Ào ạt xuất than trước thời điểm phải nhập khẩu
Thời điểm nhập khẩu than chỉ còn 2 năm, nhưng trong kế hoạch sản xuất năm 2013 Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam ( Vinacomin) một lần nữa lại đặt ra mục tiêu xuất khẩu than cao hơn năm trước, tới 16 triệu tấn.
Sắp phải nhập 6 triệu tấn than
Vinacomin cho biết, năm 2012 than nguyên khai sản xuất đạt 44,5 triệu tấn, tiêu thụ than 39,2 triệu tấn, trong đó trong nước là 24,8 triệu tấn, xuất khẩu 14,4 triệu tấn. Lượng tồn kho còn tương đối lớn, dự kiến khoảng 7,5 triệu tấn.
Tại hội nghị tổng kết ngành than sáng 12.1, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhắc nhở, theo kế hoạch tới năm 2015 sẽ phải nhập khẩu 6 triệu tấn than, năm 2020 phải nhập tới 36 triệu tấn. “Năm 2025 – 2030, nếu không cơ cấu được vấn đề năng lượng có thể phải nhập đến cả trăm triệu tấn than. Con số này rất có vấn đề, không chỉ khó khăn về tiền mà còn là nguồn, cơ cấu nhập. Các tổng công ty tự đi ra thị trường tìm kiếm nguồn nhập nhưng không hiệu quả nên Chính phủ lại giao về cho Vinacomin. Tôi biết các đồng chí không muốn, nhưng cũng phải nhận vì Vinacomin là đầu mối”, Phó thủ tướng nói.
Năm 2013 Vinacomin dành tới 16 triệu tấn than xuất khẩu, trong khi năm 2015 đã bắt đầu phải nhập 6 triệu tấn than – Ảnh: M.Hà
Video đang HOT
Cũng theo Phó thủ tướng, việc chuẩn bị cảng trung chuyển nhập khẩu than phía Nam và nguồn than nhập khẩu là giải pháp căn cơ mà ngành than phải đẩy mạnh, nhất là khi thời gian sắp phải nhập khẩu không còn nhiều.
Trên thực tế, Vinacomin đã xúc tiến tìm nguồn than. Ngoài việc ký các biên bản ghi nhớ trước đây với một số đối tác Indonesia/Úc về việc cấp than trong tương lai cho VN (Công ty Hancock Coal thuộc Tập đoàn Hancock Prospecting của Úc, Công ty Sojitzs của Nhật Bản), tập đoàn này đã ký thêm biên bản ghi nhớ với các đối tác Nga, Singapore về cả khả năng cung cấp than sau năm 2015 cũng như hợp tác xây dựng cảng biển nhập khẩu than.
Giá than sẽ tăng tiếp trong năm 2013
Vinacomin đã có kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính điều chỉnh tiếp giá than trong năm 2013. Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, chủ trương của Chính phủ đồng ý cho tăng giá than, nhưng thời điểm điều chỉnh cụ thể sẽ phải tính toán để không có tác động lớn, vì giá than tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến giá điện.
Tuy nhiên, đáng nói là trong kế hoạch năm 2013, với mục tiêu tiêu thụ 43 triệu tấn than (tăng 3,7 triệu tấn so với năm 2012), Vinacomin dành tới 16 triệu tấn cho xuất khẩu (tăng 1,7 triệu tấn). Bất hợp lý trong cơ cấu xuất khẩu – nhập khẩu than của Vinacomin đã kéo dài trong nhiều năm nay. Lãnh đạo Vinacomin nhiều lần lý giải: chủ yếu xuất các chủng loại than không thích hợp với sản xuất trong nước, cũng như nhằm giải quyết cân đối tài chính khi than bán trong nước vẫn đang thấp hơn giá thị trường. Nhưng với lộ trình giá than bán cho điện đang được nâng dần sát giá thị trường theo chủ trương của Chính phủ, việc vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu kiểu năm sau cao hơn năm trước là không hợp lý. Đặc biệt, theo cảnh báo của các chuyên gia, nguồn nhập khẩu hiện nay trông cậy chủ yếu vào thị trường Úc và Indonesia, nhưng việc nhập khẩu từ các thị trường này không hề dễ khi VN sẽ phải cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, Nhật Bản. Còn nếu nhập khẩu than từ các thị trường xa như Nga thì chi phí vận chuyển lại rất lớn.
Không chạy theo thành tích trong sản xuất bauxite
Cũng tại hội nghị sáng nay, theo ông Phan Bội Lợi, Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQL) bauxite Lâm Đồng, trong tháng 2 sẽ tiến hành sát hạch các chỉ tiêu về an toàn, vận hành với Nhà máy alumin Tân Rai dự kiến tháng 3.2013 nhà máy sẽ đi vào hoạt động chính thức. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất còn tồn tại là lắng bùn ở bể cô đặc và hồ số 5. Hiện nhà thầu đang tăng cường mục tiêu tiêu hao của chất trợ lắng và xử lý rắc thêm vôi ở các bể để đảm bảo lắng trong. Ông Lợi cho biết vẫn phải tập trung nghiên cứu để đảm bảo chất trợ lắng phù hợp, hoàn chỉnh các chỉ tiêu nước thải ra môi trường. Về hồ bùn đỏ, khoang số 1 và số 2 đã đủ điều kiện kỹ thuật để chứa bùn, nhưng giai đoạn này mới chạy 40 -50% công suất nên lọc bùn còn thấp.
