Ảo tưởng ma túy của một vận động viên
Cô đã từng là một vận động viên sáng giá, cô đã giành Huy chương bạc tại giải Karatedo trẻ thế giới – cô đã từng được sống trong giây phút vinh quang tràn ngập những lời chúc mừng, nhưng cô đã “bập” vào ma túy. Tin vào sự thần diệu của nàng tiên nâu cô đã đánh mất quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời mình. Và bây giờ cô đang tập trung cai nghiện để làm lại cuộc đời. Đó là cách duy nhất, không còn cách nào khác là thức tỉnh và đứng dậy…
Vết trượt định mệnh
Sau 5 năm học võ, Nguyễn Hoàng Dung được mời vào đội tuyển Karatedo Thể Công và thường xuyên tập luyện xa nhà. Yêu thích võ từ khi còn nhỏ, Dung tập luyện rất hăng say. Còn nhớ khi đó chuẩn bị tranh giải vô địch thế giới tại Indonesia nên Dung và các đồng đội phải tập luyện suốt ngày đêm. Nhiều hôm căng thẳng, về đến phòng ngã lăn ra giường, mặc kệ mồ hôi vã ra như tắm.
Tập luyện vất vả, căng thẳng nên cứ có thời gian rỗi, Dung lại tập trung lũ bạn rủ nhau đi chơi. Và lần ấy, khi thấy cô mệt mỏi bước vào quán café, đứa bạn đưa cho cô gói bột màu trắng, hất hàm bảo “mày dùng cho đỡ mệt”. Cô lắc đầu “điên à” rồi bỏ vào trong. Cô bạn không những không bỏ cuộc mà còn đế tiếp “mày tập luyện như thế, nếu không có sự hỗ trợ của cái này, khó mà giữ được sức đến ngày thi. Dùng đi, tao cam đoan mày sẽ không nghiện đâu”. Sau câu nói của bạn, hình ảnh những buổi tập vất vả, những giây phút tưởng như gục xuống lại hiện về, Dung quay lại vớ lấy gói bột, hít lấy hít để.Qua vài trận nôn mật xanh mật vàng, Dung phát hiện mình khỏe hơn bình thường.
Trở lại sân tập sức dẻo dai hơn. Khi thấy thành tích của cô học trò xuất sắc bất ngờ, thầy cô và các bạn trong đội tuyển rất tự hào và có phần hy vọng. Dung lao theo nàng tiên nâu với ảo tưởng sẽ đạt thành tích cao cho giải đấu sắp tới. Và cuộc ra quân tại giải trẻ thế giới năm 2005 tổ chức ở Indonesia, Dung dành Huy chương bạc. Giây phút vinh quang đó khiến Dung càng thêm ảo tưởng về ma túy. Khi đứng trước rất nhiều nhà báo nước bạn, hai từ Việt Nam được xướng lên, huấn luyện viên và đồng đội có mặt hôm ấy rất tự hào, khiến Dung cảm thấy có điều gì đó thôi thúc mình. Mình phải chiến thắng, mình phải lặp lại những giây phút vinh quang này bằng mọi cách. Càng ngày, Dung càng tin vào sự thần diệu của nàng tiên nâu, rồi đến lúc nào cô bị phụ thuộc vào nó mà không hề hay biết.
Tình yêu dẫn vào con đường chết
Sau đó, Dung đã gặp người đàn ông của mình. Tưởng rằng đó là một tình yêu đẹp, nhưng người đàn ông của cô cũng chỉ là một con nghiện. “Lúc đó, tôi nghĩ mình là người hạnh phúc nhất trên đời với một tình yêu tuyệt diệu. Một người đàn ông hết mực yêu thương mình. Tôi không hề ý thức được, tình yêu ấy đang dẫn tôi vào con đường chết”, Dung kể lại với giọng xót xa.
Nhưng sau cuộc tình ấy thì vết trượt ma túy đã khiến cô lún sâu hơn. Thời gian tập luyện thưa dần, những cuộc vui cùng bè bạn, người yêu kéo cô vào vòng xoáy thâu đêm chỉ có ma túy và những chất kích thích khác mà quên mất nhiệm vụ chính của mình ở đội tuyển. Lúc đó Trung tâm huấn luyện Thể thao Quốc gia bị quản lý rất chặt chẽ nên Dung luôn tìm đủ lý do để được về nhà gặp đám bạn và người yêu. Mỗi lần thấy con gái về trong tình trạng mệt mỏi (vì dùng thuốc) bố mẹ cứ nghĩ con gái vất vả tập luyện nên ra sức tẩm bổ cho cô.
