Anh ra mắt vũ khí 13 USD có thể hạ gục được tên lửa, chiến đấu cơ triệu USD
Đối với nhiều quốc gia, việc phát triển vũ khí mới hiệu quả và tiết kiệm chi phí là một trong những ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực quốc phòng.
Gần đây, quân đội Anh đã ra mắt vũ khí laser mới giá chỉ 13 UsD mỗi lần bắn kèm quảng cáo rằng nó có thể tiêu diệt tên lửa hoặc chiến đấu cơ trị giá hàng triệu USD.
Anh tuyên bố thử nghiệm thành công vũ khí laser DragonFire. Ảnh: Bộ Quốc phòng Anh
Và gần đây, Bộ Quốc phòng Anh đã công bố đoạn video về cuộc thử nghiệm hệ thống vũ khí laser năng lượng định hướng (LDEW) có tên DragonFire. Bộ Quốc phòng Anh cho biết video được ghi hình trong cuộc thử nghiệm thành công DragonFire tấn công mục tiêu trên không, diễn ra hồi tháng 1 tại Scotland.
Kênh CNN (Mỹ) ngày 14/3 đưa tin vũ khí laser này có tiềm năng giúp quân đội Anh tiết kiệm hàng chục triệu USD so với các hệ thống đánh chặn tên lửa đang đảm nhiệm nhiệm vụ phòng không tương tự.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết DragonFire có thể tấn công chính xác các mục tiêu nhỏ như đồng xu ở tầm xa. Tuy nhiên, cơ quan này không đưa ra thông tin cụ thể về khoảng cách. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapp vào tháng 1, sau vụ thử nghiệm DragonFire đã đánh giá: “Loại vũ khí tiên tiến này có khả năng cách mạng hóa không gian chiến đấu bằng cách giảm phụ thuộc vào đạn dược đắt đỏ”.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Anh cho biết chùm tia laser có thể xuyên qua kim loại dẫn đến hư hỏng cấu trúc hoặc gây hậu quả nghiêm trọng hơn nếu nhắm mục tiêu vào đầu đạn tên lửa. Cơ quan này khẳng định có thể tiêu diệt các mục tiêu với chi phí chỉ bằng một phần rất nhỏ so với tên lửa phòng không.
Bộ Quốc phòng Anh ước tính chi phí cho mỗi lần phóng một chùm tia laser 10 giây vào khoảng 13 USD (321.000 đồng). Trong khi đó, tên lửa đất đối không Standard Missile-2 (SM-2) Hải quân Mỹ sử dụng trong phòng không tốn đến 2 triệu USD mỗi lần phóng.
Bộ Quốc phòng Anh vào tháng 1 kết luận vũ khí này có tiềm năng trở thành giải pháp thay thế chi phí thấp và lâu dài cho một số nhiệm vụ nhất định mà tên lửa đang đảm nhiệm.
Chi phí của tên lửa phòng không đã trở thành chủ đề nóng trong giới quân sự toàn cầu trong những năm gần đây khi máy bay không người lái giá rẻ thể hiện hiệu quả trong tấn công. Các nhà phân tích băn khoăn liệu Anh, Mỹ và các đối tác có thể tiếp tục sử dụng tên lửa trị giá hàng triệu USD để chống lại máy bay không người lái của lực lượng Houthi với một số trường hợp có giá dưới 100.000 USD.
Video đang HOT
Ông James Black, tại viện nghiên cứu RAND Europe trụ sở ở Anh, trong tháng 1 cho biết: “Máy bay không người lái và tên lửa giá rẻ đã làm thay đổi tính toán về tấn công và phòng thủ theo hướng có lợi cho những bên sử dụng số lượng lớn hệ thống không người lái và đạn dược giá rẻ để áp đảo các hệ thống phòng không và tên lửa phức tạp hơn”.
Tuy nhiên, ông Black và những người khác lưu ý rằng các loại vũ khí laser như DragonFire vẫn chưa được “thử lửa” trên chiến trường và sẽ có hạn chế.
