Armenia đề xuất ký thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Azerbaijan
Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, tại cuộc gặp với các thành viên đảng Hợp đồng Dân sự cầm quyền ở thành phố Gavar ngày 13/1, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã đề xuất ký kết thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Azerbaijan.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev (trái) và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tại hội nghị lãnh đạo Cộng đồng các Quốc gia độc lập (CIS) ở ngoại ô Saint Petersburg, Nga ngày 26/12/2023. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Pashinyan coi những lời chỉ trích của Baku liên quan đến việc Yerevan mua vũ khí từ Pháp hoặc Ấn Độ là không phù hợp. Theo ông Pashinyan, nếu Azerbaijan cho rằng Armenia không nên có lực lượng vũ trang thì quyền tồn tại của đất nước sẽ bị đặt dấu hỏi và điều này hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Thủ tướng Pashinyan nói thêm rằng vấn đề này cần được xem xét trong bối cảnh an ninh khu vực, thừa nhận rằng cả hai nước có thể có những lo ngại về việc mua sắm vũ khí. Trên cơ sở này, hai nước cần ký một hiệp ước hòa bình để loại trừ khả năng xảy ra chiến tranh. Ông Pashinyan nêu rõ: “Hãy ký thỏa thuận kiểm soát vũ khí để Armenia và Azerbaijan đạt được các thỏa thuận cụ thể liên quan đến vũ khí và có cơ hội giám sát việc thực hiện các thỏa thuận này”.
Theo Thủ tướng Pashinyan, nếu hai bên chân thành mong muốn đạt được hòa bình thì những vấn đề này cần phải được giải quyết. Ông lưu ý rằng cho đến nay, Armenia và Azerbaijan sử dụng các ngôn ngữ ngoại giao khác nhau và vẫn sẽ tồn tại những thế lực, ở cả bên trong và bên ngoài hai nước, không quan tâm đến hòa bình. Thủ tướng Pashinyan kết luận lập trường và tuyên bố của các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan rất quan trọng trong tiến trình hòa bình.
Trước đó, ngày 10/1, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết đã có các điều kiện thực tế cho việc ký kết một hiệp ước hòa bình, do đó việc cần làm hiện nay là tích cực đưa những yếu tố này vào văn kiện chính thức. Dù không phản đối việc các nước bên ngoài muốn hỗ trợ quá trình hòa giải giữa Azerbaijan và Armenia nhưng ông Aliyev cho rằng không cần thiết phải có bên bảo lãnh cho hiệp ước hòa bình giữa hai nước vì đây là vấn đề song phương và cần hai nước phải tự giải quyết để căng thẳng hiện nay không trở thành vấn đề địa chính trị. Nhà lãnh đạo Azerbaijan cũng tin tưởng rằng sẽ không xảy ra cuộc xung đột mới nào với Armenia và ông khẳng định sẽ làm mọi thứ có thể trong khả năng của mình để ngăn chặn điều này.
Gần đây, Armenia và Azerbaijan đều tuyên bố sẵn sàng ký thỏa thuận hòa bình nhằm khép lại hàng thập kỷ xung đột ở khu vực Nagorny-Karabakh – vùng núi nằm sâu trong lãnh thổ Azerbaijan nhưng có đa số dân sinh sống là người gốc Armenia.
Các cuộc đàm phán hòa bình do quốc tế làm trung gian trước đó đã không tạo ra bước đột phá. Dù lãnh đạo cả hai nước khi đó đều tin tưởng rằng một hiệp ước hòa bình toàn diện có thể được ký kết vào cuối năm ngoái nhưng tiến trình hòa bình đã bị đình trệ sau khi Azerbaijan từ chối các cuộc gặp dưới sự trung gian của EU và Mỹ vì cáo buộc có sự thiên vị dành cho Armenia.
Thủ tướng Armenia nói chỉ dựa vào Nga về an ninh là 'sai lầm chiến lược'
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan mới đây nói rằng chính sách chỉ dựa vào Nga để đảm bảo an ninh cho đất nước của ông là một sai lầm chiến lược.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ La Repubblica của Ý được xuất bản hôm nay 3.9, Thủ tướng Pashinyan nói rằng Nga đã không đảm bảo an ninh cho Armenia trước điều mà ông cho là sự gây hấn từ nước láng giềng Azerbaijan đối với vùng ly khai Nagorno-Karabakh, theo Reuters.
Ông Pashinyan cho rằng Nga, quốc gia có hiệp ước phòng thủ với Armenia, không coi đất nước của ông đủ thân với Nga. Ông Pashinyan cho biết thêm ông tin rằng Nga đang trong quá trình rời khỏi khu vực Nam Caucasus rộng lớn hơn.
Do đó, Yerevan đang cố gắng đa dạng hóa các thỏa thuận an ninh của mình, theo Thủ tướng Pashinyan. Tiết lộ này được cho là một sự ám chỉ rõ ràng đến mối quan hệ của Armenia với Liên minh châu Âu và Mỹ cũng như nỗ lực của Yerevan nhằm tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước khác trong khu vực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trong cuộc gặp ở thành phố Saint Petersburg (Nga) ngày 27.12.2022. Ảnh Reuters
"Cấu trúc an ninh của Armenia 99,999% liên kết với Nga, bao gồm cả việc mua sắm vũ khí và đạn dược. Nhưng ngày nay chúng tôi thấy rằng bản thân Nga cũng đang cần vũ khí và đạn dược (cho cuộc xung đột ở Ukraine) và trong tình hình này, có thể hiểu rằng dù có muốn, Liên bang Nga cũng không thể đáp ứng nhu cầu an ninh của Armenia", ông Pashinyan khẳng định trong cuộc phỏng vấn với La Repubblica.
"Trường hợp này cho chúng tôi thấy rằng việc phụ thuộc vào chỉ một đối tác trong các vấn đề an ninh là một sai lầm chiến lược", ông Pashinyan nhấn mạnh.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Nga đối với cuộc phỏng vấn nói trên của ông Pashinyan.
Armenia và Azerbaijan đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh trong 35 năm qua để giành quyền kiểm soát Nagorno-Karabakh. Vùng này được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan nhưng là nơi cư trú chủ yếu của người dân tộc Armenia.
Xem nhanh: Chiến dịch quân sự Nga ở Ukraine ngày 556 có diễn biến gì nóng?
Nga đã cử một đội quân gìn giữ hòa bình gồm hàng nghìn người tới Nagorno-Karabakh vào năm 2020 như một phần của thỏa thuận nhằm chấm dứt nhiều tuần giao tranh khiến hàng ngàn người thiệt mạng và giúp Azerbaijan giành được phần lãnh thổ đáng kể.
Tuy nhiên, ông Pashinyan cáo buộc lực lượng gìn giữ hòa bình Nga được triển khai để duy trì thỏa thuận ngừng bắn đã không thực hiện nhiệm vụ của mình, theo Reuters.
Armenia: Đề xuất của Nga là cơ sở đàm phán bình thường hóa quan hệ với Azerbaijan Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, ngày 14/11, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết các đề xuất của Nga có thể trở thành cơ sở cho các cuộc đàm phán bình thường hóa quan hệ với Azerbaijan. Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan. Ảnh: AFP/TTXVN Phát biểu trong cuộc gặp đặc phái viên của Ngoại trưởng Nga Igor Khovaev, Thủ tướng Pashinyan...