Anh thắng – Tôi thắng – Chúng ta cùng thắng!
Bất luận kết quả của Đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup cuối năm nay như thế nào thì HLV trưởng ĐT, ông Park Hang Seo vẫn sẽ là ông thầy số 1 trong lịch sử nền bóng đá, kể từ ngày đổi mới.
Tôi nghiên cứu kỹ bóng đá Việt Nam kể từ ngày đổi mới, tức là năm 1991, năm chúng ta hội nhập trở lại với làng túc cầu khu vực nên chỉ tính từ mốc thời gian này.
Còn từ năm 1991 trở về trước thì không dám nói. Những nhà làm sử bóng đá Việt Nam (nếu VFF thực sự nghiêm túc trong câu chuyện làm sử) sẽ phải tìm hiểu kỹ lưỡng điều này. Và tôi đoán (xin nhấn mạnh, chỉ là đoán), rằng, sau quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng đó, cũng không bất ngờ nếu ông Park Hang Seo được xếp vào vị trí số 1 trong lịch sử các ông thầy của Đội tuyển Quốc gia.
Trở lại với dấu mốc 1991 trở về đây, phải thừa nhận rằng chúng ta đã có ít nhất 3 ông thầy ấn tượng, thể hiện được 3 vai trò khác nhau trong sự dao động của nền bóng đá. Đầu tiên là cố HLV Weigang – người đã giúp ĐTVN bất ngờ giật chiếc HCB môn bóng đá nam tại SEA Games 18 (năm 1995 tại Thái Lan). Với chiếc huy chương ấn tượng này, ông Weigang đã làm tròn nhiệm vụ “khai sơn phá thạch”, giúp chúng ta tin tưởng một cách mạnh mẽ rằng: ở đấu trường Đông Nam Á, chúng ta không phải hàng chiếu dưới. Lịch sử một nền bóng đá cũng giống như lịch sử một đời người: cái khoảnh khắc “khai sơn phá thạch” đầu tiên luôn có một ý nghĩa tối quan trọng. Trước khoảnh khắc đó, người ta đứng trong bóng tối. Sau khoảnh khắc đó, người ta đứng trong ánh sáng. Và từ đó, nhìn thấy một chân trời.
Nếu ông Weigang là người “khai sơn phá thạch” thì cựu HLV Henrique Calisto lại là người tạo ra một cú đấm thép. Chiếc cúp vàng AFF mà ông Calisto cùng các tuyển thủ Việt Nam đạt được vào năm 2008 chính là cú đấm ấy. Với chiếc cúp ấy, lần đầu tiên kể từ năm 1991, bóng đá Việt Nam ngạo nghễ lên ngai vàng Đông Nam Á. Với chiếc cúp ấy, lần đầu tiên kể từ năm 1991, bóng đá Việt Nam thắng được Thái Lan trong một trận chung kết bóng đá nam khu vực. Với chiếc cúp ấy, chúng ta hiểu rằng, đẳng cấp của nền bóng đá thực sự đã nhích lên.
Cố HLV Alfred Riedl – “chuyên gia về nhì” là người nằm giữa ông Weigang và ông Calsito. Khi ông Riedl đến, chúng ta đã “khai sơn phá thạch” xong. Khi ông Riedl đi (lần ra đi cuối cùng sau 3 lần đến rồi đi) chúng ta vẫn chưa thể lên vua Đông Nam Á. Nói ông Riedl cầu toàn, thiếu đột biến trong những trận chung kết quyết định cũng đúng. Mà nói ông “đen” vì đến đúng vào một chu kỳ có quá nhiều tuyển thủ vừa “quái” trên sân, vừa “quái” trên bàn cũng đúng. Tiger Cup năm 1998, giải đấu đầu tiên ông cầm Đội tuyển Việt Nam lẽ ra là giải đấu mà chúng ta phải lên vua. Nhưng dường như ai đó trong nội bộ Đội tuyển lại muốn tự mình (hoặc nhóm mình) lên vua theo một cách khác, không giống với cái cách hàng chục con người ôm một cái cúp giữa thanh thiên bạch nhật. Thế là hỏng luôn. Thời đó ông Riedl thua trong trận chung kết với Singapore mà còn không hiểu sự thực vì sao thua. Thôi thì cái chu kỳ 3 lần cầm Đội tuyển của ông cũng tạo ra một sự ổn định về thành tích. Và sự ổn định đó khiến cho chúng ta phải nhớ đến ông.