Giám đốc Trung tâm Sáng kiến An ninh Quốc gia tại Đại học Colorado (Mỹ) – ông Iain Boyd đã viết bình luận trên tờ The Conversation đề cập đến một số vấn đề với vũ khí laser. Theo ông, mưa, sương mù và khói làm tán sắc chùm tia laser dẫn đến giảm hiệu quả. Bên cạnh đó, vũ khí laser tỏa nhiều nhiệt nên cần hệ thống làm mát lớn. Vũ khí laser di động, gắn trên chiến hạm hoặc máy bay cần sạc lại pin. Ông Boyd còn nói rằng các tia laser phải mất 10 giây “khóa chặt” vào mục tiêu đang di chuyển để xuyên thủng chúng.
Anh không phải là quốc gia đầu tiên phát triển vũ khí laser có thể bắn hạ mục tiêu trên không. Năm 2014, Hải quân Mỹ đã thử nghiệm và triển khai thành công hệ thống vũ khí laser trên tàu vận tải USS Ponce ở Vịnh Ba Tư. Hệ thống này có khả năng tấn công máy bay không người lái, phi cơ nhỏ và thuyền nhỏ.
Vào năm 2020 và 2021, Hải quân Mỹ thử nghiệm hệ thống laser tiên tiến hơn trên tàu tuần dương USS Portland. Đến năm 2022, hệ thống laser được lắp đặt trên tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Preble song đến nay vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.
Trong báo cáo năm 2023, Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) ghi nhận thành công của Lầu Năm Góc thử nghiệm vũ khí laser, nhưng đánh giá còn nhiều việc Bộ Quốc phòng Mỹ cần phải làm để phiên chế chúng, bao gồm cả việc tìm ra nhiệm vụ chính xác và chiến lược mua vũ khí.
Thay mới vũ khí: Bài toán đau đầu của Quân đội Anh
Ủy ban Quốc phòng của Hạ viện Anh mới đây đã công bố kết quả cuộc rà soát toàn diện khả năng tác chiến của quân đội nước này.
Bản báo cáo thẳng thắn thừa nhận rằng quân đội Anh đang mắc vào một vòng tròn luẩn quẩn: "Thiếu ngân sách khiến các trang thiết bị khí tài không được bảo dưỡng hay sắm mới, mà sĩ quan cũng không được huấn luyện sử dụng vũ khí một cách bài bản. Trong khi đó việc liên tục phải triển khai diễn tập hoặc thực chiến khiến các hệ thống vũ khí nhanh hỏng hóc, từ đó tăng thêm gánh nặng về ngân sách".
Lạc hậu
Lý do lớn nhất cho sự trì trệ kể trên là thiếu ngân sách. Văn phòng Kiểm toán quốc gia (NAO) thuộc Chính phủ Anh cho biết quân đội nước này cần khoảng 305,5 tỷ bảng chỉ để mua sắm trang thiết bị khí tài mới trong giai đoạn 2023-2033, vượt 16,9 tỷ bảng so với mức ngân sách đã được thông qua. Cần nhớ rằng từ năm 2020 đến nay, năm nào ngân sách chi cho quốc phòng của Anh cũng tăng để đáp ứng yêu cầu đạt 2% GDP của NATO. Hiện nay Anh là nước Tây Âu chi nhiều cho quân đội nhất, nhưng từng đó vẫn là chưa đủ.
NAO cho biết đến 1/5 ngân sách quốc phòng năm của Anh được chi vào kho vũ khí hạt nhân. Chi phí bảo trì các tên lửa, trạm phóng, tàu ngầm hạt nhân,... đã tăng 62% chỉ trong vòng một năm giữa những lần NAO kiểm tra. Các bộ phận khác của quân đội Anh đang buộc phải hy sinh ngân sách và khả năng tác chiến để duy trì hệ thống vũ khí hạt nhân. Đấy là chưa kể khoản tiền dự chi cho việc thay mới vũ khí hạt nhân. Khoản này dự kiến chiếm tới 34% ngân sách quốc phòng của Anh trong vòng 10 năm tới.
