Áo blouse nhuốm máu
“Cứ mỗi lần nghe tin một bác sĩ, điều dưỡng hay nhân viên y tế bị hành hung là tôi lại cảm thấy đau đớn như chính mình bị xúc phạm.” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến “
Cảm giác phẫn nộ, buồn bực, thất vọng xâm chiếm tôi. Phẫn nộ vì các thầy thuốc không bao giờ đáng bị đối xử như vậy. Buồn bực vì bao nhiêu nỗ lực của ngành y, của các đồng nghiệp và của Bộ Y tế nhằm ngăn chặn tệ nạn này vẫn chưa đem lại kết quả như mong muốn. Thất vọng vì người thầy thuốc vẫn lẻ loi trong hành trình của mình.
Cách đây ba tuần, Tòa án Nhân dân huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã tuyên phạt 9 tháng tù giam đối với bị cáo Cấn Ngọc Giang, người đã dùng chiếc cốc thủy tinh đập vào đầu một bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, khiến anh ngất tại chỗ, đầu có hai vết thương, phải khâu bảy mũi và phải theo dõi chấn thương sọ não.
Tôi đã đến bệnh viện thăm anh vào chiều tối ít hôm sau sự cố. Thầy thuốc trẻ nằm trên giường bệnh với chiếc đầu băng trắng. Chiếc áo blouse nhuốm máu đã thay bằng chiếc áo bệnh nhân màu xanh khiến cho gương mặt anh xanh xao hơn. Không hiểu sao suốt thời gian đứng cạnh anh, trong đầu tôi cứ hiện lên hình ảnh những bác sĩ với chiếc áo blouse dính đầy máu.
Giây phút đó tôi nguyện sẽ làm tất cả để chiếc áo của thầy thuốc – biểu tượng cho bình an không bao giờ bị nhuốm máu, để thầy thuốc không bao giờ trở thành nạn nhân của bạo lực.
Tôi nhớ lại câu chuyện chiếc áo blouse nhuốm đầy máu của một bác sĩ khác. Cách đây đúng 6 năm, bác sĩ Phạm Đức Giàu của Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư (Thái Bình) bị người nhà bệnh nhân dùng dao đâm thủng màng tim khiến ông tử vong. Trong căn nhà đơn sơ, gia sản hầu như không có gì, tôi không thể cầm nước mắt khi nhìn lên bàn thờ ông. Có hai vật mà tôi nhớ nhất, là chiếc ống nghe và cuốn sổ tay ghi chép theo dõi bệnh nhân. Ông thiệt mạng tại nơi làm việc, để lại bà mẹ già 87 tuổi, và hai cô con gái đang học trung cấp. Nhưng trường hợp của ông lại không đủ điều kiện để được công nhận là liệt sĩ. Chúng tôi chỉ còn cách bàn với ngành y tế và giáo dục tỉnh nhận một cô con gái vào làm điều dưỡng, một cô con gái vào làm giáo viên.
Sau này hung thủ giết bác sĩ Giàu đã bị tuyên án tù chung thân. Những tưởng những bản án nghiêm khắc đối với những kẻ hành hung thầy thuốc sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh trong xã hội. Nhưng thời gian qua đã liên tiếp xảy ra những vụ nhục mạ, hành hung khác nhằm vào thầy thuốc, mà tính chất phạm tội và hậu quả để lại về tâm lý và thân thể đối với thầy thuốc không hề giảm đi. Đơn cử một số vụ nổi bật trong 3 tháng vừa qua: 20 côn đồ cầm vũ khí ào vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, khống chế bác sĩ chém bệnh nhân (tháng 5/2017); đánh và bắt bác sĩ quỳ lạy ở Bệnh viện Thể thao Hà Nội (6/2017), bác sĩ bị một đối tượng đập máy đo huyết áp vào đầu tại Bệnh viện Đa khoa Việt Yên, Bắc Giang (tháng 7/2017). Không những thế, những kẻ hành hung còn quay video (vụ nhục mạ bác sĩ tại Trung tâm Y tế Móng Cái), thậm chí phát sóng trực tiếp trên Facebook (vụ hành hung thầy thuốc tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình) như một lời thách thức xã hội.