Từ Weigang đến Riedl rồi Calisto, chương 1 của Đội tuyển Quốc gia tạm thời khép lại. Ai là người sẽ mở ra chương 2?
Đương nhiên không phải Colin Murphy – ông thầy ngắn hạn năm 1997. Cũng chẳng phải những Tavares, Dido, Fako Goez, Muira, Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Nguyễn Hữu Thắng, dù họ cũng đã tạo ra một vài điểm nhấn ở một vài thời điểm nào đó.
Người mở ra chương 2, một chương 2 ngoạn mục, một chương hai nằm ngoài vùng tưởng tượng của não trạng nền bóng đá chính là Park Hang Seo. Bạn nhớ ngày ông ấy xuất hiện không? Tôi nhớ! Nó là một ngày Hà Nội ảm đạm. Ông ấy xuất hiện cùng người đại diện trẻ tuổi ở Nội Bài, và tôi rất nhớ, ông ấy mặc chiếc áo vest màu xanh. Thời điểm ấy, Park Hang Seo thực sự cần một màu xanh để hy vọng. Bởi, ông đã đi qua thời đỉnh cao, sau thất bại cùng Đội tuyển Olympic Hàn Tại Asiad BUSAN năm 2002. Bởi, ông đang cầm một đội hạng Ba Hàn Quốc. Và bởi, ông không nghĩ mình còn cơ hội quay lại bóng đá đỉnh cao thêm lần nữa – như thổ lộ của chính ông sau này.
Một “ông thầy thất bại”, một “Mr ngủ gật” kết duyên với một nền bóng đá cũng vừa thất bại thê thảm ở SEA Games năm 2017 – ai dám kỳ vọng chứ! Vậy mà đến 2018, kỳ tích Thường Châu xuất hiện. 2018, cúp vàng AFF quay trở về. 2019, lần đầu tiên có HCV bóng đá SEA Games. 2022, tiếp tục bảo vệ HCV bóng đá SEA Games. Park đã làm nên những thành tích vô tiền khoáng hậu. Một phần vì ông đến vào đúng lúc nền bóng đá sản sinh ra một thế hệ cầu thủ vừa sạch sẽ về nhân cách, vừa hiện đại về tư duy chiến thuật. Trước Park, ngay cả Calisto trong hành trình giật cúp vàng 2008 cũng không có được điều này. Calisto phải dùng rất nhiều “thuật” để vừa “nắn” vừa “dọa”, vừa “chiều” những con người mà trong thâm tâm Calisto biết rõ họ có thể “bán đứng” ông bất cứ lúc nào. Phải nói Park có một hoàn cảnh thuận lợi hơn tất cả những người tiền nhiệm trước đây của mình. Nhưng hoàn cảnh là một chuyện, tận dụng được hoàn cảnh lại là chuyện khác. Ở khía cạnh này, Park cho mình có một năng lực tận dụng đại tài. Sự kết hợp giữa một thế hệ cầu thủ sạch sẽ, tài năng với một ông thầy thực tế, thực chiến, thực tài đã thổi một khí quyển chưa từng có vào một đời sống bóng đá suốt bao nhiêu năm vẫn mang tiếng là “hai sôi ba lạnh”.