Hải quân Anh luôn lo sợ tàu sân bay Queen Elizabeth của họ lại hỏng.
Theo ông Anthony King, giáo sư quân sự tại Đại học Warwick, thì: "Các biện pháp cắt giảm ngân sách quốc phòng theo kiểu "thắt lưng buộc bụng" đã khiến quân đội mất đi phần lớn khả năng tác chiến. Hiện quân đội Anh chỉ có khoảng 82.000 lính bộ binh. Trong khi đó số xe tăng tạm gọi là hoạt động được cũng chỉ trên dưới 50, mà toàn là những xe đã cũ, hỏng hóc thường xuyên".
Kho vũ khí của quân đội Anh cũng đang rất thiếu những loại pháo hạng nặng, phương tiện bay không người lái (UAV), các hệ thống phòng không hiện đại, là những thứ khí tài đã khẳng định được vai trò quan trọng của mình trên chiến trường Ukraine. Nếu như quân đội Anh bắn nhiều đạn pháo như quân Ukraine vào thời điểm hiện tại, kho đạn của họ chỉ đủ dùng trong... hai ngày.
Từ thất bại đến thất bại
Lục quân Anh là lực lượng đối mặt với nhiều khó khăn nhất. Theo tướng Rupert Jones, cựu Chỉ huy các lực lượng JEF (lực lượng tác chiến chung giữa Anh và 9 nước Bắc Âu khác) thì: "Lục quân Anh không còn có đủ khả năng tác chiến ở mặt trận Châu Âu. Chiến tranh trên bộ bao giờ cũng cần nguồn nhân lực và khí tài rất, rất lớn, mà chúng ta không có đủ cả người lẫn tiền".
Ngân sách hiện nay của lục quân Anh không đủ để mua mới những loại xe bọc thép. Lấy ví dụ như xe tăng Challenger 3 do liên doanh Rheinmetall BAE Systems Land của Anh và Đức phát triển. Lục quân Anh hiện mới chỉ đặt hàng 148 chiếc Challenger 3, trong khi quân đội Ba Lan đã đặt đến 1.600 xe.
Chưa hết, trong những năm gần đây lục quân Anh liên tục "dính" phải những scandal liên quan đến việc mua sắm thiết bị, mà tai tiếng nhất là vụ xe thiết giáp Ajax. Năm 2014, Chính phủ Anh ký kết hợp đồng mua 589 xe thiết giáp Ajax với Tập đoàn General Dynamics của Mỹ. Số xe trên được kỳ vọng sẽ thay thế toàn bộ các xe thiết giáp Warrior còn trong biên chế. Nhưng quân đội Anh đã phát hiện ra vấn đề ngay từ những chiếc xe Ajax đầu tiên họ nhận được vào năm 2018. Xe chạy xóc và ồn đến mức tổ lái xe bị đau xương khớp, ù tai, buồn nôn và suy giảm thính lực cấp tính. Nếu xe chạy nhanh hơn 32 km/h thì thiết bị điện tử trong buồng lái đều hỏng hóc do bị rung lắc quá mạnh. Nghiêm trọng hơn nữa là bộ giảm xóc không đạt yêu cầu, khiến cho xe không thể vừa chạy vừa bắn. Hiện nay quân đội Anh đã phải tạm ngừng việc bàn giao xe Ajax mới để cùng với nhà sản xuất tìm cách khắc phục những khuyết điểm nghiêm trọng trong thiết kế.
