Áp dụng nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cây xanh trong đô thị
Sau nhiều sự cố cây xanh ngã đổ gây tai nạn thương tích, mới đây là vụ cây đè chết người xảy ra trên đường phố tại TP.HCM, đã gây lo lắng cho nhiều người, nhất là trong mùa mưa bão.
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, ông Trương Vĩnh Hiệp, Trưởng phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa cho biết:
TP.Biên Hòa đã triển khai kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị thuê bao chăm sóc (Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa và Công ty CP Môi trường Sonadezi) và 30 phường, xã thực hiện kiểm tra, rà soát hệ thống cây xanh trên địa bàn thành phố; tăng cường công tác chăm sóc, cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
* Ông có thể nói cụ thể hơn về công tác quản lý, chăm sóc cây xanh trên địa bàn thành phố hiện nay để người dân được yên tâm hơn?
- Trước sự cố cây xanh bị bật gốc, gãy cành… xảy ra liên tiếp trong thời gian vừa qua, UBND TP.Biên Hòa đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường tổ chức công tác tuần tra, kiểm tra cây xanh đô thị tại các tuyến đường trong thành phố. Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp cây xanh bị chết, cây xanh có khả năng ngã đổ, gây nguy hiểm để phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố chỉ đạo xử lý theo quy định. Lập kế hoạch triển khai thực hiện chăm sóc, cắt tỉa cây xanh công viên, cây xanh đường phố tại các tuyến đường đảm bảo sinh trưởng phát triển của cây xanh, hạn chế cây xanh ngã đổ làm ảnh hưởng đến công trình, tài sản của tổ chức/cá nhân và an toàn giao thông trong khu vực.
* Riêng đối với cây xanh tự mọc trong các khu dân cư và cây xanh trong trường học, phòng đã có những giải pháp an toàn gì, thưa ông?
- Hiện phòng đang triển khai lập kế hoạch thực hiện quét vôi gốc cây xanh và đánh số các cây xanh đô thị; các cây tạp tại các tuyến đường được đưa vào thuê bao chăm sóc trên địa bàn quản lý. Trồng thay thế các cây xanh mới trồng bị chết, cây gãy ngọn và cây còi cọc; chống dựng lại những cây xanh bị nghiêng để đảm bảo cây xanh sinh trưởng, phát triển tốt.
Ngoài ra, UBND thành phố chỉ đạo UBND 30 phường, xã tăng cường công tác quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn. Thường xuyên tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân thực hiện kiểm tra, chăm sóc, cắt tỉa và gia cố cây xanh trong khuôn viên tổ chức, gia đình mình để đảm bảo an toàn trước mùa mưa, bão.
Song song đó, chúng tôi đề nghị Phòng GD-ĐT phối hợp cùng lãnh đạo các trường học trên địa bàn thành phố, chính quyền các địa phương lập danh sách các cây xanh có khả năng gãy, đổ gây nguy hiểm, ảnh hưởng đến an toàn cho các em học sinh, giáo viên trong trường học để phối hợp Phòng Quản lý đô thị và các đơn vị liên quan kiểm tra, tham mưu UBND thành phố chỉ đạo xử lý theo quy định. Đồng thời, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn trong khuôn viên trường học, hạn chế cho học sinh và cán bộ, giáo viên tập trung dưới gốc cây xanh khi có mưa, bão và dông lốc để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho học sinh và giáo viên trên địa bàn thành phố.
Video đang HOT
Đơn vị chức năng kiểm tra cây xanh tại Trường tiểu học Tam Phước 1 (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa). Ảnh: Kim Liễu
Hiện tại, Phòng Quản lý đô thị đang phối hợp cùng các ban, ngành của thành phố, Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa, Công ty CP Môi trường Sonadezi và UBND các phường, xã tổ chức kiểm tra, rà soát các cây xanh nguy hiểm có nguy cơ ngã đổ gây nguy hiểm để tham mưu UBND thành phố cấp giấy phép đốn hạ và trồng thay thế cây xanh phù hợp, đảm bảo an toàn cho các trường học trên địa bàn.
* Khi phát hiện các cây xanh nghiêng, không đảm bảo an toàn thì người dân liên hệ ở đâu để phản ánh?
- Nếu phát hiện cây xanh nguy hiểm, không đảm bảo an toàn thì người dân nên liên hệ với chính quyền địa phương gần nhất, các đơn vị thuê bao chăm sóc (Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa và Công ty CP Môi trường Sonadezi) hoặc liên hệ Phòng Quản lý đô thị thành phố để kịp thời kiểm tra, xử lý đảm bảo an toàn cho người dân trong khu vực.
