ASEAN-Trung Quốc nhất trí cùng xây dựng quy tắc ứng xử trên Biển Đông
Ngày 01-02/4/2013, tại Bắc Kinh, Trung Quốc, đã diễn ra Cuộc họp Quan chức Cao cấp ASEAN-Trung Quốc lần thứ 19, trong đó hai bên nhất trí cùng hợp tác hướng tới việc xây dựng và thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Đây là cuộc họp thường niên cấp Thứ trưởng Ngoại giao trong khuôn khổ quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc nhằm kiểm điểm và bàn biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ và hợp tác ASEAN-Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh dẫn đầu Đoàn Việt Nam tham dự cuộc họp.
Tại cuộc họp, các nước ASEAN và Trung Quốc đánh giá cao những kết quả tích cực đạt được trong quan hệ giữa hai bên về chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, giao lưu nhân dân… Cụ thể, Kế hoạch Hành động giai đoạn 2011-2015 thực hiện Tuyên bố chung Quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc vì Hòa bình và Thịnh vượng đang được triển khai tích cực và hiệu quả. Riêng trong 2 năm 2012-2013, có 180 dự án và hoạt động hợp tác được triển khai hoặc hoàn tất.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và ASEAN vươn lên thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2012 đạt gần 400 tỷ USD. Tính đến năm 2012, tổng đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN đạt hơn 100 tỷ USD.
Các nước ASEAN và Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược, khẳng định cam kết tiếp tục thúc đẩy quan hệ và hợp tác toàn diện giữa ASEAN và Trung Quốc trên cơ sở các nguyên tắc hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, láng giềng hữu nghị. Trong thời gian tới, ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác về cả chính trị-an ninh, kinh tế, thương mại, đầu tư, kết nối, nông nghiệp, du lịch, văn hóa- xã hội, khoa học-công nghệ, và cùng nhau giải quyết các thách thức về an ninh phi truyền thống, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng và chống tội phạm xuyên quốc gia… Hai bên khẳng định quyết tâm nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 500 tỷ USD vào năm 2015. Đặc biệt, ASEAN và Trung Quốc sẽ triển khai nhiều hoạt động hữu ích và thiết thực trong năm 2013 để kỷ niệm 10 năm thiết lập Đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc (2003-2013).
Video đang HOT
Trung Quốc khẳng định tiếp tục coi trọng quan hệ với các nước láng giềng và các nước ASEAN, coi ASEAN là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, ủng hộ ASEAN phát huy vai trò trung tâm và ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng ở khu vực và quốc tế. Trung Quốc sẽ hợp tác và hỗ trợ ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao năng lực, triển khai Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN với cam kết cấp 25 tỷ USD tín dụng cho các dự án phát triển hạ tầng, cấp 2,5 triệu USD lập một Trung tâm chuyển giao công nghệ ASEAN, cấp 5 triệu USD cho Quỹ Hợp tác ASEAN-Trung Quốc…
Tại cuộc họp, các nước ASEAN và Trung Quốc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp chặt chẽ vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực, và ủng hộ vai trò chủ đạo của ASEAN trong một cấu trúc khu vực. ASEAN và Trung Quốc cũng khẳng định việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông có ý nghĩa quan trọng đối với tất cả các nước ở khu vực, góp phần tăng cường mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc. Cả ASEAN và Trung Quốc đều khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC). Đặc biệt, trên cơ sở Tuyên bố chung ASEAN-TQ kỷ niệm 10 năm DOC được Cấp cao ASEAN-TQ lần thứ 15 thông qua tháng 11/2012, ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì đối thoại và tham vấn, và triển khai các hoạt động hợp tác chung trong khuôn khổ DOC để tăng cường lòng tin, và nhất trí cùng hợp tác hướng tới việc xây dựng và thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các nước ASEAN nhấn mạnh sẵn sàng cùng Trung Quốc sớm chính thức tiến hành đàm phán COC, nhằm tăng cường hiểu biết chung và tin cậy giữa các nước ASEAN và Trung Quốc, vì hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực.
Phát biểu tại cuộc họp, tại đề mục quan hệ ASEAN-Trung Quốc, thay mặt các nước ASEAN, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh đánh giá cao những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế, xã hội, nhất là về tăng cường an sinh xã hội,mà Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã đạt được trong những năm qua hoan nghênh thành công của Đại hội lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc và kỳ họp lưỡng hội khóa 12 của Trung Quốc và tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách phát triển hòa bình, hợp tác và xây dựng lòng tin ở khu vực, cũng như tăng cường hiệu quả của hợp tác và quan hệ đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc về chính trị, an ninh, kinh tế, kết nối, khoa học-công nghệ, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống… vì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực.
