Apple hé lộ những bí mật về iPhone trong phiên tòa mới xử
Apple đang đòi Samsung bồi thường 2,5 tỉ vì đã bắt chước thiết kế iPhone và iPad.
Trong khi đó Samsung kiện lại Apple đã vi phạm sáng chế khác và yêu cầu bồi thường một phần từ lợi nhuận của iPad và iPhone.
Luôn được xếp vào danh sách những công ty nổi tiếng về việc giữ bí mật trên thế giới, thế nhưng hiện tại Apple đang cho công chúng thấy được một góc nhìn hiếm hoi sâu vào trong cách họ tạo ra sản phẩm và thương mai hóa nó qua phiên tòa của họ với Samsung. Hai nhà điều hành lớn ở Apple đã có mặt trong phiên tòa hồi thứ 6 vừa qua, thuật lại những câu chuyện về iPhone và chỉ ra tác động của Samsung tới họ.
Phil Schiller, phó chủ tịch cấp cao về marketing, và Scott Forstall, phó chủ tịch cấp cao phụ trách iOS đều nói về cách mà iPhone được định hình lúc mới bắt đầu. Câu chuyện được kể ra để chứng tỏ rằng iPhone là nguồn gốc của sự đột phá về công nghệ và việc phát triển iPhone đã từng là một quyết định mạo hiểm của công ty.
Theo như những gì được 2 nhà điều hành kể trong phiên tòa, sau khi thành công mỹ mãn với dòng máy nghe nhạc iPod vào năm 2004 thì những nhà điều hành Apple bắt đầu nghĩ tới việc họ cần phải làm tiếp theo. Đã có rất nhiều ý tưởng được đưa ra như: chế tạo máy ảnh, ô tô, một thứ gì đó phá cách. Cuối cùng họ cũng tìm được một điểm chung là họ đều phải dùng điện thoại nhưng vấn đề là họ ghét cách thức giao tiếp với người dùng cùng với hệ điều hành của những chiếc điện thoại đó. Apple bắt đầu thử nghiệm với màn hình cảm ứng và tất cả bọn họ, trong đó có cả Steve Jobs đều đồng ý với việc sử dụng công nghệ này cho điện thoại.
Nhóm bắt đầu làm thử và lên những kế hoạch tuyệt mật. Công việc được chia thành các nhóm phụ trách các mảng: phần cứng, thiết kế và phần mềm. Steve chỉ cho phép sử dụng nhân lực trong nội bộ công ty và mọi việc họ làm họ phải tuyệt đối được giữ kín. Kế hoạch này được gọi là Kế hoạch màu tím (purple project), mọi người tham gia chỉ được trao đổi về nó tại nơi làm việc được bảo mật nghiêm ngặt lắp đặt camera an ninh cùng nhiều hệ thống nhận dạng.
Schiller đã cáo buộc Samsung đã ăn theo thiết kế của iPhone và iPad, sự bắt chước của họ đã làm người tiêu dùng tỏ ra phân vân trong việc lựa chọn và gây khó khăn cho đội ngũ tiếp thị của Apple. Ông rất sốc khi nhìn thấy mẫu Galaxy S được bắt chước vô cùng giống với sản phẩm của Apple.
Apple đã chi ra hơn 647 triệu đô la cho việc tiếp thị iPhone và 457 triệu tương ứng cho iPad ở Mỹ. Theo như hãng, một khách hàng rất dễ dàng nhầm lẫn sản phẩm có kiểu dáng tương tự của Samsung với iPhone và vô tình mua phải sản phẩm của đối thủ. Bằng chứng là việc Samsung cũng bán được rất nhiều sản phẩm qua cùng những hệ thống cửa hàng như Walmart, Verizon, AT & T và Best Buy như Apple.
Mặc dù doanh thu của Apple vẫn rất cao, thậm chí sự thành công của iPhone đã trở thành huyền thoại ở thung lũng Silicon, những nhà điều hành tại Apple vẫn ý thức được mối đe dọa trước mắt. Khi mà họ vẫn mất những khách hàng bị nhầm lẫn do sự tương đồng ở các sản phẩm mà Samsung bán. Apple cho rằng đó không chỉ đơn thuần là mất đi một chiếc điện thoại hay máy tính bảng mà đó còn là mất đi thói quen mua hàng của khách hàng dành cho sản phẩm của hãng. Vì khi một khách hàng mua một sản phẩm mà môi trường của nó đem lại cho họ những trải nghiệm tích cực, họ sẽ quen và gắn chặt với môi trường đó. Apple sẽ mất đi những khách hàng đó trong nhiều năm vì họ đã quen với việc sử dụng những sản phẩm cho môi trường giống với sản phẩm ban đầu họ sử dụng. Và chắc chắn việc này sẽ gây tác động đến doanh số bán hàng của Apple.
Theo VNE