Anh rời EU: Thiếu ràng buộc pháp lý, Chính phủ Anh xí xoá kết quả?
Gần 52% người dân Anh đã bỏ phiếu chọn rời bỏ Liên minh châu Âu (EU), nhưng thực ra chính phủ Anh hoàn toàn có quyền bỏ qua kết quả này hay nói cách khác là “xí xoá chơi lại từ đầu”.
Báo Anh The Guardian nhận định, theo luật Anh, Quốc hội giữ chủ quyền tối cao, và các cuộc trưng cầu thường không mang tính ràng buộc về luật pháp và như vậy, kết quả trưng cầu dân ý ngày 23.6 vừa qua cũng không có giá trị về ràng buộc pháp lý và chính phủ Anh hoàn toàn có thể bỏ qua.
Lịch sử nước Anh từng ghi nhận những lần phủ quyết kết quả trưng cầu dân ý. Trong đó, năm 2011, khi nước Anh trưng cầu dân ý về việc áp dụng hình thức bầu cử mới, đã có một điều luật ghi rõ rằng chính phủ phải sửa lại luật dựa theo kết quả của trưng cầu. Tuy nhiên, với cuộc trưng cầu dân ý về việc rời EU kỳ này lại không có một luật nào quy định như vậy cả.
Hồi năm 1975, nước Anh cũng từng tổ chức trưng cầu dân ý về việc có nên ở lại trong EEC (tiền thân của EU) hay không và đại đa số người dân chọn “ở lại”. Khi đó, nghị sĩ Enoch Powell, vốn ủng hộ việc rời EEC, đã tuyên bố rằng kết quả trưng cầu dân ý chỉ mang tính tạm thời vì không có tính ràng buộc pháp lý với Quốc hội.
Giờ đây, sau khi gần 52% người dân Anh đã chọn Brexit, Thủ tướng David Cameron có quyền vận dụng điều luật 50 trong Hiệp ước Lisbon của EU: “Bất kỳ một quốc gia thành viên nào cũng có thể quyết định rời EU dựa theo các quy định của hiến pháp nước đó”.
Tuy nhiên mọi việc có vẻ như đang rắc rối ngoài sức tưởng tượng. Tuy có vỏn vẹn 5 khổ rất ngắn gọn và đơn giản, song Điều 50 Hiệp ước Lisbon về Liên minh châu Âu (EU) năm 2007 lại là quy định về cách thức nước Anh sẽ rời khỏi khối này. Sau khi các cử tri Anh lựa chọn “rời bỏ” trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23.6 vừa qua, có vẻ như rắc rối đang bắt đầu nảy sinh xung quanh điều khoản này.
Điều 50 chưa từng được sử dụng trong suốt lịch sử EU và được viết ra tại thời điểm mà việc một thành viên nào đó rời bỏ liên minh có vẻ như là điều “không tưởng”. Khổ đầu tiên của Điều 50 viết: “Mọi thành viên có thể tự quyết định rút khỏi Liên minh theo trình tự quy định bởi hiến pháp của mình”, và đây thực tế là lần đầu tiên EU phải đối mặt với một kế hoạch “ly hôn” thế này. Trung tâm của sự chú ý hiện nay là cuộc tranh cãi giữa London và các thành viên còn lại của khối về thời điểm và cách thức mà nước Anh sẽ rời bỏ liên minh.
Ông Robert Chaouad, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Các Vấn đề Chiến lược và Quốc tế (IRIS) cho rằng: “Điều khoản này nêu lên quá ít chi tiết về cách thức tiến hành quá trình rời bỏ liên minh của một thành viên”.
Điều 50 Hiệp ước Lisbon cũng quy định “một nước thành viên muốn rời khối phải thông báo cho Hội đồng châu Âu (gồm 28 lãnh đạo của các nước thành viên, hiện do Chủ tịch Donald Tusk đứng đầu) về ý định của mình”. Tuy nhiên, nội dung này lại không quy định thời điểm một nước thành viên phải ra thông báo chính thức, và đây đã trở thành “chướng ngại vật đầu tiên” sau khi có kết quả của cuộc trưng cầu ý dân hôm 23.6.
