Apple sẽ đánh bại Microsoft, sớm đạt mức vốn hóa 2 nghìn tỉ USD?
Phố Wall thích những gì họ chứng kiến và nghe thấy từ Apple tại Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu của Apple – WWDC20 vừa diễn ra hôm 22/6.
Ít nhất 7 chuyên gia đã nâng giá cổ phiếu của Apple lên sau khi gã khổng lồ công nghệ của nước Mỹ chính thức tiết lộ về iOS 14 và một loạt tính năng mới khác. Một vài trong số họ thậm chí còn nâng mức giá cổ phiếu của Apple lên đến 400 USD/1 cổ phiếu. Đây là mức tăng 10% so với giá cổ phiếu hiện tại của Apple.
Cổ phiếu của Apple ( AAPL) đã tăng gần 2% trong ngày hôm qua (23/6) lên mức khoảng 364 USD, nâng mức tăng giá cổ phiếu từ đầu năm đến nay của Apple lên khoảng 25%. Thực tế này đã giúp đẩy mức vốn hóa thị trường của tập đoàn Apple lên gần 1,6 nghìn tỉ USD. Với con số này, Apple trở thành công ty có giá trị lớn nhất và cũng là công ty hoạt động tốt thứ hai về chỉ số Dow trong năm 2020 – chỉ đứng sau đối thủ Microsoft ( MSFT) – giá cổ phiếu của Microsoft đã tăng gần 30% và đạt mức vốn hóa thị trường ở mức hơn 1,5 nghìn tỉ USD.
Nếu cổ phiếu của Apple tăng thêm khoảng 20%, công ty này sẽ đạt mục tiêu mức vốn hóa thị trường là 2 nghìn tỉ USD. Con số kỳ diệu mà cổ phiếu của Apple cần đạt được là 461,89 USD.
Cả Apple (NASDAQ:AAPL) và Microsoft (NASDAQ:MSFT) đều đang hướng tới mục tiêu đạt mức vốn hóa thị trường 2 nghìn tỉ USD sau khi họ đạt được cột mốc hơn 1,5 nghìn tỉ USD cách đây không lâu.
Mục tiêu đạt mức vốn hóa thị trường 2 nghìn tỉ USD là một thách thức lớn. Mặc dù cả Apple và Microsoft đều có vẻ dễ dàng tăng thêm khoảng 500 tỉ USD vào vốn hóa thị trường của họ trong vài tháng qua nhưng mục tiêu tăng thêm 500 tỉ USD tiếp theo có thể sẽ khó đạt được.
Tuy nhiên, theo những gì đang diễn ra, có vẻ như Apple có triển vọng về đích trước Microsoft.
Cổ phiếu của Apple gần đây đã vượt qua cả mức cao nhất từng đạt trước đây bất chấp doanh số bán iPhone đang chững lại và hoạt động sản xuất của Apple cũng gặp nhiều trục trặc vì đại dịch Covid-19. Thành công của Apple gần đây là nhờ vào doanh thu từ mảng dịch vụ.
Doanh thu từ App Store bùng nổ khi mọi người phải ở nhà làm việc. Nhà phân tích Katy Huberty dự đoán việc người dùng tăng download từ App Store và tăng cường mua những tính năng hoặc vật phẩm bổ sung trong ứng dụng sẽ giúp đem lại thêm 500 triệu USD doanh thu cho quý tài chính thứ III của Apple. Và nếu doanh thu trên phần lớn thu được từ những người đăng ký lâu dài thì điều này có nghĩa nó sẽ là một khoản doanh thu thường xuyên.
Trong khi đó, nhu cầu cho các thiết bị của Apple cũng gia tăng. Những thiết bị đeo như AirPods và Apple Watch tiếp tục là những mặt hàng có doanh số bán hàng gia tăng. Nhà phân tích Dan Ives dự đoán doanh thu bán AirPod sẽ đạt 85 triệu USD trong năm nay, tăng từ mức 65 triệu USD mà Apple đạt được hồi năm ngoái.
iPhone có thể cũng sẽ chứng kiến một sự nâng cấp mạnh vào cuối năm nay khi Apple đưa anten 5G vào thiết kế của họ. Ông Ives ước tính 350 triệu chiếc iPhone dự kiến sẽ được nâng cấp. Mặc dù rất nhiều khách hàng đã nâng cấp điện thoại của họ khi Apple Store đóng chuỗi cửa hàng của họ trên khắp thế giới thì một số khách hàng vẫn kiên nhẫn chờ đợi thông báo về chiếc iPhone mới hàng năm của Apple vào tháng 9 này. Apple có thể phải trì hoãn sự kiện công bố iPhone mới sau khi chuỗi cung ứng bị ngừng hoạt động hồi đầu năm nay. Vì thế, doanh số bán iPhone có thể sẽ bị chững lại cho đến cuối năm.
