Anh Tá giúp làng cứu hàng tá lúa
Cánh đồng tục danh Ruộng Soi của đồng bào Raglai thôn Mỹ Hiệp (xã Mỹ Sơn, Ninh Sơn) canh tác vụ lúa đông-xuân chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Bà con gieo giống ML 202 ngắn ngày, gié lúa trĩu hạt vàng ươm trong nắng sớm. Nhiều gia đình ở Mỹ Hiệp thêm một mùa vàng ấm no nhờ tinh thần nỗ lực vượt hạn chia sẻ nguồn nước của anh Tà-in Tá.
Đã qua tuổi “lục tuần”, bước đi dáng đứng của Tà-in Tá vẫn lanh lợi như trai làng. Anh dẫn đường đưa chúng tôi lội ruộng trên những bờ thửa nhỏ hẹp vừa đủ bước chân người đi. Đứng trên cánh đồng Ruộng Soi, anh cho biết khu ruộng này rộng khoảng 3 ha, bà con xuống giống vụ đông-xuân vào đầu tháng 1-2017.
Tuy được hưởng lợi từ hồ Phước Trung, nhưng do nằm ở vùng cuối kênh nên thường xuyên bị hụt nước vào mùa khô. Khi cây lúa tròn mình chuẩn bị trổ bông thì thiếu nước tưới. Gia đình anh có giếng chủ động bơm tưới cho 6 sào ruộng nên bảo đảm thu hoạch cho năng suất khoảng 7 tạ/sào.
Các nông hộ quanh vùng gieo lúa cùng thời điểm đều bị hụt nước, Tà-in Tá chia sẻ nguồn nước “miễn phí”, đồng thời cho bà con mượn máy, ống dẫn bơm nước tưới cứu lúa với diện tích trên 2 ha của các hộ Mai Tốt 6 sào, Tà-in Hoan 4 sào, Tà-in Bọng 4 sào, Bo Máy 2,5 sào… Sau hơn 3 tháng đứng đồng, cây lúa bắt đầu chín rộ, năng suất ước đạt 65-70 tạ/ha.
Anh Tá bơm nước cứu lúa giúp bà con trên cánh đồng Ruộng Soi.
Cách đây 4 năm vào thời điểm khô hạn nhất của tỉnh ta, anh Tà-in Ná quyết tâm đào giếng khai thác mạch nước ngầm bơm tưới canh tác đậu xanh trên ruộng lúa. Anh đã kiên trì đào giếng đến lần thứ 5 mới gặp được mạch nước tốt.
Giếng đào sâu 10 m, thả 20 bi xi măng và lắp đặt máy dầu D15 bơm tưới. Nhờ có giếng đào, anh chủ động bơm tưới bổ sung cho cây lúa và chia sẻ nguồn nước giúp bà con thôn xóm. Tà-in Ná cho biết: Mình đào được giếng có nguồn mạch thấm từ suối Sa Ra vô luôn đầy nước. Tôi cho mượn giếng, mượn máy, mượn ống, bà con chỉ tốn tiền mua dầu đổ vô máy bơm tưới 4-5 lứa là lúa chín có thu hoạch.
Video đang HOT
Tà-in Tá là nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu của thôn Mỹ Hiệp. Khi lập gia đình, anh khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, vợ chồng đi làm thuê cuốc mướn sinh sống qua ngày. Đến năm 1982, vợ chồng anh tích lũy vốn mua con bò cái giống. Từ một con bò cái được chăm sóc chu đáo đã sinh sản hàng chục con bò. Anh bán bò xây nhà ở khang trang và mua sắm thiết bị cơ giới đưa vào đồng ruộng.
