Anthony Hopkins – từ tên sát nhân máu lạnh tới người cha già mất trí
Ngôi sao người xứ Wales chối bỏ mọi kỹ thuật diễn xuất khi hóa thân thành người cha già mất trí trong “ The Father” (2020), bởi không kỹ năng nào có thể thay thế được cảm xúc.
Ở tuổi 83, hiếm diễn viên nào còn giữ được lửa với nghề. Song, Anthony Hopkins không chỉ làm việc hăng say, mà còn liên tục khẳng định vị thế của một tượng đài.
Vai diễn người cha trong The Father đã nằm rất lâu trong đầu của đạo diễn kiêm tiểu thuyết gia người Pháp Florian Zeller, mãi cho đến khi thành hình qua màn hóa thân tuyệt hảo của Anthony Hopkins.
Thành công từ vai diễn mới đây mang lại cho nam diễn viên tượng vàng Oscar thứ hai trong sự nghiệp, giúp ông trở thành người lớn tuổi nhất từng giành giải Oscar ở hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc .
Đúng người, đúng thời điểm
Một chiều mùa hè năm 1989, Anthony Hopkins đã không kìm nổi cảm xúc khi cầm trên tay kịch bản Silence of the Lambs ( Sự im lặng của bầy cừu ) – bộ phim giật gân mang màu sắc kinh dị được chuyển thể dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của Thomas Harris phát hành năm 1988.
Dù mới chỉ đọc xong 10 trang bản thảo, ông đã phải nhấc máy gọi điện cho quản lý để giành lấy vị trí trong dự án. “Đây là vai diễn tuyệt vời nhất tôi từng đọc”, ông nói qua điện thoại.
Những gì xảy ra sau đó đã trở thành lịch sử. Hannibal Lecter qua màn hóa thân của Anthony Hopkins khiến cả thế giới phải sửng sốt. Tại sự kiện Oscar 1992, bộ phim nhận 7 đề cử và giành 5 giải thưởng quan trọng, bao gồm Phim truyện xuất sắc . Hannibal nhanh chóng trở thành một trong những ác nhân vĩ đại nhất lịch sử điện ảnh, còn Hopkins mang về tượng vàng Oscar đầu tiên sự nghiệp ở tuổi 54.
30 năm sau, một cảm giác tương tự xảy đến với ngôi sao người xứ Wales.
Anthony Hopkins và đạo diễn Florian Zeller trên trường quay The Father .
Dù chưa đọc hết kịch bản, ông đã gật đầu đồng ý đảm nhận vai chính của The Father . Đây là dự án điện ảnh đầu tay của Florian Zeller, được chuyển thể từ vở kịch tiếng Pháp cùng tên do anh làm đạo diễn ( Le Père) , từng thắng nhiều giải thưởng lớn nhỏ kể từ khi ra mắt năm 2012.
Cùng biên kịch Christopher Hampton ( Dangerous Liaisons ), Florian Zeller đã viết lại câu chuyện với hình dung về Anthony Hopkins trong đầu. Quá mến mộ ngôi sao nhưng không biết phải làm gì để mời được ông, Zeller đánh liều gửi kịch bản cho Hopkins thông qua người quản lý.
Để thuyết phục nam diễn viên, anh đổi tên nhân vật thành Anthony. Thậm chí, Zeller tuyên bố sẽ thực hiện phim bằng tiếng Pháp nếu Anthony Hopkins không phải là vai chính trong bản tiếng Anh.
Đáp lại mong muốn của đạo diễn, Anthony Hopkins chỉ đưa ra một yêu cầu nho nhỏ. Ngôi sao hỏi rằng liệu anh có thể chờ đợi thêm một thời gian, bởi ông đang tập trung thời gian và sức lực cho vai diễn trong The Two Popes (2019).
Tất nhiên, không có lý do gì khiến Zeller phải chối từ.
Hình ảnh người cha già mất trí
Hannibal Lecter bước vào tâm trí khán giả bằng hình ảnh gã sát nhân ăn thịt người máu lạnh. Trong The Father , Anthony Hopkins để người xem bước vào tâm trí ông.
