ASEAN đoàn kết trước Trung Quốc ở Biển Đông
Các quốc gia Đông Nam Á hôm qua (14/8) đã cam kết phối hợp đoàn kết với nhau trong nỗ lực gây sức ép với Trung Quốc để cường quốc này chấp nhận tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử có tình ràng buộc ở Biển Đông nhằm quản lý các cuộc tranh chấp hàng hải đang nóng bỏng hiện nay.
Ngoại trưởng các nước ASEAN đã nhất trí đoàn kết với nhau trong nỗ lực thúc đẩy Trung Quốc tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông.
Những cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông trong nhiều thập kỷ nay đã “khuấy” lên những căng thẳng đáng lo ngại trong khu vực. Vùng biển chiến lược, giàu tài nguyên này đang được xem là một trong những điểm nóng quân sự dễ bùng phát xung đột nhất ở Châu Á.
Ngoại trưởng của tất cả 10 nước thành viên thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hôm qua đã nhất trí “nói chung một tiếng nói” trong việc tìm kiếm một “bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông”, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết. Ngoại trưởng các nước ASEAN đang có cuộc họp không chính thức kéo dài 2 ngày ở Hua Hin, Thái Lan. Vào cuối tháng này, giới quan chức ASEAN và Trung Quốc sẽ có cuộc gặp ở thủ đô Bắc Kinh.
Trong số 10 nước ASESAN, chỉ có duy nhất Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong là không đến tham dự cuộc họp ở Hua Hin. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Campuchia đã có mặt và cũng đã nhất trí về việc “cùng chung tiếng nói” trong vấn đề tìm kiếm bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông. Cuộc họp ở Hua Hin là một phiên thảo luận không chính thức nhằm chuẩn bị cho hai cuộc gặp giữa hiệp hội ASEAN với Trung Quốc sắp tới.
“ASEAN sẽ phải nói chung một tiếng nói và phải thống nhất, đoàn kết. Điều này không có nghĩa là đoàn kết để chống lại một ai đó… ASEAN đoàn kết để có thể giúp tiến trình thảo luận, đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trở nên dễ dàng hơn”, phát ngôn viên của Thái Lan cho hay.
“Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông nên hướng tới mục tiêu tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau giữa ASEAN và Trung Quốc, từ đó ngăn chặn bất kỳ vụ việc không mong muốn nào xảy ra ở Biển Đông”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Indonesian Marty Natalegawa phát biểu, “chúng tôi củng cố lập trường chung của ASEAN với kỳ vọng rằng, Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông sẽ trở thành một cơ chế dựa trên pháp quyền giúp tăng cường sự tự tin, tránh những vụ việc không mong muốn và giải quyết những sự cố khi nó xảy ra. Tất cả chúng tôi đều dự định đến Bắc Kinh”.
ASEAN sẽ đưa ra vấn đề trên ra thảo luận tại cuộc họp giữa Ngoại trưởng ASEAN và Ngoại trưởng Trung Quốc ở thủ đô Bắc Kinh từ ngày 28-30/8. Đây là cuộc họp kỷ niệm 10 năm hai bên thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược”.
“Chúng tôi muốn sớm ký được Bộ Quy tắc Ứng xử, càng sớm càng tốt”, một quan chức ASEAN cho biết.
Video đang HOT
ASEAN đã nỗ lực suốt hơn một thập kỷ qua để đạt được một thỏa thuận về bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông với Trung Quốc.
Hy vọng nhưng không quá kỳ vọng
Sự đoàn kết mà ASEAN thể hiện trong cuộc họp ngày hôm qua là một kết quả tích cực và đem đến nhiều hy vọng sau khi hiệp hội này từng thể hiện sự chia rẽ về vấn đề Biển Đông trong hội nghị hồi năm ngoái.
Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 diễn ra ở Campuchia hồi năm ngoái được xem là một thất bại bởi lần đầu tiên trong lịch sử ra đời và tồn tại của hiệp hội này, các thành viên không đạt được sự đồng thuận để ra một tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị. Lý do là Trung Quốc đã gây sức ép buộc nước chủ nhà cũng là Chủ tịch luân phiên khi đó của ASEAN – Campuchia không đưa vấn đề tranh chấp Biển Đông vào tuyên bố chung.
Sự đoàn kết của ASEAN cùng với việc Bắc Kinh trước đó đã chấp nhận đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử là những tín hiệu lạc quan trong tiến trình tiến tới việc giải quyết các cuộc tranh chấp ở Biển Đông bằng con đường hòa bình.
