ASEAN làm gì sau phán quyết vụ kiện Biển Đông
Một bản tuyên bố yêu cầu các bên tôn trọng luật pháp quốc tế sau phán quyết sẽ mang lại lợi ích lớn cho khối ASEAN.
Các ngoại trưởng ASEAN tham dự hội nghị đặc biệt với Trung Quốc tại Côn Minh hồi tháng 6. Ảnh: AFP
Ngày 12/7, tòa trọng tài quốc tế do Liên Hợp Quốc bảo trợ ở The Hague, Hà Lan sẽ ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện Biển Đông của Philippines đối với Trung Quốc. Phán quyết này chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của nhiều bên trên thế giới, và giới chuyên gia phân tích cho rằng Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng cần phải có phản ứng phù hợp.
Trong một bài viết trên StraitsTimes hôm 7/7, ông Prashanth Parameswaran, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Trường Luật Fletcher thuộc Đại học Tufts, cho rằng dư luận quốc tế sau ngày 12/7 sẽ rất quan tâm đến việc ASEAN với tư cách là một khối có thể ra một tuyên bố đối với phán quyết của tòa trọng tài hay không.
Ngoài việc ra tuyên bố, khối này có thể đưa ra những phản ứng khác, chẳng hạn như đề cập đến phán quyết này trong bản tuyên bố chung sau Hội nghị Bộ trưởng ASEAN (AMM) diễn ra vào cuối tháng 7, hoặc để các quốc gia thành viên tự ra các tuyên bố riêng thể hiện quan điểm của mình với phán quyết.
Dù các cách phản ứng trên đều có những ý nghĩa nhất định, ông Parameswaran cho rằng ASEAN vẫn rất cần phải ra một tuyên bố riêng biệt, với tư cách là một hiệp hội của 10 quốc gia Đông Nam Á, đối với phán quyết của tòa.
Về nội dung bản tuyên bố chung, những chuyên gia nghiên cứu về ASEAN nhận định khối này sẽ không đứng về một quốc gia riêng biệt nào, hoặc thậm chí là ủng hộ kết quả của phiên tòa trong bản tuyên bố. Thay vào đó, bản tuyên bố nhiều khả năng sẽ tập trung vào việc ASEAN hoan nghênh nỗ lực của bất cứ bên nào (bao gồm cả Philippines) trong việc giải quyết hòa bình, theo luật pháp quốc tế các tranh chấp và tái khẳng định yêu cầu với tất cả các nước (kể cả Trung Quốc) tôn trọng luật pháp và các quy trình ngoại giao mà không đe dọa sử dụng vũ lực.
Theo ông Parameswaran, việc ASEAN ra một tuyên bố như vậy rõ ràng là có lợi cho cả khối. Dù chỉ có 4 thành viên trong khối có tranh chấp trên Biển Đông, tất cả 10 quốc gia ASEAN đều có lợi ích trong việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và luật pháp hơn là sử dụng vũ lực. Các nước Đông Nam Á cũng rất cần đảm bảo những nguyên tắc cơ bản trên Biển Đông như quyền tự do hàng hải, hàng không được bảo vệ, bởi Biển Đông là huyết mạch của khu vực, nơi hơn 5 nghìn tỷ USD hàng hóa lưu thông mỗi năm.
Hơn nữa, trật tự quốc tế và trật tự khu vực dựa trên luật pháp, trong đó có tòa trọng tài, là thứ duy nhất có thể bảo vệ quyền lợi cho tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ, tạo ra nền tảng hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế.
Bởi vậy, Parameswaran cho rằng việc một vài nước không muốn ủng hộ tuyên bố chung của ASEAN vì họ có quan hệ kinh tế khăng khít với Trung Quốc là nhận thức “buồn cười”, bởi họ sẽ thất bại trong việc bảo vệ những nguyên tắc cơ bản nhất có thể giúp nền kinh tế của họ phát triển.
Tinh thần đoàn kết
Video đang HOT
Với tư cách là một khối, ASEAN có lợi ích trong việc thể hiện tinh thần đoàn kết trước vấn đề mang tính quyết định này. Trong những năm qua, ASEAN đã thể hiện được sự trưởng thành vượt bậc của mình, với vai trò ngày càng lớn hơn trong việc định hình cấu trúc khu vực, thu hút được sự quan tâm của các cường quốc ở châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, xu thế này cũng khiến các trách nhiệm của ASEAN càng trở nên rõ ràng hơn, tác động ngày càng lớn hơn đến vai trò trung tâm đầy bản sắc của khối, điều mà cựu tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan từng gọi là “thách thức sống còn”.
Thách thức đó được thể hiện rõ ràng nhất trong vấn đề Biển Đông, nơi sức ép từ các thế lực bên ngoài đã khiến ASEAN bộc lộ một số chia rẽ, dẫn tới những sự cố không mong đợi như lần không ra được tuyên bố chung trong hội nghị ở Phnom Penh, Campuchia năm 2012.