Nam diễn viên xuất hiện với hình ảnh rất đỗi bình dị: mái đầu bạc phếch, làn da nhăn nheo, gương mặt in hằn những vết đồi mồi. Tóc trên đầu ông đã rụng gần hết, chỉ chừa lại những khoảng trống thưa thớt. Giờ đây, nam diễn viên là Anthony – một cụ già 80 tuổi sống cô độc trong căn hộ rộng lớn ở London (Anh), không người chăm sóc. Thứ duy nhất bầu bạn với ông là căn bệnh mất trí ngày một trầm trọng theo thời gian.
The Father xoay quanh Anthony – người cha già mắc chứng mất trí, nhưng từ chối sự giúp đỡ của con gái.
Bộ phim bắt đầu khi Anne (Olivia Colman) đến thăm cha như mọi ngày. Cô lục tìm từng căn phòng, cho đến khi phát hiện ông cụ đang ngồi nghe nhạc trong thư phòng. Anne lập tức hỏi cha điều gì đã xảy ra, nhưng chính ông cũng không rõ điều gì đã xảy ra.
Hai bên bắt đầu tranh cãi về chuyện Anthony sa thải cô giúp việc. Người cha già nhẹ nhàng lấy tay vuốt má con gái như thể trước mặt ông chỉ là một đứa bé. Ông đổ tội cho cô giúp việc đã lấy cắp chiếc đồng hồ yêu thích, mà quên mất rằng chính mình đã giấu nó trong nhà tắm.
Hệt như Hannibal, não bộ của Anthony cũng phức tạp và khó đoán. Nó như bị phân ra làm hai: một nửa khiến ông hoang mang, hoài nghi về thực tại; nửa còn lại liên tục phủ định số phận đau buồn. Ông không chấp nhận việc mình bị mất trí nhớ.
“Cha không cần ai cả”, “Cha có thể tự mình xoay xở mọi thứ”, Anthony liên tục nhấn mạnh với con gái. Song, ngay khi Anne vừa rời đi và để lại người cha già trong đơn độc, chứng mất trí quay về ám ảnh Anthony.
Ông đột nhiên không biết mình đang làm gì, ở đâu. Căn phòng bỗng trở nên xa lạ với cách bài trí khác. Một người đàn ông bí ẩn xuất hiện mà ông không thể nào nhớ nổi là ai. Rồi Anne quay trở lại với một gương mặt, hình dáng mới. Trước mặt con gái, người cha cũng không chắc đây có phải là căn hộ của mình hay không.
Tồi tệ hơn, những ký ức đau buồn đột ngột xuất hiện trong đầu Anthony như một cơn ác mộng. Thi thoảng, ông thấy mình đi lang thang trong bệnh viện giữa đêm, bàng hoàng gặp lại cô con gái Lucy đã mất. Song, với người cha, cô cũng chỉ là một hình ảnh xa lạ của quá khứ.
Diễn xuất đỉnh cao là không diễn
Trước khi trở thành Anthony trong The Father , Anthony Hopkins từng đảm nhận hàng loạt vai diễn “người cha” đáng kính. Ông từng hai lần hóa thân thành Vua Lear trên sân khấu lẫn truyền hình, chưa kể lần vào vai một diễn viên chuyên đóng Lear ở The Dresser (2015), bên cạnh Ian McKellen.
Đứng trước một vai diễn được đo ni đóng giày dành riêng cho mình, ngôi sao không tốn quá nhiều sức lực. Ngôi sao hài hước kể lại kỷ niệm khi được mời đóng vai Odin – cha đẻ của Thor trong loạt bom tấn nhà Marvel Studios: người ta nhét ông vào một bộ áo giáp, hất cho ông một bộ râu, rồi đặt ông trên một ngai vàng. Việc duy nhất người diễn viên cần làm là ngồi trước phông xanh, la hét đó đây một chút.
Anthony Hopkins diễn mà như không diễn trong The Father.
Đổi lại, Anthony Hopkins viết lên kịch bản của loạt Thor dòng chữ “N.A.R” – vốn là viết tắt của “No Acting Required” (Không cần diễn xuất). Đây là cụm từ mà diễn viên Gregory Peck từng sử dụng khi đóng Moby Dick (1956).
