ASEAN có cần xem xét lại nguyên tắc đồng thuận?
Sau những lùm xùm về kết luận của Thủ tướng nước chủ nhà Campuchia về Biển Đông tại Cấp cao ASEAN 21, giới học giả Indonesia đang đặt câu hỏi: ASEAN có cần xem xét lại nguyên tắc đồng thuận? Nguyên tắc này một mặt có thể là chất keo kết dính, nhưng mặt khác…
Đồng thuận: Động lực hay trở lực của ASEAN?
… nó cũng có thể gây khó cho các nước thành viên trong khối trước những vấn đề khó hoặc gần như không thể tìm được tiếng nói chung.
Trong những bài viết đăng tải sau khi Hội nghị cấp cao lần thứ 21 của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các Cấp cao liên quan kết thúc tại Campuchia vừa qua, các báo Bưu điện Jakarta, Jakarta Globe và Kompas của Indonesia đều đã “xoáy” sâu vào tình trạng không thống nhất kéo dài giữa các nước thành viên Hiệp hội trong việc xử lý các tranh chấp ở Biển Đông giữa 4 nước thành viên ASEAN với Trung Quốc.
Theo các tác giả các bài viết, chủ yếu là các chuyên gia đối ngoại, an ninh, quốc phòng hàng đầu của Indonesia, “ASEAN nên cân nhắc từ bỏ nguyên tắc đồng thuận và chuyển sang cơ chế bỏ phiếu để có thể có được quyết định chung của khối trong những vấn đề còn chưa thống nhất”.
“Trên con đường xây dựng ngôi nhà chung, ASEAN chắc chắn sẽ gặp phải nhiều vấn đề không thống nhất, mà Biển Đông chỉ là một điển hình. Vì thế ASEAN sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức để đi tới nhất trí chung nếu vẫn giữ nguyên tắc đồng thuận”, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế Bantarto Bandoro của trường Đại học Quốc phòng Indonesia nhận định.
Theo ông Bandoro, nếu chuyển sang áp dụng hệ thống bỏ phiếu để đưa ra quyết định, ASEAN sẽ trở thành một tổ chức đáng tin cậy hơn vì có thể đưa ra quyết định trong mọi trường hợp. “ASEAN sẽ mạnh mẽ hơn trước những ảnh hưởng đến từ bên ngoài vốn có thể gây chia rẽ và đẩy các nước thành viên xa rời nhau”, chẳng hạn như vấn đề Biển Đông với Trung Quốc hay xây dựng quan hệ với Mỹ trong kỷ nguyên dịch chuyển trọng tâm về khu vực châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Cùng chung quan điểm này, nhưng ông Aleksius Jemadu – Trưởng khoa Khoa học Chính trị và Xã hội của trường Đại học Pelita Harapan – lại nhấn mạnh đến bản chất của các nhà nước trong việc bảo vệ lợi ích dân tộc, quốc gia.
“Việc bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc là bản chất của một nhà nước. Vì vậy, việc các nước thành viên ASEAN ưu tiên lợi ích riêng của mình, tuân theo áp lực trong nước hơn là từ chủ nghĩa khu vực không có gì là lạ. Nếu không thay đổi lại nguyên tắc ra quyết định, ASEAN sẽ mãi vẫn chỉ là một khối lỏng lẻo khi không thể đưa ra được những quyết định dứt khoát cho những vấn đề nhức nhối trong khu vực”, ông Aleksius Jemadu phân tích trong bài viết của mình.
Trong khi đó, học giả Rizal thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Indonesia nêu dẫn chứng từ thực tế của Indonesia để lập luận cho quan điểm nên xem xét từ bỏ nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN.
Video đang HOT
“Khi nói (hay động chạm) đến lợi ích quốc gia, đặc biệt các vấn đề về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, Indonesia sẽ có những nguyên tắc ‘dĩ bất biến’ và kiên quyết sẽ không thay đổi cho dù các bên có đồng ý hay không”, học giả này nói sau khi khẳng định “quốc gia vạn đảo” sẽ không thể làm được gì nhiều để thu hẹp khoảng cách giữa các bên liên quan trong vấn đề tranh chấp tại Biển Đông.