Video đang HOT
Điều ấn tượng mà Park để lại không chỉ nằm ở phương diện thành tích, mà theo tôi còn nằm ở phương diện giúp cho một nền bóng đá hiểu rõ bản ngã của mình. AFF Suzuki Cup năm 2010, trong tư cách nhà vua Đông Nam Á, chúng ta nghĩ rằng mình có thể chơi tấn công, áp đặt đối thủ. Kết quả: Chúng ta thất bại ở bán kết. Đến khi lứa U.19 trình làng, đá tấn công ào ạt ở các giải trẻ thì đâu đó cũng có suy nghĩ rằng: Đội tuyển Việt Nam hoàn toàn có thể “đôi công” ở đấu trường châu lục. Khỏi nói ai cũng thấy suy nghĩ này rồi đã dẫn Đội tuyển về đâu. Và ngay trong chính thời của Park, cũng có những thời điểm chúng ta bung ra đôi công (với Indonesia và Thái Lan ở AFF Cup 2020), nhưng đều không có những kết quả như ý. Tất cả các chiến tích mà Park có được, từ U.22 , U.23, Olympic và ĐTQG đều đến từ thứ bóng đá phòng ngự phản công với tư tưởng “du kích chiến”. Tư tưởng đó thực sự phù hợp với thể trạng cầu thủ Việt Nam, và về sâu thẳm là rất phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam. “Phải hiểu truyền thống bản địa” – đấy là điều mà Park đặt ra ngay từ ngày đầu xuất hiện. Phải khai thác truyền thống bản địa – đấy là điều mà Park, bằng năng lực cần mẫn nghiên cứu của mình đã thực hiện thành công.
Với Park, bóng đá Việt Nam hiểu rõ bản ngã của mình hơn.
Với Park, bóng đá Việt Nam biết phải làm gì để có thể tiếp tục thành công thời… hậu Park.
Thành tích lấp lánh và quan trọng thật đấy, nhưng cái điều thứ hai này có ý nghĩa không kém gì thành tích.
Sau AFF Cup năm nay, Park sẽ ra đi. Những thông tin hậu trường mà tôi biết thì quyết định này đến từ phía Park nhiều hơn là từ VFF. Cũng là logic thôi, vì chẳng liên đoàn nào dại dột chủ động nói lời chia tay với một ông thầy vừa đi qua “chu kỳ vàng”. Có hợp thì có tan, và biết tan đúng nơi, đúng lúc, đúng chỗ luôn là một nghệ thuật. Âu cũng là chuyện rất thường tình.
Xin cảm ơn Park vì đã đến. Và trong thâm tâm mình, có lẽ Park cũng cảm ơn Việt Nam vì đã tạo nên một “hoàn cảnh tối ưu” khi mình đến. Nhờ có Park, nền bóng đá có một chương 2 đẹp như mơ như mộng. Cái chương khiến Park xứng đáng ở vị trí độc tôn trong lịch sử các ông thầy ở Đội tuyển Việt Nam từ năm 1991 trở lại đây. Nhờ có bóng đá Việt Nam mà Park từ vị thế của “một ông thầy thất bại” năm 2017 trở thành một ông thầy được cả Đông Nam Á, và chính quê hương mình thi nhau săn đón.
Win – Win, anh thắng, tôi thắng, chúng ta cùng thắng.
Cuộc đời đâu có nhiều lúc đẹp thế này!
HLV Đinh Thế Nam: Vượt bão hoài nghi, thành công cùng U23 Việt Nam
Thành công của HLV Đinh Thế Nam cùng U23 Việt Nam cho thấy trong tương lai, bóng đá Việt Nam vẫn có thể giao phó các đội tuyển trẻ cho các HLV nội.
HLV Đinh Thế Nam nhận nhiệm vụ nắm quyền ở U23 Việt Nam trong bối cảnh không được đặt nhiều kỳ vọng, song đã giúp đội nhà lần đầu tiên trong lịch sử đăng quang ở giải U23 Đông Nam Á.
