô lệ mà bạn đang cố gắng giải cứu. Thậm chí khó khăn đã đeo bám bạn ngay từ công đoạn đột nhập vào các đồn điền này rồi vì khu vực bến tàu của một số hòn đảo sẽ được canh giữ bởi một con tàu cực mạnh, có thể là một Man-o’-War level 40 chẳng hạn.
Sau khi các nô lệ đã được phóng thích, họ sẽ trở thành người tự do hoặc tham gia vào đội quân kháng chiến The Maroons. Tổng số nô lệ được giải phóng và số thành viên mới được kết nạp vào The Maroons sẽ được ghi ở hai cột dọc, mỗi cột lại có một bảng chi tiết những nâng cấp tương ứng thu được dành cho Adewale và con tàu Experto Crade của anh, chẳng hạn như mũi thuyền bọc sắt, túi đựng đạn cỡ lớn… Đôi khi trò chơi sẽ khóa những nhiệm vụ theo cốt truyện cho tới khi bạn giải thoát đủ số lượng nô lệ như game đòi hỏi, đánh chiếm thành công một đồn điền nào đó hoặc chặn đứng một con tàu buôn nô lệ được đánh dấu trên bản đồ.
Quyết định đặt trọng tâm vào hoạt động buôn bán nô lệ diễn ra tại vùng biển Đại Tây Dương của bản DLC này đã làm thay đổi hoàn toàn đặc tính – mục đích của trò chơi cũng như cách tiếp cận của mỗi game thủ đối với các nhiệm vụ trong Freedom Cry. Ban đầu, việc hạ sát những tay buôn nô lệ đem lại một cảm giác khó tả cũng giống như khi game thủ kết liễu những tên lính Phát Xít xuất hiện trong những game bắn súng Thế chiến thứ II vậy. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu như bạn đang trên đường thực hiện một nhiệm vụ theo cốt truyện và bắt gặp một nô lệ đang cố gắng trốn thoát khỏi đòn roi của chủ nô? Liệu rằng giải cứu người nô lệ khốn khổ đó có thực sự là một nhiệm vụ “phụ” hay không? Và kể cả nếu như bạn có định ra tay giải cứu bất cứ khi nào bạn bắt gặp một nô lệ bị đày đọa, bạn vẫn sẽ là kẻ yếu thế trong cuộc chiến này. Trò chơi liên tục xuất hiện những tình huống áp bức như thế, bởi vậy dù cho bạn có giải phóng bao nhiêu nô lệ đi chăng nữa Port-au-Prince vẫn sẽ là một trung tâm buôn bán nô lệ sầm uất. Dù xét trên khía cạnh lịch sử hay trong bối cảnh của trò chơi, bạn vẫn sẽ là người thua cuộc. Giá trị và chân lí của nhân vật chính Adewale cũng như tổ chức Assassin từ đó được nâng cao gấp bội lần so với một Edward Kenway ngang tàng, phóng túng của phiên bản gốc Black Flag.
Game sẽ tiêu tốn của bạn khoảng 4 – 6 giờ chơi để hoàn thành tất cả 9 story mission, không tồi chút nào đối với một bản DLC mở rộng. Freedom Cry cũng sở hữu bản đồ riêng cho vùng biển Caribbean (mặc dù có diện tích chỉ bằng 1/4 bản đồ biển của Black Flag), bởi vậy ngoài các story mission sẽ còn vô số hoạt động cho bạn lựa chọn. Những địa điểm bí mật chờ được khám phá, cướp bóc tàu thuyền, săn tìm kho báu… tất cả những gì trước đây (có thể) đã từng làm bạn mê mẩn trong Black Flag.
Bạn cũng sẽ có cơ hội được thử hai món vũ khí mới toanh trong Freedom Cry, đó là con dao rựa và khẩu súng etpigôn (blunderbuss). Con dao rựa khiến cho những trận chiến trong Freedom Cry trở nên tàn bạo hơn so với trong Black Flag . Khẩu etpigôn thì tương đương với một khẩu shotgun của thế kỉ thứ 18. Bạn có thể dễ dàng đánh bật một nhóm 4 tên địch ra xa cả mét chỉ với một phát bắn. Tuy nhiên, một phát bắn cũng là tất cả những gì bạn có, bởi bạn sẽ phải nạp đạn cho khẩu blunderbuss sau mỗi lần bắn và thời gian nạp đạn thì lại quá lâu nên sẽ là rất mạo hiểm nếu sử dụng khẩu súng này ngay trong trận chiến.
Black Flag đã có thể được xem là đỉnh cao mà nền đồ họa current – gen có thể đem lại cho một tựa game sandbox, thế nhưng Freedom Cry thậm chí còn có phần nhỉnh hơn người tiền nhiệm của nó. Mức độ chi tiết của các mô hình nhân vật là cực kì đáng kinh ngạc. Mọi vết sẹo, dấu sắt nung và hình xăm đều nổi rõ trên thân hình lực lưỡng của Adewale. Môi trường ngoại cảnh tỏ ra ấn tượng hơn bao giờ hết, mang đậm nét nhiệt đới. Port-au-Prince hiển hiện trước mắt người chơi với một dáng vẻ gai góc, hiểm nguy và bức bối hơn nhiều so với những địa danh của Black Flag như Kingston hay Havana. Đây đó vẫn còn một vài hạt sạn đồ họa đọng lại, như việc khung hình không thật sự ổn định trong những trận thủy chiến hay việc texture cho các hòn đảo thỉnh thoảng xuất hiện chậm hơn bình thường khi đang lái tàu trên biển, nhưng những khiếm khuyết đó nhìn chung là khá hiếm.
