ASEAN thúc đẩy định hướng phát triển trong giai đoạn mới
Labuan Bajo – “điểm đến siêu ưu tiên” còn ít được biết đến nằm ở tỉnh Đông Nusa Tenggara của Indonesia – sẽ là nơi diễn ra Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 từ ngày 9-11/5 với sự tham dự của các nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ và khoảng 550 đại biểu từ 10 nước thành viên ASEAN.
Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên lãnh đạo Timor Leste tham dự sau khi được trao tư cách quan sát viên tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 – 41 vào năm ngoái ở Phnom Penh, Campuchia.
Một cảnh sát giám sát an ninh bên ngoài Khách sạn Meruorah nơi diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42. Ảnh: Đào Trang/TTXVN
Đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu sẽ tham dự hội nghị và có những đóng góp tích cực, cụ thể vào các nỗ lực chung của ASEAN trong việc xây dựng cộng đồng trên cả 3 trụ cột chính trị – an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội, góp phần tăng cường đoàn kết, đồng thuận trong ASEAN, thông qua đó đề cao vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên các diễn đàn quốc tế. Trong thời gian hội nghị, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng sẽ có các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước ASEAN khác nhằm thúc đẩy hợp tác song phương.
Với chủ đề “Một ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng”, Hội nghị cấp cao ASEAN 42 sẽ tập trung thảo luận các vấn đề khu vực quan trọng. Ngoài 2 cuộc họp bên lề khác là Hội nghị thượng đỉnh Tam giác tăng trưởng Indonesia-Malaysia-Thái Lan (IMT-GT) và Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác khu vực tăng trưởng Đông ASEAN Brunei Darussalam-Indonesia-Malaysia-Philippines (BIMP-EAGA), sự kiện này gồm 6 cuộc họp cấp cao, trong đó có phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp, cùng các cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo ASEAN với đại diện Hội đồng liên nghị viện ASEAN (AIPA), Hội đồng Tư vấn kinh doanh ASEAN (ASEAN-BAC), đại diện thế hệ trẻ ASEAN và Nhóm đặc trách cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 (HLTF-ACV).
Video đang HOT
Tăng cường năng lực ASEAN, dự thảo Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025, tình hình Myanmar, phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19, tăng cường cấu trúc y tế, cũng như các vấn đề quan trọng khác trong và ngoài khu vực sẽ được thảo luận tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42. Dự kiến, hội nghị sẽ thông qua một số văn kiện quan trọng như Tuyên bố chung về tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế của ASEAN; Tuyên bố chung về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025; phòng chống tội phạm buôn bán người dưới tác động của lạm dụng công nghệ; bảo vệ lao động di cư trong thời kỳ khủng hoảng; củng cố cấu trúc y tế khu vực thông qua sáng kiến “Một sức khỏe”; xây dựng hệ sinh thái xe điện khu vực; phát triển mạng lưới làng ASEAN; tiến độ thực hiện Đồng thuận 5 điểm về Myanmar được các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí vào tháng 4/2021…
Về trụ cột “ASEAN tầm vóc” – một trong 3 trụ cột chính của nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2023 của Indonesia bên cạnh trụ cột “Tâm điểm của tăng trưởng” và trụ cột triển khai Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP), Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi cho biết một số vấn đề sẽ tiếp tục được thúc đẩy thảo luận, bao gồm đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC), tăng cường thể chế hóa Đối thoại nhân quyền ASEAN, Lộ trình kết nạp Timor Leste làm thành viên thứ 11 của ASEAN và ký kết Nghị định thư Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).
