Assad phải cảm ơn kẻ thù muốn giết mình?
Lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất trong cuộc chiến lật đổ và tiêu diệt Tổng thống Bashar al-Assad chính là các chiến binh Hồi giáo cực đoan có liên quan đến tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới Al Qaeda. Tuy nhiên, cũng chính lực lượng này là lý do giúp ông Assad lật ngược tình thế và đang trên đà tiến tới một chiến thắng. Phải chăng, Nhà lãnh đạo Syria sẽ phải nói lời cảm ơn đối với những kẻ thù đang tìm cách hại ông?
Tổng thống Assad.
Phe nổi dậy bị thống trị bởi lực lượng cực đoan và khủng bố
Từ cách đây nhiều tháng, đã có không ít các chuyên gia, nhà phân tích lên tiếng cảnh báo về viễn cảnh ớn lạnh nhất khi lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan và khủng bố lên ngôi thống trị ở đất nước Syria đang bị giày xéo bởi chiến tranh. Ác mộng này dường như ngày càng đến gần hơn khi mà dòng chiến binh nước ngoài có liên quan đến tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới Al-Qaeda ồ ạt đổ vào Syria, tạo thành một lực lượng có sức mạnh ngày càng gia tăng và ngày càng giành thế áp đảo trong phe nổi dậy.
Khi mới chân ướt, chân ráo nhập cuộc vào cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria, lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan còn tỏ ra đoàn kết, thống nhất với các phe nhóm nổi dậy chính thống, ôn hòa. Tất cả cùng hướng tới mục tiêu lật đổ chính quyền của Tổng thống Assad. Vì thế, trong một thời gian đầu, phe nổi dậy với sức mạnh đang lên đã liên tiếp giáng những đòn mạnh mẽ vào quân chính phủ, khiến chính quyền của ông Assad nhiều lần chao đảo.
Tuy nhiên, càng về sau này, khi đã quen với chiến trường ở Syria, các thành phần Hồi giáo cực đoan và khủng bố bắt đầu bộc lộ những mưu đồ riêng, tách hẳn với mục đích ban đầu của cuộc nổi dậy. Lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan và khủng bố muốn xây dựng một đất nước Syria dưới sự quản lý của đạo Hồi – đây là điều mà người dân Syria và bản thân phe nổi dậy chính thống không hề mong muốn.
Trong bối cảnh như vậy, mục đích khác nhau, bản chất khác nhau, chiến lược khác nhau, tất cả những điều đó tất yếu sẽ làm nảy sinh mâu thuẫn nội bộ. Đây là điều mà người ta đã tận mắt chứng kiến trong phe nổi dậy Syria trong thời gian gần đây.
Thay vì tập trung cho cuộc chiến chống lại chính quyền Assad, các phe nhóm nổi dậy đang liên tiếp lao vào cấu xé lẫn nhau để tranh giành lãnh thổ, quyền lợi, vũ khí và cả chiến lợi phẩm chiến tranh… Tất nhiên, với sức mạnh vượt trội và độ chuyên nghiệp trong chiến đấu, các thành phần Hồi giáo cực đoan và khủng bố đang giành thế áp đảo. Họ đang giành được quyền kiểm soát một loạt thị trấn, thành phố từ tay các nhóm nổi dậy chính thống và thay thế những cây thánh giá ở các nhà thờ bằng những lá cờ màu đen đồng thời tổ chức các lớp học dạy cho trẻ em Syria về tầm quan trọng của việc chiến đấu chống lại “những kẻ ngoại đạo”, ám chỉ đến bất kỳ người nào theo dòng Hồi giáo Sunni.
Theo nhận định của các nhà phân tích, phe nổi dậy chính thống của Syria lúc này dường như đang bị “đè bẹp” bởi con số hàng chục nghìn chiến binh Hồi giáo và lực lượng khủng bố từ nước ngoài tràn vào. Và việc lực lượng này đang giành vị trí thống trị trong cuộc nội chiến ở đất nước Syria đã biến nơi đây trở thành “thỏi nam châm” có sức hút rất mạnh đối với các thành phần cực đoan và khủng bố. Syria đang biến thành một “thiên đường” có sức hút các thành phần cực đoan và khủng bố mạnh hơn rất nhiều so với hai chiến trường Iraq và Afghanistan trong suốt thập kỷ qua.
Video đang HOT
Điều đáng ngại hơn là lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan và các phe nhóm khủng bố đang nhăm nhăm ý định thiết lập một quốc gia Hồi giáo ở ngay chính đất nước Syria . Người ta đã thấy xuất hiện những dấu hiệu của một nền móng của một quốc gia Hồi giáo ở đây.
Assad phải cảm ơn kẻ thù muốn giết mình?
Trong khi cộng đồng quốc tế và người dân Syria đang nói đến cơn ác mộng kinh hoàng về việc các thành phần chiến binh Hồi giáo cực đoan và khủng bố lên nắm quyền kiểm soát đất nước Trung Đông thì có ý kiến cho rằng, Tổng thống Assad phải cảm ơn những lực lượng đang nhăm nhe ý định lật đổ và giết hại ông này? Vì sao người ta lại có ý nghĩ như vậy.