Hiện tại Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền gay gắt ở Biển Đông với 4 nước thành viên của ASEAN, gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Trong những động thái mới đây nhất, Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng ở vùng biển này khi cho lưu hành bản hộ chiếu mới có in chìm hình đường “lưỡi bò” ôm trọn gần hết Biển Đông, đồng thời chính thức phát hành phi pháp bản đồ của cái gọi là “thành phố Tam Sa” được lập lên vội vã hồi tháng 7 vừa qua trên các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Những hành động này của Trung Quốc, cộng thêm việc trước đó nước này liên tục có các hành động đe dọa các nước trong khu vực, cũng như việc dùng ảnh hưởng buộc Campuchia lái các cuộc đàm phán về Biển Đông theo hướng có lợi cho mình, đã gây ra phản ứng mạnh mẽ trong dư luận khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, dưới nhãn quan của giới học giả, những phản ứng mạnh mẽ của dư luận khu vực sẽ không chỉ dừng lại ở việc lên án Trung Quốc hay chỉ trích Campuchia – nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2012, mà sẽ rẽ sang một hướng mới.
“Việc Tổng thống PhilippinesBenigno Aquino nhấn mạnh có con đường riêng để bảo vệ các lợi ích quốc gia của họ là dấu hiệu đầu tiên của xu hướng này”, chuyên gia Bandoro nói.
Trước đó, tại phiên bế mạc Cấp cao ASEAN 21 diễn ra tại cung Hòa Bình ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia, Tổng thống Philippines Aquino đã thẳng thừng ngắt lời của Thủ tướng nước chủ nhà Hun Sen khi ông này nói rằng “các nhà lãnh đạo ASEAN đã đạt được đồng thuận từ nay sẽ không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông”.
“Tôi xin lỗi ngắt lời ngài Chủ tịch, nhưng tôi phải nói rằng các nhà lãnh đạo ASEAN đã đạt được một số nhất trí trong vấn đề Biển Đông chứ không phải đạt được đồng thuận về việc sẽ không quốc tế hóa. Liên quan đến giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông, đối với Philippines, ASEAN không phải là con đường duy nhất. Là một quốc gia có chủ quyền, Philippines có quyền bảo vệ các lợi ích quốc gia của mình”, Tổng thống Aquino quả quyết.
Theo nhận định của chuyên gia Bandoro, tuyên bố của nguyên thủPhilippines cho thấy rõ khả năng Manila sẵn sàng lựa chọn một con đường khác để giải quyết vấn đề này. Con đường đó có thể có liên quan đến Mỹ, đồng minh thân cận truyền thống của Philippines từng tuyên bố có những lợi ích về tự do, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Trong khi đó, việc Campuchia ngày càng phụ thuộc về kinh tế và chính trị vào Trung Quốc cho thấy khả năng nước này rất có thể sẽ “trở thành đại diện không chính thức” bảo vệ các lợi ích của Bắc Kinh trong các cuộc đàm phán về Biển Đông thuộc khuôn khổ ASEAN.
“Những động thái cứng rắn của Philippines và sự phụ thuộc quá lớn của Campuchia vào Trung Quốc báo hiệu ASEAN sẽ vô cùng khó khăn để đi tới đồng thuận về vấn đề Biển Đông. Mọi chuyện rồi sẽ lại kết thúc như sự cố đã xảy ra tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN hồi tháng 7 vừa qua”, ông Bandoro nói.
Tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) ở Campuchia, các nước đã không ra được tuyên bố chung do bất đồng về cách thức giải quyết tranh chấp tại Biển Đông. Đây là lần đầu tiên, Hiệp hội ASEAN vốn nổi tiếng với sự gắn kết và thống nhất nội khối đã không thể ra được tuyên bố chung do vấp phải phản ứng của nước chủ nhà Campuchia.
Quan điểm của chuyên gia Bandoro cũng là quan điểm chung của nhiều học giả khác của Indonesia, cho rằng để phát triển và giải tỏa bế tắc, đã đến lúc ASEAN cần áp dụng nguyên tắc đồng thuận một cách linh hoạt, có cơ chế ra quyết định riêng cho từng lĩnh vực trong ba trụ cột Chính trị – An ninh, Kinh tế và Văn hóa – Xã hội mà cả khối đang nỗ lực hướng tới vào năm 2015.
Theo Dantri
Việt Nam "đồng tình với quan điểm chung của ASEAN về Biển Đông"
Trả lời phỏng vấn về kết quả của Hội nghị cấp cao ASEAN-21 và các hội nghị liên quan, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, VN đồng tình với quan điểm chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông.
Xin Bộ trưởng cho biết trọng tâm của Hội nghị Cấp cao ASEAN-21 và các Cấp cao liên quan.
Từ ngày 18-20/11/2012 tại Phnôm Pênh đã diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN-21 và một loạt các Hội nghị Cấp cao quan trọng khác gồm: Cấp cao ASEAN 3, Cấp cao Đông Á (EAS), các Cấp cao ASEAN 1 với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, và Hoa Kỳ. Bên lề các Hội nghị cũng diễn ra Đối thoại toàn cầu ASEAN và cuộc gặp của các nhà Lãnh đạo 7 nước thành viên Cấp cao Đông Á tham gia Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự các Hội nghị.
