Arini Alit – Huyền thoại múa Bali
Arini Alit, một nghệ sĩ múa Bali huyền thoại, đã dành hơn 74 năm cuộc đời mình để biểu diễn và truyền dạy nghệ thuật múa truyền thống Bali.
Niềm đam mê cháy bỏng của bà đã đóng góp lớn trong việc gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của Bali ở Indonesia.
Bà Arini Alit bên cô học trò nhí đầy tiềm năng Rita.
Giữa thủ phủ Denpasar của Bali sôi động và trầm mặc, hiện đại và truyền thống đan xen, nhiều người biết đến một nữ nghệ sĩ nổi tiếng về nghệ thuật múa truyền thống Bali vừa biểu diễn vừa dạy múa cho các lứa tuổi. Ngoài nổi tiếng về nghề, người nghệ sĩ này còn rất đặc biệt bởi ở tuổi 81, bà vẫn đang truyền dạy kỹ năng và niềm đam mê múa Bali cho hàng trăm học trò.
Nằm sâu trong một con ngõ nhỏ hẹp, nhưng bên trong ngôi nhà của người nữ nghệ sĩ lại mở ra một không gian cổ tích với lối thiết kế đặc trưng truyền thống Bali, tạo nên sự hài hòa giữa con người, thiên nhiên và thần linh. Một đền thờ nhỏ được đặt trang trọng giữa khu vườn. Những khung cửa được chạm khắc tinh xảo với các họa tiết hoa văn truyền thống.
Ngôi nhà của bà Arini Alit mang nét đẹp đặc trưng của những ngôi nhà Bali truyền thống.
Nghệ sĩ Arini Alit dành một khoảng không gian mở, thông ra khu vườn, rộng chừng 100m2, làm nơi dạy múa. Ở đây còn có một sân khấu với một dàn các nhạc cụ truyền thống đã được lưu giữ qua mấy đời. Học trò của bà có lứa tuổi phổ rộng từ 4 tuổi đến hơn 50 tuổi, thường tập trung đông nhất vào 2 ngày cuối tuần. Những lớp học như thế đã được duy trì từ hơn 50 năm qua với khoảng 150 đến 200 học viên mỗi tuần.
Video đang HOT
Bà Arini Alit bên dàn nhạc cụ gia truyền.
Bà Arini Alit cho biết, múa cũng là một hình thức thờ cúng đối với người Bali, vì vậy bà muốn duy trì, gìn giữ nó. Theo bà, nghệ thuật múa cũng giúp làm sạch và thanh lọc tâm trí, khi hóa thân vào những điệu múa, người nghệ sĩ được thăng hoa và đến gần hơn với vũ trụ vạn vật.
Bà Arini xuất thân từ một gia đình có truyền thống âm nhạc, cha của bà là nhạc công chơi đàn gamelan, một bộ nhạc cụ gõ truyền thống. Bà bắt đầu học múa từ năm 7 tuổi với thầy giáo đầu tiên là người chú ruột, vốn là một vũ công nổi tiếng.
Bà Arini Alit trong một thế múa đặc trưng của nghệ thuật múa Bali truyền thống.
81 tuổi đời với hơn 74 năm đắm mình trong âm nhạc và những chuyển động huyền bí của nghệ thuật múa truyền thống Bali, niềm đam mê dường như vẫn không hề nguôi vơi mà luôn cháy trong từng bước chân, ánh mắt, thế tay của người nghệ sĩ. Bà đã từng biểu diễn tại các buổi lễ nghi thức quốc gia qua các đời Tổng thống và có những chuyến lưu diễn dài hàng tháng tại nước ngoài như Nhật Bản.
Theo bà, trong múa Bali không có vũ điệu nào là khó nhất, mà cái khó là kết hợp được các chuyển động tay, chân, đầu cổ, mắt và toát lên được thần thái của mỗi điệu múa.
Ngoài biểu diễn, bà đã duy trì các lớp dạy múa từ năm 1973 đến nay. Rất nhiều học trò của bà đã trở thành những nghệ sĩ múa nổi tiếng. Ita Uliantika là một trong những học trò xuất sắc của bà, cô ghé qua thăm bà khi vừa trở về từ một buổi biểu diễn. Và điệu múa điêu luyện của cô ngay trên lớp học đơn sơ, nơi đã giúp cô trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng, khiến người thầy của cô cảm thấy hài lòng.
Nghệ sĩ múa Bali nổi tiếng, Ita Uliantika, từng theo học bà Arini Alit từ năm 6 tuổi.
Cô Ita Uliantika cho biết đã học múa ở đây từ năm 6 tuổi. Dù đã biểu diễn ở nhiều sân khấu lớn của quốc gia hay nhiều nơi trên thế giới như Hàn Quốc, Đức,… nhưng mỗi lần trở về đây, Ita vẫn cảm thấy rất đặc biệt và thân thuộc. Cô có một mong ước sau này sẽ mở các lớp dạy múa để gìn giữ những giá trị nghệ thuật truyền thống của Bali giống như người thầy của mình.