Ngôi sao có nhận xét tương tự với vai diễn trong The Father. Trả lời tờ New Yorker , ông chia sẻ: “Nếu bạn tuân theo một kịch bản xuất sắc, ngôn ngữ chính là bản đồ chỉ đường, nên bạn không cần diễn”.
Dành cả cuộc đời theo đuổi kỹ thuật diễn xuất nhập vai (method acting), nhưng Anthony Hopkins lại chối bỏ nó ở đoạn cuối sự nghiệp. “Tôi không cần phải tỏ ra già nua. Tôi già rồi. Thực ra, tôi chỉ đang chơi với chính mình. Thế mới là diễn xuất”, ông tâm sự trên tờ Screen Daily .
Theo diễn biến của The Father , từng mảng ký ức trong Anthony bắt đầu tách rời, xáo trộn và hỗn độn như một khối rubik bị vỡ tung.
Ông quên gương mặt của con gái. Ông nhầm lẫn về sự tồn tại của con rể. Ông đau đớn nghĩ về cô con gái đã mất. Ông nức nở đòi gặp mẹ. Ông thẫn thờ bước dọc theo hành lang tối om. Ông nhọc nhằn tìm cách khoác chiếc áo len vào người. Ông khổ sở khi nhìn mọi vật xung quanh đổi khác. Ông bật khóc rồi gục đầu vào người cô y tá, hệt như một đứa trẻ.
Anthony rốt cuộc trở thành một tù nhân mắc kẹt trong trại giam của tâm trí. Ánh mắt ông xa xăm nhìn về thế giới tách biệt bên ngoài. Đôi mắt ông mờ đục phân vân về sự tồn tại của bản thân. Gương mặt ông không giấu nổi sự mệt mỏi, đờ đẫn. Tất cả khiến cho bất kỳ ai cũng phải xót xa.
Trên màn ảnh, Anthony Hopkins không cần dụng công diễn xuất, nhưng tự ông đã tạo ra một trận đồ của cảm xúc. Tài tử dẫn dắt người xem đi từ căn phòng này sang căn phòng khác của mê cung ký ức. Ông lèo lái câu chuyện như thể mình là tác giả của kịch bản.
Hopkins không diễn, mà chỉ là chính ông.
Những hồi ức về người cha già
Khác với người cha trong phim, Anthony Hopkins chỉ có duy nhất một người con gái. Hiện tại, con gái của Hopkins đã bước sang tuổi 52. Đáng tiếc thay, mâu thuẫn khiến cả hai không gặp mặt hay trò chuyện cùng nhau trong suốt hai thập kỷ qua.
Vai diễn trong The Father không giúp Anthony Hopkins hàn gắn với con gái, nhưng trao cho ông cơ hội để hình dung về người cha quá cố.
Hopkins nhớ đến cha ông khi tham gia bộ phim. Còn mối quan hệ với con gái ở ngoài đời thực của ông vốn vẫn rạn nứt bấy lâu.
Theo Anthony Hopkins, cha ông là một người thợ làm bánh già, qua đời năm 1981 vì bệnh tim. Người cha mất khi chưa kịp chứng kiến con trai leo lên đỉnh cao sự nghiệp, cùng kế hoạch du lịch đến nước Mỹ vẫn còn dang dở.
Khi ấy, Anthony Hopkins chỉ mới bước sang tuổi 40, trẻ bằng một nửa hiện tại. Giờ đây, khi đang ở quãng cuối của cuộc đời, ông ngồi xem lại chính mình trong The Father và không thôi liên tưởng về cha.
Ở cảnh quay cuối cùng, Anthony Hopkins khiến người xem rưng rưng xúc động khi biến thành đứa trẻ khóc đòi gặp mẹ. Chính ông cũng khóc nức nở ngay tại trường quay khi nhớ về cha mình.
Như mọi người sống trên thế gian, ngôi sao nhận thức rõ rằng mình đang già đi. Song, ông không chắc chắn về sự tồn tại của ký ức. Nó có thể biến mất bất cứ lúc nào, giống như những gì Anthony trong phim trải nghiệm.