Và mới nhất, tối 18/8 vừa qua, là việc một giám đốc doanh nghiệp vừa được bình chọn vào danh sách 100 “Doanh nghiệp khởi nghiệp xuất sắc 2017″ đấm liên tiếp vào mặt bác sĩ Hoàng Thị Minh, người đang làm nhiệm vụ trực tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện 115 Nghệ An. Tận mắt chứng kiến hành động côn đồ này có cả một vị Chủ tịch UBND phường, mà sự hiện diện của ông tại đó cần được làm rõ. Với vai trò của ông ta, thì bất cứ người dân nào bị bạo lực đều phải được bênh vực, chứ đừng nói là thầy thuốc đang làm nhiệm vụ trong ca trực.
Một nữ bác sĩ tâm sự với tôi rằng cô từng bị hành hung, nhưng điều khiến cô đau đớn không phải là nỗi đau thể xác mà chính là những bình luận trên mạng xã hội: “Cô phải có thái độ thế nào với bệnh nhân thì mới bị hành hung chứ?”. Tâm lý này đang phổ biến trong xã hội. Lẽ ra bất cứ hành vi bạo hành nào đối với thầy thuốc đều bị lên án và xử lý, thì người ta lại quay ra đổ lỗi cho thầy thuốc. Đó là thái độ đối xử chưa khách quan và nhân văn.
Video đang HOT
Một nhân viên hàng không bị hành khách hành hung, hành khách đó ngay lập tức bị cấm bay; nhưng cứu người, dù bất kể người đó là ai, lại là sứ mệnh của người thầy thuốc.
Với tư cách là một thầy thuốc, tôi cho rằng đã đến lúc những hành vi côn đồ hành hung thầy thuốc cần phải được xử lý như những hành vi chống đối người thi hành công vụ.
Có như thế, những người thầy thuốc không có một tấc sắt trong tay mới có thể yên tâm với hoạt động chữa bệnh cứu người trong môi trường an toàn, nhân văn và phi bạo lực.
Nguyễn Thị Kim Tiến
Theo TDQ
Bộ trưởng Y tế: 'Chưa thể hài lòng với chất lượng nhân viên y tế'
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng ngành y đã có nhiều thay đổi trong phục vụ bệnh nhân, song bà vẫn chưa hài lòng bởi còn nhiều tồn tại dai dẳng.
- Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những thay đổi trong phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của cán bộ y tế trong năm 2016?
- Năm 2012, vấn đề người dân bức xúc nhất là tình trạng quá tải bệnh viện và thái độ phục vụ của cán bộ y tế. Vì thế, ngành y tế quyết tâm đổi mới toàn diện phong cách phục vụ, đến nay đã đạt được những kết quả nhất định. Kết quả kiểm tra các bệnh viện năm qua cho thấy số thư từ bệnh nhân và thân nhân khen ngợi tinh thần thái độ cán bộ ngành y tăng lên, số cuộc điện thoại phê bình cũng đã giảm.
Tôi đến nhiều bệnh viện, hỏi thăm nhiều người dân cũng cảm nhận được sự thay đổi bước đầu trong ngành. Thời gian chờ đợi khám chữa bệnh của người dân đã giảm. Cán bộ y tế phục vụ, hướng dẫn người bệnh tận tình, chu đáo hơn trước.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Ảnh: T.H.
Theo kết quả đánh giá độc lập của Viện Chiến lược và Chính sách y tế tại 22 bệnh viện (11 bệnh viện tuyến trung ương, 8 bệnh viện tỉnh và 3 bệnh viện huyện) gần đây cho thấy mức độ hài lòng của người bệnh về thời gian khám bệnh nhìn chung đạt trên 81%. Mức độ hài lòng của người bệnh đối với phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế đạt gần 90%, trong đó tuyến viện trung ương 88%; tỉnh 94%; huyện gần 86%.
Điều kiện cơ sở vật chất, vệ sinh môi trường tại khu vực khám bệnh cũng như phòng bệnh ở các viện ngày càng được cải thiện và nâng cấp hơn. Ghế ngồi cho người bệnh chờ khám đã được tăng cường. Các tiện nghi như nước uống, quạt mát phục vụ người bệnh cũng được nhiều bệnh viện quan tâm tổ chức.
- Bộ trưởng đã hài lòng với chất lượng phục vụ của đội ngũ nhân viên chưa?
- Bước đầu ngành y đã có những chuyển biến tích cực, nhất là về tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhân viên y tế có thái độ khiếm nhã với người bệnh và người nhà bệnh nhân, bị báo chí phát hiện, người dân phản ánh.
