Anh xem xét triển khai ‘hộ chiếu vaccine’
Ngày 17/3, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề doanh nghiệp, năng lượng và chiến lược công nghiệp Anh Kwarsi Kwarteng cho biết Anh đang xem xét ý tưởng “hộ chiếu vaccine”, cũng như thảo luận cách thức tốt nhất để triển khai một cách công bằng.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi lưu thông trên đường phố ở Kingston, Anh ngày 21/1/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trước đó, tập đoàn kinh doanh dịch vụ du thuyền P&O Cruises tuyên bố chỉ chấp nhận những hành khách đã tiêm phòng COVID-19 cho các chuyến du lịch quanh nước Anh trong mùa Hè này. Trả lời phỏng vấn, Quốc vụ khanh Kwarteng khẳng định chính phủ đang thảo luận cách thức tốt nhất để triển khai “hộ chiếu vaccine”, đồng thời xem xét diễn biến dịch bệnh trước khi đưa ra chính sách mới về du lịch.
Việc số ca nhiễm tăng lên tại một số khu vực của châu Âu có nguy cơ khiến kế hoạch của Anh về mở lại các tuyến du lịch quốc tế từ giữa tháng 5 sẽ bị chậm lại. Về kế hoạch tiêm phòng COVID-19, Quốc vụ khanh Kwarteng ước tính đến cuối tuần này, hơn một nửa người trưởng thành tại Anh sẽ được tiêm mũi đầu vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh chương trình tiêm chủng đang diễn ra đúng tiến độ.
* Tại Australia, Bộ trưởng Y tế Greg Hunt tuyên bố giai đoạn 1B của chương trình tiêm phòng COVID-19, với gần 6 triệu người được tiêm chủng, sẽ cần có thời gian. Bộ trưởng Hunt cho biết ông chưa ghi nhận các vấn đề kỹ thuật trong các báo cáo về hệ thống đặt lịch tiêm trực tuyến. Do đó, ông kêu gọi người dân nước kiên nhẫn chờ đến lượt. Cho đến nay, ước tính hơn 200.000 người dân Australia đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Trước đó, Chính phủ Australia đã đặt mục tiêu đến cuối tháng 3 có thể tiêm phòng cho 4 triệu dân. Theo kế hoạch, kể từ đầu tuần tới, hơn 1.000 nhân viên y tế trên khắp Australia sẽ bắt đầu tiêm chủng ngừa COVID-19 trong khuôn khổ giai đoạn 1B của chương trình tiêm phòng. Những người được ưu tiên tiêm phòng trong giai đoạn này bao gồm người cao tuổi, có bệnh lý nền, thổ dân Australia và những người làm công việc ở tuyến đầu có nguy cơ cao mắc bệnh.
Video đang HOT
* Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, tối 16/3, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã chỉ định bà Or Vandine, Quốc vụ khanh, người phát ngôn Bộ Y tế giữ chức Chủ tịch Ủy ban tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhằm đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine tại nước này.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Hun Sen, Ủy ban tiêm vaccine ngừa COVID-19 Campuchia sẽ có 8 Phó Chủ tịch với các nhiệm vụ: xây dựng kế hoạch tổng thể để tiếp tục các bước đang triển khai; chịu trách nhiệm về công tác tiêm vaccine cho nhân dân, quân đội và công an; làm công tác điều phối với các đối tác phát triển trong nước và quốc tế, Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các đại sứ quán tại Campuchia về công tác tiêm phòng COVID-19 và các công việc liên quan khác. Về thẩm quyền, bà Or Vandine được quyền lựa chọn các chức danh Phó Chủ tịch, Ủy viên của Ủy ban và thành lập các tiểu ban ở thủ đô Phnom Penh và các tỉnh của Campuchia.
Thủ tướng Hun Sen cho hay trong thời gian tới, có khả năng Campuchia sẽ tiếp nhận thêm khoảng 1,5 triệu liều vaccine phòng COVID-19. Campuchia sẽ ưu tiên cho giáo viên tại Phnom Penh và các tỉnh Kandal, Preah Sihanouk, Koh Kong, Prey Veng được tiêm phòng trước. Tiếp đó, chính quyền sẽ cân nhắc phân bổ vaccine cho tiểu thương buôn bán nhỏ ở các chợ, công nhân và các đối tượng quan trọng khác.
Theo Bộ Y tế Campuchia, Campuchia có tổng cộng 1.505 ca mắc COVID-19, trong đó 840 người đã phục hồi và 1 ca tử vong.
* Tại Nhật Bản, kết quả khảo sát trực tuyến do Đại học Y Tokyo tiến hành vào tháng 1 vừa qua cho thấy có 62,1% số người được hỏi mong muốn được tiêm phòng COVID-19. Đáng chú ý, phụ nữ và giới trẻ có xu hướng ít chấp nhận vaccine hơn. Cụ thể, chỉ có 56,4% phụ nữ muốn tiêm phòng, thấp hơn so với tỷ lệ 68% ở nam giới. Xét theo độ tuổi, 54,5% số người trong độ tuổi 20-49 muốn tiêm phòng, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 74,5% trong nhóm từ 65 tuổi trở lên. Điều này đòi hỏi chính phủ cần nỗ lực thuyết phục và nâng cao hiểu biết của phần lớn người dân về mức độ an toàn của vaccine, từ đó tăng tỷ lệ tiêm phòng và nâng mức miễn dịch cộng đồng.
Cuộc khảo sát trên được tiến hành từ ngày 14-18/1 vừa qua và nhận được phản hồi của 2.956 trên tổng số 3.000 người. Vào thời điểm đó, số ca mắc COVID-19 tại Nhật Bản đang ở mức cao, khi nước này ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày là 7.949 ca vào ngày 8/1 vừa qua. Tình hình dịch bệnh đã buộc Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và một số khu vực khác.
Kết quả trên cũng tương tự như cuộc khảo sát do hãng tin Kyodo tiến hành vào tháng 2 vừa qua, với 63,1% số người được hỏi tuyên bố sẵn sàng tiêm phòng. Trong khi đó, phụ nữ trong nhóm độ tuổi từ 40-50 là những người tỏ ra thận trọng nhất.
Thế giới có trên 120,5 triệu ca mắc COVID-19
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 15/3 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 120.510.712 ca COVID-19, trong đó có 2.666.966 ca tử vong.
Hơn 97,05 triệu bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục trong khi còn hơn 20,79 triệu bệnh nhân vẫn đang được điều trị.
Tại châu Á, giới chức y tế tại tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, đã xác nhận phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong các ca bệnh mới không biểu hiện triệu chứng nhập cảnh tại tỉnh này. Biến thể này được phát hiện lần đầu tại Nigeria. Hai bệnh nhân nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là hai trường hợp không triệu chứng phát hiện hồi tháng 2 vừa qua. Theo trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) tỉnh Quảng Đông, biến thể này đã lây lan sang hơn 20 quốc gia, có khả năng lây lan nhanh và dễ dàng vô hiệu hóa kháng thể, qua đó có thể dẫn tới tình trạng tái nhiễm ở những người từng mắc COVID-19. Hiện CDC Quảng Đông đang tiến hành phân lập thêm biến thể virus này. Đến nay, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 90.049 ca mắc COVID-19, trong đó 4.636 ca tử vong.
Hàn Quốc quyết định gia hạn lệnh giãn cách xã hội ở thủ đô Seoul và vùng phụ cận cũng như ở các địa phương còn lại thêm 2 tuần, từ ngày 15-28/3, song lệnh cấm tụ tập trên 5 người được nới lỏng. Quyết định được đưa ra sau khi giới chức y tế nhận định làn sóng lây nhiễm thứ 3 ở Hàn Quốc vẫn chưa được kiểm soát và có xu hướng lan rộng gần đây. Trên thực tế, số ca mắc trung bình mỗi ngày trong tuần trước là hơn 400 ca, cao hơn 56 ca so với một tuần trước đó, thỏa mãn điều kiện để áp dụng mức giãn cách xã hội cấp độ 2,5 (số ca nhiễm trên toàn quốc từ 400 đến trên 500 ca). Đặc biệt, thủ đô Seoul và vùng phụ cận ghi nhận hơn 300 ca/ngày. Số liệu thống kê của Cơ quan Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) công bố cùng ngày cho thấy Hàn Quốc đã có thêm 382 ca mắc COVID-19, trong đó có 370 ca lây nhiễm trong cộng đồng, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 96.017 ca.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 10/3/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN
Tại Đông Nam Á, nhiều tỉnh tại Campuchia đã áp đặt biện pháp hạn chế đi lại trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ, đặc biệt ở những khu vực giáp ranh giữa các tỉnh. Trong khi đó, những quy định mới về đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội tại các địa điểm do Bộ Y tế Campuchia chỉ định được áp dụng triệt để kèm theo các mức phạt rất nặng những đối tượng vi phạm. Cụ thể, chính quyền các tỉnh như Tbong Khmum và Siem Reap đã thiết lập các chốt kiểm soát để kiểm tra, truy vết những trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 liên quan đến "sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2". Trong khi đó, những trường hợp không tuân thủ quy định về đeo khẩu trang và giãn cách xã hội có thể bị phạt từ 50 USD đến 250 USD. Trường hợp chủ doanh nghiệp, mức phạt được áp dụng nặng hơn ở mức từ 100 USD đến 1.250 USD. Sáng 15/3, Bộ Y tế Campuchia công bố thêm 20 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia là 1.325 ca, trong đó có 1 ca tử vong.
Philippines ghi nhận thêm 5.404 ca mắc mới, số ca mắc mới ghi nhận hằng ngày cao nhất trong 7 tháng qua và là mức cao thứ 4 ở quốc gia Đông Nam Á này kể từ khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát. Người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, ông Harry Roque thông báo ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus, đồng thời cho biết ông không tiếp xúc với Tổng thống Duterte sau khi có kết quả xét nghiệm. Như vậy, tính đến nay, tổng số ca mắc và tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này lần lượt là 626.893 và 12.837. Bộ Y tế Philippines cho biết số ca nhiễm mới bắt đầu tăng mạnh ở nước này kể từ ngày 4/3, do sự kết hợp của nhiều yếu tố như việc nới lỏng các biện pháp hạn chế, đi lại gia tăng, vi phạm các quy định y tế, và các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện. Trước tình hình trên, vùng thủ đô Manila - nơi có khoảng 13 triệu dân - đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt từ ngày 15/3 trong đó có phong tỏa một phần các khu vực có ca nhiễm; người dân không được ra khỏi nhà từ 22h00' tối hôm trước đến 5h00' sáng hôm sau, trong khoảng thời gian từ ngày 15-31/3, trừ những người có việc cần thiết. Chính phủ cũng đã triển khai thêm nhiều cảnh sát để giám sát việc thực thi các biện pháp.
Cùng ngày, Indonesia thông báo ghi nhận thêm 5.589 ca nhiễm mới và 147 trường hợp tử vong, đưa tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 1.425.044 và 38.573 ca. Hiện Indonesia là quốc gia có số người nhiễm và tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á. Thái Lan cũng có thêm 78 ca nhiễm mới, trong đó có 74 ca lây nhiễm trong cộng đồng gồm 36 ca ở tỉnh Samut Sakhon và 22 ca ở thủ đô Bangkok. Hiện tổng số ca nhiễm tại Thái Lan là 27.005 người, trong đó có 87 ca tử vong.
Với 50% số ca mới xét nghiệm có kết quả dương tính với virus, Papua New Guinea đang là một điểm nóng dịch COVID-19 tại châu Đại Dương. Trong bối cảnh đó, lãnh đạo bang Queensland của Australia giáp giới Papua New Guinea đã kêu gọi đẩy nhanh công tác phân phối vaccine tới quốc đảo này để khống chế dịch bệnh lây lan. Theo thống kê mới nhất của chính phủ Papua New Guinea, đến nay, tại nước này đã có 2.173 ca mắc COVID-19 và 21 ca tử vong. Hiện dịch bệnh đã lây lan ra 17 tỉnh của nước này.
Tại châu Âu, lãnh đạo Cơ quan Thống kê Quốc gia Anh (ONS), giáo sư Ian Diamond ngày 14/3 đã cảnh báo về nguy cơ xảy ra làn sóng dịch bệnh tiếp theo vào mùa Thu tới tại nước này. Dù nhấn mạnh đến hiệu quả của chương trình tiêm chủng toàn quốc nhằm ngăn ngừa dịch bệnh, song giáo sư này cho rằng loại virus sẽ không thể biến mất. Trước đó, người đứng đầu cơ quan y tế Anh, giáo sư Chris Whitty cũng cho biết vẫn còn nhiều rủi ro đối với việc mở cửa trở lại xã hội, đồng thời cảnh báo nước Anh có nguy cơ phải trải qua làn sóng lây nhiễm mới có thể xảy ra vào thời điểm cuối mùa Hè, hoặc vào mùa Thu và Đông tới.
Tại Pháp, Thủ tướng Jean Castex nhận định nước này cần nỗ lực hết sức để tránh việc áp đặt lệnh phong tỏa mới trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 khiến sức ép lên các bệnh viện ngày càng tăng. Cho đến nay, mặc dù số ca nhiễm không ngừng tăng, song Chính phủ Pháp vẫn quyết định không áp đặt lệnh phong tỏa theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế. Thay vào đó, Pháp đã áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc vào lúc 18h hằng ngày và lệnh phong tỏa vào cuối tuần tại hai vùng đang gặp khó khăn trong việc chống dịch. Chính quyền cũng yêu cầu các trung tâm mua sắm lớn phải đóng cửa. Trong ngày 14/3, Pháp đã ghi nhận thêm 26.343 ca nhiễm mới và 140 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt ở mức hơn 4 triệu ca nhiễm và hơn 90.000 ca tử vong.
Trong khi đó, giới y bác sĩ làm việc tại khu vực chăm sóc đặc biệt (ICU) ở các bệnh viện của Đức ngày 15/3 cảnh báo nước này cần áp đặt trở lại ngay lập tức lệnh phong tỏa một phần để tranh rơi vào làn sóng thứ 3 của dịch bệnh COVID-19. Đức đã ghi nhận số ca nhiễm mới tăng kể từ khi nước này nới lỏng các biện pháp phòng dịch vào cuối tháng 2 vừa qua, theo đó cho phép trường học, cửa hàng làm đẹp và một số cửa hiệu kinh doanh được mở cửa một phần. Số ca nhiễm mới gia tăng, cùng với sự lây lan của biến thể SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên tại Anh và tiến trình tiêm chủng chậm chạp tại Đức đã làm dấy lên lo ngại về nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại, trong khi người dân Đức hy vọng sớm thoát khỏi tình trạng phong tỏa một phần kéo dài 3 tháng.
Tại khu vực châu Phi, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (CDC châu Phi) cho biết tính đến tối 14/3, tổng số ca mắc COVID-19 tại châu lục này đã tăng lên 4.025.390 ca, trong đó 107.523 ca tử vong. Những nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch xét về số ca nhiễm là Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ai Cập và Ethiopia. Xét theo số ca tử vong do COVID-19, Nam Phi cũng có số người không qua khỏi nhiều nhất với 51.261 ca tử vong, sau đó là Ai Cập với 11.256 ca và Maroc với 8.718 ca.
Campuchia phạt nặng trường hợp vi phạm quy định phòng dịch Ngày 15/3, hàng loạt tỉnh tại Campuchia đã áp đặt biện pháp hạn chế đi lại trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ, đặc biệt ở những khu vực giáp ranh giữa các tỉnh. Trong khi đó, những quy định mới về đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội tại các địa điểm do Bộ Y tế Campuchia chỉ...