Liên quan đến các chương trình nghị sự nêu trên, Bộ Ngoại giao Indonesia thông báo công tác soạn thảo Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025 – sáng kiến được Việt Nam đưa ra khi đảm trách cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020 và được các nước chủ tịch tiếp nhiệm theo đuổi – hiện đang được HLTF-ACV tiến hành nhằm đưa ASEAN hoạt động hiệu quả hơn và có khả năng thích ứng để vượt qua các thách thức trong 20 năm tới. Trong cuộc họp với HLTF-ACV vào ngày 10/5, các nhà lãnh đạo ASEAN dự kiến sẽ đưa ra hướng dẫn để đảm bảo văn kiện này có tầm nhìn xa, tham vọng, truyền cảm hứng, toàn diện, mạnh mẽ và bao trùm.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Jakarta, Đại sứ Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hải Bằng cho hay từ năm 2015, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thống nhất định nghĩa Cộng đồng ASEAN là một cộng đồng hòa bình, ổn định, an toàn, thịnh vượng và tự cường. Tại hội nghị cấp cao lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN sẽ một lần nữa khẳng định các tiêu chí kể trên, đồng thời bổ sung những yếu tố mới như tập trung vào con người, định hướng phục vụ con người, lấy con người làm trung tâm và là đối tượng thụ hưởng từ quá trình xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 được kỳ vọng sẽ góp phần quảng bá rộng rãi và tác động đáng kể đến ngành du lịch Labuan Bajo, nhất là trong các lĩnh vực giao thông vận tải, tham quan, lưu trú và thủ công mỹ nghệ, đồng thời thúc đẩy phục hồi ngành “công nghiệp không khói” của “quốc gia vạn đảo” sau đại dịch COVID-19. Giới chức Indonesia ước tính hội nghị này có thể đóng góp 5.000 tỷ Rupiah (gần 341 triệu USD) cho nền kinh tế địa phương, đồng thời là “cú hích” cho du lịch và các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME). Mặt khác, sự kiện này cũng sẽ mang đến những cơ hội kinh doanh mới cho khu vực tư nhân trong lĩnh vực kinh tế xanh, đồng thời tăng cường cam kết của các nước khu vực đối với Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.
Để hỗ trợ quyết tâm của Tổng thống Joko Widodo đưa Hội nghị cấp cao ASEAN về Labuan Bajo, một thị trấn nhỏ ven biển có quy mô gần 6.000 dân này, Chính phủ Indonesia đã huy động tổng lực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương nhằm hoàn tất các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đảm bảo công tác an ninh, hậu cần và tổ chức. Bên cạnh lực lượng bảo vệ tổng thống (Paspampres) và Quân đội (TNI) làm nòng cốt, Indonesia sẽ triển khai tổng cộng 2.627 cảnh sát đảm trách an ninh vòng ngoài, cũng như tham gia bảo vệ sân bay, nơi ăn nghỉ của các đại biểu. Hàng trăm thiết bị quân sự – trong đó có tàu chiến, xe bọc thép, xe hộ tống, xe chở quân, xe hỗ trợ, xe liên lạc và xe tác chiến điện tử – đã được điều động bằng đường biển từ Jakarta đến Labuan Bajo. Nhiều trang thiết bị an ninh cũng được khẩn trương lắp đặt, trong đó có hệ thống camera giám sát (CCTV) trang bị công nghệ nhận diện khuôn mặt.
Để đảm bảo an toàn tối đa cho các quan chức quốc tế, nước chủ nhà cũng cho lắp đặt các thiết bị cảnh báo sớm động đất, sóng thần, cháy rừng và thời tiết cực đoan; huy động hơn 200 trạm cảnh báo với 40 radar trên khắp cả nước để cung cấp các bản tin thời tiết “chiến lược” về các địa điểm tổ chức hội nghị, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho một kế hoạch liên ngành ứng phó khẩn cấp với các thảm họa thiên tai vốn thường xuyên đe dọa Labuan Bajo. Ngoài kiểm tra an toàn phóng xạ, Indonesia cũng huy động đội ngũ chuyên gia hàng đầu của Trung tâm Kiểm soát dược phẩm và thực phẩm quốc gia (BPOM) để giám sát an toàn thực phẩm cho các đại biểu dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42, tương tự như đối với Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra vào tháng 11/2022 tại Bali.
