ASEAN tiếp tục giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 7 tháng đầu năm nay, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục giữ vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Cảng hàng hóa Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 3/7/2024. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Tổng kim ngạch xuất – nhập khẩu hàng hóa giữa Trung Quốc và ASEAN trong thời gian từ tháng 1-7/2024 đạt 3.920 tỷ Nhân dân tệ (NDT), tương đương khoảng 546,6 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu từ Trung Quốc sang ASEAN đạt 2.360 tỷ NDT (khoảng 329 tỷ USD), tăng 13,7%, và ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc từ ASEAN đạt 1.560 tỷ NDT (khoảng 217,5 tỷ USD), tăng 5,9%.
Những con số trên cho thấy khả năng Trung Quốc và ASEAN sẽ tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của nhau trong cả năm 2024, sau 4 năm liên tiếp giữ vững vị thế này.
So sánh tương quan, Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN trong 15 năm liên tiếp và ASEAN đã vươn lên dành vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong bốn năm liên tiếp.
Trung Quốc và ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ hai và thứ năm trên toàn cầu. Tổng quy mô kinh tế của hai bên vượt 1/5 quy mô kinh tế thế giới. Hai bên cũng giữ vai trò là động lực quan trọng cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu trong những năm gần đây.
Năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN chiếm 15,4% tổng kim ngạch thương mại quốc tế của Trung Quốc. Trong 7 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ này tăng lên 15,8%, cao hơn 2,8 điểm phần trăm so với kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) – đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc – và cao hơn 4,8 điểm phần trăm so với kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ – đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc.
Trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN, ba đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc hiện là Việt Nam, Malaysia và Indonesia với kim ngạch thương mại lần lượt tăng 24,1%, 13,7% và 4,1% trong 7 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.
Kinh tế của Trung Quốc tiếp tục phục hồi và có xu hướng phát triển tốt
Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế của Trung Quốc tiếp tục phục hồi và có xu hướng phát triển tốt, xu thế phát triển tích cực của ngành thương mại tiếp tục được củng cố.
Trong tháng 5/2024, kim ngạch xuất nhập khẩu của nước này tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.
Container hàng hóa được bốc dỡ tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc ngày 7/12/2020. Ảnh: THX/ TTXVN
Theo số liệu thống kê, từ tháng 1-5/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu thương mại hàng hóa của Trung Quốc đạt 17,5 nghìn tỷ NDT (khoảng 2.414 tỷ USD), tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu đạt 9,95 nghìn tỷ NDT (khoảng 1.373 tỷ USD), tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập khẩu đạt 7,55 nghìn tỷ NDT (khoảng 1.042 tỷ USD), tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Từ tháng 1-5/2024, thương mại nói chung, thương mại chế biến và xuất nhập khẩu hậu cần ngoại quan của Trung Quốc đều có xu hướng tăng. Trong đó, xuất nhập khẩu thương mại nói chung đạt 11,4 nghìn tỷ NDT (khoảng 1.573 tỷ USD), tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 65,1% tổng giá trị thương mại của nước này; kim ngạch xuất nhập khẩu thương mại chế biến đạt 3,02 nghìn tỷ NDT (khoảng 416,7 tỷ USD), tăng 1,6%, chiếm 17,3%.
Trong giai đoạn từ tháng 1-5/2024 ASEAN là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Kim ngạch thương mại song phương giữa hai bên đạt 2,77 nghìn tỷ NDT (khoảng 382,2 tỷ USD), tăng 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 15,8% tổng giá trị thương mại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Mỹ 'soán ngôi' Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức Mỹ đã vượt Trung Quốc trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của Đức trong quý đầu tiên năm nay. Cảng hàng hóa Long Beach ở California, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/ TTXVN Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn số liệu chính thức từ Cơ quan Thống kê Đức công bố ngày 9/5 cho biết tổng kim ngạch thương mại hai...