Trong bối cảnh khu vực đang có nhiều thuận lợi cho hòa bình và hợp tác phát triển nhưng cũng gặp không ít khó khăn, phức tạp, các Hội nghị Cấp cao lần này đã tập trung bàn về những vấn đề ưu tiên và quan trọng nhất của khu vực, nhất là việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN tăng cường quan hệ với các Đối tác thúc đẩy mạnh mẽ liên kết và kết nối khu vực cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế quan tâm...
Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả chính của các Hội nghị Cấp cao.
Lãnh đạo các nước ASEAN và các Đối tác đã có những cuộc trao đổi sâu sắc và đề ra các định hướng lớn cho hợp tác ASEAN và giữa ASEAN với các Đối tác, trong đó nổi lên là:
- Thứ nhất, Lãnh đạo các nước ASEAN quyết tâm đẩy mạnh hơn nữa hiện thực hóa Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 nhằm hoàn thành đúng tiến độ và các chỉ tiêu đề ra trong từng trụ cột Cộng đồng, nhất là trụ cột Kinh tế. Theo đó, ASEAN cần tập trung thúc đẩy phát triển đồng đều và bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển ở khu vực, hướng tới đưa ASEAN trở thành một thị trường duy nhất và một không gian sản xuất thống nhất, có sức cạnh tranh cao và ngày càng hội nhập với nền kinh tế toàn cầu.
Các nhà Lãnh đạo cũng chỉ đạo việc đẩy mạnh liên kết và kết nối ở khu vực, trước hết là trong ASEAN rồi mở rộng ra khu vực Đông Á. Để góp phần đạt được điều này, cùng với nỗ lực của các Chính phủ, cần tăng cường huy động sự đóng góp từ khu vực tư nhân, doanh nghiệp, cũng như từ các Đối tác và các tổ chức tài chính quốc tế.
- Thứ hai, Lãnh đạo các nước ASEAN khẳng định cần tiếp túc phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN trong việc bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực, cũng như trong cấu trúc hợp tác khu vực và định hướng xử lý các vấn đề thuộc quan tâm chung ở khu vực, vì lợi ích chung của hòa bình, hợp tác và phát triển. Do đó, ASEAN cần chủ động xây dựng các chuẩn mực ứng xử chung và phát huy tác dụng của các công cụ hợp tác chính trị-an ninh ở khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở ĐNA (TAC), Hiệp ước khu vực ĐNA không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM )... Trong quá trình trao đổi, các nhà Lãnh đạo của các nước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông vì đây là lợi ích và quan tâm chung của khu vực và tất cả các nước đồng thời ủng hộ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử COC tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển 1982 của LHQ. Đáng chú ý, tại dịp này, Lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung kỷ niệm 10 năm DOC, trong đó nhấn mạnh giá trị quan trọng của DOC và việc thực hiện đầy đủ các nguyên tắc, quy định trong văn kiện này, vì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông.
Thứ ba, ASEAN và các Đối tác đã bàn và đề ra các biện pháp nhằm tiếp tục tăng cường và làm sâu sắc quan hệ giữa hai bên, đồng thời khuyến khích các Đối tác tham gia hợp tác và đóng góp xây dựng vào hợp tác ở khu vực, vì các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và phát triển, thiết thực hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và tăng cường liên kết, ứng phó hiệu quả với các thách thức đang đặt ra. Các Đối tác đều khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, hỗ trợ xây dựng Cộng đồng và tăng cường hợp tác trong giải quyết các vấn đề ở khu vực cũng như trong các khuôn khổ ASEAN 1, ASEAN 3, EAS, ARF, ADMM ... Các Đối tác cũng đưa ra nhiều sáng kiến hợp tác cụ thể như: Đối tác Hợp tác Biển và Diễn đàn Hợp tác du lịch ASEAN-Trung Quốc Nhật Bản đề xuất các sáng kiến mới về hợp tác giao thông-vận tải, sử dụng năng lượng xanh, hợp tác lao động Hàn Quốc cam kết hỗ trợ 10 triệu đô la cho ASEAN thực hiện Sáng kiến liên kết IAI giai đoạn 2013-2017 Ấn Độ đề xuất nâng quan hệ ASEAN-Ấn Độ lên đối tác chiến lược Hoa Kỳ đề xuất sáng kiến Gắn kết Kinh tế Mở rộng ASEAN-Hoa Kỳ (E3), "Đối tác toàn diện về tương lai năng lượng bền vững" và các sáng kiến về hợp tác phát triển Tiểu vùng Mê Công...