Và những thông tin tích cực từ Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu của Apple – WWDC20, có vẻ như Apple sẽ đón nhận được nhiều tin vui từ thị trường chứng khoán.
Startup đi lên từ Nhân tài Đất Việt góp công trong chuyển đổi số quốc gia
Từ bệ phóng Nhân tài Đất Việt, VAIS và Vbee gặt hái được những thành công rực rỡ, dần trở thành hai startup đi đầu trong lĩnh vực chuyển đổi ngôn ngữ, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong chuyển đổi số.
Tự hào giá trị Việt Nam
Theo đánh giá của List25, tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ khó học, khó phát âm nhất trên thế giới do có nhiều thanh điệu, làm nghĩa của một từ thay đổi.
Do vậy, việc xây dựng nên những phần mềm, giải pháp ứng dụng AI để phát âm, xử lý chuyển đổi tiếng Việt là điều không hề đơn giản, ngay cả khi đó là những tập đoàn quốc tế hàng đầu về AI như Google, Microsoft hay Apple.
Tuy nhiên, thật tự hào khi ngay tại Việt Nam chúng ta cũng đã có những startup phát triển rất mạnh về lĩnh vực chuyển đổi ngôn ngữ, gặt hái nhiều thành quả ấn tượng, điển hình như VAIS nổi tiếng trong mảng chuyển đổi tiếng nói sang văn bản (Speech to Text), hay Vbee trong chuyển đổi từ văn bản sang giọng nói (Text to Speech).
Điều đặc biệt đó là cả hai startup này đều đã thành danh nhờ tham gia Giải thưởng Nhân tài Đất Việt vào các năm 2018, 2019 và nhận được giải cao. Tính đến nay, cả hai đều đã có tập khách hàng lên tới hàng chục ngàn người dùng cuối, và hàng trăm doanh nghiệp từ các công ty tư nhân cho tới cơ quan nhà nước.
Mới đây, Vbee và VAIS tiếp tục được Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) giới thiệu như 2 trong số các nền tảng số "Make in Vietnam" tiêu biểu, nhằm hỗ trợ đẩy nhanh "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030", do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Giải pháp phù hợp với doanh nghiệp là quan trọng nhất
"Giá trị đích thực của những giải pháp công nghệ lõi như Vbee đó là mang tính chất lan tỏa đến các doanh nghiệp trong nước", ông Hồ Minh Đức, CEO Vbee cho biết.
"Điều này được thể hiện thông qua giúp rút gọn chi phí, mở rộng phạm vi kinh doanh, tăng trải nghiệm khách hàng, và tạo giá trị chuyển đổi số nhanh hơn, rộng hơn".
"Tìm được giải pháp tốt là quan trọng, nhưng giải pháp phù hợp với doanh nghiệp còn quan trọng hơn rất nhiều", ông Hồ Quang Đức chia sẻ.
Ông Hồ Quang Đức, CEO VBee.
Vbee hiện là nền tảng số tiên phong về công nghệ lõi "Text - to - Speech", tức là sử dụng trí tuệ nhân tạo để chuyển đổi từ văn bản tiếng Việt sang giọng nói.
Theo giới thiệu của đại diện nhóm phát triển Vbee, với hơn 10 năm nghiên cứu và phát triển chuyên sâu, nền tảng công nghệ Vbee có những đặc trưng cơ bản như: công nghệ Vbee có thể học theo bất kỳ giọng của một người nào đó trong vòng 4 giờ đồng hồ với độ tương tự trên 95%; giọng nói Vbee đa dạng vùng miền (Bắc, Trung, Nam...), giới tính và độ tuổi (Nam, Nữ). Công nghệ giọng nói nhân tạo Vbee còn có thể dự đoán cách đọc, các từ viết tắt, từ vay mượn, các từ ngữ đặc trưng của tiếng Việt mà các giải pháp nước ngoài không thể.
Bên cạnh đó, Vbee cũng đã xây dựng thành công nền tảng Vbee cloud (https://www.vbee.vn), cho phép người sử dụng, doanh nghiệp, lập trình viên có thể sử dụng trực tiếp hoặc qua tích hợp (API) một cách dễ dàng và thuận tiện.
"Bước đệm" Nhân tài Đất Việt khai phóng sức mạnh startup
Vbee nhận giải cao nhất tại Nhân tài Đất Việt 2018.
Tham dự Nhân tài Đất Việt 2018, Vbee là một trong hai đội thi may mắn bước lên bục vinh quang để đoạt giải thưởng cao nhất.
Theo ông Hồ Quang Đức, giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã giúp startup này có những chuyển biến rõ rệt, thương hiệu được nhiều người biết đến hơn. Tính đến nay, Vbee đã thành công tiếp cận được 20.000 người dùng cuối, và hợp tác với hơn 500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong 3 lĩnh vực chính bao gồm Tổng đài tự động, giải pháp tương tác thiết bị thông minh, nội dung số tự động.