Trong một động thái thể hiện cam kết chuyển đổi năng lượng, nước chủ nhà Indonesia sẽ sử dụng gần 400 xe điện và xây mới hơn 100 trạm sạc công cộng để phục vụ phái đoàn các nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ và đại biểu các nước. Với mục đích quảng bá nền văn hóa giàu bản sắc của mình, cũng như thể hiện lòng mến khách thông qua các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, diễu hành đường phố, trưng bày sản vật địa phương, chợ ẩm thực…,
Tổng thống Joko Widodo và Đệ nhất phu nhân Iriana cũng tự tay chọn 12 mẫu áo bằng thổ cẩm đặc trưng của khu vực Tây Manggarai với những họa tiết “mata manuk” dành tặng cho các nhà lãnh đạo, cùng những chiếc khăn quàng dành cho phu nhân và phu quân của các trưởng đoàn.
Indonesia công bố mẫu trang phục của các nhà lãnh đạo ASEAN
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 27/4, Indonesia - Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) năm 2023 - đã công bố mẫu trang phục chính thức cho các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 diễn ra từ ngày 9-11/5 tại Labuan Bajo, tỉnh Đông Nusa Tenggara.
Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN họp phiên đặc biệt tại Ban Thư ký ASEAN, Jakarta, Indonesia. Ảnh tư liệu: TTXVN
Thông cáo từ Bộ Thông tin và truyền thông Indonesia nêu rõ Hội đồng thủ công mỹ nghệ tỉnh Đông Nusa Tenggara (Dekranasda NTT) đã chuẩn bị những chiếc áo sơ mi làm bằng thổ cẩm đặc trưng của huyện Tây Manggarai cho các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị sắp tới. Người đứng đầu Dekranasda NTT, bà Julie Sutrisno Laiskodat, cho hay: "Tôi đã chuẩn bị và gửi các mẫu áo do các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa ở huyện Lembor sản xuất tới Phủ Tổng thống. Tổng thống đã tự tay chọn màu áo cho từng nhà lãnh đạo ASEAN".
Tổng cộng, Dekranasda NTT đã chuẩn bị 12 chiếc áo thổ cẩm đặc trưng của huyện Tây Manggarai với hoa văn "mata manuk (mắt gà)" cho 11 nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng thư ký ASEAN.
Theo bà Julie, Tổng thống Joko Widodo đã trực tiếp chọn màu sắc và kiểu dáng của loại vải dệt. Ngoài ra, Dekranasda NTT cũng đã chuẩn bị những chiếc khăn quàng cổ cho phu nhân và phu quân của các nhà lãnh đạo sử dụng trong các hoạt động bên lề Hội nghị. Đệ nhất phu nhân Iriana Joko Widodo cũng tự tay chọn màu sắc và kiểu dáng của những chiếc khăn quàng này. Bà Julie tiết lộ rằng theo chỉ thị của Tổng thống Joko Widodo và Đệ nhất phu nhân Iriana Joko Widodo, loại vải được sử dụng để may trang phục chính thức cho các nhà lãnh đạo ASEAN và các phu nhân, phu quân phải đảm bảo mềm mại và không nóng.
Chủ tịch Dekranasda NTT cũng bày tỏ hy vọng rằng việc các sản phẩm dệt đặc trưng của tỉnh Đông Nusa Tenggara, đặc biệt là huyện Tây Manggarai, được lựa chọn làm trang phục chính thức cho các nhà lãnh đạo ASEAN, cũng như các phu nhân, phu quân tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 sẽ góp phần quảng bá nghề thủ công truyền thống địa phương.
Indonesia: Thúc đẩy phát triển khu vực thông qua mạng lưới làng ASEAN Indonesia thúc đẩy thành lập Mạng lưới Làng xã ASEAN nhằm đem lại giá trị từ sự hợp tác phát triển các làng thuộc các nước thành viên ASEAN trong khu vực. Bước đi này dự kiến sẽ được các nhà lãnh đạo của tổ chức khu vực chính thức được đưa ra tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 tại...