Armenia tập trận với Mỹ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng
Mỹ và Armenia đã mở các cuộc tập trận quân sự vào thứ Hai (11/9), khi Armenia đang có nhiều bất đồng ở biên giới với nước láng giềng Azerbaijan.
Theo Bộ Tư lệnh châu Âu và Châu Phi của Quân đội Mỹ, cuộc tập trận Eagle Partner đã khai mạc với sự tham gia của khoảng 85 binh sĩ Mỹ để huấn luyện khoảng 175 binh sĩ Armenia cho đến ngày 20 tháng 9.
Các binh sĩ đi trong chiến hào tại trạm kiểm soát biên giới giữa Armenia và Azerbaijan gần làng Sotk, Armenia, ngày 18/6/2021. Ảnh: AFP
Bộ Quốc phòng Armenia cho biết cuộc tập trận nhằm “tăng mức độ tương tác” với lực lượng Mỹ trong các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình quốc tế.
Quân đội Mỹ cho biết cuộc tập trận sẽ giúp Lữ đoàn gìn giữ hòa bình số 12 của Armenia đáp ứng các tiêu chuẩn của NATO trước đợt đánh giá vào cuối năm nay.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết quyết định của Armenia không tiến hành các cuộc tập trận với liên minh Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Moscow dẫn đầu và thay vào đó hợp tác với Mỹ đòi hỏi phải được “phân tích rất sâu sắc”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Matthew Miller nói rằng Mỹ đã hợp tác an ninh với Armenia từ năm 2003 và gọi cuộc tập trận mới nhất là “một cuộc tập trận thường lệ không hề gắn liền với bất kỳ sự kiện nào khác”.
Nhưng Moscow tuần trước đã triệu tập đại sứ Armenia để phàn nàn về “những bước đi không thân thiện” mà nước này đang thực hiện. Bộ này cho biết đặc phái viên của Armenia đã bị khiển trách “nghiêm khắc” nhưng khẳng định hai nước “vẫn là đồng minh”.
Armenia và Azerbaijan đã có cuộc xung đột ngắn ngủi nhưng đẫm máu vào năm 2020 để giành quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh, một khu vực ly khai ở Azerbaijan.
Nga làm trung gian cho lệnh ngừng bắn và triển khai 2.000 lính gìn giữ hòa bình tới hành lang Lachin, nối Armenia với Nagorno-Karabakh.
Nhưng Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan gần đây cho biết Moscow “không thể hoặc không muốn” kiểm soát lối đi này. Chính quyền của ông đã cáo buộc Azerbaijan đóng đường và phong tỏa khu vực miền núi, gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo tại các thị trấn có dân cư Armenia.
Nagorno-Karabakh là trung tâm của hai cuộc chiến giữa Azerbaijan và Armenia. Vào những năm 1990, Armenia đã đánh bại Azerbaijan và nắm quyền kiểm soát khu vực này cùng với 7 quận lân cận của Azerbaijan.
Ba mươi năm sau, Azerbaijan giàu năng lượng, vốn đã xây dựng quân đội hùng mạnh và nhận được sự hậu thuẫn từ Thổ Nhĩ Kỳ, đã trả thù.
Sau cuộc chiến năm 2020, Yerevan buộc phải nhượng lại một số vùng lãnh thổ mà họ đã kiểm soát trong nhiều thập kỷ.
Tình hình ở Nagorno-Karabakh vẫn còn bất ổn và Armenia đã cáo buộc Azerbaijan di chuyển quân đến gần khu vực gần đây, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột quy mô lớn mới.
Cuộc tập trận nhỏ nhưng tạo tiền lệ lớn
Về quy mô, cuộc tập trận chung mà Armenia và Mỹ dự định tiến hành trong thời gian tới chỉ rất nhỏ. Chỉ có 175 binh sĩ Armenia và 85 binh sĩ Mỹ tham gia.
Mục đích của cuộc tập trận này rất khiêm nhường, vì theo Bộ Quốc phòng Armenia thì mục đích chỉ là tăng cường hợp tác giữa quân đội hai nước trong các hoạt động gìn giữ hòa bình quốc tế, tức là ở bên ngoài phạm vi lãnh thổ hai nước. Những người lính tham gia tập trận chỉ mang súng thông dụng, không sử dụng các loại vũ khí hạng nặng.
Dù vậy, sự kiện này lại tạo tiền lệ đặc biệt. Lần đầu tiên có quân đội Mỹ đến Armenia tập trận. Ở Armenia có căn cứ quân sự của Nga và xưa nay Moscow được xem là cường quốc đảm bảo an ninh cho Armenia. Giữa Armenia và Azerbaijan vẫn dai dẳng cuộc tranh chấp chủ quyền. Năm ngoái, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã tới Armenia, thể hiện sự hậu thuẫn của Mỹ cho Armenia trong vấn đề Nagorny Karabakh.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Ảnh REUTERS
Cuộc tập trận chung này lại còn diễn ra ngay sau khi Thủ tướng Armenia công khai phàn nàn về Nga, coi việc dựa vào Moscow để đảm bảo an ninh là sai lầm.
Tiền lệ này báo hiệu mức độ tin cậy lẫn nhau và bền chặt trong liên minh quân sự giữa Armenia và Nga bắt đầu suy giảm và Mỹ chủ ý tận dụng mọi cơ hội để phân rẽ hai bên, đồng thời gầy dựng và tăng cường sự hiện diện quân sự, ảnh hưởng chính trị an ninh ở Armenia và ở vùng nam Caucasus. Từ đó, Washington kiến tạo vai trò then chốt trong chuyện tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Armenia và Azerbaijan.
Thủ tướng Armenia nói chỉ dựa vào Nga về an ninh là 'sai lầm chiến lược'
Tiền lệ này và mưu tính của Mỹ có thể sẽ làm thay đổi cơ bản cục diện tình hình và tương quan lực lượng ở vùng nam Caucasus. Armenia tăng thế đối với Nga và Azerbaijan. Còn Azerbaijan, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có lý do phải quan ngại sâu sắc.
Cháy doanh trại quân đội, ít nhất 15 binh sĩ Armenia thiệt mạng Ít nhất 15 binh sĩ Armenia đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương khi hỏa hoạn bùng phát tại một doanh trại quân đội ở miền Đông nước này, AP ngày 19/1 đưa tin. Hình minh họa. Ảnh: AP Vụ việc xảy ra vào khoảng 1h30 sáng ngày 19/1 (giờ địa phương) trong doanh trại của một đại đội công binh...