Áo đóng cửa nhà máy nhiệt điện than cuối cùng khi dịch Covid-19 giảm
Công ty cung cấp năng lượng Verbund của Áo đã đóng cửa nhà máy nhiệt điện than cuối cùng tại bang Styria miền Đông Nam nước này.
Hôm qua (17/4) Áo đã đóng cửa nhà máy nhiệt điện than cuối cùng còn hoạt động tại quốc gia này, dù nước này vẫn đang gặp khó khăn trong việc triển khai các biện pháp nới lỏng hạn chế vì dịch Covid-19. Điều này đồng nghĩa sản xuất điện từ than giờ sẽ chỉ còn là quá khứ tại Áo, đồng thời mở hướng mới cho quốc gia này chuyển đổi sang 100% nguồn cung năng lượng sạch vào năm 2030.
Công ty Verbund. Ảnh: Pvmagazine.
Theo đúng kế hoạch, công ty cung cấp năng lượng Verbund của Áo đã đóng cửa nhà máy nhiệt điện than cuối cùng tại bang Styria miền Đông Nam nước này. Việc dừng khai thác nhà máy này đánh dấu sự kết thúc của hoạt động sản xuất năng lượng từ than tại Áo bởi nhà máy Mellach, nơi cung cấp nguồn sưởi ấm cho địa phương, chính là nhà máy điện than cuối cùng còn hoạt động tại quốc gia này.
Trong 34 năm qua, nhà máy đã sản xuất hơn 30 tỷ kWh điện năng và 20 tỷ kWh nhiệt sưởi. Trong tương lai nhà máy vẫn sẽ được duy trì ở trạng thái sẵn sàng phục vụ mục đích dự phòng. Verbund cũng cho biết sẽ phát triển Mellach trở thành một trung tâm đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Bộ trưởng Bảo vệ Môi trường Áo Leonore Gewessler cho biết, việc đóng cửa nhà máy là một bước đi lịch sử, Áo cuối cùng đã thoát khỏi nguồn cung năng lượng từ than và tiến thêm một bước nữa trong việc loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.
Video đang HOT
Bộ trưởng này cũng cho biết chính phủ có kế hoạch chấm dứt sử dụng hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang 100% nguồn cung năng lượng tái tạo vào năm 2030. Bước chuyển đổi này sẽ tạo ra sự độc lập kinh tế cho Áo bởi nước này không có lượng dữ trự nhiên liệu hóa thạch lớn và hiện đang phải chi tới 10 tỷ euro để nhập khẩu than, dầu và khí đốt.
Mặc dù vậy, Áo cũng sẽ cần một kế hoạch kỹ lưỡng về phát triển năng lượng sạch khi 1/4 điện năng tại quốc gia này hiện vẫn được sản xuất từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Cụ thể, công suất quang điện lắp đặt tại Áo sẽ phải tăng gấp 10 lần trong 10 năm tới để đạt mục tiêu 100% điện năng xanh vào năm 2030.
Áo là quốc gia thứ 8 trong Liên minh Châu Âu chấm dứt sản xuất điện từ than đá – vốn được coi là nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nặng nề nhất và là nguồn phát thải khí nhà kính chính gây ra biến đổi khí hậu./.
Hải Đăng
Bắc Kinh đóng cửa tất cả nhà máy nhiệt điện than
Tân Hoa Xã cho biết ngày 18/3, nhà máy nhiệt điện than cuối cùng ở Bắc Kinh đã ngừng hoạt động bằng việc tắt đầu máy phát điện mới nhất.
Thời khắc lịch sử này đã được ghi lại khi một người vận hành máy móc trong một bộ đồng phục màu xanh đã nhấn nút dừng màu đỏ cho đầu máy turbin hơi thứ tư của nhà máy.
Máy ảnh ghi lại khoảnh khắc người vận hành máy nhấn nút dừng tua bin cuối cùng hoạt động tại nhà máy. (Nguồn: Tân Hoa Xã)
Theo đó, Bắc Kinh đã trở thành thành phố đầu tiên của Trung Quốc dựa hoàn toàn vào các nguồn năng lượng sạch như khí đốt tự nhiên hay gió để sản xuất điện.
Tuy nhiên, thủ đô Bắc Kinh với hơn 30 triệu dân, không thể sản xuất đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu năng lượng của riêng mình nên nó đã dùng điện từ các nhà máy nhiệt điện than ở các tỉnh lân cận như Hà Bắc và Nội Mông, nơi các quy định về môi trường được thi hành một cách yếu ớt.
Năm 1999, nhà máy được xây dựng bởi Tập đoàn Hoa Năng Trung Quốc, một trong những công ty năng lượng lớn nhất của nhà nước. (Nguồn: Tân Hoa Xã)
Được biết, Bắc Kinh từ lâu đã cam kết cải thiện chất lượng không khí bằng cách giảm việc sử dụng than đá, chất liệu khi bị đốt cháy sẽ hình thành nên khói gây ô nhiễm không khí.
Theo South China Morning Post, năm 1999, nhà máy nhiệt điện than này được xây dựng bởi Tập đoàn Hoa Năng Trung Quốc, một trong những công ty năng lượng lớn nhất của nhà nước ở khu vực ngoại ô phía đông Bắc Kinh. 5 đầu máy phát điện của nó đốt hơn 8 triệu tấn than mỗi năm với tổng công suất năng lượng 845 MW.
Chính quyền thành phố cho biết đầu máy phát điện còn lại cuối cùng của nhà máy nhiệt điện than này đã sản xuất hàng trăm tấn chất ô nhiễm, bao gồm sulfur dioxide, nitơ oxit và bụi.
Hồng Vân
Theo dantri.com.vn/ South China Morning Post