Áp giải học sinh tại trường học: Công an gây cho GV, HS sự phản cảm
“Về tình cảm cũng như dư luận xã hội thì việc áp giải học sinh tại trường học cho thấy công an thi hành công vụ đã gây cho những học sinh và giáo viên sự phản cảm”, Luật sư Nguyễn Khánh Toàn cho biết
Ngày 2/4/2015, em Đỗ Quang Thiện (SN 1995), học sinh lớp 12A2, Trường THPT Buôn Ma Thuột khi đang học tại trường thì bị lực lượng thi hành án hình sự Công an TP Buôn Ma Thuột đã tiến hành bắt giữ. Trước đó, ngày 8/8/2014, Thiện đã bị TAND tỉnh Đắk Lắk tuyên phạt 9 tháng tù giam về hành vi điều khiển phương tiện giao thông gây hậu quả.
Thực hiện bắt giữ người thi hành án là một việc làm thông thường trong hoạt động tố tụng. Tuy nhiên, việc lực lượng thi hành án không triệu tập hoặc tiến hành bắt Thiện tại nơi cư trú mà lại chọn môi trường giáo dục để thực hiện đang khiến dư luật xôn xao. PV vừa có cuộc phỏng vấn với các luật sư và chuyên gia về vấn đề này.
Ngôi trường nơi em Đỗ Quang Thiện đang theo học.
Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư Hà Nội) nhận định rằng, sự việc này đang gây tranh cãi, khiến dư luận đang rất quan tâm.
Theo các thông tin mà báo chí đã đưa thì trước hết phải khẳng định là việc Cơ quan thi hành án hình sự công an thành phố Buôn Ma Thuột tiến hành thi hành án hình sự đối với trường hợp của em Thiện là đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật bởi bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật và đã có quyết định thi hành án của TAND thành phố Buôn Ma Thuột.
Tuy nhiên, theo thông tin từ phía nhà trường và gia đình thì việc bắt giữ, áp giải này không được thông báo trước cho gia đình và nhà trường, đây là điều không đúng.
Video đang HOT
Về việc lực lượng thi hành án tỉnh Đắk Lắk không triệu tập hoặc tiến hành bắt Thiện tại nơi cư trú mà lại chọn môi trường giáo dục để thực hiện, Luật sư Cường cho rằng, cần xem lại là em Thiện đã nhận được quyết định thi hành án hay chưa? Đã quá thời hạn mà em Thiện phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự hay chưa? Nếu đủ điều kiện theo quy định tại khoản 4, Điều 22 Luật thi hành án hình sự thì công an thành phố Buôn Ma Thuột mới có quyền thực hiện việc áp giải thi hành án.
Đến nay, chưa có văn bản hướng dẫn quy định này, chưa có quy định cụ thể là được áp giải tại địa điểm nào, không được áp giải tại địa điểm nào, có cần phải có văn bản phối hợp với nhà trường hay không… nên việc áp giải tại trường học như trên cũng là không sai nhưng khi đánh giá ở góc độ tâm lý và xã hội học thì không hợp lý.
Việc áp giải, bắt giữ Thiện để thi hành bản án của tòa án cũng là để cải tạo, giáo dục chứ không phải là để trừng phạt, trừng trị. Vì vậy, khi bắt bị cáo Thiện để thi hành án hôm nay cũng cần nghĩ tới 9 tháng sau, Thiện trở về với môi trường nào, tiếp tục những gì để tiếp bước cuộc đời (sau khi được giáo dục, cải tạo trong trại giam), liệu Thiện còn đủ can đảm tới lớp, tiếp tục sự nghiệp học tập nữa hay không?
Luật sư Đặng Văn Cường và Luật sư Nguyễn Khánh Toàn.
Luật sư Nguyễn Khánh Toàn (Văn phòng Luật sư Nguyễn Khánh Toàn) cũng cho rằng, về mặt pháp lý, công an bắt người đi thụ án theo bản án phúc thẩm là không sai.
Tuy nhiên, về tình cảm cũng như dư luận xã hội thì việc áp giải học sinh tại trường học cho thấy công an thi hành công vụ đã gây cho những học sinh và giáo viên sự phản cảm.
Tại chương X của bộ Luật Hình sự cũng có phần ưu ái đối với người chưa thành niên phạm tội. Hình phạt của pháp luật cũng được xem xét nhẹ hơn đối với người thành niên phạm tội. Vì vậy không nhất thiết phải bắt người chưa thành niên nhất là học sinh tại trường học.
Hơn nữa, chưa xét đến việc xét xử bản án đúng – sai (vì bố cháu T đang kiếu nại lên tòa án nhân dân tối cao) nhưng hành vi gây tai nạn giao thông không phải là tội phạm nguy hiểm. Vì vậy việc áp giải (bắt) T. trước mặt thầy cô giáo, bạn bè cùng trang lứa sẽ để lại hậu quả tâm lý vô cùng lớn đối với học sinh này.