* Hiện nay, có tình trạng hộ dân ở các khu dân cư tự ý trồng cây xanh trên vỉa hè trước nhà. Việc này có vi phạm các quy định về quản lý cây xanh hay không, thưa ông?
- Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động chăm sóc, bảo vệ và phát triển cây xanh theo đúng quy hoạch xây dựng đô thị hoặc quy hoạch chuyên ngành cây xanh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các hành vi bị cấm như: trồng cây xanh trên vỉa hè, dải phân cách, đường phố, nút giao thông hoặc khu vực công cộng không đúng quy định; trồng các loại cây xanh trong danh mục cây cấm trồng hoặc cây trong danh mục cây trồng hạn chế khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
* Ở một số khu dân cư, đường phố có tình trạng rễ cây trồi lên trên vỉa hè, lấn vào cả tường nhà dân… Trường hợp này có được di dời cây xanh hay không và thủ tục ra sao thưa ông?
- Dự án quy hoạch, phát triển hệ thống cây xanh đô thị của TP.Biên Hòa được triển khai từ năm 2001 nên đến nay một số chủng loại cây xanh trồng theo dự án hoặc do nhân dân tự trồng trên một số tuyến đường không còn phù hợp, thuộc danh mục cây cấm trồng, cây trồng hạn chế như: cây viết, cây sò đo cam, cây bàng, cây trứng cá, cây bông gòn, cây xà cừ…
Ngoài ra, cây xanh tại một số tuyến đường, dự án khu dân cư trồng cây xanh (đại mộc) trong khi ở đây tuyến đường có vỉa hè nhỏ, vướng các công trình hạ tầng ngầm nên ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển cây xanh, không đảm bảo không gian sinh trưởng phát triển của bộ rễ, dẫn đến rễ cây “ăn nổi” làm hư hỏng vỉa hè và các công trình xây dựng của người dân trong khu vực.
Đối với tình trạng trên, khi có phản ảnh từ người dân Phòng Quản lý đô thị sẽ phối hợp các ban, ngành của thành phố kiểm tra, cân nhắc các điều kiện theo quy định để tham mưu, đề xuất UBND thành phố xem xét, cấp giấy phép chặt hạ hoặc dịch chuyển cây xanh đến vị trí phù hợp.
* Xin cảm ơn ông
Bỏ ngỏ quản lý cây xanh trong trường học?
Từ vụ cây phượng bật gốc đè trúng một học sinh tử vong và một số học sinh khác bị thương tại Trường THCS Bạch Đằng (Q.3, TP.HCM) khiến nhiều phụ huynh ở TP.Biên Hòa cũng tỏ ra lo lắng vì hiện tại một số trường học trên địa bàn thành phố cũng có nhiều cây xanh, trong đó có cả những cây cổ thụ.
Trường tiểu học Nguyễn Du (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) có một số cây cổ thụ nhưng chưa bao giờ được cơ quan chức năng "thăm khám", kiểm tra bên trong thân cây để kịp thời phát hiện những dấu hiệu sâu bệnh. Ảnh: P.Liễu
Khảo sát tại một số trường học trong nội ô TP.Biên Hòa, phóng viên Báo Đồng Nai ghi nhận tại những trường này vẫn tồn tại nguy cơ mất an toàn từ cây xanh.
* Những nguy cơ tiềm ẩn
Tại Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (P.Trung Dũng) trồng khá nhiều cây xanh như: cây bàng, hoàng nam và phượng cổ thụ. Theo Ban giám hiệu nhà trường, việc trồng nhiều cây xanh nhằm lấy bóng mát cho học sinh. Tuy nhiên, hiện nay có một số cây hoàng nam phát triển nhanh, đường kính thân cây khoảng 30cm. Rễ của 2 cây hoàng nam đã trồi lên mặt đất, đẩy vỡ cả mặt sân xi-măng. Điều đáng nói là 2 cây này vẫn xanh tốt nhưng đều bị nghiêng hẳn sang một bên với độ nghiêng ngày càng lớn.