Cuộc đời cũng mong manh như vậy. Trong bài phỏng vấn với New York Times , Anthony Hopkins khẽ nhắc lại người đồng nghiệp quá cố Sean Connery như một minh chứng. Ở tuổi 83, nam diễn viên chỉ có ước muốn duy nhất là được tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật. “Tiếp tục thêm 20 năm nữa”, ông nói.
Khi cả thế giới đảo điên vì đại dịch Covid-19, ngôi sao cũng không thể đóng phim. Ông dành phần lớn thời gian để chơi piano, đọc sách và vẽ tranh. Đến khi thế giới bất ngờ hay tin Anthony Hopkins giành tượng vàng Oscar thứ hai trong sự nghiệp, ông vẫn còn đang say giấc nồng.
Khoảnh khắc khi tên của ngôi sao được xướng lên tại lễ trao giải Oscar lần thứ 93 là một giây phút quan trọng, dù gây tranh cãi bởi số đông khi ấy đã nghĩ tới Chadwick Boseman. Bởi nó nhắc nhở tất cả rằng Anthony Hopkins là một huyền thoại sống.
'The Father' - ai cũng sợ chết
Bi kịch của người cha trong bộ phim "The Father" dễ dàng chạm đến trái tim khán giả, bởi đó là số phận chung dành cho nhân loại: ai rồi cũng phải đối mặt với cái chết.
Trailer The Father
Thể loại : Chính kịch, tâm lý
Đạo diễn : Florian Zeller
Diễn viên : Anthony Hopkins, Olivia Colman, Olivia Williams
Đánh giá : 8/10
Là tác phẩm điện ảnh đầu tay của tiểu thuyết gia kiêm biên kịch sân khấu người Pháp Florian Zeller, The Father mang đến cái nhìn hoàn toàn mới mẻ về hội chứng mất trí (dementia).
Chuyện phim kể về một ông lão 80 tuổi phải vật lộn với căn bệnh mất trí ở thời khắc gần đất xa trời. Người thân duy nhất của ông là con gái, nhưng cô cũng không thể nào chia sẻ cùng cha. Trái lại, khoảng cách giữa hai người càng trở nên xa cách khi hình ảnh cô nhòa dần trong tâm trí ông.
Tại Oscar 2021, The Father nhận được 6 đề cử, trong đó có Phim truyện xuất sắc . Đặc biệt, Anthony Hopkins hiện là ứng cử viên nặng ký cho hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc . Diễn xuất của ông khiến người xem đi từ run rẩy đến sững sờ, rồi bùi ngùi xúc động khi cảnh quay cuối cùng khép lại.
Ký ức là một chiếc cốc vỡ
Trong The Father , có một cảnh buồn bã đáng nhớ.
Đó là khi Anne (Olivia Colman) đánh rơi chiếc cốc trong nhà bếp. Nó nhẹ nhàng rơi xuống, rồi vỡ toang trên sàn nhà.
Anne quỳ gối nhặt từng mảnh vỡ đặt vào lòng bàn tay, máy quay sau đó hướng lên gương mặt người phụ nữ. Cô bất chợt òa khóc một mình giữa màn đêm, rồi nghẹn ngào kìm nước mắt và cố gắng đứng dậy.
Trong phim, ký ức của cha cô - Anthony (Anthony Hopkins) - cũng như những mảnh thủy tinh đã vỡ, không thể nào hàn gắn trở lại.
The Father là câu chuyện về hai cha con Anthony - Anne.
Ở độ tuổi 80, Anthony hiện sống một mình trong căn hộ sang trọng, rộng lớn ở London (Anh). Ông có sở thích tự nhốt mình trong thư phòng để thưởng thức nhạc opera bằng tai nghe.
Như mọi hôm, Anne thường sẽ ghé thăm cha và mua cho ông những vật dụng cần thiết. Hôm nay thì khác, cô đến để thông báo rằng mình đã yêu một người và sẽ cùng anh đến Paris (Pháp).
Để chuẩn bị cho kế hoạch, Anne bèn tìm người chăm sóc cha, nhưng liên tục bị ông đuổi việc. Anthony dùng những lời lẽ thậm tệ để kết tội người làm thuê lấy cắp chiếc đồng hồ đeo tay yêu thích - thứ mà ông luôn cất trong phòng tắm cùng những vật dụng quý giá khác.
"Mọi thứ vẫn ổn", Anthony nói với con gái. Song, thực ra mọi chuyện không hề ổn.
Ông không chỉ lãng quên bí mật về chiếc đồng hồ. Ký ức của Anthony dần mờ đi như màn sương trên cửa kính. Ông quên mặt Anne, quên chồng cô, quên mất mình đang ở đâu. Thậm chí, ở thời khắc đỉnh điểm, Anthony còn liên tục gặp ác mộng. Ông thức dậy và quên cả việc thay đồ ngủ khi bước sang phòng khách để ăn sáng.
Người cha già bắt đầu hoài nghi về mục đích của con gái. "Con đang ruồng bỏ cha", ông buồn bã nhận xét.
Từ sân khấu kịch lên màn ảnh rộng
Kịch bản của The Father được chuyển thể từ vở kịch Le Père nổi tiếng của Florian Zeller. Từ khi công diễn năm 2012, vở kịch đã nhận được nhiều giải thưởng, và từng được đạo diễn Pháp Philippe Le Guay dùng làm chất liệu cho bộ phim Floride (2015).
Lần này, đích thân Zeller đưa bản gốc tiếng Pháp sang tiếng Anh cùng biên kịch người Anh Christopher Hampton - người từng nhào nặn kịch bản cho Dangerous Liaisons (1988) và Atonement (2007).
Bộ phim được thực hiện dựa trên vở kịch Le Père , với số lượng nhân vật tối thiểu.
Giống vở kịch gốc, phiên bản điện ảnh của Le Père gây ngạc nhiên bởi sự đơn giản đến bất ngờ. Thời lượng 90 phút gói gọn trong bối cảnh căn hộ của Anthony với ít sự kiện, nhiều lời thoại. Khi phim kết thúc, dòng danh đề (credits) cuộn lên với số diễn viên đếm trên đầu ngón tay. Một vài nhân vật không có tên, mà chỉ được gọi là "người đàn ông", "người phụ nữ, "cậu nhóc".
Được xây dựng như một tác phẩm chính kịch (drama), nhưng The Father mang bầu không khí của thể loại giật gân (thriller). Bộ phim khơi gợi một nỗi sợ chung của toàn nhân loại: sợ chết.
Hội chứng mất trí và căn bệnh Alzheimer là chủ đề quen thuộc trong điện ảnh. Song, chưa có tác phẩm nào thuộc đề tài này vừa run rẩy vì hồi hộp, vừa buồn bã đến nhói lòng như bộ phim của Florian Zeller.
Kể lại toàn bộ câu chuyện dưới góc nhìn của Anthony, Florian Zeller mong muốn người xem cảm nhận nỗi sợ hãi mà ông đang phải đối mặt. Đạo diễn và đội ngũ thiết kế sản xuất đã liên tục thay đổi những chi tiết trong bối cảnh, nhằm tái hiện tâm trí hỗn loạn của Anthony.
Kiến trúc căn hộ không đổi, nhưng vật dụng trong nhà liên tục khác trước. Tường đổi màu sơn, rèm cửa đổi chất liệu, bức tranh treo trên tường biến mất, còn những chiếc ghế bị di dời vị trí.
Ngay cả nhân vật Anne hay chồng cô là Paul cũng do hai diễn viên cùng lúc đảm nhận. Khán giả hoang mang như chính Anthony khi thấy cô con gái trở thành một người hoàn toàn khác. Từ một phụ nữ đầy đặn (Olivia Colman), Anne biến thành người đàn bà gầy gò với gương mặt xa lạ (Olivia Williams).
Sững sờ trước diễn xuất của Anthony Hopkins
Dường như không ai thấu hiểu cảm giác thực sự của ông lão Anthony, ngoại trừ người hóa thân thành Anthony.
Phải nói rằng độ hay của The Father sẽ giảm đi một nửa nếu thiếu vắng diễn xuất của Anthony Hopkins. Ông là lựa chọn duy nhất trong đầu Florian Zeller. Để mời diễn viên gạo cội đóng vai chính, vị đạo diễn đã phải đổi tên nhân vật trong tác phẩm gốc thành tên ngôi sao. Thậm chí, Zeller còn tuyên bố nếu Hopkins không gật đầu, anh sẽ thực hiện dự án bằng tiếng Pháp.