Video đang HOT
Nhưng cuối cùng cái gì đến cũng phải đến, khi đang ngồi hít trong toilet thì mẹ Dung vô tình bước vào. Sau giây phút bàng hoàng, bà chỉ còn biết khóc. Nhưng những giọt nước mắt không thể kéo cô về thực tại. Và với sự cương quyết của gia đình, Dung chấp nhận xin ra khỏi đội tuyển và lên Ba Vì cai nghiện. Suốt thời gian cô ở trại, người yêu không một lần lên thăm, thậm chí không một lời hỏi thăm. Đau đớn, tiếc nuối và cả hờn giận, cô quyết tâm cai bằng được để trở về nhà. Được các bác sỹ, cán bộ quản lý ở trại cai nghiện giúp đỡ, cô cắt cơn nghiện nhanh chóng. Sau 9 tháng cai, lần kiểm tra cuối cùng Dung đã có thể tái hòa nhập cộng đồng. Và cô đã được trở về, nhưng
Vòng quay tội lỗi
Trở về nhà, mặc dù gia đình quản lý Dung rất nghiêm ngặt. Cấm cô tiếp xúc với bạn cũ. Nhưng điều đó là không đủ đối với một người đã từng dính vào ma túy. Không công ăn việc làm, suốt ngày lại bị quản lý chặt khiến cô rất bức bối. Trong những lần như thế, Dung lại nghĩ đến ma túy và muốn tìm đến nó. Sau gần một năm sống trong sự kiểm soát gắt gao của gia đình, không chịu nổi cô đơn, Dung trốn gia đình đi tìm mấy đứa bạn cũ. Và từ đó cô lại lao vào vòng xoáy tội lỗi, Dung lại bập vào thứ hàng trắng chết người ấy. Khi phát hiện con gái tái nghiện, mẹ Dung gục ngã hoàn toàn vì bà biết “với dân nghiện ma túy, cắt cơn nghiện thì dễ chứ tái nghiện rồi khó cai lắm”. Dung cũng hiểu được điều đó, thương mẹ thương gia đình, nhưng những cơn đói thuốc đã lôi cô đi, mỗi khi trong cô nhen nhóm thức tỉnh, cô không thể vượt qua được chính mình, cô không chiến thắng được ma túy . Sau này, tôi hỏi Dung “đã biết sự nguy hiểm của ma túy sao vẫn cố mà bập vào”. Dung cười, xót xa “chẳng nói trước được điều gì anh ạ vì đã nghiện một lần rồi, khi ngửi mùi nó, không cưỡng lại được đâu”, nói rồi Dung nhìn ra xa, tiếc nuối về khoảng thời gian lầm lỡ.
Đứng dậy bước về phía trước
Vết trượt dài với những tháng ngày tội lỗi, có những lúc Dung cảm thấy cuộc đời này thật vô nghĩa. Chỉ có chơi bời và nghiện hút. Cuối cùng cô đã quyết tâm đứng dậy. Thương mẹ và cũng muốn làm lại cuộc đời. Đầu năm 2008, Dung tự nguyện xin lên Trung tâm chữa bệnh, giáo dục và Lao động tỉnh Hòa Bình để cai nghiện. Ngày cô đi, mẹ giận quá nên không nói một câu nào. Thương con gái, bố nắm tay an ủi “mẹ vì quá yêu con, quá tin con nên mới như vậy. Con hãy cố gắng cai nghiện để sớm trở về, làm lại cuộc đời”. Dung gạt nước mắt bước lên xe, bỏ lại sau lưng quá khứ huy hoàng để bắt đầu một cuộc sống khác.
Đang từ một ngôi sao được nhiều người biết đến, Dung bước vào một thế giới khác, không tiếng vỗ tay, không một câu hỏi phỏng vấn, không một giây phút huy hoàng nào còn nữa. Bỗng dưng cô thấy thèm nghe một lời động viên trước mỗi trận đấu “cố gắng đạt thành tích cao nhé”, thậm chí là một lời mắng mỏ của HLV mỗi khi cô không đạt thành tích như mong muốn… Những người bạn trong đội tuyển có lẽ mãi mãi chẳng bao giờ hiểu được vì sao Dung lại quyết định từ bỏ ước mơ khi nó bắt đầu chín.
Cô tránh mọi cuộc tiếp xúc với truyền thông để quá khứ huy hoàng được ngủ vùi trong ký ức. Dung bảo, những lúc vô tình xem chương trình thể thao, thấy những người bạn cũ bước lên đài vinh quang, toàn thân cô sởn gai ốc, lại tiếc nuối, xót xa. Nếu quay về 5 năm trước, có thể trong những gương mặt ấy, có cô đứng lẫn vào nhưng bây giờ là hiện thực.
Dung cũng nói rằng, nhiều khi đêm về, nghĩ đến mẹ là cô không thể chợp mắt. Cô sẽ nhớ mãi ánh mắt thất thần đau đớn của bà khi nhìn con vật vờ với cơn nghiện. Chính cô đã cướp đi những hạnh phúc tuổi già mà đáng ra bà phải có.