Trong qua trình trao đổi tại cuộc họp, Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cũng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp và hợp tác cùng các nước ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy quan hệ chiến lược ASEAN-Trung Quốc ngày càng phát triển, trong đó có việc triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động giai đoạn 2011-2015 cũng như các cam kết quan trọng khác. Thứ trưởng Phạm Quang Vinh cũng nhấn mạnh và đề nghị ASEAN và Trung Quốc cần tăng cường hợp tác bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển LHQ 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, và sớm khởi động đàm phán xây dựng và thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), đóng góp vào an ninh, hòa bình và ổn định ở khu vực.
Theo Dantri
Chiến lược ở Biển Đông của Trung Quốc bị "lật tẩy"
Ấn phẩm số tháng 1/2013 của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đăng bài viết "Trung Quốc và những tranh chấp tại Biển Đông: Chiến lược mới và cũ" của Lye Liang Fook, Trợ lý Giám đốc Viện nghiên cứu Đông Á thuộc Trường Đại học Quốc gia Singapore .
Các tàu chiến Trung Quốc trên Biển Đông.
Nhà nghiên cứu Lye cho rằng, những chiến lược mới do Trung Quốc áp dụng trong tranh chấp tại Biển Đông có ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình giải quyết tranh chấp tại khu vực này và những nỗ lực để tiến tới ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông mà Tổng Thư ký mới của ASEAN, ông Lê Lương Minh, đang thúc đẩy.
Một trong những chiến lược mới đó là việc thúc đẩy các hoạt động thăm dò và khai thác dầu và khí đốt tại Biển Đông, kể cả tại những khu vực mà các nước ASEAN đòi chủ quyền, trong đó có Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Thí dụ, vào tháng 9/2010, Chevron China và BP China đã được bật đèn xanh cho việc khai thác dầu khí tại ba khu vực biển sâu là 42/05, 64/18 và 53/30 tại Biển Đông. Vào 5/2011, Công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia của Trung Quốc (CNOOC) đã kêu gọi các công ty nước ngoài tham gia liên doanh để khai thác dầu khí tại 19 khu vực ngoài khơi Trung Quốc, kể cả tại vùng có tranh chấp với Việt Nam (65/24).
Vào tháng 6/2012, Trung Quốc lại kêu gọi nước ngoài tham gia liên doanh khai thác dầu khí tại 9 khu vực trong Vùng Kinh tế Đặc quyền của mình, trong đó có cả khu vực mà Việt Nam khẳng định chủ quyền.
Ông Lye chỉ ra một chiến lược mới khác mà Trung Quốc áp dụng, đó là uy hiếp và đánh đuổi các tàu nước ngoài tiến hành khảo sát, thăm dò hoặc đánh cá tại Biển Đông. Vào tháng 3/2011, Philippines lên tiếng phản đối tàu tuần tra của Trung Quốc uy hiếp tàu khai thác dầu khí đang hoạt động tại khu vực cách tỉnh Palawan của Philippines 50 dặm.
Cũng trong năm 2011, Philippines cáo buộc tàu cá của Trung Quốc bắn vào ngư dân Philippines. Tương tự, Việt Nam thông báo rằng tàu hải giám của Trung Quốc đã cố tình cắt cáp của tàu khảo sát tại vùng biển của Việt Nam vào tháng 5/2011.
Hơn nữa, Trung Quốc ngày càng thông thạo trong việc dùng các biện pháp hành chính và pháp lý để khẳng định chủ quyền tại Biển Đông, như việc tổ chức lễ chính thức thành lập thành phố Tam Sa vào tháng 7/2012 và thông qua luật vào tháng 11/2012 cho phép cảnh sát lên tàu của nước ngoài và buộc tàu quay về vì đi vào vùng biển của tỉnh Hải Nam trái phép.
Trung Quốc áp dụng hàng loạt biện pháp, từ gây sức ép về chính trị và ngoại giao đến tăng cường năng lực hải quân và thậm chí áp dụng các biện pháp kinh tế nhằm buộc đối phương phải nhượng bộ.
Đối với Philippines, ngoài các biện pháp ngoại giao, Trung Quốc thắt chặt quy định kinh tế như vào tháng 5/2012, Trung Quốc ra lệnh kiểm tra chặt chẽ hơn việc nhập khẩu hoa quả của Philippines vào Trung Quốc, chuối của Philippines nhập khẩu vào Trung Quốc phải qua thời gian và thủ tục kiểm tra dài hơn, phức tạp hơn trong khi người Trung Quốc được khuyến cáo là không nên thăm Philippines do có những mối quan ngại về an ninh./.
Theo Dantri
ASEAN - Trung Quốc kỷ niệm 10 năm DOC ASEAN và Trung Quốc hôm qua đã tiến hành hội nghị lần thứ 15 và ra tuyên bố chung nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trong tuyên bố chung đưa ra tại hội nghị ASEAN - Trung Quốc diễn ra ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia, hai bên khẳng...