Với The Father , Anthony Hopkins trở thành người lớn tuổi nhất từng nhận đề cử Nam diễn viên chính xuất sắc tại Oscar.
Với mái đầu bạc phếch và gương mặt in hằn nếp gấp thời gian, nam diễn viên xứ Wales lay động trái tim người xem bằng những cử chỉ rất nhỏ: từng cái thở dài không thành tiếng, đôi môi mím chặt không bật thành lời, ánh mắt đi từ mệt mỏi cho đến nghi ngại tất cả mọi thứ, kể cả bản thân.
Người ta thường nói người già giống như trẻ con. Anthony quả là một cậu bé bên trong lớp da nhăn nheo. Xuyên suốt bộ phim, ông nhặt nhạnh những ký ức đã mất một cách đau đớn.
Anthony đi vòng quanh căn hộ, gọi tên con gái như đứa trẻ lạc mẹ. Ông liên tục hỏi về em gái của Anne mà quên rằng cô đã chết. Ông lục tìm chiếc đồng hồ đeo tay như lo sợ thời gian còn lại ở cõi tạm cũng sắp tận.
Căn hộ - "bảo tàng ngây thơ" mà Anthony dùng để lưu trữ kỷ niệm đã qua - trở thành mê cung khiến ông lạc lối. Đến cuối phim, nhân vật rốt cuộc chỉ là tù nhân không thể thoát khỏi trại giam của trí nhớ.
Đời nhẹ như chiếc lá rơi
Tâm trí chơi đùa với Anthony, nhưng nhịp đập trái tim ông thì bất biến. Hình ảnh của Anne và em gái cứ đến rồi đi trong ký ức của Anthony, nhưng tình cảm ông dành cho hai người con vẫn luôn tồn tại trong một ngăn kéo nào đó của não bộ.
Có một cảnh quay liên tục được tái hiện xuyên suốt bộ phim. Đó là người cha già lặng lẽ đứng bên khung cửa sổ, ngó ra bên ngoài để dõi theo bóng hình con gái khi cô rời khỏi căn hộ. Anne chỉ xuất hiện ở lần đầu tiên và không bao giờ trở lại. Cô giống như vệt ký ức nhỏ nhoi kẹt lại trong đầu cha, khiến ông lặp đi lặp lại hành động một cách vô thức.
Giống như ông lão Anthony, con người ai cũng đến lúc phải đối diện với cái chết mà không thể trốn tránh.
Đến cuối phim, Anthony không còn giữ lại nhiều ký ức. Ngay cả thú vui nghe nhạc trong thư phòng sang trọng cũng không còn. Ông co rúp người trong chiếc áo thun màu trắng, rồi òa khóc đòi gặp mẹ. Đó là hành động đầu tiên mà con người thực hiện khi ra đời, chẳng cần bất cứ ý niệm nào về ký ức.
Bi kịch của Anthony là bi kịch mà bất kỳ ai cũng sẽ phải trải qua vào những phút cuối đời. Càng đi sâu vào hành trình của ông lão, người xem càng thấm thía nỗi sợ hãi lớn nhất trong cuộc đời con người. Cái chết là điều không ai có thể tránh khỏi, chỉ là sớm hay muộn.
Giống như truyện ngắn nổi tiếng của O. Henry được nhắc đến trong phim, thứ duy nhất Anthony còn lại trên đời quả thực chỉ là những "chiếc lá cuối cùng".
Bí mật hậu trường tác phẩm kinh điển 'Sự im lặng của bầy cừu' 30 năm trước, "The Silence of the Lambs" khiến khán giả trên toàn thế giới ớn lạnh vì mức độ kinh dị, giật gân. Đằng sau tác phẩm kinh điển, vẫn còn nhiều điều ít người biết tới. Với The Silence of the Lambs , đạo diễn Jonathan Demme có lần chia sẻ trên Variety rằng bộ phim bị gắn nhãn R (hạn...