Tại cuộc họp ở Brunei hồi tháng 7 vừa rồi, Bắc Kinh đã chấp nhận tham gia một cuộc họp đặc biệt giữa ASEAN và Trung Quốc để khởi động tiến trình đàm phán chính thức về một Bộ Quy tắc Ứng xử Biển Đông ở Suzhou, gần Thượng Hải, vào ngày 14 và 15/9 tới. Đây là một sự thay đổi bất ngờ của Trung Quốc bởi trước đây, nước này luôn từ chối thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông với các đối tác ASEAN. Bắc Kinh chỉ muốn giải quyết các cuộc tranh chấp trên cơ sở song phương để dễ bề gây áp lực lên các nước láng giềng nhỏ hơn.
Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng, các nước không nên quá kỳ vọng vào sự thay đổi lập trường của Bắc Kinh bởi việc nước này chấp nhận đàm phán về bộ quy tắc ứng xử không có nghĩa là họ sẽ từ bỏ lập trường đòi giải quyết song phương các cuộc tranh chấp.
Kể từ năm 2009, Trung Quốc đã là khuấy động khu vực Biển Đông bởi các cuộc tranh chấp quyết liệt với các nước láng giềng. Có tới 4 thành viên của ASEAN gồm Philippine, Việt Nam , Brunei , và Malaysia đang có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc. Bắc Kinh đã khiến các nước láng giềng bất mãn khi đòi chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông đồng thời áp dụng các chính sách, bước đi quyết liệt và có phần hung hăng.
Theo_VnMedia
Nhật-Philippines "hợp công", Trung Quốc "sôi máu"
Trước sự thách thức liên tiếp của các nước láng giềng nhỏ hơn như Philippines và Nhật Bản, Trung Quốc đã không kiềm chế nổi sự tức giận. Điều đó đã được thể hiện qua việc, chỉ riêng trong ngày hôm 18/7, tờ Tân Hoa xã - cơ quan ngôn luận chính thức của Trung Quốc, đã tung liên tiếp hai bài báo trong đó cảnh báo và chỉ trích không tiếc lời Philippines cũng như Nhật Bản.
Theo Tân Hoa xã, những nỗ lực của Nhật Bản và Philippines liên quan đến các cuộc tranh chấp hàng hải ở Biển Đông và biển Hoa Đông hiện nay với Trung Quốc chỉ "lãng phí thời gian và không bao giờ đạt được kết quả gì".
Tờ báo của Trung Quốc cáo buộc, sau các cuộc tranh chấp đảo làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc với hai nước láng giềng, nước này đang phải đối mặt với sự khiêu khích từ Philippines và Nhật Bản trong những ngày gần đây.
Thủ tướng Shinzo Abe hôm 17/7 đã phát biểu trước các sĩ quan thuộc Văn phòng Lực lượng Bờ biển Ishigaki rằng, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là "một phần không thể tách rời trong lãnh thổ của Nhật Bản" và rằng Nhật Bản sẽ "không bao giờ lùi bước" trong vấn đề đó.
Tuyên bố trên của ông Abe được đưa ra sau khi Bộ Ngoại giao Philippines đưa ra một tuyên bố 8 điểm hồi đầu tuần, trong đó vạch rõ những lời nói dối của phía Bắc Kinh đồng thời khẳng định lập trường của Trung Quốc đã khiến Manila không thể tiếp tục theo đuổi tiến trình đàm phán giải quyết tranh chấp ở Biển Đông và cũng khiến Manila buộc phải đưa vụ tranh chấp đó ra giải quyết tại tòa án quốc tế.
Một cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Nhật Bản.
Trong bài báo ngày hôm qua, tờ Tân Hoa xã cho rằng, quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông cũng như đảo Hoàng Nham (hay còn gọi là bãi cạn Scarborough) ở Biển Đông, "đều là thuộc lãnh thổ của họ và điều này đã có từ thời cổ xưa. Tuy nhiên, vì những lý do lịch sử, một số nước láng giềng của Trung Quốc đang tranh chấp với Trung Quốc chủ quyền của các quần đảo đó".
"Trong một nỗ lực nhằm cùng chung sống với các nước láng giềng, chính phủ Trung Quốc có xu hướng tìm cách gạt những cuộc tranh chấp đó sang một bên để giải quyết vào một thời điểm khác sau này. Tuy nhiên, Trung Quốc không thể nhân nhượng khi đối mặt với những hành động và phát biểu khiêu khích. Trung Quốc sẽ nỗ lực hết sức để bảo vệ các lợi ích then chốt của bản thân", tờ báo chính thức của nhà nước Trung Quốc đã viết như vậy.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - bà Hua Chunying còn nói, Nhật Bản nên đối mặt với thực tế, ngừng ngay bất kỳ hành động "xâm phạm sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và nỗ lực giải quyết đúng đắn các cuộc tranh chấp thông qua đàm phán".
Theo ông Gao Hong - một chuyên gia về Nhật Bản ở Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, chuyến thăm của Thủ tướng Abe đến Văn phòng Lực lượng Bờ biển Ishigaki là một động thái chính trị trước thềm cuộc bầu cử sắp tới.