Tương tự, tại Trường THCS Trần Hưng Đạo (P.Trung Dũng) cũng có 1 cây sao cổ thụ bị nghiêng đè lên bức tường của Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức ở sát bên khiến bức tường này bị nứt một đoạn. Nếu gặp mưa to, gió lớn, tán cây này có nguy cơ gãy đổ, khả năng sẽ làm đổ luôn bức tường. Ngoài ra, 2 hàng cây bàng trong sân trường có nhiều cành khô chưa được chặt bỏ. Tình trạng này tiềm ẩn nguy hiểm nếu những cành khô bị gãy và rơi từ cao xuống trúng học sinh, vết gãy sắc nhọn cũng có khả năng gây thương tích cho các em.
Riêng tại sân Trường tiểu học Nguyễn Du (P.Quyết Thắng), ngôi trường hơn 120 năm tuổi, có rất nhiều cây xanh, trong đó có một số cây sao cổ thụ, đường kính phải hơn 1m giống như những "cây dù" che mát cho sân trường. Tuy nhiên, những cây trồng này chủ yếu do nhà trường chăm sóc, chưa được cơ quan chức năng kiểm tra kỹ thuật và an toàn.
Qua trao đổi với một số ban giám hiệu của các trường học trên địa bàn TP.Biên Hòa, chúng tôi được biết, từ trước đến nay, việc trồng và chăm sóc cây xanh trong khuôn viên nhà trường là do các trường tự đảm nhiệm. Hằng năm, các trường đều cho cắt tỉa cành hay chặt bỏ những cây bị chết khô. Tuy nhiên, nhà trường không có chuyên môn để phát hiện sớm những cây xanh đã bị sâu mục từ bên trong hay bị hư hỏng bộ rễ.
* Cần quản lý cây xanh trong trường học
Theo Phòng Quản lý đô thị TP.Biên Hòa, lâu nay việc quản lý, bảo dưỡng cây xanh trong các trường học nói riêng và trong khuôn viên các cơ quan, đơn vị nói chung thuộc trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, trường học đó. Phòng Quản lý đô thị chỉ quản lý cây xanh trên các tuyến đường, công viên và những khu vực công cộng.
Một cây xanh ở Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (TP.Biên Hòa) bị nghiêng hẳn sang một bên
Như vậy từ thực tế cho thấy, lâu nay việc trồng, chăm sóc, bảo dưỡng, bảo đảm an toàn cho cây xanh ở các trường học đều do các trường tự trồng hoặc phụ huynh trồng ủng hộ, hầu như không được quy hoạch, định hướng, cũng không được tư vấn chọn lựa loại cây nào trồng phù hợp... Việc này dẫn đến tình trạng, việc chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh chưa đảm bảo đúng kỹ thuật, nhất là đối với những cây cổ thụ.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Huỳnh Tấn Lộc cho biết, sau sự cố tai nạn thương tâm tại Trường THCS Bạch Đằng (TP.HCM), UBND thành phố đã có công văn hỏa tốc gửi Phòng Quản lý đô thị, Phòng GD-ĐT và các đơn vị trực thuộc yêu cầu tập trung, chủ động phòng ngừa, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc do cây xanh ngã đổ trong mùa mưa gây thiệt hại về người và tài sản; kịp thời tổ chức kiểm tra, cắt tỉa, chặt hạ những cây xanh có nguy cơ ngã đổ, các cây xanh bị xiêu vẹo không đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão, hoàn thành trước ngày 20-6.
Tương tự, Sở GD-ĐT đã có công văn chỉ đạo các phòng GD-ĐT và các trường chặt tỉa cành cây có nguy cơ gãy đổ trong khuôn viên, đường nội bộ, khu vực xung quanh trường học để không gây nguy hiểm cho học sinh và cơ sở vật chất của trường học khi xảy ra mưa bão, dông lốc.
Tuy nhiên, trước thực trạng còn thiếu quản lý, bảo dưỡng cây xanh đúng kỹ thuật và an toàn trong các trường học, nhiều phụ huynh kiến nghị nhà trường định kỳ phối hợp với cơ quan chức năng sớm kiểm tra, đánh giá lại chất lượng của cây xanh trong các trường học để sớm phát hiện ra những nguy cơ cây gãy đổ nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Thi thể nam giới trong nhà vệ sinh công cộng gần bến xe Mỹ Đình, Hà Nội Người dân bàng hoàng khi phát hiện một thi thể nam giới chết trong nhà vệ sinh công cộng gần bến xe Mỹ Đình nên lập tức thông báo cho cơ quan chức năng. Vụ việc được người dân phát hiện vào chiều 23/6, tại một nhà vệ sinh công cộng nằm sau bến xe Mỹ Đình (phường Mỹ Đình 2, quận Nam...