Cá nhân tôi chưa thể hài lòng được. Vẫn còn rất nhiều việc phải tiếp tục thực hiện và thực hiện quyết liệt, phải có sự vào cuộc của toàn thể cán bộ ngành y tế và cả người dân.
- Theo Bộ trưởng đâu là nguyên nhân của những tồn tại này?
- Nguyên nhân những tồn tại đó là do tình trạng quá tải bệnh viện, áp lực làm việc trong môi trường độc hại, nguy hiểm, sự xuống cấp, thiếu thốn của trang thiết bị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiếu trầm trọng nhân lực y tế... Một số lãnh đạo bệnh viện cũng chưa thực sự thấy hết tầm quan trọng của công tác này, việc triển khai chưa quyết liệt; vẫn nặng về cơ chế bao cấp ngày xưa.
Bộ trưởng Y tế thị sát Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều ngày 8/12. Ảnh: N.P.
Về phía cán bộ y tế, nhận thức của một bộ phận chưa thay đổi, vẫn nặng về tâm lý "xin - cho", "mang ơn", chưa nhận thức người bệnh là trung tâm, là đối tượng phục vụ nên còn có tình trạng hách dịch, quát mắng người bệnh (nhất là khu vực phía Bắc). Một trong những nguyên nhân quan trọng khác là hành vi, thói quen trong giao tiếp, ứng xử, nhất là những cán bộ trẻ, có những lời ăn, tiếng nói, cử chỉ, thái độ không phù hợp, không thân thiện.
Về phía người dân, nhiều người bệnh, gia đình có tâm lý sốt ruột, không quen xếp hàng, chờ đợi; đôi khi còn có thái độ coi thường cán bộ y tế, không chấp hành nội quy, chỉ định của thầy thuốc...
- Muốn đổi mới phong cách thái độ phục vụ tại các cơ sở y tế thì cần nâng cao thu nhập cho cán bộ nhân viên y tế. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?
- Điều đó là hoàn toàn đúng. "Có thực mới vực được đạo" nên việc triển khai đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế phải gắn liền với việc nâng cao đời sống vật chất và mức thu nhập.
Bộ Y tế đã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, môi trường làm việc tại các bệnh viện; xây dựng môi trường bệnh viện xanh, sạch, đẹp; đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại...; thực hiện lộ trình nâng giá viện phí, điều chỉnh giá dịch vụ y tế; đổi mới cơ chế tài chính tại các bệnh viện, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức, tài chính. Bộ cũng hướng dẫn, yêu cầu lãnh đạo các bệnh viện quan tâm đời sống vật chất cho cán bộ y tế.
- Những dự định của Bộ trưởng trong năm 2017 để hướng tới sự hài lòng người bệnh?
- Bộ Y tế sẽ đẩy nhanh tiến độ Đề án giảm tải bệnh viện, triển khai thực hiện bệnh viện vệ tinh...; đổi mới cơ chế tài chính trong bệnh viện; đề xuất ưu tiên chế độ chính sách cho cán bộ y tế như phụ cấp thâm niên, lương khởi điểm của bác sĩ...
Bộ tập trung vào các nội dung quan trọng như: Tổ chức ký cam kết thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; có cơ chế theo dõi, kiểm tra các cam kết; Tập huấn nhằm thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi, thái độ ứng xử của cán bộ y tế; Triển khai hoạt động nhiệm vụ công tác xã hội trong bệnh viện, đội tình nguyện tiếp sức vì người bệnh; Tiếp tục đẩy mạnh, duy trì hoạt động đường dây nóng, hòm thư góp ý, quy định trang phục y tế, xây dựng phong cách, văn minh thân thiện; Nâng cao đời sống vật chất của cán bộ y tế.
(Theo VnExpress)
'Giá ở gần, cháu đã mang gà, rượu cám ơn Bộ trưởng' Dù 2 con trai không qua khỏi nhưng cảm kích trước tấm lòng của Bộ trưởng Y tế và các y bác sĩ, vợ chồng chị Phàn Thị Thẩy chia sẻ rất muốn tặng gà, rượu để cảm ơn. Bức thư mộc mạc của mẹ 2 bé song sinh dính liền Sau gần 3 tuần lo tang lễ cho 2 con song sinh...