"Từ sau giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2018, Vbee ghi nhận tốc độ phát triển người dùng mỗi tháng tăng 150%, tốc độ tăng trưởng doanh số 200%", ông Hồ Quang Đức cho biết. "Có thể nói rằng Nhân tài Đất Việt 2018 đã tạo ra bước ngoặt, giúp những giải pháp của Vbee được cộng đồng đón nhận và sử dụng, và tạo ra những chuyển biến tích cực".
Là đơn vị dẫn đầu lĩnh vực tổng đài thông minh nhân tạo, cung cấp các giải pháp cho lĩnh vực fintech, banking, nhà thông minh... Vbee hiện đang phát huy những giá trị của mình trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia với tốc độ phát triển "mơ ước" mà một startup mong muốn.
VAIS với sản phẩm Origin-STT nhận giải Nhất tại Nhân tài Đất Việt 2019.
Giống như Vbee, VAIS cũng là một startup đi lên từ Giải thưởng Nhân tài Đất Việt và gặt hái thành công rực rỡ. Ông Đỗ Quốc Trường, CEO của VAIS cho biết kể từ khi nhận giải thưởng Nhân tài Đất Việt 2019, công ty đã triển khai thêm được nhiều cơ quan mới, tăng 2.000 người dùng cuối trên hệ thống.
"Mức độ nhận diện, uy tín của công ty được nhiều người biết đến hơn, nhiều cơ quan nhà nước tin dùng hơn từ sau khi nhận được giải Nhân tài Đất Việt", ông Đỗ Quốc Trường cho biết. "So với cùng kỳ năm ngoái, số đơn vị triển khai công nghệ lõi của VAIS tăng gấp đôi".
Chia sẻ thêm, đại diện của VAIS cũng cho biết sự góp mặt của những giải pháp công nghệ lõi, đã có những tác động tích cực đến công cuộc chuyển đổi số trong khối cơ quan chính phủ.
Ông Đỗ Quốc Trường - Giám đốc điều hành VAIS kiêm trưởng nhóm tác giả phần mềm "Origin-STT" đoạt giải Nhất Nhân tài Đất Việt 2019.
"Thông thường các công ty tư nhân thường đi trước về công nghệ so với cơ quan nhà nước. Tuy nhiên trong khoảng 1-2 năm trở lại đây, chuyển đổi số tại cơ quan nhà nước đã diễn ra rất mạnh, cho thấy chuyển biến rõ rệt từ việc áp dụng phần mềm, chính sách hành chính công, cổng thông tin điện tử,...".
Tính đến nay, nền tảng VAIS đã được nhiều cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương sử dụng như Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ TT&TT, UBND TP.Hà Nội cùng hơn 50 đơn vị báo chí, truyền hình để phục vụ gỡ băng bài phát biểu tại các kỳ họp, sự kiện.
"Origin-STT" gỡ băng trực tiếp bài phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng
Đối với VAIS, nền tảng công nghệ chuyển giọng nói tiếng Việt thành văn bản (ngược lại so với Vbee) này có những sự thú vị riêng, khi có thể thực hiện "gỡ băng" (tức xử lý các bản ghi âm), sau đó chuyển thành văn bản để tiết kiệm thời gian cho người làm nội dung.
Điểm đặc trưng của VAIS đó là có thể nhận dạng được đầy đủ giọng nói cả 3 miền Bắc, Trung, Nam với độ chính xác lên đến 95%; chuyển đổi giọng nói tiếng Việt thành văn bản với kết quả tức thì, với tốc độ vượt trội có thể nhanh gấp 500 lần thời lượng âm thanh.
VAIS cũng hỗ trợ nhận dạng tốt trong môi trường nhiễu và ở khoảng cách xa. Đặc biệt, nền tảng này có tính năng chuẩn hóa văn bản đầu ra: tên riêng, ngày, tháng, số..., hỗ trợ nhiều loại định dạng âm thanh đầu vào; cung cấp giải pháp cho người dùng trực tiếp hoặc kết nối thông qua API tại https://vais.vn.
Từ thực tế quá trình chuyển đổi số trong thời gian gần đây, có thể thấy xu thế tự động hoá và tương tác giọng nói vào các thiết bị thông minh như nhà thông minh, thiết bị trên ô tô, giao thông thông minh, thành phố thông minh, tương tác người máy... đều là xu thế bắt buộc trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.
Đây là lý do vì sao cổ phiếu Apple lên đỉnh dù vẫn ngập tràn khó khăn vì Covid-19 và bạo loạn tại Mỹ Trị giá cổ phiếu gắn với niềm tin. Và Phố Wall có 2 lý do để tin vào một tương lai tươi sáng đang chờ đợi Apple. Ngày 10/6, Apple chính thức trở thành công ty công nghệ đầu tiên cán mốc 1,5 nghìn tỷ USD trị giá trên sàn chứng khoán. Sau đó chỉ hơn 1 tuần, công ty của Tim Cook...