Thành công của cựu cầu thủ Công An Hải Phòng cho thấy các HLV nội vẫn có những điểm mạnh riêng, đủ sức dìu dắt các đội tuyển trẻ vượt qua khó khăn như cách U23 Việt Nam đã chứng tỏ ở Campuchia.
Vượt qua hoài nghi
Bóng đá Việt Nam trong 2 thập kỷ qua có luật bất thành văn: các HLV nội thường thành công ở cấp CLB, còn ĐTQG là chuyện của những "thầy ngoại". Sau 4 giai đoạn cầm quân khởi sắc của cố HLV Alfred Riedl, HLV Henrique Calisto giúp tuyển Việt Nam lần đầu vô địch Đông Nam Á.
HLV Đinh Thế Nam (ngoài cùng bên phải) đưa U23 Việt Nam lên ngôi vô địch.
Thầy "Tô" ra đi năm 2010, mở ra giai đoạn ĐTQG lên xuống thất thường dưới thời những HLV nội như Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc. HLV Toshiya Miura sau đó không thành công, nhường lại ghế cho HLV Nguyễn Hữu Thắng nhưng tình hình không khởi sắc. Chỉ đến khi HLV Park Hang Seo xuất hiện, bóng đá Việt Nam mới sang trang mới.
Thành công vang dội của HLV Park Hang Seo cho thấy sự ưu việt của các chiến lược gia ngoại. 2 chức vô địch SEA Games cùng những lần giành vàng, bạc, đồng SEA Games của đội U23 đều gắn liền với HLV nước ngoài.
Ở ban huấn luyện các đội tuyển như ĐTQG và U23 (lứa vừa tham dự vòng loại châu Á), những đầu não chuyên môn chủ chốt đều là người Hàn Quốc. Vai trò của trợ lý nội vẫn có, nhưng không rõ ràng ở khâu huấn luyện lẫn chiến thuật.
Khi HLV Park Hang Seo và VFF đạt thỏa thuận thôi dẫn dắt đội U23 sau SEA Games, đôi bên cũng thống nhất sẽ mời một chiến lược gia Hàn Quốc - người do đích thân ông Park tham gia tư vấn. Không HLV nội nào được cân nhắc, đề đạt.
HLV trong nước gần nhất đặt dấu ấn cùng đội trẻ Việt Nam là ông Hoàng Anh Tuấn - người đưa U19 Việt Nam dự World Cup. Còn thầy nội gần nhất vô địch cùng một đội tuyển là Vũ Hồng Việt, với danh hiệu ở giải U15 Đông Nam Á 2017. Đó đều là những vinh quang từ 5, 6 năm trước.
HLV Đinh Thế Nam từng gây dấu ấn ở U16 Việt Nam.
Khi được trao quyền dẫn dắt U23 Việt Nam, thực chất HLV Đinh Thế Nam cũng không được đặt nhiều kỳ vọng. Ông chỉ nắm quân đá giải U23 Đông Nam Á rồi... giải tán. Đội U23 Việt Nam dự SEA Games do HLV Park Hang Seo chỉ huy, còn đội dự U23 châu Á, ASIAD là do một thầy Hàn Quốc khác huấn luyện.
Lứa U23 Việt Nam đá giải ở Campuchia cũng chỉ là những mảnh ghép vội vàng của lứa cầu thủ vừa dự giải U21 Quốc gia, được lập ra để chuẩn bị cho mục tiêu dài hạn là SEA Games 32 tại chính Campuchia.
Tuy nhiên, HLV Đinh Thế Nam đã cùng học trò "ngược dòng" ngoạn mục, vượt qua nhiều khó khăn để một lần nữa cho thấy giá trị của thầy nội, giữa bối cảnh nhắc đến HLV các đội tuyển quốc gia là người hâm mộ chỉ nghĩ đến HLV nước ngoài.