Dù sao đi nữa, cũng không có ràng buộc pháp lý nào về việc Thủ tướng Anh phải làm điều này. Về mặt lý thuyết, ông Cameron hoàn toàn có quyền bỏ qua kết quả trưng cầu và kêu gọi một cuộc bỏ phiếu mới trong Quốc hội, vốn chiếm đa số bởi các nghị sĩ ủng hộ EU. Nhưng cho đến nay, mọi diễn biến đang cho thấy ông Cameron dường như không đi theo hướng giải quyết này.
Ngày 24.6, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ từ chức vào tháng 10 tới và chính phủ mới của nước Anh sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán rời bỏ. Ông Cameron nói: “Tôi cho rằng điều nên làm là để tân thủ tướng đưa ra quyết định về thời điểm tiến hành Điều 50 và khởi động tiến trình pháp lý để Anh chính thức rời EU”.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU cho rằng việc thông báo về kế hoạch rời bỏ này nên diễn ra “càng sớm càng tốt” để giảm thiểu các bất ổn do việc Anh rời bỏ EU gây ra. Các nhà lãnh đạo EU cũng cho rằng, Thủ tướng Cameron nên làm điều này ngay trong hội nghị thượng đỉnh EU từ 28-29.6 tới.Tuy nhiên, có một điều rõ ràng theo quy định của Điều 50 là chỉ có nước thành viên đang có ý định rời khối mới có quyền quyết định thời điểm ra tuyên bố chính thức, và bởi vậy Brussels không được phép gây áp lực cho Anh trong việc này. Ông Jean-Claude Piris, hiện đang làm việc tại Viện Delors ở Brussels cho rằng “hoàn toàn bình thường và dễ hiểu” khi Thủ tướng Cameron muốn chờ tới khi người kế nhiệm chính thức tiếp quản công việc và để đảm bảo EU “không bức tử nước Anh”.
Về lý thuyết, Thủ tướng Anh David Cameron hoàn toàn có thể bỏ qua kết quả trưng cầu dân ý.
Video đang HOT
Cũng theo Điều 50 Hiệp ước Lisbon về EU, việc Anh tuyên bố về kế hoạch rời EU sẽ chính thức khởi động tiến trình đàm phán kéo dài 2 năm để hai bên xây dựng một thỏa thuận cho việc chia tách này. Sau đó, “các hiệp ước sẽ dần mất hiệu lực với quốc gia yêu cầu được ra khỏi liên minh”, hay nói đơn giản, là “Brexit” sẽ chính thức bắt đầu. Về lý thuyết, tiến trình đàm phán có thể sẽ được kéo dài nếu cần thiết, nhưng chỉ với điều kiện là cả Anh và 27 nước thành viên còn lại cùng đạt đồng thuận.
Điều 50 Hiệp ước Lisbon cũng nhấn mạnh một nước từng là thành viên EU có thể tìm cách tái gia nhập liên minh, theo các quy định của Điều 49. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc quá trình xét duyệt tư cách thành viên sẽ bắt đầu từ con số 0, tương tự cách mà các nước thành viên như Thổ Nhĩ Kỳ, Serbia và Albania từng làm. “Brexit” cũng cần 27 quốc gia thành viên còn lại của EU thông qua thỏa thuận rút khỏi liên minh của Anh với “đa số đủ”, và sau đó Nghị viện châu Âu cũng bỏ phiếu để thông qua với đa số cần thiết
Chuyên gia pháp lý David Allen Green của tờ The Financial Times cho rằng, những gì xảy ra sau cuộc trưng cầu kỳ này sẽ là vấn đề mang tính chính trị nhiều hơn là pháp lý. Chính phủ Anh có nhiều lựa chọn: Thứ nhất, hoàn toàn bỏ qua kết quả trưng cầu. Thứ hai, để cho Quốc hội bỏ phiếu nội bộ quyết định. Thứ ba, đàm phán lại với EU để lấy các điều khoản có lợi cho nước Anh và tiến hành trưng cầu dân ý lần thứ hai.