Hồi mới lên trại, sự mặc cảm về bản thân khiến cô luôn tự ti, không nói chuyện với bất kỳ người nào. Nhiều bận thèm ma túy, cô vật lộn khắp nhà, các thầy cô phải cho Dung uống những loại thuốc hỗ trợ như Bernil, Natrexone hay RVA…Sau đó kết hợp với các loại thuốc làm giảm sự thèm khát và phê của ma túy. Kéo dài mấy tháng như vậy, cuối cùng cô cũng dứt được cơn thuốc.
Rồi những khi rảnh rỗi, thầy Tuấn (cán bộ quản lý) lại gặp riêng và động viên và hỏi về những khát khao, mong ước trong tương lai của Dung. Những lúc Dung nói về khát vọng của mình, thầy lại phân tích, chia sẻ và động viên. Dung bảo rằng “lần nào nói chuyện với thầy, tôi cũng nhận thấy tình yêu thương mà thầy dành cho mình rất lớn. Từ đó, tôi tự tin hơn trong giao tiếp, tích cực hơn trong các hoạt động và luôn cố gắng để mỗi lần kiểm tra sức khỏe lại cho kết quả tốt. Dung nhìn thấy trong ánh mắt của mọi người sự tiếc nuối cho một cô gái với rất nhiều tài lẻ mà sớm sa chân vào con đường ma túy để hủy hoại cả một tương lai huy hoàng phía trước.
Khi ngồi nói chuyện với tôi về quá khứ lầm lạc và những ngày tháng sống ở Trung tâm chữa bệnh, giáo dục và lao động tỉnh Hòa Bình, tôi thấu Dung đã hiểu hơn về gia trị cuộc sống để biết yêu thương cuộc đời và quan tâm đến người khác. Dung khoe, bố cô mới lên thăm con gái. Thấy Dung chăm chú ngồi gấp hàng mã, ông mừng đến rơi nước mắt. Có nằm mơ ông cũng chẳng dám tin, đứa con gái ham chơi và khó bảo năm nào cũng có lúc ngoan ngoãn ngồi bên mớ giấy màu, tỉ mỉ cắt theo mẫu để ghép lại thành những sản phẩm đặc biệt như thế. Để an ủi bố, Dung hứa sẽ cố gắng năm sau ra trại, có thể áp dụng những công việc này để tái hòa nhập cộng đồng bởi tuổi cô không thể quay lại với môn thể thao yêu thích được nữa. Nghe lời tâm sự của Dung, bố cô gật đầu mỉm cười, một nụ cười mãn nguyện mà lâu lắm rồi cô mới được nhìn thấy trên gương mặt già nua của bố!
Và khi nhìn bố bước xa dần khu thăm học viên, Dung tự nói với mình “Bố ơi, ngày đó sẽ không còn xa nữa…”!
Theo ANTD
Khi teen tự cho mình là hot boy, hot girl
Các cuộc thi, sự kiện xã hội ra đời ngày càng nhiều kéo theo việc các teen nổi bật cũng xuất hiện tỉ lệ thuận theo đó. Thế nhưng, nhiều teen nhầm tưởng chuyện tham gia vào những việc đáng chú ý thành việc lăng xê bản thân, nghĩ rằng chỉ cần "xinh xinh, nổi nổi" một chút thì tự cho rằng mình đang... hot!
Cứ được nhiều người biết đến là... hot?
Thời gian gần đây, cụm từ hot boy, hot girl trong thế giới teen nhiều vô kể. Nguyên nhân phần nào có thể do sự nhập nhằng trong quan niệm, hay bản thân một số teen cũng ảo tưởng mình là hot boy, hot girl mà khiến chúng tràn lan. Rất nhiều cô bạn, cậu bạn chỉ có chút đặc biệt: giàu, xinh hay hát tốt, cũng tự "phong danh" mình là hot teen và lúc nào cũng ảo tưởng cuộc sống kiểu... người nổi tiếng. Nhất là những cô nàng, anh chàng "quý sờ tộc", cũng nghĩ mình... hot vì giàu(!)
Anh chàng Andy Phạm (học sinh trường Quốc Tế Q3) là một trong những anh chàng bị "ảo tưởng" về độ hot của mình. Chuyện là gia đình Andy rất giàu có. Anh chàng lúc nào cũng xuất hiện trong những bộ đồ hiệu chỉn chu, chiếc xe hơi đắt tiền và bóp thì luôn dày cộm. Chẳng thế mà đi đến đâu, cũng có nhiều người chú ý, hay không ít bạn cũng biết đến Andy bởi sự giàu có của anh chàng. Thế là nghiễm nhiên, Andy cho rằng mình là... hot boy nổi tiếng.