Dấu ấn Đinh Thế Nam
Thành công của HLV Đinh Thế Nam không ngẫu nhiên mà thành. Năm 2015, khi được giao nắm quyền đội U16 Việt Nam dự vòng loại châu Á, cựu cầu thủ Công An Hải Phòng đã ghi dấu ấn khi cùng đội nhà nã 18 bàn vào lưới U16 Guam, rồi chơi sòng phẳng với U16 Australia - một trong những ứng viên vô địch.
Với đội hình gồm những măng non như Huỳnh Sang, Vũ Đình Hai, Nguyễn Khắc Khiêm, Uông Ngọc Tiến,... U16 Việt Nam đã trình diễn lối chơi với tổ chức bài bản, mảng miếng rõ ràng, nhưng trên hết là tinh thần thi đấu lì lợm, không sợ hãi dù phải gặp đối thủ mạnh.
Các học trò của HLV Đinh Thế Nam chơi sòng phẳng, thậm chí áp đảo U16 Australia ở trận cuối vòng bảng. Nếu Ngọc Tiến không sút phạt đền dội xà, chưa chắc U16 Australia có 3 điểm rời sân.
U23 Việt Nam để lại dấu ấn với lối đá máu lửa.
1 năm sau, U16 Việt Nam lọt vào chung kết U16 Đông Nam Á và gục ngã trước U16 Australia trên chấm 11m dù đã 2 lần dẫn trước. Tuy nhiên, thầy trò HLV Đinh Thế Nam chỉ mất 2 tháng để trả đủ món nợ khi ngược dòng hạ đối thủ ở vòng bảng giải U16 châu Á với tỷ số 3-2 để giành vé vượt vòng bảng.
Nếu hàng loạt cầu thủ không ngộ độc trước trận gặp U16 Iran ở tứ kết, chưa chắc U16 Việt Nam đã bại trận.
Sự lì lợm của U23 Việt Nam thể hiện ở giải này mang dấu ấn đậm nét của HLV Đinh Thế Nam. Ông truyền vào học trò khí thế chiến đấu hết mình, còn cơ hội là còn hy vọng dù có thời điểm U23 Việt Nam chỉ còn 9, 10 cầu thủ đủ điều kiện thi đấu. U23 Việt Nam không chỉ chơi tốt, mà còn có lối chơi mang định hướng rõ ràng.
Cách HLV Đinh Thế Nam sử dụng Dụng Quang Nho đá ở vị trí tiền vệ tổ chức, xếp bộ đôi Nguyễn Thanh Khôi, Đinh Xuân Tiến đá tiền vệ trung tâm, hay khai thác tiềm năng của Nguyễn Văn Tùng,... chỉ sau vài ngày huấn luyện ít ỏi đã cho thấy cái tài của chiến lược gia này.
Thành công của HLV Đinh Thế Nam được xây móng đắp nền từ khả năng thấu hiểu cầu thủ, đến những va chạm ở sân chơi châu lục cùng các cấp độ đội tuyển trước đó.
Các HLV nội có thể đạt thành tích tương tự nếu được trao nhiều hơn cơ hội thể hiện, qua đó thể hiện vai trò đậm nét hơn ở ĐTQG. Điều đó sẽ giúp các lứa có sự tiếp nối đồng đều, tránh tình trạng mỗi cấp độ một triết lý, một lối chơi, một phong cách huấn luyện như nhiều năm qua.
Ngày về sông Hàn của Lê Huỳnh Đức Trong 4 lượt cuối của V.League 2022, chỉ còn 3 cuộc chạm trán trực tiếp giữa các đội trong nhóm đua trụ hạng. Một trong số đó là trận SHB.Đà Nẵng - Sài Gòn FC ở vòng 23 vào 17 giờ hôm nay 3-11. Lê Huỳnh Đức, Phan Thanh Hùng, 2 cái tên một màu áo Trong quá khứ, HLV Phan Thanh Hùng...