Giữa lúc chưa có đủ nguồn vốn để mua xe bọc thép mới, quân đội Anh đang quay sang việc đại tu, nâng cấp những loại xe cũ như tăng Challenger 2 và xe Warrior, nhưng việc này cũng chỉ đang diễn ra ì ạch do thiếu vốn. Trong khi đó, giới nghị sỹ Anh lại đang gây sức ép lên quân đội phải minh bạch trong việc sử dụng ngân sách. Một hạ nghị sỹ giấu tên trả lời phỏng vấn tờ The Guardians: "Tôi sẵn sàng bỏ phiếu vào dự luật tăng chi quốc phòng thêm 16,5 tỷ bảng Anh, nhưng trước hết tôi phải biết rõ Bộ Quốc phòng định phân bổ số tiền đó như thế nào? Tôi phải chắc chắn rằng họ sẽ không tiếp tục "ném tiền" vào những "hố đen" như xe Ajax".
Hải quân Hoàng gia Anh, "niềm tự hào" một thời của quốc gia này cũng đang ở trong tình thế khó khăn. Điều này nghe có vẻ vô lý khi nước Anh hiện sở hữu hai tàu sân bay là tàu Queen Elizabeth và Prince of Wales. Nhưng theo những nhà quan sát thì đây không phải là kết luận đáng ngạc nhiên.
Hạ nghị sỹ Tobias Ellwood, nguyên thành viên Ủy ban Quốc phòng, phàn nàn: "Hai tàu Queen Elizabeth và Prince of Wales đội giá gần như gấp đôi dự toán ban đầu mà lại còn chậm bốn năm so với thời hạn bàn giao. Đấy là sau khi Bộ Quốc phòng đã phải cắt bỏ một số tính năng của tàu như dàn phóng máy bay để vừa với ngân sách và tiến độ. Chưa hết, hai tàu liên tục hỏng hóc và phải nằm ở cảng trong thời gian dài để sửa chữa".
Mới đây nhất thì tàu Queen Elizabeth đã phải rút khỏi một cuộc tập trận chung giữa hải quân các nước NATO ở Na Uy. Ngay trước ngày tàu rời cảng Portsmouth, thủy thủ trên tàu phát hiện ra trục chân vịt bên phải có vấn đề. Hải quân Anh phải vội vã cho tàu Prince of Wales xuất cảng đi thay tàu Queen Elizabeth tham gia cuộc tập trận. Bản thân tàu Prince of Wales cũng từng gặp vấn đề với trục chân vịt vào năm 2022. Khi đó thì trục chân vịt của tàu bị vỡ do lắp đặt không đúng quy trình. Đấy là lần hỏng hóc lớn thứ ba của tàu Prince of Wales sau chỉ ba năm đi vào phục vụ. Trước đó khoang tàu đã bị rỉ nước và ngập đến hai lần.
Ngoài tàu sân bay ra thì Hải quân Anh cũng phải đau đầu về các loại tàu chiến khác. Họ đang cần thêm rất nhiều tàu khu trục và khinh hạm để "lấp đầy" khoảng trống trong các hạm đội. Đáng lẽ những tàu khinh hạm lớp Type 31 đầu tiên phải được bàn giao cho Hải quân Anh vào năm 2023, nhưng đến nay vẫn chưa bàn giao được tàu nào. Nhà thầu cho biết nhanh nhất cũng phải đến 2027 thì chiếc tàu Type 31 đầu tiên mới hạ thủy. Điều đó có nghĩa Hải quân Anh sẽ phải tiếp tục tìm cách hoàn thành nhiệm vụ trong vòng 4 năm tới với chỉ 19 tàu hộ tống trong biên chế.
Vào thời Chiến tranh Lạnh, không quân Anh có 31 phi đoàn máy bay phản lực. Hiện nay họ chỉ có 7 phi đoàn. Không quân Anh đã phải cho "nghỉ hưu sớm" nhiều loại máy bay như Typhoon T1A, C-130 Hercules,... vì không đủ phụ tùng thay thế. Họ cũng buộc phải cắt giảm hợp đồng đặt mua máy bay cảnh báo sớm E-7 Wedgetail từ 7 xuống còn 3 chiếc. Ngay cả việc lắp mới radar mảng quét điện tử chủ động (AESA) lên chiến đấu cơ Typhoon cũng đang diễn ra vô cùng chậm chạp. AESA được coi là bộ phận tối quan trọng của bất kỳ máy bay chiến đấu hiện đại nào. Ngoài việc thiếu kinh phí và linh kiện, việc lắp đặt AESA còn gặp khó khăn ở chỗ máy bay Anh hiện đang phải liên tục triển khai từ sân bay quân sự Akrotiri ở Cyprus để tấn công quân Houthi ở Yemen.