Các quan chức ASEAN tham dự hội nghị ở Phnom Penh, Campuchia năm 2012. Ảnh: Reuters
Chuyên gia Parameswaran nhấn mạnh rằng việc ra được một bản tuyên bố sau phán quyết của tòa trọng tài là biểu hiện mạnh mẽ cho khả năng của ASEAN trong việc đối mặt với vấn đề Biển Đông dưới sự dõi theo của dư luận quốc tế hiện nay. Bản tuyên bố đó sẽ phát đi một thông điệp rằng ASEAN có thể giải quyết cả những thách thức khu vực và toàn cầu phức tạp nhất, đồng thời củng cố vị thế điểm tựa của mình trong cấu trúc châu Á.
Điều này được thể hiện rõ nhất khi ASEAN sẽ phải đối mặt với ba thách thức lớn trong năm nay, đó là tranh luận về phán quyết của tòa trọng tài, quản lý quan hệ ASEAN – Trung Quốc dịp kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại, và được dẫn dắt trong năm nay dưới nhiệm kỳ chủ tịch của Lào, quốc gia có rất ít lợi ích ở Biển Đông nhưng lại có quan hệ hợp tác kinh tế khá khăng khít với Trung Quốc.
ASEAN có một lợi thế lớn trong việc ra tuyên bố chung sau phán quyết của tòa trọng tài, đó là khối này đã từng nhiều lần đưa ra quan điểm về các vấn đề quan trọng của khu vực và thế giới. Chẳng hạn như sau vụ thử tên lửa của Triều Tiên ngày 6/1, các ngoại trưởng ASEAN đã ra bản tuyên bố ngắn tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình và an ninh trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với quá trình phi hạt nhân hóa.
Đối với vấn đề Biển Đông, vào tháng 5/2014, các ngoại trưởng ASEAN cũng ra tuyên bố bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các diễn biến trên vùng biển này. Tuyên bố đó được đưa ra dưới nhiệm kỳ chủ tịch của Myanmar, quốc gia cũng giống Lào ở việc có rất ít lợi ích ở Biển Đông.
Sau hội nghị thượng đỉnh Sunnylands giữa ASEAN và Mỹ, bản tuyên bố chung của khối không chỉ đề cập đến những nguyên tắc chung liên quan đến Biển Đông mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “tôn trọng đầy đủ các quy trình ngoại giao và pháp lý mà không đe dọa sử dụng vũ lực”, một sự ám chỉ rõ ràng tới yêu cầu Trung Quốc và Philippines cùng tuân thủ phán quyết của tòa trọng tài. Bản tuyên bố báo chí mà ASEAN đưa ra sau hội nghị với Trung Quốc ở Côn Minh hồi tháng trước cũng có những ngôn ngữ tương tự.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, ASEAN cũng có thể không ra một bản tuyên bố về phán quyết của tòa trọng tài, Parameswaran nhận định. Trong trường hợp đó, khối ít nhất cần đảm bảo rằng những ngôn từ trong bản tuyên bố chung sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 49 tổ chức ở Lào vào cuối tháng 7 không đi ngược lại những gì mà họ đã đưa ra trong các bản tuyên bố trước đó.
“Ngoài nội dung của các bản tuyên bố, các nước ASEAN cũng cần phải chuẩn bị để đảm bảo rằng sự đồng thuận của khối không bị phá vỡ vào phút chót. ASEAN đơn giản là không thể chấp nhận một sự cố như ở Phnom Penh tái diễn ở Vientiane”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Trí Dũng
Theo VNE
Ba kịch bản phản ứng của Trung Quốc sau phán quyết 'đường lưỡi bò'
Chuyên gia đánh giá rằng Trung Quốc có thể án binh bất động để sự kiện trôi qua nhưng cũng có khả năng gia tăng áp lực ở nhiều điểm nóng tại châu Á.
Tàu quân sự Trung Quốc tại Biển Đông hồi tháng 5. Ảnh: AFP
Tòa Trọng tài ở The Hague sẽ ra phán quyết về vụ Philippines kiện yêu sách "đường 9 đoạn" Trung Quốc đơn phương vẽ ra ở Biển Đông vào ngày 12/7. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng phán quyết của tòa sẽ bất lợi cho Trung Quốc.
Theo Asia Times, Harry J. Kazianis, chuyên gia về chính sách quốc phòng tại Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia, Mỹ, vạch ra ba kịch bản về hành động của Trung Quốc sau khi tòa ra phán quyết.
Án binh bất động
Kịch bản thứ nhất là Trung Quốc sẽ không có phản ứng quyết liệt. Bắc Kinh chỉ đơn giản đưa ra tuyên bố nói Biển Đông là vùng biển chủ quyền của mình và để sự kiện trôi qua.