Nguyễn Xinh
Theo_Người Đưa Tin
Công an áp giải học sinh lớp 12 tại trường
Sự việc 1 học sinh lớp 12 bị công an tiến hành bắt giữ tại trường học đã khiến cho học sinh, giáo viên của trường THPT Buôn Ma Thuột và cả Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk không khỏi bất ngờ.
Theo đó, vào ngày 2/4, Công an TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đã tiến hành đưa xe đặc chủng vào trường THPT Buôn Ma Thuột và thực hiện việc áp giải đối với em Đ.Q.T (SN 1995) là học sinh lớp 12A4 của trường này vì liên quan đến vụ tai nạn giao thông giữa em T. và ông L.P.T (SN 1945, ngụ P. Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột) xảy ra vào ngày 20/9/2012. Thời điểm trên, T. sử dụng xe máy 50 phân khối lưu thông trên tan học về nhà, đến ngã 4 đường Trần Hưng Đạo và Trường Chinh thì xảy ra va quẹt với ông L.P.T.
Công an TP. Buôn Ma Thuột đưa xe đặc chủng vào trường áp giải em T. (ảnh gia đình em T. cung cấp)
Theo đơn thư của gia đình em T, vào ngày 20/5/2014, TAND TP. Buôn Ma Thuột đã tiến hành xét xử phiên tòa sơ thẩm, qua đó tuyên em T. 6 tháng tù treo. Đến ngày 8/8/2014, TAND tỉnh Đắk Lắk đã xét xử phúc thẩm vụ án, qua đó tuyên phạt em T. lãnh 9 tháng tù giam và bồi thường cho ông L.P.T trên 56 triệu đồng. Gia đình em T. không đồng tình với bản án nên đã gửi đơn lên TAND tối cao để xem xét.
Tuy nhiên, việc Công an TP. Buôn Ma Thuột tiến hành việc áp giải em T. ngay tại trường học, khiến cho học sinh, giáo viên của trường THPT Buôn Ma Thuột và cả Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk không khỏi bất ngờ.
Thầy Phan Thượng Tòng - Phó Hiệu trưởng trường THPT Buôn Ma Thuột, cho biết: "Khi lực lượng Công an vào trường, cả trường đều bất ngờ không hiểu chuyện gì xảy ra. Nhà trường không nhận được thông báo nào từ phía Công an liên quan đến việc áp giải học sinh của trường. Sau khi trao đổi với Công an, tôi cũng đã yêu cầu các đồng chí công an không được còng tay của em T. vì em đang ở trong khuôn viên nhà trường, nên nhà trường phải bảo vệ học sinh. Sau khi em T. bị áp giải lên xe, chúng tôi đã báo cáo lên Sở về vụ việc này".
Liên quan vụ việc, ông Trương Thức - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT Đắk Lắk cho biết: Sở cũng rất bất ngờ khi nhận được thông báo có học sinh bị Công an áp giải tại trường THPT Buôn Ma Thuột. "Trong quá trình thi hành bắt giữ học sinh, Công an TP Buôn Ma Thuột nên có sự thông báo đến Sở, Ban giám hiệu trường THPT Buôn Ma Thuột để có sự phối hợp nhằm tránh ảnh hưởng đến môi trường giáo dục. Việc thi hành án bắt giam của cơ quan Công an nên diễn ra tại nhà, không nên cho xe chạy vào trong khuôn viên nhà trường", ông Thức cho hay.
Trưa ngày 20/4, Trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Nguyễn Văn Quy - Trưởng phòng tham mưu, phát ngôn của Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: Hiện tại em Đ.Q.T đang bị tạm giam tại trại giam Công an TP. Buôn Ma Thuột. Theo thông tin nắm được từ Công an TP. Buôn Ma Thuột thì Công an chỉ thực hiện theo quyết định thi hành án của tòa án và đây không phải là quyết định của Công an. "Trước đó, Công an TP. Buôn Ma Thuột đã nhiều lần vận động gia đình đưa em T. lên trụ sở, nhưng vẫn không nhận được sự chấp hành của gia đình, nên Công an thành phố đã làm việc tại trường về việc áp giải em T.", Đại tá Quy thông tin.
Riêng việc Công an TP. Buôn Ma Thuột sử dụng xe đặc chủng chạy vào sân trường để áp giải em T. gây ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và liệu có đúng theo quy định hay không? Đại tá Quy cho biết sẽ thông tin lại báo chí sau khi có thông tin chính xác về vụ việc này.
Trương Nguyễn
Theo Dantri
Nện đá vào đầu tình nhân trong nhà nghỉ Khoảng 9h40 ngày 1/1/2015, nhiều người nghe thấy tiếng la hét phát ra từ nhà nghỉ Mr. Nguyễn (số B47, khu Tân Phóng, phường Tân Hòa, thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Mọi người cùng chủ nhà nghỉ chạy lên căn phòng phát ra tiếng hét thì thấy người đàn ông trên 50 tuổi (chưa rõ danh tính) đang kẹp cổ, dùng...