Những chiếc xe bọc thép Ajax vẫn còn nằm trong giấc mơ của quân đội Anh.
Khủng hoảng con người
Thiếu ngân sách để mua sắm, nâng cấp thiết bị là một chuyện, nhưng quân đội Anh cũng thiếu cả người vận hành thiết bị.
Nhân lực đã thiếu mà lại còn yếu cả chuyên môn. Tướng Rupert Jones nhận xét: "Thời tôi còn là trung úy đóng quân ở Đức, đơn vị tôi dành ra năm tháng mỗi năm để luyện tập vượt đúng 20 dòng sông, quả núi. Phải làm vậy thì chúng tôi mới sẵn sàng đối phó được với quân đội Liên Xô. Bây giờ thì các khoa mục huấn luyện chỉ còn gói gọn trong hai tháng, mà nhiều đơn vị còn chẳng đủ kinh phí để hoàn thành kế hoạch luyện tập... Nhiều binh sỹ không hề có bất kỳ kinh nghiệm sử dụng UAV nào vì cấp chỉ huy không dám đem UAV ra diễn tập vì sợ hỏng".
"Búa rìu" dư luận Anh đang hướng về Capita, một doanh nghiệp tư được Bộ Quốc phòng Anh thuê để vận hành đường dây liên hệ tuyển quân. Capita hoạt động tắc trách đến mức mấy tháng sau khi có người nộp đơn xin nhập ngũ thì phía quân đội mới nhận được đơn. Chưa hết, nhiều người trẻ cũng chẳng mặn mà gì chuyện nhập ngũ vì lương thấp, chế độ thấp, doanh trại tồi tàn lại đầy rẫy tệ nạn.
Vào ngày 25/1 qua, Tổng tham mưu trưởng quân đội Anh là tướng Patrick Sanders đã có một bài phát biểu kêu gọi lòng ái quốc của người Anh nhằm mong có thêm nhiều người nhập ngũ. Dư luận Anh hiểu lầm rằng tướng Patrick muốn đưa trở lại chế độ quân dịch và đã phản ứng vô cùng mạnh mẽ. Tuy sau đó hiểu lầm đã được xóa bỏ, nhưng có một điều mà các nhà quan sát không thể bỏ qua, đó là quân đội Anh không thể giải quyết được vấn đề thiếu nhân lực trong tương lai gần. Họ sẽ phải đưa ra không ít cải cách mang tính căn bản về tổ chức bộ máy và quy cách hoạt động nếu như muốn lấy lại lòng tin của người dân.
Ủy ban Quốc phòng Hạ viện Anh kết luận trong bản báo cáo của họ rằng: "Chúng ta đã quen với việc làm ngơ trước những vấn đề cố hữu của quân đội. Nhưng đó là câu chuyện thời bình, còn vào thời chiến thì chính những vấn đề đó sẽ trở nên nghiêm trọng hơn... Nếu như quân đội và chính phủ Anh không thực hiện ngay những bước cải cách mạnh mẽ thì cả hai chỉ có thể chấp nhận thất bại ngay từ trước khi chiến tranh xảy ra".
Tàu hàng Rubymar của Anh bị chìm ở Biển Đỏ Ngày 2/3, Chính phủ Yemen được quốc tế công nhận cho biết tàu chở hàng Rubymar của Anh, từng bị lực lượng Houthi tấn công vào tháng trước, đã bị chìm sau nhiều ngày lênh đênh trên Biển Đỏ. Tàu Rubymar bị hư hại nghiêm trọng sau khi bị trúng hai tên lửa dẫn đường của lực lượng Houthi. Ảnh: AFP Tàu Rubymar...