Về phía Philippines, nữ phát ngôn viên Hua cho rằng, việc tuần trước Manila tuyên bố họ đã dùng mọi con đường và biện pháp ngoại giao cũng như chính trị để tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp với Trung Quốc là "không đúng sự thực". Bà này nói thêm rằng, chính sự "chiếm đóng bất hợp pháp một phần quần đảo Trường Sa là nguồn cơn gây ra cuộc tranh chấp". Thực chất, quần đảo Trường Sa là thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam nhưng đang bị tranh chấp bởi cả Trung Quốc và Philippines.
Tờ Tân Hoa xã đã một lần nữa tái khẳng định lập trường của Trung Quốc về việc các cuộc tranh chấp chỉ nên được giải quyết trên cơ sở song phương giữa hai nước có liên quan. "Tòa án quốc tế chỉ làm các cuộc tranh chấp thêm phức tạp", tờ báo đại diện cho nhà nước Trung Quốc cho biết.
Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã khăng khăng đòi giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải giữa họ với các nước láng giềng thông qua đàm phán song phương. Theo tuyên bố của Bắc Kinh, họ tin rằng tất cả các bên nên gác tranh chấp sang một bên và nỗ lực vì sự phát triển chung. Tuy nhiên, trên thực tế, giới phân tích tin rằng, Bắc Kinh muốn "đấu tay bo" với từng nước láng giềng nhỏ hơn bởi với tư cách là một nước lớn, họ sẽ dễ bề gây áp lực, áp chế đối phương.
Kết thúc bài viết, tờ Tân Hoa xã không quên cảnh báo, "Nhật Bản phải ngừng các hành động khiêu khích và Philippines phải trở lại bàn đàm phán trước khi mối quan hệ có thể được hàn gắn".
Chĩa "mũi tấn công" vào Mỹ, Philippines
Trong một bài báo khác được đăng tải trước đó cùng ngày, tờ Tân Hoa xã tiếp tục "chĩa mũi dùi tấn công" về phía Philippines - nước hiện giờ đang gây khó chịu nhất cho Trung Quốc trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông.
Qua bài báo, người ta có thể thấy sự tức giận của Bắc Kinh trước kế hoạch biểu tình toàn cầu của một liên minh người Philippines nhằm chống lại sự ức hiếp, bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông. Tờ Tân Hoa xã tuyên bố, quan hệ Trung Quốc-Philippines sẽ không tốt hơn khi người Philippines sống ở nước ngoài lên kế hoạch thực hiện các cuộc biểu tình chống Trung Quốc trên khắp thế giới. Tờ báo của Trung Quốc tin rằng, những cuộc biểu tình này được khích động bởi các động thái của Mỹ trong khu vực gần đây.
Liên minh Biển Đông vừa được thành lập ở New York đã quyết định phát động một loạt cuộc biểu tinh trên khắp toàn cầu ngay sau khi Manila và Washington nhất trí mở rộng mối quan hệ hợp tác quân sự.
Theo thỏa thuận mới nhất, Mỹ sẽ xây dựng một căn cứ hải quân ở Vịnh Subic của Philippines để tăng cường sự ủng hộ cho Manila và mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.
Tờ Tân Hoa xã cho rằng, những động thái như vậy dễ dàng được hiểu là chính phủ Philippines đang nhận được sự ủng hộ của Mỹ trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc và điều đó là phức tạp thêm tình hình cũng như gây phương hại đến sự ổn định của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Tờ báo của Trung Quốc cáo buộc Mỹ vô trách nhiệm khi phát đi các tín hiệu sai lầm cho Philippines trong một thời điểm nhạy cảm như hiện nay và trong tình hình phức tạp như bây giờ. Tân Hoa xã cảnh báo, nếu Mỹ không thay đổi cách thức hành động thì rất có thể Philippines sẽ bị khích động để "tung" ra những hành động nguy hiểm, khiến tình hình thêm tồi tệ.
"Động thái của Mỹ chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến mối quan hệ với Bắc Kinh - một mối quan hệ được Tổng thống Barack Obama miêu tả là quan trọng nhất trên thế giới. Về phần Philippines, đặt hy vọng sai lầm vào Mỹ và chơi trò cứng rắn sẽ chẳng có ích gì trong việc giải quyết các cuộc tranh chấp", tờ Tân Hoa xã đã cảnh báo thêm như vậy.
Theo Vnmedia
Vì Biển Đông, người Philippines yêu Mỹ hơn Trung Quốc Hình ảnh của Trung Quốc đã trở nên tiêu cực đối với rất nhiều người dân ở đất nước Philippines vì cuộc tranh chấp căng thẳng ở Biển Đông hiện nay. Một cuộc thăm dò dư luận mới đây cho biết, cứ 5 người Philippines thì có đến 2 người nói rằng, họ coi nước láng giềng khổng lồ của mình là kẻ...