Áp suất dưới biển sâu 4.000m quá lớn, có còn gì để trục vớt?
Vụ nổ bi thảm của tàu lặn Titan, theo các chuyên gia, có thể bắt đầu từ sự cố của buồng áp suất.
Với áp suất quá mạnh của biển sâu lên tới 6.000 PSI, liệu có còn gì?
Mảnh vỡ tàu lặn Titan được nhìn thấy cách mũi xác tàu Titanic 500m – Ảnh: AP
Theo tiến sĩ Nicolai Roterman – một nhà sinh thái học biển sâu tại Đại học Portsmouth (Mỹ), vụ nổ do áp suất sẽ giết chết những người trong tàu ngay lập tức chỉ trong 1 giây – một lý thuyết đã được nhiều nhà khoa học đề cập trong những ngày qua.
Titan có thể chịu áp suất biển sâu bao lâu?
Theo Đài truyền hình Đức DW, áp suất nước ở độ sâu gần 4.000m tại địa điểm xác tàu Titanic là khoảng 400 atm (6.000 PSI).
PSI là áp suất do một lực tính theo pound tác động trên 1 inch vuông (1 pound = 0,454kg và 1 inch = 2,54cm). Để tham khảo, áp suất ở mực nước biển là khoảng 14,7 PSI.
Video đang HOT
Tiến sĩ Nicolai Roterman cũng nói với tờ Dailymail: “Nếu có bất kỳ hình thức thủng thân tàu nào, những người trên tàu sẽ không thể chống chọi nổi với áp suất 6.000 pound trên mỗi inch vuông ở độ sâu gần 4.000m”.
Nhà khoa học nghiên cứu cấp cao có trụ sở tại Florida, Steve Somlyody, đã có một đánh giá giống ông Roterman. Nói với Đài FoxNews, ông Somlyody cho rằng khi tàu vỡ “thậm chí các thành viên trên tàu chưa kịp hiểu điều gì đang xảy ra”.
Ông Greg Stone, nhà hải dương học ở California, người đã từng tham gia các tàu lặn tương tự, nói thêm nếu xảy ra sự cố áp suất, nó sẽ diễn ra rất nhanh và kết thúc sau 1 giây.
Liệu có còn “thứ gì” để mang về đất liền
Với số phận bi thảm của 5 con người, các quan chức tìm kiếm hiện đang phải đối mặt với nhiệm vụ sắp tới là xác định vị trí và trục vớt những gì có thể còn sót lại. Tuy nhiên do thực tế là áp suất cực lớn ở độ sâu, hoạt động trục vớt trở thành một quá trình chậm chạp, gian khổ và nhiều khả năng là không còn nhiều thứ để mang về.
Thêm vào những khó khăn đó là thực tế các mảnh vỡ từ tàu Titan trải rộng hơn 1km, các dòng hải lưu dưới nước có thể di chuyển những gì còn lại của 5 thành viên tàu lặn Titan khỏi nơi an nghỉ dưới nước của họ.
Trong khi đó theo Đài DW, các tàu ngầm cứu hộ biển sâu của Hải quân Mỹ cũng phải vật lộn với độ sâu và chỉ có tầm hoạt động tối đa từ 2.250 đến 3.000m.
Ngay cả các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân quân sự cũng bị giới hạn ở độ sâu 500m.
Ông Lawrence Brennan, giáo sư tại Trường Luật của Đại học Fordham, đã mô tả với Đài PBS: Đây là một trong những tình huống tồi tệ nhất trong lịch sử hàng hải.
Hệ thống âm thanh bí mật của Mỹ phát hiện vụ nổ cùng ngày tàu lặn Titan mất tích
Báo cáo mới tiết lộ rằng hệ thống phát hiện âm thanh bí mật của Hải quân Mỹ đã ghi nhận vụ nổ chỉ vài giờ sau khi tàu lặn Titan được đưa xuống biển bắt đầu hành trình thám hiểm xác tàu Titanic.
Tàu lặn Titan của công ty OceanGate Expeditions. Ảnh: AP
Tờ Wall Street Journal dẫn lời một quan chức giấu tên cho biết Hải quân Mỹ bắt đầu phân tích dữ liệu âm thanh thu được từ micrô dưới nước của hệ thống âm thanh bí mật, chỉ vài giây sau khi các quan chức cảnh báo mất liên lạc với tàu lặn Titan.