Bên không gian mở của lớp học trong một buổi sáng với cái nắng Bali rực rỡ, bà Arini Alit uốn nắn từng động tác cho cô học trò nhỏ 6 tuổi đã học múa được 2 năm. Những động tác của cô bé đã khá thuần thục và toát lên được cái hồn của nghệ thuật múa Bali. Cô bé bày tỏ rất thích múa và mong muốn lớn lên sẽ múa đẹp và được đi biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới như bà giáo của mình.
Bà Arini Alit tỉ mỉ uốn nắn học trò từng động tác.
Hàng chục năm gắn bó, biểu diễn và truyền dạy các điệu múa Bali cho nhiều thế hệ, bà Arini coi công việc này như một cách để thỏa sự đam mê đã ăn sâu vào con người bà. Những lớp học múa của bà hàng chục năm qua đã góp phần lưu giữ một nét nghệ thuật văn hóa đặc trưng, độc đáo của hòn đảo đậm chất bản sắc này.
Bài và ảnh: Đỗ Quyên (P/v TTXVN tại Indonesia)
Seoul cung cấp trải nghiệm du lịch hallyu miễn phí cho khách nước ngoài
Ngày 14/9, chính quyền thành phố Seoul công bố sẽ tiếp tục các chương trình hallyu hay "làn sóng Hàn Quốc" miễn phí để giúp các du khách nước ngoài có được trải nghiệm nhiều hơn về văn hóa cũng như các hoạt động giải trí đa dạng của nước này.
Khách du lịch chụp ảnh trước Dongdaemun Design Plaza ở Seoul. Ảnh tư liệu: YONHAP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, các chương trình hallyu diễn ra trong suốt tháng 11 năm ngoái đã được thiết kế để mang đến những trải nghiệm sâu sắc về văn hóa đại chúng, làm đẹp, ẩm thực Hàn Quốc và nghệ thuật truyền thống. Các chương trình có sự hợp tác của các công ty hàng đầu Hàn Quốc trong các ngành văn hóa, giải trí, làm đẹp, thực phẩm... nên đã thu hút sự quan tâm đáng kể của nhiều người. Tổng cộng đã có khoảng 3.000 du khách từ 78 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia sự kiện.
Một trong những điểm nổi bật là lớp học nhảy K-pop, cho phép người tham gia học các động tác nhảy từ những bài hát K-pop nổi tiếng. Lớp trang điểm K-beauty cung cấp thông tin chi tiết về các kỹ thuật trang điểm của thần tượng K-pop từ các thương hiệu làm đẹp hàng đầu như AmorePacific và Espoir. Trong khi đó, những người đam mê ẩm thực có thể tham gia lớp học nấu ăn được tổ chức chung với CJ The Kitchen và lớp học làm kimchi tại Bảo tàng Kimchikan để học cách chế biến các món ăn truyền thống của Hàn Quốc.
Một số lớp học khác bao gồm các buổi học thủ công với nghệ nhân tại làng Bukchon Hanok và trải nghiệm nấu rượu Makgeolli, nơi du khách có thể tự tạo ra loại rượu gạo Hàn Quốc truyền thống của riêng mình.
Ngoài ra, chính quyền thành phố Seoul còn cung cấp Trại hè K-Culture, một sáng kiến mới dành cho trẻ em nước ngoài có hứng thú sâu sắc với văn hóa Hàn Quốc. Chương trình này bao gồm tối đa 2 tuần tại trại huấn luyện K-pop do các giảng viên đã đào tạo các nghệ sĩ nổi tiếng dẫn dắt và trại catwalk thời trang, nơi những người tham gia có thể trải nghiệm các buổi trình diễn thời trang của Seoul.
Theo chính quyền Seoul, thành phố đặt mục tiêu sẽ liên tục phát triển các sản phẩm trải nghiệm du lịch mở rộng, tận dụng các nguồn lực độc đáo để biến Seoul thành địa điểm níu chân du khách ở lại lâu hơn và sau này còn muốn quay lại. Tất cả các hoạt động đều được tiến hành bằng tiếng Anh và miễn phí hoàn toàn cho du khách nước ngoài. Du khách quan tâm có tìm kiếm thông tin và đăng ký thông qua trang web du lịch chính thức của thành phố Seoul.
Thương Võ hài hước nhận MV mới là "đồ cúng" Ra mắt MV 'Không phải đồ ăn', ca sĩ trẻ Thương Võ không ngại bị so sánh với đàn chị Hoàng Thùy Linh, Hòa Minzy... khi theo đuổi dòng nhạc mang màu sắc dân gian. Chiều 9-9, Thương Võ ra mắt MV Không phải đồ ăn. Đây cũng là MV đầu tiên kể từ khi cô Nam tiến và là sản phẩm giúp...