Hệ lụy của suy nghĩ sai lầm là Andy luôn ảo tưởng mình "đặc biệt" hơn người khác, anh chàng chỉ chơi với những người "ngang hàng" với mình hay lúc nào bản thân anh chàng cũng dương dương tự đắc kiểu xem thường người khác. Cả trong chuyện tình cảm, Andy cũng làm khổ người yêu bởi cái tính vừa trẻ con, vừa tự cao của mình. Cũng bởi thế mà mỗi lần có sự kiện gì hay tán dương gì của người ngoài mà không thấy nhắc đến mình, Andy luôn tỏ ra tức tối... Anh chàng còn đánh giá những người... chả xem mình ra gì là không cùng đẳng cấp?
Nhiều bạn lầm tưởng chuyện có nhiều bạn bè, hay được nhiều người biết đến là... hot. Không ít cô bạn còn bỗng dưng cho mình thành "hot girl" chỉ bởi một vài lần được chụp ảnh báo, hay được hát, dẫn chương trình trong các dịp đặc biệt tại trường. Còn các anh chàng, bị "mù quáng" nhất khi cứ nghĩ giàu, có tiếng ăn chơi cũng đã là... hot teen rồi đấy!
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Giựt người yêu của "teen hot" thì cũng là... hot teen?
Để đạt cái danh hiệu hot teen, nhiều anh chàng, cô nàng cũng đánh đổi rất lớn. Đánh đổi ở đây không phải là nỗ lực, mà là danh dự. Chuyện buồn cười ở đây, là có những anh chàng, cô nàng, cố sức trở thành người thứ ba, chen chân vào tình cảm của "người nổi tiếng", để rồi cũng tự phong danh nổi tiếng cho mình.
Cô nàng có nick name Suri (lớp 11, trường THPT Nguyễn Khuyến) là một trong những cô nào kiểu vậy. Hoạt động nghệ thuật, hát hò, nhảy nhót mãi mà không nổi. Chẳng hiểu suy nghĩ như thế nào mà Suri lại quyết định "tiến thân" thành người thứ ba, cướp bạn trai của một hot girl để cũng thành... hot-girl. Tất nhiên, chẳng dễ chen chân vào tình cảm của người khác, Suri phải tìm đủ cách, thậm chí lừa để trao... cái "ngàn vàng", ràng buộc cho được người kia(!) Thế rồi, cô nàng đi khắp nơi khoe mẽ việc người yêu của hot girl M phải chia tay M để theo mình. Cứ tưởng thế là người ta nể phục?
Không ít cô nàng, anh chàng vì muốn trở thành hot teen đã phải "hi sinh" rất nhiều thứ của bản thân. Nhiều nhất là danh dự, tiền bạc để biến mình trở nên nổi trội, để người khác chú ý đến. Lại thêm chuyện, không ít teen chỉ cần được người khác để ý một chút, thì bắt đầu cho rằng mình đang "hot" mà không cần biết người khác nhìn mình bằng ánh nhìn như thế nào. Cái suy nghĩ: "Mình nổi trội nên bị ghen ghét" bỗng trở thành viện cớ hợp lí khi các hot teen tự phong bị người khác dè bỉu, ghét bỏ.
Thay lời kết
Tự ảo tưởng mình là hot boy, hot girl, nhiều teen sa đà trong các mối quan hệ, cách cư xử với người khác. Không ít bạn bị "lạc lối" theo những lời tâng bốc, tán thưởng của người xấu, để rồi sai lầm trong cuộc sống. Nhiều anh chàng còn bị gạt tiền, gạt tình, cũng vì cứ ngỡ mình là hot boy, đánh giá quá cao bản thân, hay cứ cho rằng mình được đánh giá cao để rồi không được thế thì thất vọng, hụt hẫng.
Thực tế, mặc dù "thị trường" đang tràn ngập những teen tự cho mình là hot, nhưng con số những teen thực sự xứng với danh hiệu này không nhiều. Còn nếu bạn muốn tìm kiếm cho mình một "vị trí" trong lòng người khác thì còn có nhiều cách, đừng cố giành một vị trí... không thuộc về mình để rồi tự vác cho mình những tai tiếng(!)
Theo PLXH
Giới trẻ "chơi nổi" - cá tính hay "gây sốc"? Ngày càng nhiều bạn trẻ cố tình thể hiện những hành động "kỳ quặc" nơi công cộng nhằm gây sự chú ý với người xung quanh. Nhiều người bao biện cho rằng mình thể hiện cá tính, thế nhưng phải chăng họ đang "quá đà"? Chơi nổi... kém văn hóa Mới đây, cộng đồng mạng liên tục xôn xao bởi những clip ghi...