Armenia, Azerbaijan đạt thỏa thuận ngừng bắn sau vụ đụng độ làm hàng chục lính thiệt mạng
Armenia ngày 17/11 tuyên bố thỏa thuận ngừng bắn với Azerbaijan sau khi nổ ra vụ giao tranh đẫm máu nhất trong vòng một năm qua trên tuyến biên giới, làm hàng chục binh sĩ hai nước thiệt mạng và bị thương.
Giao tranh bùng phát trên tuyến biên giới giữa Armenia và Azerbaijan sau một năm hai bên ký thỏa thuận ngừng bắn ngày 9/11/2020. Ảnh: Getty Images
Tuyên bố ngừng bắn được đưa ra sau các cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu với đồng cấp người Armenia để thảo luận về việc chính quyền Yerevan đề nghị Moskva giúp đỡ.
Xung đột trong vài ngày gần đây trên tuyến biên giới gần khu vực tranh chấp Nagorno- Karabakh đã gây thương vong cho cả hai bên. Armenia xác nhận có 15 binh sĩ thiệt mạng, 12 người khác bị bắt giữ. Bộ Quốc phòng Azerbaijan thông báo có 7 binh sĩ thiệt mạng và 10 binh sĩ bị thương.
Trước đó, ngày 16/11, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cáo buộc Azerbaijan xâm phạm chủ quyền, độc lập của Armenia. Về phần mình, Baku cho rằng Armenia là bên phải chịu trách nhiệm cho “hành vi gây hấn quân sự quy mô lớn”.
Quan hệ Armenia và Azerbaijan tồn tại căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với khu vực Nagorny-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia.
Armenia và Azerbaijan bày tỏ thiện chí với nỗ lực giảm căng thẳng leo thang
Ngày 29/5, bình luận về tuyên bố của Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) về vấn đề Nagorny-Karabakh, quyền Thủ tướng Armenia cho biết nước này sẵn sàng rút quân khỏi biên giới với Azerbaijan trong một nỗ lực nhằm giảm căng thẳng leo thang tại đây.
Binh sĩ Armenia nã pháo về phía lực lượng Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh ngày 25/10/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Trong cuộc gặp người dân tại quận Nork-Marash của thủ đô Yerevan, ông Pashinyan nói: "Tôi hoan nghênh tuyên bố của các đồng chủ tịch Nhóm Minsk của OSCE, đối với chúng tôi, lập luận về những bước đi được đưa ra về cơ bản là chấp nhận được... Chúng tôi sẵn sàng khởi động việc rút quân bất cứ thời điểm nào và chúng tôi sẽ đợi Nhóm Minsk của OSCE đạt được một thỏa thuận với Azerbaijan để bắt đầu quá trình rút quân".
Trước đó, hôm 28/5, các đồng chủ tịch Nhóm Minsk của OSCE đã kêu gọi các bên ngay lập tức có những bước đi, trong đó có việc điều động quân đội, để giảm tình hình căng thẳng leo thang và khởi động hòa đàm nhằm thúc đẩy việc phân định biên giới. Các nhà trung gian này bày tỏ họ sẵn sàng giúp thúc đẩy quá trình này.
Trong khi đó, cũng trong ngày 29/5, Thủ tướng Azerbaijan Ali Asadov cho biết nước này ủng hộ đề xuất của Nga về việc thành lập một ủy ban ba bên để đảm bảo việc phân định biên giới Azerbaijan-Armenia, đồng thời nói thêm rằng Baku sẵn sàng hợp tác mang tính xây dựng với Yerevan để giải quyết vấn đề tranh chấp này.
Trong một tuyên bố, ông Asadov nói: "Azerbaijan đã bắt đầu quá trình xác định cơ sở hạ tầng biên giới của mình và sẵn sàng giải quyết vấn đề biên giới với Armenia theo cách mang tính xây dựng. Về vấn đề này, Azerbaijan ủng hộ đề xuất của Nga thành lập một ủy ban ba bên để phân định biên giới Azerbaijan-Armenia. Việc xác định biên giới là một thủ tục kỹ thuật phải được thiết lập trên cơ sở pháp lý quốc tế".
Armenia đề nghị Nga giúp bảo vệ lãnh thổ khi bùng phát giao tranh với Azerbaijan Thư ký Hội đồng An ninh Armenia, ông Armen Grigoryan, hy vọng Nga sẽ cung cấp hỗ trợ quân sự đầy đủ cho Armenia trong trường hợp đàm phán xử lý tranh chấp biến giới với Azerbaijan không mang lại kết quả. Binh sĩ Armenia trong cuộc giao tranh với lực lượng Azerbaijan tại khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh ngày 25/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN...