Ảnh trước và sau: Dịch Covid-19 biến đổi nước Mỹ như thế nào?
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp và làm gián đoạn đáng kể tới cuộc sống của người dân Mỹ khi nơi đây đã trở thành tâm dịch mới với tổng số ca nhiễm bệnh nhiều nhất thế giới.
Theo CNN, tính tới ngày 30/3, tổng số ca nhiễm Covid-19 ở Mỹ đã lên tới con số 141.854. Số ca tử vong là 2.475. New York là bang chịu ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh với gần 60.000 ca nhiễm bệnh và 965 ca tử vong.
Tác động của dịch Covid-19 tới người dân Mỹ đã được ghi lại trong những bức ảnh vệ tinh. Theo Daily Mail, các địa điểm vốn đông đúc và nhộn nhịp như sân bay, khu vực vui chơi, giải trí trên khắp nước Mỹ nay vắng lặng và như bị “bỏ hoang”.
Công ty vũ trụ tư nhân Maxar Technologies đã chia sẻ loạt ảnh trước và sau tại các địa điểm ở Mỹ được vệ tinh chụp lại hồi giữa tháng 3 để phản ánh tác động rõ rệt mà dịch Covid-19 đang gây ra cho nước Mỹ.
Ảnh chụp tại khu vực tượng Nữ thần tự do ở thành phố New York, bang New York, Mỹ, ngày 4/11/2019 và ngày 11/3/2020. Số lượng du khách tới thăm tượng Nữ thần tự do đã giảm mạnh. Ảnh: Maxar Technologies
Đài phun nước Bethesda tại Công viên Trung tâm ở thành phố New York tràn ngập người tới vào ngày 4/11/2019 (trái). Nhưng tới ngày 11/3/2020 – thời điểm thành phố bắt đầu ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt, địa điểm này gần như không còn ai qua lại. Ảnh: AP
Công viên Battery ở quận Manhattan cũng trong tình trạng tương tự như khu vực tượng Nữ thần tự do và đài phun nước Bethesda. Các bức ảnh được chụp ngày 4/11/2019 (trái) và ngày 11/3/2020. Ảnh: Maxar Technologies
Video đang HOT
Nhóm người trượt tuyết được trông thấy tại khu trượt Woolman Ice Rink, thuộc Công viên Trung tâm ngày 4/11/2019 (trái). Ngày 11/3/2020, khu vực này hoàn toàn không có một bóng người. Ảnh: Maxar Technologies
Ảnh chụp sân bay quốc tế thành phố Salt Lake bang Utah, nơi phát hiện hàng chục người dương tính với Covid-19, ngày 5/3 cho thấy các máy bay gần như xuất hiện ở mọi cổng trên đường băng (trái). Nhưng tới ngày 16/3, chỉ còn vài chiếc nằm rải rác tại sân bay do nhiều hãng hàng không đã giảm lịch trình xuống dưới 50% so với ngày thường. Ảnh: Maxar Technologies
Hình ảnh từ khu đỗ xe cho thuê của sân bay quốc tế thành phố Salt Lake. Ít du khách hơn đồng nghĩa với số lượng xe cho thuê sẽ phải “nằm phủ bụi” nhiều hơn (phải). Ảnh chụp cùng thời điểm với ảnh tại đường băng của sân bay. Ảnh: Maxar Technologies
Tình trạng tương tự xuất hiện ở đường băng của sân bay quốc tế Phoenix Sky Harbor, bang Azirona. Ảnh chụp trong các ngày 5 (trái) và 16/3. Ảnh: Maxar Technologies
Ảnh chụp tại khu để xe cho thuê của sân bay quốc tế Phoenix Sky Harbor. Ảnh: Maxar Technologies
Tại bang Vermont, nơi cũng ghi nhận hàng chục ca nhiễm Covid-19, khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Killington chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về lượng du khách. Bức ảnh chụp ngày 30/1 cho thấy khu trượt tuyết có nhiều du khách và xe cộ (trái). Nhưng bức ảnh chụp vào 16/3 lại phản ánh điều ngược lại. Ảnh: Maxar Technologies
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19:
- Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm.
- Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi.
- Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác.
- Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế.
- Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095.
Những cơ hội bị bỏ lỡ khiến Mỹ có số ca mắc Covid-19 cao nhất thế giới
Chỉ mới 2 tháng trước, Covid-19 còn là một điều gì đó xa lạ ở Mỹ, giờ đây, số ca mắc tại đây đã vượt qua Trung Quốc và dẫn đầu thế giới.
Kết cục được dự báo trước?
Theo New York Times, khi Covid-19 bắt đầu càn quét nước Mỹ hồi đầu tháng 3, giới khoa học đã cảnh báo, sẽ đến một ngày, Mỹ trở thành quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của dịch bệnh. Lời cảnh báo đó trở thành sự thật vào ngày 26/3, khi số người mắc Covid-19 của Mỹ tăng lên hơn 85.000, chính thức vượt qua Trung Quốc trở thành nước có nhiều ca mắc Covid-19 nhất thế giới.
Các bác sỹ Mỹ trong nỗ lực điều trị người mắc Covid-19. Ảnh: Reuters
Với dân số hơn 330 triệu người, Mỹ là quốc gia đông dân thứ 3 trên thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc, khả năng lây nhiễm Covid-19 tại Mỹ chắc chắn sẽ rất cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây không phải là lý do chính khiến số ca mắc Covid-19 tại Mỹ nhanh chóng vượt qua Trung Quốc chỉ trong một thời gian ngắn như vậy.
Các chuyên gia nhận định, chính việc ở Mỹ các bang có quyền tự áp đặt các chính sách riêng trong việc đối phó với dịch Covid-19 cũng như những thông điệp hết sức mâu thuẫn của Tổng thống Trump về mức độ nghiêm trọng của đại dịch này đối với nước Mỹ mới là nguyên nhân cơ bản dẫn đến con số rất đáng lo ngại trên.
Hơn thế nữa, Mỹ đã có "nhiều bước đi sai lạc" trong suốt quá trình phòng, chống Covid-19 và vì thế, đã bỏ qua cơ hội vàng kiềm chế dịch bệnh. Trong đó, sai lầm nghiêm trọng nhất chính là việc không thể cung cấp đủ số lượng lớn các xét nghiệm virus SARS-CoV-2 cho người dân, thiếu hụt nghiêm trọng khẩu trang và các trang thiết bị bảo hộ cho các y, bác sỹ trên tuyến đầu và máy thở cho các bệnh nhân trở bệnh nặng sau khi mắc Covid-19.
Bà Angela Rasmussen, nhà virus học tại Đại học Colombia, New York, chia sẻ: "Lẽ ra Covid-19 có thể bị ngăn chặn nếu chúng ta triển khai việc giám sát và xét nghiệm bệnh ngay từ đầu khi có thông tin về những ca nhiễm bệnh đầu tiên được nhập cảnh vào Mỹ. Con số hiện nay mới chỉ là những trường hợp chúng ta xác nhận được, vậy còn bao nhiều trường hợp bị bỏ qua?".
Hai nhân viên y tế Mỹ trao nhau mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 của một bệnh nhân. Ảnh: Reuters
Thiếu quyết liệt ngay cả khi đã chậm trễ
Cũng như Mỹ, Trung Quốc tỏ ra khá chậm chạp trong việc phản ứng với Covid-19 trong giai đoạn đầu dịch bệnh dù nước này từng chịu ảnh hưởng nặng nề của Đại dịch SARS hồi năm 2003.
Tuy nhiên, sau đó, Chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng triển khai hàng loạt những biện pháp quyết liệt để khiểm soát dịch bệnh. Từ bài học của Trung Quốc, một loạt các quốc gia khác như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã chuẩn bị cho một kịch bản tồi tệ nhất.
Ở chiều ngược lại, Mỹ vẫn mải quan tâm đến những vấn đề thường nhật khác như việc luận tội Tổng thống Trump, vụ bê bối tình dục của Harvey Weinstein, tác động của Brexit đến nước này.
Đã không có những sắc lệnh triển khai quân đội "chống dịch như chống giặc", không có cả những chỉ thị đặt nước Mỹ vào tình trạng như khi có chiến tranh để chống dịch. Mãi sau này, Nhà Trắng mới thành lập Nhóm Công tác về Covid-19, nhưng thay vì tập hợp các chuyên gia y tế, các thành viên trong nhóm này lại chủ yếu là các chính trị gia.
Ngay cả Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ - cơ quan phòng chống dịch bệnh hàng đầu thế giới từng hành động rất thành công trong việc chống lại các đại dịch như Ebola, Zika ... cũng gần như "im hơi lặng tiếng" hoàn toàn trong dịch Covid-19. Người đứng đầu cơ quan này, ông Robert Redfield không đưa ra được bất kỳ tuyên bố hay hành động nào đáng chú ý.
Biển báo khu vực xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters
Nước Mỹ còn chờ đợi gì?
Giờ đây, số ca mắc Covid-19 của Mỹ đã đứng đầu thế giới, hơn 160 triệu người dân nước này được yêu cầu ở yên trong nhà. Nhiều trường học, quầy bar, nhà hàng và các doanh nghiệp phải đóng cửa. Bệnh viện phải đối mặt với tình trạng quá tải bệnh nhân và nguồn cung các trang thiết bị y tế đang rất khan hiếm.
Bà Sara Keller, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Tập đoàn Johns Hopkins Medicine chia sẻ: "Chúng ta giờ là tâm dịch mới của thế giới. Tất cả những gì chúng ta có thể làm vào thời điểm này là ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 càng nhiều càng tốt cũng như sản xuất thêm nhiều các trang thiết bị bảo hộ y tế và vật tư y tế cần cho việc xét nghiệm và máy thở".
Trong bối cảnh, nhiều người Mỹ tự hỏi đến khi nào nước Mỹ mới an toàn trở lại để họ có thể đi làm như trước, ông William Schaffner, chuyên gia y tế dự phòng tại Đại học Vanderbilt nhận định: "Chính virus SARS-CoV-2 sẽ trả lời cho chúng ta".
Tuy nhiên. ông William Schaffner cũng cho rằng, khi việc triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 trên cả nước được tiến hành và số người được xác định dương tính với SARS-CoV-2 giảm dần và khi số bệnh nhân nhập viện cũng bắt đầu vượt qua giai đoạn lên đến đỉnh điểm thì "chúng ta có quyền lạc quan và có thể nở nụ cười".
Giới chuyên gia cho rằng, thời điểm mà ông William Schaffner muốn đề cập có thể vào mùa hè này. Tuy nhiên, họ cũng cảnh báo, ngay khi bất kỳ người Mỹ nào buông lơi cảnh giác thì nước Mỹ lại phải bắt đầu chuẩn bị cho đợt dịch thứ 2./.
Trần Khánh
Bệnh nhân COVID-19 đông, bệnh viện Mỹ quá tải Thiếu máy móc, thiếu giường bệnh, trong khi số bệnh nhân lại quá nhiều, quá tải cho hệ thống là những gì một bác sĩ ở New York cho biết trên Đài CNN nhưng có thể là tình hình chung của cả nước Mỹ. Nhân viên bán hàng đứng sau màng ngăn tự chế ở một cửa tiệm ở Manhattan, thành phố New...