‘Antebellum’ – câu chuyện kinh dị về chế độ nô lệ
Bộ phim “ Bẫy thực tại kinh hoàng” thuộc dòng lên án nạn phân biệt chủng tộc và có sự góp mặt của nữ diễn viên tài năng Janelle Monáe.
*Lưu ý: Bài viết tiết lộ trước một phần nội dung bộ phim
Veronica Henly (Janelle Monáe) là một tiến sĩ, diễn giả da màu thành đạt và rất tích cực đấu tranh cho phong trào nữ quyền. Cuộc sống của cô dường như có tất cả: gia đình, sự nghiệp, và nhất là tiếng nói có trọng lượng giữa cộng đồng da trắng.
Một ngày nọ, Veronica bỗng nhiên bị đưa tới một điền trang thu hoạch bông được trang trí hệt như thời Nội chiến Mỹ. Những người da trắng tại đây áp đặt chế độ nô lệ hà khắc lên người da đen. Từ cuộc đời tự do, Veronica bỗng nhiên rơi vào thực tại kinh hoàng mà tổ tiên của mình từng phải trải qua hàng trăm năm trước.
Nặng nề từ những khung hình đầu tiên
Thuộc làn sóng phim kinh dị khai thác đề tài phân biệt chủng tộc giống như Get Out (2017) hay Lovecraft Country (2020), Antebellum có lối tiếp cận tương đối khác biệt. Thay vì từ từ triển khai tâm lý hay sự thù ghét đối nghịch giữa hai sắc tộc, bộ phim chọn cách thể hiện sự tàn bạo về mặt thể xác và tinh thần mà người da màu phải hứng chịu từ sớm.
Ngay đầu tác phẩm, Antebellum mang đến phân đoạn ấn tượng về mặt thị giác với ngọai cảnh đẹp đẽ là một cánh đồng giữa lúc chiều tà. Song, bên dưới ánh nắng vàng dịu êm ấy là một người đàn ông da màu bị xích cổ bằng thiết bị tra tấn từ thời trung cổ.
Anh phải chứng kiến vợ mình bị một tên da trắng dùng ngựa truy đuổi trong tuyệt vọng. Số phận người phụ nữ kết thúc bằng dây thòng lọng và phát súng khô khốc đi kèm ngay sau là tiếng thét xé lòng của người chồng.
Cảnh mở đầu ấn tượng báo hiệu sự tàn khốc của nội dung tác phẩm.
Liên tiếp sau đó là những phân đoạn miêu tả sự man rợ của đám người da trắng đang cai quản đồn điền thu hoạch. Chúng dùng từ ngữ miệt thị để giao tiếp với người da đen, không cho họ cất lên tiếng nói. Người da đen bị bắt vào đây buộc phải quên đi tên thật, trở thành cái máy bào sức lao động hay công cụ để thỏa mãn.
Gần như chỉ có một giai điệu chính được sử dụng làm nhạc nền, cứ thế lặp đi lặp lại trên bầu không khí u ám, nặng nề của Antebellum. Tiếng vĩ cầm giống như lời than oán của người da đen trong tác phẩm và khiến người xem cảm thấy xót xa cho số phận của họ.
Tinh thần mạnh mẽ của người da màu
Kịch bản Antebellum thông minh trong việc lấy bối cảnh một đồn điền thời Nội chiến Mỹ, nhưng mọi chuyện thực tế diễn ra ở thời hiện đại. Đây vừa là tình tiết tạo nút thắt, vừa đóng vai trò ẩn dụ cho chuyện nạn phân biệt chủng tộc vẫn tồn tại giữa thế kỷ XXI. Chính nhờ việc đặt nhân vật vào tình thế bế tắc giúp cho diễn biến tâm lý ở nửa sau bộ phim trở nên thuyết phục.
Nỗi đau và sự uất hận được chuyển hóa thành hành động phản kháng mãnh liệt ở trường đoạn cuối cùng.
Đó là cảm giác uất hận được nung nấu theo thời gian và trở thành ngọn lửa bùng lên, giúp Veronica quyết định đào tẩu. Trường đoạn hành động nghẹt thở và đẫm máu, đồng thời khiến khán giả thỏa mãn trước số phận của đám da trắng độc ác trong phim.
Điều đáng tiếc của Antebellum là chất kinh dị chỉ tồn tại ở nửa đầu tác phẩm khi nói về sự tàn ác của nhóm nhân vật da trắng. Đến nửa sau, yếu tố bạo lực lấn át và cốt truyện trở nên dễ đoán hơn, không còn gây được sự tò mò.
Ở giữa phim, có một cảnh quay ngược lại về nguyên nhân Veronica bị đưa đến đồn điền. Đoạn phim có phần hài hước, gây tiếng cười giúp khán giả giãn ra đôi chút. Nhưng nó đồng thời khiến mạch cảm xúc căng thẳng, dồn dập ban đầu bị đứt quãng, rất khó để lấy lại.
Điểm cộng từ diễn xuất
Sắm vai Veronica, Janelle Monáe có màn trình diễn thành công ở Antebellum. Đôi lúc, chỉ cần bằng ánh mắt, Monáe đã có thể bộc lộ rõ rệt sự tủi nhục, căm hờn. Trường đoạn Veronica trốn thoát còn cho thấy sự gan dạ, tháo vát và phẫn nộ của cô được đẩy lên cực điểm. Đây là lúc khán giả phải nín thở và đồng cảm với tâm lý, hành động của nhân vật.
Janelle Monáe thể hiện tốt biểu cảm của nhân vật Veronica, từ nỗi sợ, cam chịu, cho đến cả các cảnh hành động mãnh liệt.
Nhưng Antebellum không chỉ chăm chút cho mỗi Veronica mà còn mang đến nhiều nhân vật phụ đáng nhớ khác. Như cô gái Julia (Kiersey Clemons) khi mới bị bắt vào điền trang có sự chống đối quyết liệt với Veronica vì cho rằng cô quá nhu nhược khi không phản kháng và chỉ giỏi thuyết giảng. Nhưng sau cùng, Julia tự chọn cái chết do cô không đủ sức mạnh tinh thần để chịu đựng địa ngục trần gian.
Hay nhân vật Eli (Tongayi Chirisa), người đã chứng kiến vợ mình bị giết lúc đầu phim, có những khoảnh khắc bày tỏ nỗi đau nhớ vợ khiến khán giả thực sự thấy cảm động.
Nhân vật Đại úy Jasper mang lại nhiều sự phẫn nộ cho khán giả.
Các nhân vật phản diện da trắng trong Antebellum cũng đóng góp phần không nhỏ vào thành công của tác phẩm. Những tên có chức tước cao như Đại úy Jasper (Jack Huston) hay kể cả một tên hạ sĩ cấp thấp đều chia sẻ chung tư tưởng độc hại về việc duy trì chế độ nô lệ. Khoảnh khắc các nhân vật này xuất hiện luôn mang đến bầu không khí nặng nề, ngột ngạt và căm phẫn cho nhóm nhân vật da màu cũng như chính khán giả.
Antebellum có thể không xuất sắc về tính liên kết như Get Out, nhưng đây vẫn là một bộ phim kinh dị mới lạ nhờ ý tưởng thông minh. Phim mang đến cho người xem trải nghiệm kinh hoàng về chế độ nô lệ. Số phận của Veronica như lời nhắc nhở rằng quá khứ đẫm máu vẫn còn lẩn khuất đâu đây giữa thế kỷ XXI vốn được cho là thời đại của sự bình đẳng, hòa nhập sắc tộc.
4 lý do không thể siêu phẩm kinh dị 'Antebellum: Bẫy Thực Tại Kinh Hoàng'
Không đi theo lối mòn máu me, hù dọa mà đầu tư khai thác những mảng tối của xã hội trên nền một câu chuyện kinh dị, có sự tham gia của nhà sản xuất đã làm nên thành công của loạt tác phẩm ấn tượng Get Out, Us hay BlacKkKlansman, và còn nhiều lý do khác khiến người yêu phim không thể bỏ lỡ Antebellum: Bẫy Thực Tại Kinh Hoàng.
Trailer Antebellum
Bảo chứng từ nhà làm phim tạo nên thành công của loạt siêu phẩm đình đám
Năm 2007, nhà sản xuất, nhà làm phim Sean McKittrick đã cùng đạo diễn Richard Kelly cho ra đời siêu phẩm viễn tưởng, kinh dị giật gân đình đám Donnie Darko. Có thể không quen thuộc với nhiều khán giả Việt Nam nhưng phim nhận đánh giá 100% trên chuyên trang Rotten Tomatoes, 8/10 trên trang đánh giá IMDB và 88 điểm trên Metacritic.
Năm 2017, tác phẩm kinh dị Get Out (tựa Việt: Trốn Thoát) do Sean McKittrick kết hợp cùng Jason Blum, Edward H. Hamm Jr. và đạo diễn Jordan Peele cùng sản xuất đã tạo nên cơn sốt tại phòng vé và trên các mặt trận giải thưởng điện ảnh, đồng thời đánh dấu bước chuyển mình 'lịch sử' của dòng phim kinh dị giật gân với nhiều tầng nghĩa và tính châm biếm sâu sắc.
Đến năm 2018, Sean McKittrick lại tiếp tục 'mát tay' cùng đạo diễn Spike Lee mang tới bộ phim hài đen đề tài sắc tộc BlacKkKlansman vô cùng ấn tượng với sự tham gia của Adam Drivers và nam chính Tenet John David Washington, nhận 6 đề cử Oscar, bao gồm hạng mục quan trọng Phim xuất sắc nhất.
Năm 2019, nhà sản xuất Sean McKittrick một lần nữa hợp tác cùng Jordan Peele và cho ra đời siêu phẩm kinh dị Us (tựa Việt: Chúng Ta) ấn tượng và cũng gây tiếng vang không kém gì những tác phẩm trước đó. Trong lần tái xuất năm 2020 này, nhà sản xuất Sean McKittrick tiếp tục tham gia thực hiện bộ phim kinh dị giật gân Antebellum - tựa Việt: Antebellum: Bẫy Thực Tại Kinh Hoàng, đóng góp tiếng nói về những mảng màu sáng tối đang diễn ra ngay trong thực tại xã hội của chính mình.
Ý tưởng quen thuộc nhưng được khai thác mới lạ, hấp dẫn
Phim xoay quanh nữ nhà văn, diễn giả nổi tiếng và vô cùng thành công Veronica Henley. Veronica bị một thế lực bí ẩn kéo về miền Nam nước Mỹ trong kỷ nguyên Antebellum - thời kỳ tiền nội chiến kinh hoàng của quá khứ. Khi đó, miền Nam phát triển kinh tế đồn điền, phần lớn là trồng bông dựa trên sự bóc lột nô lệ da màu. Nhân vật buộc phải tìm mọi cách để sống sót, tranh đấu vì những thân phận đang bị dày vò giống mình và tìm cách trở về cuộc sống hiện tại.
'Xuyên không' không còn là đề tài mới lạ với những người yêu phim, nhưng điều làm nên đặc sắc của Antebellum nằm ở chỗ một nhân vật vốn phải vượt qua những định kiến sắc tộc ở thời đại của mình bị 'xuyên không' trở về quá khứ và sống với thân phận nô lệ. Để rồi một lần nữa cô phải tranh đấu với những thế lực còn tàn bạo, khủng khiếp hơn bất cứ những gì mình từng trải qua.
Cái kết bất ngờ
Xuyên suốt bộ phim, khán giả sẽ được theo dõi song song cuộc sống của nhân vật chính ở thế kỷ 21 và sau khi cô bị kéo về quá khứ. Cho dù ở cuộc sống hiện tại, những mảng tối của xã hội kia vẫn đang bủa vây lấy cô, lựa chọn để trừng phạt cô dưới thân phận một nô lệ dưới thời kỳ những năm 50 của quá khứ.
Đến tận kết thúc bất ngờ của bộ phim, khán giả mới thực sự thấu hiểu rằng sự tàn độc của chính con người ở cả quá khứ lẫn hiện tại mới là thứ ám ảnh nhất. Nó đen tối, chân thật, tàn nhẫn và là một 'thực tại kinh hoàng' đúng nghĩa.
Điểm nhấn âm nhạc từ người đã tạo nên giai điệu cho phim kinh dị 'Us'
Sẽ là một thiếu sót nếu như không nói đến âm nhạc xuất sắc của bộ phim. Xuyên suốt Antebellum, âm nhạc đóng vai trò quan trọng dẫn dắt diễn biến câu chuyện, mở đầu bộ phim đầy ấn tượng và kết thúc nó trong sự bất ngờ đan xen nghi hoặc. Phụ trách phần nhạc nền này là hai nghệ sĩ Nate 'Rocket' Wonder và Roman GianArthur từng tham gia làm nhạc cho Us, Moonlight và Rio 2.
Cả hai chia sẻ: 'Chúng tôi đã kết hợp cả violin, viola và cello để định hình giai điệu của bản nhạc chủ đạo, và rồi thực hiện thu âm với một dàn nhạc giao hưởng quả là một trải nghiệm khó quên'.
Antebellum: Bẫy Thực Tại Kinh Hoàng khởi chiếu tại Việt Nam từ 04/09/2020.
Người yêu điện ảnh không thể bỏ lỡ phim kinh dị "Bẫy thực tại kinh hoàng" Không đi theo lối mòn máu me, hù dọa mà đầu tư khai thác những mảng tối của xã hội trên nền một câu chuyện kinh dị, chắc hẳn những người mê phim điện ảnh không thể bỏ lỡ "Bẫy thực tại kinh hoàng". Phim xoay quanh nữ nhà văn, diễn giả nổi tiếng và vô cùng thành công Veronica Henley. Veronica bị...