Argentina cử máy bay tới Nga tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, hãng hàng không quốc gia Aerolineas Argentinas của Argentina ngày 23/12 thông báo chuyến bay đặc biệt tới Nga để tiếp nhận lô vaccine Sputnik V đầu tiên đã tới thủ đô Moskva và dự kiến sẽ quay trở về nước trong ngày 24/12 sau khi nhận đủ 300.000 liều vaccine tiềm năng ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Chuyển lô vaccine Sputnik V ngừa bệnh COVID-19 lên máy bay thuộc hãng hàng không quốc gia Aerolineas Argentinas của Argentina tại sân bay quốc tế Sheremetyevo, gần Moskva, Nga ngày 23/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Dự kiến, trong khoảng 21 ngày sau đó Aerolineas Argentina sẽ thực hiện chuyến bay thứ hai để tiếp nhận số lượng vaccine Sputnik V tương tự, để những người trong nhóm được tiêm chủng lần đầu có thể được tiêm liều thứ 2 theo đúng quy trình.
Cũng trong ngày 23/12, Bộ Y tế Argentina và Cơ quan quản lý quốc gia về dược phẩm, thực phẩm và công nghệ y tế (ANMAT) đã cấp phép sử dụng vaccine Sputnik V sau khi các chuyên gia đã thực hiện việc giám sát kỹ thuật về quá trình thử nghiệm lâm sàng và sản xuất sản phẩm này tại các nhà máy ở Nga. Argentina cũng là quốc gia đầu tiên tại Mỹ Latinh phê chuẩn vaccine Sputnik V. Tính đến 9h30 sáng 24/12 (theo giờ Việt Nam), nước này có 1.563.865 ca mắc bệnh COVID-19, trong đó có 42.314 ca tử vong.
Video đang HOT
Trong khi đó, Peru đang hy vọng sẽ tiếp nhận lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên trong quí I/2021.
Tổng thống Peru Francisco Sagasti ngày 23/12 cho biết đã nhận được thông báo của Cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine COVID-19 (COVAX) về việc nước này sẽ nhận được một “số lượng quan trọng” vaccine ngừa COVID-19 vào quí I/2021 trong bối cảnh dư luận trong nước đang lo ngại về khả năng nước này có được vaccine trong thời gian sớm nhất.
Theo ông Sagasti, Peru đã thanh toán trước một khoản tiền để mua vaccine và các nhà cung cấp tham gia cơ chế COVAX khẳng định sẽ chuyển lô vaccine đầu tiên cho nước này. Tuy nhiên, hiện phía Peru cũng chưa biết chính xác số lượng vaccine sẽ nhận được. Ngoài ra, Peru cũng đã tích cực đàm phán với một số công ty dược khác để có được một thỏa thuận cung cấp vaccine cụ thể.
Hồi tháng 9 vừa qua Chính phủ Peru đã thông báo về việc đạt được thỏa thuận với COVAX để mua 13,2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và một cam kết sơ bộ khác với công ty Pfizer của Mỹ để mua 9,9 triệu liều. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, phía cung cấp chưa thể xác định được chính xác số lượng vaccine có thể đáp ứng được cho Peru.
Peru là một trong số các quốc gia có tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao nhất thế giới. Theo thống kê chính thức, số ca mắc bệnh tại nước này đã vượt mốc 1 triệu người, trong đó có hơn 37.200 ca tử vong.
Nga dừng dùng giả dược trong thử nghiệm đối với vaccine Sputnik V
Ngày 23/12, Viện nghiên cứu Gamaleya tại thủ đô Moskva, đơn vị phát triển vaccine đầu tiên phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của Nga, thông báo các tình nguyện viên tham gia các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối quy mô lớn đối với vaccine Sputnik V sẽ không còn tiếp nhận các giả dược.
Tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Moskva, Nga, ngày 5/12/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Hãng thông tấn RIA dẫn phát biểu của ông Alexander Ginsburg, Giám đốc viện nghiên cứu Gamaleya, cho biết Bộ Y tế Nga đã cho phép dừng việc tiêm giả dược cho những tình nguyên mới tham gia cuộc thử nghiệm giai đoạn 3. Ông nêu rõ: "Mọi thứ đã được chứng minh và đại dịch vẫn đang diễn ra, vì vậy sử dụng giả dược hoàn toàn không tốt". Ông Ginsburg cũng cho biết muốn xác định những người đã được tiêm 1 loại giả dược và đề nghị họ tiêm phòng, song "vẫn chưa rõ liệu cơ quan quản lý có cho phép điều này hay không".
Hồi tháng 8, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp phép cho vaccine phòng COVID-19 dù chưa hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3. Trong tháng 12 này, Nga đã triển khai tiêm vaccine Sputnik V cho các bác sĩ và những nhân viên y tế ở tuyến đầu, với hơn 200.000 người đã được chủng ngừa. Các dữ liệu thử nghiệm sơ bộ được công bố vào tuần trước cho thấy vaccine Sputnik V, được nhà chức trách cấp phép sử dụng hồi tháng 8 năm nay, đạt hiệu quả phòng ngừa lên tới 91,4%. Thử nghiệm giai đoạn 3 đối với loại vaccine này diễn ra tại 29 bệnh viện tại thủ đô Mosvka và có 40.000 người tình nguyện tham gia, với 1/4 số người này được tiêm giả dược. Kết quả cho thấy khả năng mắc COVID-19 ở những người được tiêm vaccine Sputnik V giảm 92% so với những người được tiêm giả dược.
* Trong khi đó, tại Nhật Bản, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Xã hội đang khẩn trương chuẩn bị những bước đi cần thiết để triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 vào đầu năm 2021.
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Bộ trên đã xây dựng dự thảo danh sách các bệnh lý nền được ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19, gồm các bệnh về tim mạch, thận, hệ thống hô hấp, suy giảm hệ thống miễn dịch như ung thư. Bệnh ngưng thở trong lúc ngủ phải đáp ứng điều kiện đang trong quá trình theo dõi, điều trị tại bệnh viện, trong khi bệnh béo phì phải đảm bảo chỉ số béo phì BMI trên 30.
Cũng theo Bộ trên, có khoảng 8,2 triệu người trưởng thành thuộc diện được ưu tiên tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Lộ trình tiêm chủng dự kiến sẽ bắt đầu từ cuối tháng 2/2021 với đối tượng đầu tiên là các y bác sỹ; từ cuối tháng 3 sẽ bắt đầu tiêm chủng cho nhóm người già trên 65 tuổi có nguy cơ biến chứng nặng; sau đó sẽ bắt đầu triển khai tiêm chủng cho những trường hợp được ưu tiên theo bệnh lý nền. Danh sách bệnh lý nền thuộc diện ưu tiên và lộ trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Xã hội Nhật Bản đưa ra thảo luận tại hội nghị chuyên gia ngày 25/12. Sau đó, Chính phủ Nhật Bản đưa ra quyết định chính thức.
Trong tháng này, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua Luật tiêm chủng sửa đổi với các quy định nhằm đẩy nhanh công tác tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên diện rộng. Toàn bộ kinh phí tiêm chủng sẽ do Chính phủ Nhật Bản chi trả. Chính phủ nước này cũng hỗ trợ khoản tiền bồi thường thiệt hại mà doanh nghiệp phải chi trả cho người bệnh trong trường hợp xảy ra biến chứng sau tiêm chủng. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định trích hơn 670 tỷ yen (6,3 tỷ USD) trong ngân sách dự phòng tài khóa 2020 để mua vaccine ngừa COVID-19 từ các công ty dược phẩm nước ngoài.
Nga thu nhỏ quy mô thử nghiệm giai đoạn cuối Sputnik V Nga ngừng tiếp nhận tình nguyện viên mới thử nghiệm Sputnik V, cho rằng việc tiêm giả dược giờ là trái đạo đức vì vaccine này ngày càng được triển khai rộng rãi. Nga đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine Sputnik V như một phần của chương trình tiêm chủng quốc gia vào đầu tháng 12, tập trung vào nhóm chịu rủi...