Dù sao đi nữa, việc các nước EU tiến hành trưng cầu nhiều lần liên tiếp cho đến khi nhận được kết quả “đúng” cũng đã từng diễn ra không ít lần.
Theo Danviet
Cuộc chia tay lịch sử Anh - EU qua hình họa con thuyền
Lựa chọn rời khỏi EU của người Anh được giải thích dễ hiểu qua hình ảnh những con thuyền tượng trưng cho các nước.
Người dân Anh đã có quyết định lịch sử trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6, khi đa số họ lựa chọn phương án Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Cuộc "ly hôn" đình đám này không chỉ là kết quả 4 tháng vận động quyết liệt của phe ủng hộ phương án rời EU (Brexit), mà còn là hậu quả của chủ nghĩa hoài nghi EU kéo dài nhiều thập kỷ.
Vì sao EU tồn tại
Theo Vox, châu Âu là một tập hợp các nước từng chiến đấu chống lại nhau, chẳng hạn như trong Thế chiến II. Vì vậy, sau Thế chiến II, nhiều nước cảm thấy cần hợp nhất để đoàn kết các nước châu Âu, bắt đầu với các ngành công nghiệp than, thép và sau đó mở rộng đến các vấn đề thương mại.
Thông thường, các nước đặt ra quy định riêng cho việc nhập khẩu. Ví dụ, nếu bạn muốn chế tạo xe hơi ở Pháp và bán sang Anh, bạn sẽ phải trả thuế để làm như vậy.
Hoặc giả sử bạn là người Pháp nhưng muốn sống và làm việc tại Anh, bạn sẽ phải trải qua một quá trình nhập cư kéo dài để làm việc đó hợp pháp.
Tây Âu có hàng chục quốc gia, mỗi nước có chính sách thương mại, nhập cư, và kinh tế riêng. Liên minh châu Âu (EU) về cơ bản bắt đầu từ một câu hỏi: sẽ thế nào nếu các quốc gia đều có những quy tắc tương tự? Điều gì xảy ra nếu tất cả rào cản biến mất?
Và đó là những gì EU làm.
Hầu hết các nước Tây Âu tham gia nhóm để hợp nhất quy định kinh tế của họ vào năm 1993. Họ làm điều này bằng cách cho phép người, hàng hóa, dịch vụ và vốn di chuyển tự do giữa các nước thành viên.
EU đã giúp tạo ra thời kỳ thịnh vượng kinh tế lâu dài và giữ gìn hòa bình cho khu vực.
Cuộc chia tay
Tuy nhiên, có những thách thức cho việc hợp tác này. Khi điều gì xấu xảy ra, nó sẽ ảnh hưởng đến tất cả các nước. Ví dụ như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, nhiều nhà kinh tế đồng ý rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu đã không ứng phó hiệu quả. hậu quả là tỷ lệ thất nghiệp tăng, các ngân hàng cần hỗ trợ, và nợ tại một số nước EU tăng vọt.
Nhìn thấy EU trong cơn khủng hoảng như vậy, một số nước đặt ra nghi ngờ về liên minh. Nhiều nước giàu có (như Anh) lo ngại rằng họ có thể phải mang gánh nặng giải cứu các quốc gia kém giàu có gặp khó khăn.
Đồng thời, một số người Anh không thích việc người nước ngoài chuyển sang Anh sinh sống ngày một nhiều. EU khiến cho việc công dân nước này di cư đến nước khác dễ dàng hơn. Và số người Anh có gốc gác nước ngoài cũng tăng vọt sau khi Anh gia nhập EU.