Từ chiếc máy tuốt lúa đầu tiên mua năm 2007 với giá 36 triệu đồng, đến nay anh là chủ nhân của hai chiếc máy cày Shibaura D26 và D28F do Nhật Bản sản xuất và một chiếc máy đập ra hạt bắp, đậu xanh trị giá trên 300 triệu đồng. Nguồn hoa lợi canh tác 4 ha đất trồng hoa màu, 6 sào ruộng lúa kết hợp chăn nuôi bò và làm dịch vụ cơ khí, gia đình anh có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm, bảo đảm cuộc sống no ấm. Bà con thôn xóm khó khăn đều được anh tận tình giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn.
“Qua 42 năm đất nước hòa bình và 25 năm tái lập tỉnh Ninh Thuận, Nhà nước đã quan tâm tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số làm ăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhà nước giúp đỡ bà con xây dựng nhà ở, hỗ trợ giống sản xuất, ưu tiên cho con em thôn Mỹ Hiệp học tập, có nhiều người tốt nghiệp đại học. Tôi luôn động viên xóm làng phải chủ động tính toán làm ăn, dành dụm vốn liếng đầu tư cho sản xuất, vươn lên làm giàu, góp phần xây dựng nông thôn mới”-anh Tà-in Tá phấn khởi chia sẻ
Theo Sơn Ngọc (Báo Ninh Thuận)
Nông dân đắp đập, nắn sông lấy nước cứu lúa
Sau 1 ngày đội nắng, hơn 200 người dân ở 2 thôn Phước Lộc Tây và Phước Lộc Đông (xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đã hoàn tất con đập tạm dài hơn 300m để dồn dòng chảy sông Trà Khúc về phía bắc, lấy nước bơm tưới cho 53 ha lúa chuẩn bị gieo sạ cho vụ hè thu sắp đến...
Đó là một trong những cách cứu lúa của người miền Trung trong cơn nắng hạn quay quắt kéo dài.
Chỉnh dòng Trà Khúc
Người dân Tịnh Sơn đang làm bờ đắp ngăn dòng Trà Khúc. Ảnh: Công Xuân
Với tình trạng khô hạn dữ dội như năm nay thì việc sử dụng các hình thức làm đập, đắp bờ tạm nhằm tận dụng nguồn nước trên sông Trà, hay các con sông suối khác trên địa bàn tỉnh để lấy nước phục vụ cho sản xuất là đáng khuyến khích và biểu dương". Ông Nguyễn Thanh Lạc
Từ nhiều năm qua, nguồn nước tưới chính để cung cấp cho 8 xứ đồng, gồm: Sau Ngôn, Rộc Phùng, Cây Vừng, Đầu Rừng, Cây Quýt, Cân Banh, Phú Triên... với tổng diện tích khoảng 53ha của người dân 2 thôn Phước Lộc Đông và Phước Lộc Tây là trạm bơm đặt ngay bờ bắc của sông Trà Khúc, đoạn đi qua khu vực này. Tuy nhiên, hạn quay quắt khiến trạm bơm vận hành nhỏ giọt, chính quyền địa phương cùng người dân đã phải ra tay.
Bà Nguyễn Thị Lụa (41 tuổi), người dân ở thôn Phước Lộc Tây, cho biết: "Chưa thấy năm nào mà hạn nặng như lần này, mới đầu mùa mà mực nước sông Trà đoạn chảy qua đây gần như đã kiệt nên trạm bơm bị hụt không thể hoạt động". Trước nguy cơ 53ha lúa của người dân 2 thôn không có nước để gieo sạ cho vụ hè thu đang cận kề sắp đến, chính quyền Tịnh Sơn đã huy động người dân làm bờ đập tạm có kích thước cao gần 100cm, rộng khoảng 0,5m và dài hơn 300m từ vị trí đặt ống ngay phía dưới trạm bơm, ra gần 1/3 phía giữa dòng để dồn nước về.