Dẫn lời quan chức giấu tên, báo cáo lưu ý rằng hệ thống quân sự bí mật này đã phát hiện ra âm thanh giống như tiếng nổ từ hướng tìm thấy các mảnh vỡ của Titan.
"Hải quân Mỹ đã tiến hành phân tích dữ liệu âm thanh và phát hiện sự bất thường, trùng khớp với một vụ nổ ép bẹp ở khu vực lân cận nơi tàu lặn Titan đang hoạt động khi mất liên lạc. Mặc dù không chắc chắn nhưng thông tin này đã ngay lập tức được chia sẻ với chỉ huy sự cố để hỗ trợ cho nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ", quan chức cấp cao của Hải quân Mỹ nói với hãng tin.
Giới chức quốc phòng không cung cấp thêm thông tin liên quan đến hệ thống bí mật này và yêu cầu giữ bí mật vì lo ngại an ninh quốc gia. Có thông tin cho rằng hệ thống này được sử dụng để giám sát tàu ngầm.
Chuẩn đô đốc lực lượng tuần duyên Mỹ John Mauger tại cuộc họp báo ở thành phố Boston, bang Massachusetts ngày 22/6. Ảnh: Reuters
Tiết lộ mới được đưa ra vài giờ sau khi Lực lượng Tuần duyên Mỹ xác nhận tàu lặn Titan đã nổ tung và toàn bộ 5 người trên khoang thiệt mạng. Giới chức đã tìm thấy các mảnh vỡ của tàu lặn ở các vị trí nằm cách mũi tàu Titanic khoảng 487 mét, dưới độ sâu 4.000 mét ở Bắc Đại Tây Dương.
Các quan chức cho biết robot phát hiện 5 mảnh vỡ chính, bao gồm đuôi tàu và hai phần thân tàu. Kết quả phân tích cho thấy đã xảy ra một vụ nổ buồng áp suất của tàu lặn. Chuẩn đô đốc Lực lượng Tuần duyên Mỹ John Mauger nói rằng những mảnh vỡ cho thấy một vụ "ép bẹp thảm khốc" đã xảy ra ở buồng áp suất.
Hiện chưa rõ liệu Titan có phát nổ cùng thời điểm giới chức mất liên lạc với con tàu hay không.
Tàu lặn Titan chở theo 5 hành khách trên khoang đã mất tích vào ngày 18/6 trong chuyến thám hiểm xác tàu Titanic chìm dưới đáy biển.
Ngay trước cuộc họp báo của Lực lượng Tuần duyên Mỹ, OceanGate - Công ty vận hành tàu lặn Titan - đã tuyên bố rằng không còn ai sống sót trong sự cố, trong đó có người sáng lập và giám đốc điều hành công ty, Stockton Rush. Ông Rush là người vận hành tàu.
Các hành khách còn lại là tỷ phú và nhà thám hiểm người Anh Hamish Harding 58 tuổi, doanh nhân gốc Pakistan Shahzada Dawood 48 tuổi cùng con trai Suleman19 tuổi, đều là công dân Anh, nhà hải dương học quốc tịch Pháp kiêm chuyên gia nổi tiếng về tàu Titanic Paul-Henri Nargeolet, 77 tuổi. Ông Nargeolet đã đến thăm xác tàu hàng chục lần.
Công ty OceanGate cho hay: "Họ là những nhà thám hiểm thực thụ, có chung tinh thần phiêu lưu và đam mê với khám phá, bảo vệ các đại dương trên thế giới. Trái tim chúng tôi hướng về họ và gia đình họ trong thời gian bi thương này".
Theo Chuẩn đô đốc Mauger, đội tìm kiếm cùng tàu sẽ sớm rời hiện trường sau chiến dịch đa quốc gia kéo dài 4 ngày, song các thiết bị tự hành vẫn tiếp tục thu thập bằng chứng dưới đáy biển. Hiện không rõ liệu có thể trục vớt các thi thể nạn nhân lên hay không, do tính chất của vụ tai nạn và điều kiện khắc nghiệt ở độ sâu đó.
USGS: Toàn bộ nạn nhân trên tàu lặn Titan thiệt mạng Lực lượng Tuần duyên Mỹ (USCG) ngày 22/6 nhận định cả 5 nạn nhân trên tàu lặn Titan bị mất tích đều đã thiệt mạng, trong một sự cố dường như là "một vụ nổ khủng khiếp". Thông tin này là đoạn kết đáng buồn dành cho nỗ lực cứu hộ quốc tế quy mô lớn dành cho tàu lặn Titan bị mất...