Trong phần khuyến nghị với tập đoàn, ông Lợi đề xuất cần tăng cường giám sát về môi trường, vì đây là công trình có nhiều nguy cơ tiềm ẩn do áp lực cao, nhiều khả năng rò rỉ hóa chất, lắng đọng lớn. Bản thân BQL cũng đã thành lập tổ giám sát 24/24 để kịp thời khắc phục xử lý các sự cố. Trong khi đó, ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch HĐQT Vinacomin chỉ đạo, cần đẩy nhanh tiến độ để đưa nhà máy vào khánh thành vào ngày 26.3, cũng là thời điểm trùng với nhiều ngày lễ lớn.
Theo Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, dự án alumin Tân Rai chậm do mất thời gian điều chỉnh kỹ thuật, an toàn môi trường, hồ bùn đỏ. “Anh Hòa muốn khánh thành vào thời điểm kỷ niệm giải phóng Tây nguyên”, nhưng cứ từ từ làm, phải yên tâm về hiệu quả và công nghệ. Không thể vội chỉ vì hiệu quả kinh tế hay khánh thành chỉ để đạt một mốc kỷ niệm nào đó”, Phó thủ tướng nhắc nhở.
Theo TNO
Bô xít Tân Rai có thể ra lò sản phẩm vào năm sau
Sau 4 lần lùi thời gian xuất xưởng, Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết sẽ cho ra lò sản phẩm đầu tiên vào tháng 1/2013 thay vì cuối năm nay như dự kiến.
Một nguồn tin từ tập đoàn Công nghiệp Than Khoang sản Việt Nam (Vinacomin) cho hay hiện nhà máy alumin Tân Rai (Lâm Đồng) vẫn chưa chạy chính thức. Kế hoạch của Tập đoàn là cuối năm nay ra lò sản phẩm đầu tiên song có khả năng phải lùi sang đầu năm sau mới xuất xưởng. "Do việc vận hành nhà máy alumin Tân Rai rất phức tạp nên nhà máy vẫn đang trong quá trình hiệu chỉnh lại các thông số để đồng bộ tất cả các khâu", nguồn tin này cho hay.
Vinacomin đã 4 lần lỗi hẹn xuất xưởng sản phẩm alumina. Quý II/2011, Dự án Tổ hợp Bô xít nhôm Tân Rai hứa sẽ ra lò sản phẩm alumina đầu tiên. Tuy nhiên, do một số nhà thầu phụ có tốc độ thi công chậm nên kế hoạch phải lùi sang đầu quý III/2011. Sau đó, Vinacomin lại hoãn kế hoạch xuất xưởng sang đầu quý II năm nay và hiện kế hoạch này lại lùi sang đầu năm sau.
Trước đó, Vinacomin cho biết chưa chính thức ký hợp đồng với các đối tác song có nhiều đơn vị muốn đàm phán. Đơn cử như hai công ty Chalco (Trung Quốc) và Marubeni (Nhật Bản) đã bắt đầu đàm phán với tập đoàn từ năm ngoái để mua alumina sản xuất từ dự án bô xít Tân Rai.
Vinacomin đang triển khai 2 Tổ hợp bô xít nhôm Tân Rai và Nhân Cơ. Sản lượng alumina tại nhà máy Tân Rai trước mắt sẽ đạt 300.000 tấn và tăng lên 520.000 tấn trong những năm tiếp theo. Dự án Nhân Cơ, tỉnh Đăk Nông sẽ bắt đầu đi vào sản xuất vào năm 2014 với sản lượng 300.000 tấn và có thể lên tới 650.000 tấn vào năm 2016.
Vinacomin cũng cho biết, khoản nợ quá hạn của EVN đối với Vinacomin lên đến gần 2.000 tỷ đồng, vừa qua EVN đã trả được khoảng 1.500 tỷ đồng, còn lại khoảng 500 tỷ đồng. Từ 15/9 đến hết năm 2012, EVN có kế hoạch mua than của Vinacomin để sản xuất điện với giá trị khoảng 600 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay EVN đã giảm lượng mua than, không mua theo kế hoạch, dự kiến giảm xuống chỉ còn 550 tỷ đồng. Trong 2 tháng cuối năm, EVN chỉ mua than chạy điện với giá trị khoảng 300 tỷ đồng.
Phía PetroVietnam cho biết, EVN vừa trả cho tập đoàn khoảng 1.000 tỷ đồng tiền nợ cũ từ trước năm 2010. Số nợ còn lại khoảng 13.000 tỷ đồng, EVN cam kết đến hết năm 2013 sẽ trả dứt điểm khoản nợ trên.
Theo VNE
Dự án bauxite Lâm Đồng: Chậm gần 2 năm Đến nay, Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) vẫn chưa có sản phẩm alumin, chậm gần 2 năm so với kế hoạch. Được khởi công từ năm 2008, công suất thiết kế 650.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 11.353 tỉ đồng, dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng (gọi tắt là bauxite Lâm...