Trên thực tế, ngay từ khi cuộc nổi dậy ở đất nước Syria bắt đầu bùng lên từ cách đây hơn 2,5 năm, chính quyền của Tổng thống Assad đã luôn miệng khẳng định, thứ mà họ đang phải quyết liệt chiến đấu chống lại là chủ nghĩa khủng bố, là những kẻ khủng bố bị giật giây từ các nhân tố bên ngoài. Hai từ “khủng bố” là từ mà chính quyền Syria thường dùng để nói đến phe nổi dậy.
Ở giai đoạn đầu của cuộc nổi dậy, khi phe nổi dậy chính thống vẫn còn thắng thế, những phát biểu ám chỉ về chủ nghĩa khủng bố của Tổng thống Assad dường như không mấy được quan tâm. Người ta vẫn nghĩ nhiều hơn đến lực lượng nổi dậy mang tính cách mạng. Tuy nhiên, càng về sau này, người ta lại nghĩ nhiều hơn đến những tuyên bố của ông Assad và cũng càng có nhiều người bắt đầu tin rằng, phe nổi dậy Syria thực chất là một tập hợp của những thành phần chiến binh Hồi giáo cực đoan và khủng bố.
Viễn cảnh lực lượng chiến binh Hồi giáo cực đoan lên nắm quyền ở đất nước Syria không chỉ là điều đáng sợ nhất đối với các cường quốc phương Tây, mà còn cả với cộng đồng quốc tế. Chính vì thế, đây vô hình chung là yếu tố cản trở rất lớn cho cuộc chiến của phe nổi dậy trong khi lại là lợi thế rất lớn đối với Tổng thống Assad.
Rõ ràng, nếu phải lựa chọn dựa một bên là ông Assad và bên kia là các thành phần chiến binh Hồi giáo cực đoan đang nhăm nhe muốn xây dựng một quốc gia Hồi giáo thì đa phần người dân Syria và ngay cả phương Tây chắc chắn sẽ chọn Tổng thống Assad hơn.
Chính diễn biến phe nổi dậy bị cực đoan hóa, khủng bố hóa đã giúp cho chính quyền Tổng thống Assad ngày càng có lợi thế, ngày càng giành được nhiều thắng lợi hơn và đang trên đà thẳng tiến tới một chiến thắng toàn diện.
Trong khi đó, phe nổi dậy Syria ngày càng bị đẩy bởi ngõ cụt bởi các cường quốc phương Tây thì không muốn ủng hộ, người dân trong nước xa lánh và các thành phần cực đoan ra sức dồn ép lực lượng chính thống. Không phải vô cớ mà nhiều người đang đưa ra nhận định, phe nổi dậy Syria không đánh mà tự hủy diệt.
Kiệt Linh
Theo_VnMedia
Phe nổi dậy Syria lại xâu xé lẫn nhau
Phe nổi dậy Syria và các chiến binh có liên quan đến Al-Qaeda hôm qua (2/10) lại lao vào xâu xé lẫn nhau ở gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Tình trạng bùng phát bạo lực này đã phơi bày thêm nữa mâu thuẫn nội bộ trầm trọng trong các phe nhóm đang chiến đấu chống lại chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.
Phe nổi dậy Syria đang đối diện với tình trạng mâu thuẫn nội bộ trầm trọng
Nhóm Quốc gia Hồi giáo Iraq và Levant (ISIL) có liên quan đến tổ chức khủng bố khét tiếng thế giới Al-Qaeda hồi tháng trước đã đánh đuổi các phe nhóm nổi dậy đối thủ ra khỏi Azaz và giành quyền kiểm soát thành phố biên giới này, khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải đóng cửa đường biên giới cách đó 5km.
ISIL là nhóm đang muốn sát nhập Syria vào một quốc gia lớn hơn được cai trị bởi luật Hồi giáo. ISIL vẫn duy trì quyền kiểm soát thành phố Azaz kể từ hồi tháng trước và thỉnh thoảng lại nổ ra các cuộc đụng độ, giao tranh giữa lực lượng này với các chiến binh thuộc sư đoàn Cơn bão Phía Bắc mà họ đã đánh đuổi ra ngoài rìa thành phố Azaz trước đó.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh cho biết, hai lực lượng trên lại lao vào giao tranh ác liệt với nhau trong ngày hôm qua. Theo tổ chức có mạng lưới thông tin rộng khắp Syria này, các chiến binh ISIL đang tiến về phía những căn cứ và các chốt chặn an ninh của Sư đoàn Cơn bão Phía Bắc ở gần biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. ISIL cũng tiến về các ngôi làng ở bên ngoài thành phố Azaz.
Một nhà hoạt động trong khu vực cũng lên tiếng xác nhận, cuộc chiến "huynh đệ tương tàn" trong nội bộ phe nổi dậy đang trỗi dậy nhưng ông này không cung cấp thông tin chi tiết.
