Anh sẽ sa thải công chức “ngồi chơi lãnh lương”
Chính phủ Anh đang lên kế hoạch sa thải công chức yếu kém, lười nhác, làm việc không hiệu quả. Truyền thông Ireland và Bắc Ireland cũng lên tiếng báo động về tình trạng công chức làm ít chơi nhiều.
Trong khi chính phủ muốn chấn chỉnh bộ máy công chức thì nhiều công chức Anh biểu tình ở London chống cắt giảm ngân sáchẢnh: Reuters
Ngày 10-5, báo Daily Telegraph đưa tin Thủ tướng David Cameron “ngày càng mất kiên nhẫn” với sự yếu kém của các cơ quan nhà nước, điển hình qua việc phản ứng chậm chạp với cuộc khủng hoảng xăng dầu hồi tháng 3-2012. Các bộ trưởng liên tục than phiền về tình trạng công chức làm việc kém hiệu quả. Do đó, Chính phủ Anh quyết định phải “thay đổi toàn diện nền văn hóa công chức” bằng những biện pháp cực kỳ cứng rắn.
Video đang HOT
Có thể sa thải đến 90% công chức
Dự kiến chính phủ sẽ công bố kế hoạch cải tổ khối công chức trong tháng tới. Kế hoạch này sẽ ảnh hưởng tới toàn bộ 434.000 công chức đang làm việc cho các cơ quan nhà nước. Trên thực tế, nếu tính đến cả các tổ chức quốc gia và được chính phủ tài trợ, số công chức Anh lên tới 2,36 triệu người.
Daily Telegraph tiết lộ một số cố vấn của Thủ tướng Cameron thậm chí còn kêu gọi ông mạnh tay sa thải hàng chục ngàn công chức vô dụng. Steve Hilton, giám đốc chiến lược của thủ tướng Anh, đã gây sốc khi khẳng định nếu siết chặt mọi hoạt động, chính phủ có thể phải sa thải tới 90% công chức mà các cơ quan công quyền vẫn vận hành hiệu quả.
“Chất lượng giới công chức hiện nay rất tệ – một bộ trưởng nội các Anh thừa nhận – Bộ máy quá cồng kềnh. Các công chức rất lười biếng, trong khi lãnh đạo cơ quan khó sa thải bất cứ ai”. Bộ trưởng này khẳng định cắt giảm 90% công chức và trả lương rất cao cho 10% còn lại sẽ là bước cải tổ mạnh mẽ hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Cùng lúc, truyền thông Ireland và Bắc Ireland cũng chỉ trích dữ dội bộ máy công chức yếu kém. Báo Belfast Telegraph mô tả một cách giễu cợt việc chính quyền Bắc Ireland đang chi trả hàng chục ngàn bảng Anh mỗi năm cho các công chức “đọc báo và xem tivi hằng ngày”. Báo này cũng tố cáo việc hơn 1.000 công chức Bắc Ireland đã lĩnh thưởng hơn 2 triệu bảng Anh từ năm 2009-2012, thời điểm khủng hoảng tài chính tàn phá đất nước.
Công chức phải giống dịch vụ tư nhân
“Ý tưởng chỉ 4.000 công chức là đủ để điều hành cả bộ máy khiến mọi người phải nhìn lại một cách nghiêm túc hiệu quả làm việc của các công chức hiện nay” – một quan chức Văn phòng thủ tướng Anh thừa nhận.
“Quan niệm không thể sa thải công chức chỉ là chuyện hoang đường – ông Maude, quan chức Văn phòng nội các Chính phủ Anh, nhấn mạnh – Tất nhiên sa thải bất cứ ai đều là việc khó khăn, nhưng các công chức phải chấp nhận sự thật này”.
Theo kế hoạch cải tổ bộ máy công chức của chính phủ, các cơ quan nhà nước sẽ phải vận hành theo các nguyên tắc giống như công ty tư nhân. Lãnh đạo mỗi bộ phận và cơ quan sẽ phải đánh giá hiệu quả công việc của từng công chức theo những tiêu chuẩn nghiêm ngặt.
Báo Independent phiên bản Ireland chỉ ra rằng các công ty tư nhân Ireland hiện đang hoạt động rất hiệu quả trong những lĩnh vực mà nhà nước trước đó thống trị. Ví dụ, các chuyến bay của Hãng hàng không tư nhân Aer Lingus luôn rẻ hơn, đúng giờ hơn so với hồi được nhà nước quản lý. Các chuyến phà của Hãng Irish Continental Group hiện đại và có dịch vụ hơn hẳn đối thủ nhà nước B&I Line và Irish Shipping.
Tờ báo này khẳng định đã đến lúc giới công chức vương quốc Anh cần phải phát triển tư duy tương tự như dịch vụ tư nhân để xứng đáng với đồng lương lấy từ tiền thuế của dân mà họ nhận được mỗi tháng.
Theo Tuổi Trẻ