Ông Tôn Long Sĩ - Phó Chủ tịch UBND xã Tịnh Sơn cho hay: Việc đắp bờ tạm trên dòng Trà Khúc để dồn nước về trạm bơm, nhằm cung cấp cho cây trồng được làm từ nhiều năm rồi. Tuy nhiên năm nay do tình trạng hạn quá khốc liệt, nên đây là lần đầu tiên địa phương mới huy động dân ra làm bờ đắp, với số lượng nhiều gấp gần cả chục lần như vậy. Và hiện con đập tạm đã làm xong và trạm bơm đã hoạt động để cung cấp nước cho 8 xứ đồng này.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Lạc - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NNPTNT Quảng Ngãi) cho biết: "Việc làm đập tạm trên sông Trà Khúc để lấy nước phục vụ gieo trồng vụ hè thu không gây ảnh hưởng gì đến dòng chảy, hay đe dọa đến sự an toàn dòng chảy và hệ thống đê phía dưới con sông này".
Cũng để lấy nước giải hạn cho cây trồng, nhưng không đắp bờ cát tạm để dồn dòng nước như ở Tịnh Sơn, người dân thiểu số Hre ở thôn Hố Sâu, xã Ba Khâm, huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) có cách làm khá độc đáo. Họ sử dụng thân cây tre, keo, bạch đàn to bằng bắp tay người lớn để làm cọc đóng sát nhau, sau đó dùng bạt làm tường chắn ngang dòng chảy của con suối để làm đập, dẫn nước tưới cho ruộng lúa nằm ở cách đồng cách đó ước hơn 2.000m.
Tiền tỷ làm đập tạm
Tại Quảng Nam, liên tiếp trong những năm gần đây chính quyền và nông dân phải làm đập tạm ở sông Vĩnh Điện để cứu lúa, chống hạn và chống xâm nhập mặn.
Thi công đập tạm ở sông Vĩnh Điện, chống hạn và xâm nhập mặn cho vùng hạ du
Vu Gia - Thu Bồn. Ảnh: Nam Cường
UBND huyện Điện Bàn để cứu vụ hè thu thường cho làm đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt ở sông Vĩnh Điện. Năm nay, trước tình hình hạn đến sớm, huyện đã phải lập tức làm đập ngay trước Tết Nguyên đán. Như vậy, chỉ trong 1 năm, huyện đã 2 lần làm đập tạm. Việc làm đập diễn ra thần tốc, nhanh chóng vì yêu cầu chống hạn rất khẩn trương. "Chúng tôi thi công chỉ trong 10 ngày, trong điều kiện thời tiết lạnh để làm xong đê ngăn mặn" - ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết.
Theo ông Dũng, cuối năm 2015, khi người dân bắt đầu triển khai sản xuất, gieo sạ vụ đông xuân, lượng mặn đo được trên các cánh đồng ở Điện Bàn cao nhất là 5 phần ngàn, trong khi đó lúa trổ đòng chỉ chịu được 1 phần ngàn. "Có những lúc, hạ lưu ở huyện Điện Bàn trước khi làm đập ngăn mặn, chúng tôi đo được độ mặn là 3/2, tức trong 3 phần nước ngọt có 2 phần nước mặn. Sau khi làm đập đẩy mặn, giữ ngọt, chỉ số đo được là 3/0". Ước tính, đập tạm ngăn mặn ở Vĩnh Điện tốn khoảng 1,3 tỷ đồng, sẽ tự trôi hoặc được phá trước mùa mưa lũ. Đập ngăn mặn này sẽ tồn tại đến mùa mưa, tiếp tục cứu vụ đông xuân được dự báo sẽ sẽ còn vô cùng khắc nghiệt trong thời gian tới.
"Năm nay chúng tôi quyết liệt đề xuất được cho làm đê ngăn mặn vĩnh cửu. Phần vốn đầu tư được lấy từ chương trình chống biến đổi khí hậu, khoảng 130 tỷ đồng, gồm cả cầu cả âu thuyền. Nếu làm được dự án này, sẽ di dời trạm bơm Tứ Câu lên 500m nữa, sẽ tuyệt đối ngăn xâm nhập mặn, giữ ngọt, bồi đắp chất lượng đất sản xuất lúa" - ông Dũng nói.
Theo Danviet