Trong cách nhìn của Trung Quốc, đây không phải là lựa chọn tồi. Bắc Kinh có thể tiếp tục xây các đảo nhân tạo, biến chúng thành những căn cứ quân sự nhỏ với những vũ khí chống hạm mới nhất, điều động các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom đến các đường băng ở đây, biến biển Đông thành một khu vực chống tiếp cận (A2/AD). Trong kịch bản này, Bắc Kinh sẽ bày tỏ sự tức giận của họ đối với phán quyết, nhưng chỉ đơn giản là tiếp tục những điều họ đã làm.
Tuy nhiên, phản ứng nhẹ như vậy rất khó xảy ra. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các quan chức chính phủ sẽ chịu sức ép từ trong nước là phải đáp trả phán quyết một cách mạnh mẽ và công khai. Chiến lược cũ sẽ không còn được áp dụng. Nhiều người Trung Quốc sẽ yêu cầu phải có phản ứng cứng rắn, phô diễn sức mạnh rằng Bắc Kinh không thể bị các thế lực lượng bên ngoài tác động.
Ông Kazianis cho rằng điều này dẫn đến hai khả năng khác.
Thiết lập ADIZ
Theo ông, Bắc Kinh đã ra tín hiệu về việc thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông từ nhiều tháng trước. Khi bình luận về khả năng này, hầu hết quan chức Trung Quốc đều nói rằng họ hiện không lên kế hoạch lập ADIZ, nhưng trong tương lai, việc ra quyết định đó sẽ dựa vào tình hình ở Biển Đông. Ông Kazianis cho rằng phán quyết không có lợi với Bắc Kinh có thể là cơ sở để họ chính thức thay đổi quan điểm.
Trung Quốc sẽ bao biện rằng họ chỉ đơn giản lập ADIZ vì cảm thấy bị đe dọa bởi phán quyết và rằng Bắc Kinh bị "buộc" phải thiết lập ADIZ vì nhận thức sai của các bên khác và sức ép quốc tế.
Do Trung Quốc đã bố trí các hệ thống radar tại khu vực cùng các đường băng có thể tiếp nhận máy bay chiến đấu, việc thiết lập ADIZ ở Biển Đông là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, hành động đơn phương thiết lập ADIZ ở Biển Đông có thể gây ra một cuộc khủng hoảng khu vực khiến nhiều bên trên khắp châu Á phải nhập cuộc. Washington sẽ phải phản ứng và có thể không chỉ bằng một hoặc hai chuyến bay của oanh tạc cơ chiến lược B-52.
Tăng sức ép
Một kịch bản khác là Trung Quốc có những hành động theo kiểu "tôi muốn làm gì thì làm". Nếu cho rằng triển khai ADIZ là chưa đủ và muốn đi xa hơn, Trung Quốc có thể quyết định gia tăng sức ép ở tất cả điểm nóng tại châu Á.
Chẳng hạn, Bắc Kinh có thể tăng cường đáng kể các cuộc tuần tra hải quân và không quân ở biển Hoa Đông, bất chấp sự phản đối của Nhật Bản. Ngoài ra, Trung Quốc có thể bắt đầu các dự án khai thác dầu và khí đốt tại khu vực này.
Trung Quốc có thể gây sức ép lên Đài Loan, cắt giảm đáng kể lượng khách du lịch đến hòn đảo này. Ông Tập cũng có thể cắt giảm thương mại và đầu tư mà Đài Loan đang phụ thuộc vào. Trong thực tế, ông Tập có trong tay nhiều công cụ mà ông có thể sử dụng để làm khó Đài Loan. Ông có thể thấy rằng sẽ hữu ích nếu như hướng những tranh luận ở Biển Đông sang căng thẳng tại eo biển Đài Loan.
Bắc Kinh cũng có thể tiến hành bồi đắp bãi cạn Scarborough, đối tượng tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông, bị Bắc Kinh kiểm soát từ năm 2012. Đây sẽ là bước đi chứa đựng nhiều rủi ro và gây tranh cãi nhất. Mỹ dường như báo hiệu rằng họ sẽ có động thái đáp trả nếu Trung Quốc làm vậy, bằng cách triển khai máy bay A-10 Warthog và các tiêm kích tác chiến điện tử đến Philippines.
Các nhà quan sát châu Á trên toàn thế giới sẽ có những ngày bận rộn trước và sau phán quyết 12/7. Xem xét đến những phương án Trung Quốc có thể thực hiện và những điều họ đã làm trong vài năm qua, có vẻ như Biển Đông sẽ đón một vài tháng tới đầy căng thẳng, Kazianis nhận định.
Phương Vũ
Theo VNE
Ngoại trưởng Trung Quốc cảnh báo Mỹ trước khi PCA ra phán quyết Ngoại trưởng Trung Quốc gọi điện cho người đồng cấp Mỹ để cảnh báo Washington không xâm phạm cái gọi là chủ quyền của nước này, trước khi PCA ra phán quyết về tranh chấp lãnh thổ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh:AFP, Xinhua Xinhua đưa tin Ngoại trưởng Vương Nghị hôm qua nhắc lại...