Mảng âm thanh trong Freedom Cry đặc sắc chẳng kém gì Black Flag. Soundtrack đã chuyển từ những bản nhạc nền và những bản hò kéo thuyền đậm chất phiêu lưu, hảo hán của tựa game gốc sang những bản nhạc đậm tính bộ lạc, sử dụng nhiều nhạc cụ cổ truyền và những câu hát bè của Châu Phi. Cách tiếp cận mới về âm nhạc này tỏ ra rất ăn khớp với nội dung và bối cảnh của Freedom Cry mà không hề có dấu hiệu bị gượng ép. Phần lồng giọng cũng chất lượng y như vậy, với Tristan D. Lalla một lần nữa vào vai Adewale. Những thành viên còn lại trong ê-kíp diễn viên lồng giọng cũng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của họ.
Assassin’s Creed IV: Black Flag – Freedom Cry là ví dụ tiêu biểu của một DLC xuất sắc. Cấu trúc gameplay có nhiều nét tương đồng với phiên bản gốc, tạo điều kiện cho người chơi ngay lập tức tham gia vào những màn hành động nhưng vẫn tỏ ra khác biệt. Game thủ được trải nghiệm một câu chuyện trên danh nghĩa là “phụ”, nhưng lại là một câu chuyện bồi đắp thêm giá trị nhân văn cho một trong những nhân vật đáng nhớ nhất của Black Flag và cho người ta thấy rằng series Assassin’s Creed không phải chỉ toàn xoay quanh giết chóc và chính trị.
Cuối cùng, bản DLC này không những vẫn giữ được chuẩn mực đồ họa và âm thanh của tựa game gốc mà thậm chí còn tìm ra cách để cải thiện chất lượng của chúng. Mặc dù chỉ kéo dài khoảng sáu giờ đồng hồ, Freedom Cry vẫn là một sản phẩm must – buy đối với những ai đã từng yêu mến Black Flag nói riêng và dòng game Assassin’s Creed nói chung.
Theo VNE
Nhân vật chính Assassin's Creed IV giống... diễn viên sex?
Khi nhìn qua lần đầu tiên, ai ai cũng nghĩ rằng Edward Kenway - nhân vật chính trong Assassin's Creed IV: Black Flag trông rất giống những "lãnh đạo" điển hình trong những bộ phim hành động đến từ nước Mỹ: Mặt lạnh, đầy cơ bắp, cộng với thần thái khó có thể lẫn vào đâu được. Những fan của series thì cho rằng Edward là một "Ezio thứ 2" được Ubisoft xây dựng lại để nhằm thu hút người chơi.
Rất manly phải không nào?
Thế nhưng cộng đồng mạng luôn lắm điều khiến người ta phải bất ngờ, đôi khi chỉ xuất phát từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Zinadello13, thành viên của Reddit, một trang web cộng đồng đã phát hiện ra một chi tiết đáng chú ý về nhân vật chính của Assassin's Creed IV: Black Flag, đó là việc nhìn anh trông rất giống với một diễn viên người Mỹ, không chỉ là phim bình thường mà còn là phim... sex.
Evan Stone (trái) có gương mặt và màu tóc rất giống với Edward Kenway.
Nhưng nếu chỉ là giống nhau về diện mạo thôi thì đã không có gì để nói. Vào năm 2005, một bộ phim đồi trụy "copy" lại ý tưởng của Pirates of the Caribbean mang tên Pirates đã được ra mắt, và nhân vật nam chính trong đó không ai khác chính là Evan - thủ vai "Edward" Reynolds, với nghề nghiệp là "thuyền trưởng". Thật là quá trùng hợp nếu không muốn nói là hơi khó tin khi cho rằng Ubisoft không hề có dụng ý gì trong việc này.
Evan Stone trong trang phục thuyền trưởng.
Năm 2011, Evan Stone được CNBC xếp vào danh sách "12 ngôi sao phim đen nổi tiếng nhất" và cũng là diễn viên nam duy nhất trong số đó. Nếu quả thực Ubisoft đã cố tình đặt tên cho nhân vật chính trong Assassin's Creed IV: Black Flag theo Evan Stone, phải chăng họ muốn nhấn mạnh sự hấp dẫn của Edward với phái nữ bởi trong đoạn trailer mở màn của game, chúng ta cũng đã được thấy anh chàng này có mức độ "sát gái" ghê gớm như thế nào.
Assassin's Creed IV: Black Flag Trailer.
Assassin's Creed IV: Black Flag sẽ ra mắt vào cuối năm nay trên Xbox360, PS3, PC và nextgen.
Theo GameK
Assassins Creed IV sẽ đẹp hơn nhiều trên PS4 Vừa qua Ubisoft đã chính thức xác nhận về việc họ đang bắt tay thực hiện phiên bản tiếp theo của series Assassin's Creed, lấy đề tài về thời kì hoàng kim của cướp biển ở thế kỉ 17. Việc này cũng gây khá nhiều ngạc nhiên bởi Assassin's Creed III mới chỉ được ra mắt hồi cuối năm ngoái. Đặc biệt hơn,...