Các Hội nghị Cấp cao đã thành công tốt đẹp và đã thông qua nhiều văn bản hợp tác quan trọng của ASEAN và giữa ASEAN với các Đối tác. Đáng chú ý, Lãnh đạo các nước ASEAN đã ký "Tuyên bố Phnôm-Pênh thông qua Tuyên bố Nhân quyền ASEAN thông qua Kế hoạch Hành động triển khai Tuyên bố Bali về "Cộng đồng ASEAN trong Cộng đồng các Quốc gia toàn cầu" chính thức công bố lập Viện nghiên cứu Hòa bình Hòa giải ASEAN (AIPR) ASEAN và các Đối tác liên quan chính thức khởi động đàm phán Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP) Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 10 năm Tuyên bố DOC Tuyên bố chung Cấp cao ASEAN-Mỹ về thúc đẩy hợp tác giữa hai bên và hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược Tuyên bố Kỷ niệm 15 năm hợp tác ASEAN 3 Tuyên bố Đối tác Kết nối ASEAN 3, Tuyên bố Phnôm-pênh về Sáng kiến Phát triển EAS...
Cũng tại dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN-21, Lãnh đạo các nước ASEAN đã chính thức phê duyệt và bổ nhiệm đề cử nhân sự của Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Lương Minh, vào cương vị Tổng thư ký ASEAN với nhiệm kỳ sẽ bắt đầu từ năm 2013 đến năm 2017.
Xin Bộ trưởng cho biết sự tham gia và đóng góp của Việt Nam vào thành công của các Hội nghị Cấp cao.
Đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị Cấp cao lần này do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đã tiếp tục phương châm đóng góp "chủ động, tích cực và có trách nhiệm" vào các mục tiêu chung nêu trên và các trọng tâm ưu tiên của ASEAN và khu vực. Cụ thể là:
- Chúng ta luôn coi trọng và tích cực đóng góp và việc tăng cường vai trò và hợp tác ASEAN, cũng như xây dựng ASEAN đoàn kết, liên kết và vững mạnh, mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác, vì hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực.
- Chúng ta đã tích cực đóng góp vào việc đẩy mạnh xây dựng Cộng đồng ASEAN, liên kết và kết nối khu vực thúc đẩy phát triển bền vững và đồng đều của khu vực, đi đôi với bảo vệ môi trường và đảm bảo an sinh xã hội tích cực quảng bá và giáo dục về ASEAN khuyến khích các Đối tác, các tổ chức khu vực và quốc tế hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng.
- Chúng ta ủng hộ và đề cao việc ASEAN tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong cấu trúc hợp tác khu vực và trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực, đoàn kết có tiếng nói và xử lý hiệu quả các vấn đề nảy sinh và các thách thức đặt ra ở khu vực. Đồng thời, ASEAN cần tiếp tục chủ động xây dựng và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, phát huy hiệu quả các văn kiện nền tảng của ASEAN như Hiến chương ASEAN, Hiệp ước TAC, SEANWFZ, Tuyên bố DOC, Tuyên bố nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về Biển Đông...
Chúng ta đồng tình với quan điểm chung của ASEAN về vấn đề Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ủng hộ các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Tuyên bố về Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN và sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử COC giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc của luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển của LHQ 1982 (UNCLOS), trong đó có các quy định của Công ước về tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển.
- Về quan hệ đối ngoại, chúng ta ủng hộ ASEAN tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, tạo môi trường thuận lợi và tăng cường tranh thủ nguồn lực cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN chủ động định hướng hợp tác chung ở khu vực và thúc đẩy các Đối tác tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, thu hẹp khoảng cách phát triển, khoa học công nghệ..., tiểu vùng Mê Công, cả về các lĩnh vực phát triển, cũng như về bảo đảm sử dụng bền vững nguồn nước. Mặt khác, ASEAN và các đối tác cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về các vấn đề an ninh phi truyền thống và các thách thức đang nổi lên như thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh an toàn hàng hải, tội phạm xuyên quốc gia... đóng góp vào các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực.
- Bên lề các Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cũng đã có nhiều tiếp xúc song phương để trao đổi về tăng cường hợp tác song phương cũng như các vấn đề cùng quan tâm tại các Hội nghị.
Theo Dantri
Biển Đông được nêu như thế nào tại tuần lễ Cấp cao ASEAN 21? Sau thất bại tại AMM-45 hồi tháng 7, điều khiến dư luận quan tâm nhất hiện nay là tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với một số nước thành viên ASEAN sẽ được nêu thế nào và có được đưa ra trong tuyên bố chung của Cấp cao ASEAN 21? Tranh chấp tại Biển Đông được cho là sẽ làm...