Áp lực bủa vây Trump sau cái chết của Warmbier
Cái chết của Otto Warmbier sau khi được Triều Tiên trả tự do khiến Nhà Trắng chịu áp lực ngày càng lớn từ dư luận.
Sinh viên Mỹ Otto Warmbier bị Triều Tiên kết án tù khổ sai vì tội lấy trộm biểu ngữ tuyên truyền. Ảnh: Reuters
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đến nay vẫn duy trì chính sách dựa vào Trung Quốc để gây sức ép buộc Triều Tiên kiềm chế chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá ông Trump có thể sẽ phải thay đổi đáng kể chiến lược này, đặc biệt là sau cái chết của công dân Mỹ Otto Warmbier, theo CNN.
Ông Bruce Klingner, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu châu Á thuộc Quỹ Di sản, nhận định cái chết của Warmbier “không khác gì lời cảnh tỉnh đối với Mỹ về một hành động mạnh tay hơn” trước Triều Tiên.
Otto Warmbier là sinh viên Đại học Virginia, bị bắt tại Triều Tiên hồi đầu năm 2016 khi đang tham gia một tour du lịch tới đây. Warmbier bị kết án 15 năm tù khổ sai hồi tháng ba năm ngoái sau khi thú nhận cố trộm một băng-rôn tuyên truyền tại khách sạn ở Bình Nhưỡng. Triều Tiên cáo buộc Warmbier tội “âm mưu lật đổ” chính quyền.
Triều Tiên hôm 13/6 cho phép Warmbier về nước trong tình trạng hôn mê và tổn thương não nghiêm trọng. Dù được các bác sĩ điều trị tích cực, Warmbier qua đời một tuần sau đó.
Thông tin về cái chết của Warmbier lập tức làm dấy lên những lời kêu gọi từ Quốc hội Mỹ yêu cầu chính quyền phải thay đổi chiến lược với Triều Tiên.
“Mỹ không thể và không nên tha thứ cho việc các thế lực thù địch sát hại công dân nước mình”, thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, nhấn mạnh.
Video đang HOT
“Triều Tiên đang đe dọa láng giềng, gây bất ổn ở châu Á – Thái Bình Dương và ráo riết phát triển công nghệ với mục tiêu tấn công đất liền Mỹ bằng vũ khí hạt nhân”, ông McCain nói thêm. “Giờ họ tiếp tục tăng cường hành động tàn bạo với người Mỹ, bao gồm cả ba công dân khác đang bị giam ở Triều Tiên”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Giới quan sát nhận định cái chết của Warmbier có lẽ sẽ khiến Tổng thống Trump phải áp dụng một đường lối cứng rắn hơn trước Triều Tiên. Tuy nhiên, sự thay đổi chiến lược này lại tiềm ẩn nguy cơ gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, một đồng minh lâu đời với Triều Tiên.
“Giống như người tiền nhiệm Obama, Tổng thống Trump mới chỉ có lời nói mà chưa đưa ra hành động cụ thể nào đối với cả Triều Tiên lẫn Trung Quốc”, Klingner nhận xét.
Ông lưu ý tới thất bại của chính quyền Trump trong việc áp đặt “các biện pháp trừng phạt thứ cấp” lên những công ty Trung Quốc làm ăn với Triều Tiên.
Leon Panetta, người phục vụ trong Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời tổng thống Barack Obama từ năm 2011 đến năm 2013, nhấn mạnh rằng Washington “đã có sẵn những biện pháp trừng phạt” và “chúng có thể được áp dụng theo cách triệt để hơn”.
Theo ông Panetta, trước cái chết của Warmbier, chính quyền Trump lúc này có một số lựa chọn, bao gồm yêu cầu lời giải thích từ phía Trung Quốc, phản đối thông qua đường ngoại giao hay gia tăng trừng phạt.
“Điều đó là không thể chấp nhận được và chính phủ Trung Quốc cần làm rõ xem chuyện gì đã xảy ra”, ông Panetta nhấn mạnh.
Tổng thống Mỹ Trump ngày 19/6 gửi lời chia buồn đến gia đình Warmbier và lên án “sự tàn bạo của Triều Tiên”. Trong cuộc họp với các lãnh đạo doanh nghiệp ở Nhà Trắng, ông cho biết rất nhiều điều tồi tệ đã xảy ra với Warmbier trong thời gian bị giam giữ tại Triều Tiên.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson khẳng định Triều Tiên “phải chịu trách nhiệm về án tù bất công đối với Otto Warmbier”, đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng phải trả tự do cho ba công dân Mỹ khác đang bị “bắt giữ trái phép”.