Các chuyên gia cho rằng có hai nguyên nhân chính dẫn đến xu hướng này. Thứ nhất, EU đã mở rộng quy mô và kết nạp thêm các nước nghèo hơn. Nhiều người dân ở các nước này di cư sang các nước giàu, như Anh. Thứ hai, khủng hoảng kinh tế năm 2008 khiến một số nước châu Âu đặc biệt khó khăn. Khi người dân chưa thể tìm được việc tại nước nhà, họ phải tìm việc ở nơi khác, như Anh.
Căng thẳng về nhập cư đã tăng đáng kể ở Anh trong những năm gần đây. Trong một cuộc khảo sát năm ngoái, 45% người Anh cho rằng nhập cư là một trong những vấn đề hàng đầu nước này phải đối mặt. 77% người Anh tin rằng số lượng người nhập cư vào nước này nên được giảm.
Ngày 23/6, Anh tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở EU. Người Anh đã chọn rời khỏi EU. Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố sẽ từ chức.
Anh và EU sẽ có hai năm để thống nhất về thỏa thuận cho cuộc chia ly. Anh nhiều khả năng mất đi các lợi thế và ưu đãi của EU.
Nhà kinh tế Jacob Funk Kirkegaard nói rằng vào thời điểm hiện giờ, các hãng xe Anh có thể yên tâm rằng họ có thể bán xe ở bất kỳ quốc gia EU nào, bởi vì các nước đều có cùng một tiêu chuẩn. Nhưng một khi Anh rời EU, nếu hai bên không thống nhất được thỏa thuận, việc doanh nghiệp bán Anh xe cho các nước EU có thể phức tạp hơn nhiều.
Không chỉ có xe hơi, các sản phẩm dược, công nghệ, thực phẩm, hay bất cứ sản phẩm nào của Anh cũng sẽ khó được nhập dễ dàng vào các nước EU.
Đồng thời, người Anh cũng sẽ gặp khó khăn khi di chuyển qua biên giới. Khoảng 1,2 triệu người Anh đang sống ở các nước EU khác. Họ đang làm việc ở các nước này mà không gặp nhiều rắc rối. Nhưng điều đó sẽ thay đổi.
Có kịch bản rằng Anh sẽ cố giữ thỏa thuận kinh tế với EU, cho phép họ giữ các đặc quyền kinh tế, giống như Na Uy. (Na Uy không phải là thành viên EU, nhưng đã đồng ý tuân theo một số quy định của EU để đổi lấy quyền truy cập thuận lợi thị trường chung châu Âu). Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng EU nhiều khả năng sẽ "chơi rắn" với Anh, và nếu thỏa thuận như vậy, Anh có thể vẫn bị ràng buộc bởi của quy định của EU.
Những tác động lớn hơn
EU giúp cho Mỹ tiến hành thương mại với châu Âu dễ dàng hơn, và cũng giúp Mỹ dễ dàng hơn khi đề nghị châu Âu giúp đỡ về địa chính trị. Thay vì nói chuyện với hàng chục quốc gia khác nhau, các quan chức Mỹ có thể đến cơ quan EU đàm phán.
Nếu Anh rời EU, Anh có thể sẽ không còn được tham gia vào các cuộc đàm phán đó nữa.
Sự ra đi của Anh cũng có thể có tác động xuyên suốt châu Âu. Hiệu quả kinh tế kém và việc xử lý không phù hợp cuộc khủng hoảng di cư khiến nhiều người dân ở một số nước, trong đó có Pháp và Tây Ban Nha, nói rằng họ muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý giống Anh. Vì vậy, quyết định của Anh có thể là mở màn cho một tương lai không mấy tươi sáng với châu Âu.
Phương Vũ
Đồ họa: Vox
Theo VNE
Brexit có thể phá vỡ cán cân quyền lực châu Âu Việc người dân Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) có thể phá vỡ cán cân quyền lực tại châu lục, làm giảm vai trò và ảnh hưởng của khối đối với thế giới. Thủ tướng Anh David Cameron. Ảnh: Reuters Quyết định ra đi của Anh khỏi Liên minh châu Âu (EU) chắc chắn sẽ gây ra...