Phe nổi dậy từ lâu đã phải đối mặt với tình trạng mâu thuẫn nội bộ sâu sắc, một phần vì các phe nhóm có tư tưởng đối lập nhau nhưng phần nhiều là do tranh giành lãnh thổ, chiến lợi phẩm chiến tranh cũng như tranh giành quyền kiểm soát các nguồn lực và nguồn hàng lậu.
ISIL - lực lượng có mặt ở cả nước láng giềng Iraq, tập hợp được một số lượng chiến binh lớn hơn bất kỳ sư đoàn Hồi giáo cực đoan nào đang chiến đấu ở Syria.
Ngoài các cuộc đụng độ trong nội bộ phe nổi dậy, những cuộc giao tranh ác liệt cũng đã nổ ra giữa quân đội Syria và các chiến binh liên quan đến Al-Qaeda ở ngoài rìa phía bắc thủ đô Damascus trong suốt 3 ngày qua, khiến ít nhất 19 người thiệt mạng, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh cho biết.
Cuộc đối đầu giữa quân đội và lực lượng nổi dậy cực đoan diễn ra ở quận Barzeh và nó bắt đầu bùng lên từ hôm thứ Hai đầu tuần (30/9) khi quân đội tăng cường các cuộc tấn công vào lực lượng nổi dậy đang tìm cách đánh chiếm khu vực này trong nhiều tháng trở lại đây. Các quận như Barzeh ở ngoại ô Damascus đóng vai trò rất quan trọng cho phe nổi dậy đang đóng tại bên ngoài thủ đô bởi lực lượng này đang tìm cách tiến gần hơn đến trung tâm Damascus - thành trì quyền lực của chính quyền Assad.
Hơn 100.000 người đã thiệt mạng trong cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài hơn 2,5 năm qua ở đất nước Syria. Cuộc chiến thảm khốc này khởi nguồn từ phong trào biểu tình hòa bình nhằm chống lại chính quyền của Tổng thống Assad và bắt đầu leo thang thành bạo lực sau khi chính phủ tiến hành đàn áp những người biểu tình.
Chuyên gia vũ khí bắt đầu sứ mệnh ở Syria
Trong khi các cuộc giao tranh đẫm máu bùng phát ở bên ngoài rìa thủ đô Damascus và các phe nhóm nổi dậy lao vào đấu đá, xâu xé lẫn nhau ở phía bắc Syria, các thanh sát viên vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc cũng bắt đầu nhiệm vụ của họ ở quốc gia Trung Đông này.
Tình hình bạo lực trên cho thấy mối thách thức an ninh vô cùng lớn mà hàng chục chuyên gia giải trừ vũ khí của quốc tế phải đối mặt khi họ thực hiện nhiệm vụ thu giữ và hủy bỏ kho vũ khí hóa học lên tới 1.000 tấn của chính quyền Tổng thống Assad theo một lịch trình rất chặt chẽ.
Nhiệm vụ của nhóm thanh sát viên trên là phá hủy năng lực sản xuất vũ khí hóa học của Syria vào tháng 11 này và tiêu hủy hoàn toàn kho vũ khí hóa học của đất nước Trung Đông vào giữa năm sau. Lịch trình này đã được thông qua trong một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi tuần trước. Giới phân tích tin rằng, những hạn định mà Liên Hợp Quốc đặt ra ở trên thực sự là "tham vọng".
Một đoàn xe chở các thanh sát viên vũ khí của Liên Hợp Quốc hôm qua đã khởi hành từ một khách sạn ở trung tâm ở thủ đô Damascus đến nơi mà họ làm nhiệm vụ.
Bộ trưởng Thông tin Syria - ông Omran al-Zoubi cho biết, nước ông sẽ hợp tác với Tổ chức Cấm Sử dụng Vũ khí Hóa (OPCW) và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các thanh sát viên Liên Hợp Quốc thực hiện nhiệm vụ, trong đó có việc "phá hủy kho vũ khí hóa học".
Các thanh sát viên Liên Hợp Quốc đặt ưu tiên hàng đầu cho việc đạt được "cột mốc" đầu tiên là giúp Syria phá hủy năng lực sản xuất vũ khí hóa học vào ngày 1/11. Một số thanh sát viên sẽ tiến hành kiểm tra tỉ mỉ bản kê khai kho vũ khí hóa học ban đầu mà chính quyền Syria trình nộp trước đó. Trong khi đó, một số thanh sát viên khác sẽ bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị cho các chuyến đi thị sát đến tất cả những địa điểm cất giữ vũ khí hóa học hay chất hóa học mà Syria chỉ ra.
Theo_VnMedia
Triều Tiên phóng tên lửa, phẫn nộ chuyện tình cũ Kim Jong-un CHDCND Triều Tiên giận dữ bác bỏ các thông tin cho rằng việc xử tử nhiều nghệ sĩ hồi tháng trước có liên quan đến quá khứ của đệ nhất phu nhân Ri Sol-ju. Triều Tiên xử tử không liên quan đến đệ nhất phu nhân Hãng thông tấn KCNA dẫn tuyên bố của chính quyền Triều Tiên khẳng định những thông tin...