Theo bà Susan Thornton, quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ, vấn đề Triều Tiên sẽ là trọng tâm thảo luận trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis với các đối tác Trung Quốc vào ngày 21/6.
Thornton hôm qua cho hay Mỹ “đang nhắm tới mục tiêu thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc, hướng đến một giải pháp hòa bình cho mối đe dọa hạt nhân và tên lửa Triều Tiên”.
Theo ông Klingner, trong các cuộc gặp với Trung Quốc, Mỹ cần “truyền đi thông điệp rất rõ ràng rằng đã đến lúc ngừng trì hoãn các biện pháp trừng phạt thứ cấp”.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Cha Warmbier cám ơn Trump, chỉ trích Obama
Cha Otto Warmbier chỉ trích chính quyền cựu tổng thống Obama, ca ngợi Tổng thống Trump sau khi Triều Tiên thả nam sinh viên trong tình trạng hôn mê.
Fred Warmbier, cha nam sinh Otto Warmbier, trong cuộc họp báo. Ảnh: AFP
"Khi Otto bị bắt, chúng tôi được chính quyền trước khuyên kín tiếng khi họ làm việc để tìm cách trả tự do cho nó... Chúng tôi dựa vào giả thuyết sai lầm này, rằng họ sẽ đối xử công bằng với Otto và thả nó...", Fred Warmbier, tuần trước nói trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi nam sinh viên được trả tự do.
"Câu hỏi đặt ra là: 'Liệu tôi có nghĩ chính quyền trước đã có thể làm được nhiều hơn thế hay không?'. Tôi nghĩ kết quả tự thân nó trả lời", ông cho biết.
Ông Warmbier, mặc chiếc áo vest Otto từng mặc khi thú tội ở Triều Tiên, cám ơn Tổng thống Donald Trump vì tối 14/6 gọi điện cho gia đình và thể hiện sự quan tâm sau khi nam sinh được đưa về Mỹ. Ông cho rằng Tổng thống Trump "tốt bụng". "Rất tốt", ông nói về cuộc điện thoại. "Thật tử tế và tôi thấy mừng, tôi cám ơn ông vì điều đó".
Nam sinh 22 tuổi được thả sau khi Joseph Y. Yun, đặc phái viên về chính sách Triều Tiên hay tin sức khỏe anh đang xấu đi. Ông đã thực hiện chỉ đạo của Tổng thống Trump, đề nghị Triều Tiên thả công dân vì sức khỏe của anh đang kém dần.
Yun đã gặp Pak Kil-yon, đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, hôm 6/6, CNN dẫn lời một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ nói. Đến ngày 12/6, ông Yun có mặt ở Triều Tiên cùng một đội y tế để đưa Warmbier trở về Mỹ. Anh chết 6 ngày sau đó.
Warmbier, sinh viên Đại học Virginia, bị bắt vào tháng một năm ngoái và bị tòa án tối cao Triều Tiên kết án 15 năm tù khổ sai vì "lấy trộm biểu ngữ tuyên truyền" trong khách sạn ở Bình Nhưỡng.
Triều Tiên ngày 13/6 trả Warmbier về nước trong tình trạng hôn mê, được cho là do bị ngộ độc thực phẩm botulism. Các bác sĩ Mỹ cho biết Warmbier bị tổn thương não nặng nề, nhưng họ chưa tìm ra nguyên nhân gây nên tổn thương đó.
Trọng Giáp
Theo VNE
Ba giả thiết về cái chết của sinh viên Mỹ được Triều Tiên phóng thích Rối loạn cơ tim, bị ngược đãi hoặc dùng thuốc quá liều là những giả thuyết các bác sĩ Mỹ đưa ra về cái chết của Otto Warmbier. Sinh viên Mỹ Otto Warmbier bị Triều Tiên bắt vì tội lấy trộm biểu ngữ tuyên truyền. Ảnh: Reuters Sinh viên người Mỹ Otto Warmbier qua đời hôm 19/6, chỉ vài ngày sau khi được...