Ảnh quý về cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
Gặp gỡ nhân dân, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn luôn nở nụ cười đôn hậu, gần gũi. Nhìn nụ cười, nghe lời nói thân thương của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, nhân dân ta như thêm phần sinh khí hăng hái sản xuất, chiến đấu.
Những ngày này, Đảng, Nhà nước nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng đang có nhiều hoạt động nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Duẩn (7.4.1907 – 7.4.2017).
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn là người cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, người học trò lỗi lạc, người cộng sự gần gũi và tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn còn được người dân quý mến bởi sự thân thiện, nụ cười đôn hậu.
Không chỉ vậy, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn còn được nhắc đến nhiều với quan điểm con người phải có 3 yếu tố: lao động, tình thương và lẽ phải.
Hơn nữa, cố Tổng Bí thư Lê Duẩn – người được nhân dân yêu mến gọi bằng cái tên thân thương Anh Ba Duẩn có nụ cười rất đỗi chân tình.
Những bức ảnh được PV Dân Việt ghi lại tại Khu nưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn một phần khắc họa điều đó.
Tại Nhà trưng bày lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn có nhiều bức hình, tư liệu quý để thế hệ sau học tập, noi gương nhà lãnh đạo kiệt xuất.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976) và lần thứ V (1982) của Đảng, đồng chí Lê Duẩn được bầu giữ chức Tổng Bí thư.
Video đang HOT
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn là người học trò lỗi lạc, người cộng sự gần gũi và tin cậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bức ảnh Bác Hồ với đồng chí Lê Duẩn tại lễ kỷ niệm lần thứ 22 ngày Quốc khánh nước nhà năm 1967.
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn trong một lần về thăm quê làng Bích La Đông (xã Triệu Đông, Triệu Phong, Quảng Trị – nơi mình sinh ra). Năm 1976, khi về thăm quê, nhìn xóm làng tan hoang, ruộng đồng bị bom cày đạn xới, đồng chí Lê Duẩn xúc động hỏi: “Dân quê mình còn đói ăn không? Tôi nhớ trước đây đến giêng hai là đói lắm, khoai sắn cũng không đủ ăn. Bây giờ trước hết phải lo cho dân có cơm ăn, áo mặc, con em phải được đến trường, phải lo cho tất cả mọi người, không phân biệt bên này, bên kia, vì ai cũng là công dân của nước Việt”.
Làng Hậu Kiên, xã Triệu Thành (Triệu Phong, Quảng Trị) là nơi đồng chí Lê Duẩn lớn lên. Mỗi lần về thăm quê, đồng chí Lê Duẩn luôn thăm hỏi, động viên bà con, bạn bè… hăng say sản xuất, phát triển kinh tế.
Trong lần đến thăm công trình đại thủy nông Nam Thạch Hãn (Quảng Trị), đồng chí Lê Duẩn không cầm được nước mắt khi thấy quê hương đổi mới nhờ đồng lúa có nước tưới, đời sống nhân dân nhờ thế đi lên.
Chứng minh thư và hộ chiếu của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn năm 1957.
Chân dung đồng chí Lê Duẩn do mật thám Pháp chụp năm 1940
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn là người đọc điếu văn trong lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng Trường Ba Đình, Hà Nội năm 1969. Trong buổi lễ truy điệu này, hàng triệu con tim Việt Nam và bạn bè quốc tế đã khóc thương trước sự ra đi của Bác Hồ.
Chữ ký của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn
Phút giây thư giãn của vị lãnh đạo kiệt xuất cùng cấp dưới của mình.
Ngôi nhà nhỏ nơi đồng chí Lê Duẩn từng sống vẫn được lưu giữ, tôn tạo. Mỗi năm có hàng ngàn người đến đây ngưỡng vọng về vị lãnh đạo kiệt xuất có tên gọi thân thương Anh Ba Duẩn.
Thế hệ trẻ luôn khắc ghi tâm huyết, lời dạy của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, ra sức phát triển đất nước ngày càng vững mạnh.
Theo Danviet
Tổng Bí thư Lê Duẩn trân trọng cách làm "xé rào" của ông Kim Ngọc
Theo PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc, những ai đã được gặp, làm việc, nghe Tổng Bí thư Lê Duân nói chuyện, thuyết trình hoặc giảng bài, đều có chung nhận thức đó là nhà lãnh đạo lỗi lạc, một trí tuệ lớn, một phương pháp tư duy khoa học, năng động, không dừng lại ở những kết luận sẵn có.
PGS -TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng cho biết: Trong sự nghiệp hoạt động của Tổng Bí thư Lê Duẩn, ông đã có những dấu ấn trong lĩnh vực nông nghiệp.
Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn còn được người dân quý mến bởi sự thân thiện, nụ cười đôn hậu. Ảnh tư liệu
Vào năm 1962, cách quản lý cũ như trong hoạt động nông nghiệp như tính công điểm, hành chính, đã bắt đầu bộc lộ những hạn chế, như năng suất lao động kém, tinh thần của người lao động trểnh mảng. Vào năm 1963, chúng ta có cải tiến quản lý hợp tác xã (gồm cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật theo Nghị quyết của Bộ Chính trị), đang tìm xem cách quản lý thế nào cho hiệu quả.
Năm 1966, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc là ông Kim Ngọc đã có sáng kiến "khoán hộ" sau này còn gọi là "khoán mười". Tuy nhiên cách làm mới này đã bị nhiều người phản đối và TƯ cho dừng lại vào năm 1968. "Mặc dù vậy nhưng sau đó Tổng Bí thư Lê Duẩn (lúc đó gọi là Bí thư thứ nhất) đã gặp gỡ để trao đổi, động viên ông Kim Ngọc một cách cởi mở, chân tình. Ông nói "khoán hộ" là cách làm mới, cần phải suy nghĩ, làm cho rõ hơn, tổng kết thêm, không nên bi quan" - PGS Phúc cho biết.
Vẫn theo PGS Phúc, vào giai đoạn 1976 -1978, hoạt động "khoán chui" trong sản xuất nông nghiệp của Đoàn Xá, Đồ Sơn, Hải Phòng khi bị phát hiện có nhiều ý kiến phản đối, coi giao ruộng cho nông dân là đi vào con đường tư hữu hóa. Cách làm này bị phê phán như cách làm của ông Kim Ngọc trước đây. "Mặc dù trong tập thể TƯ Đảng có nhiều người phê phán nhưng Tổng Bí thư Lê Duẩn vẫn trân trọng với cách làm tìm tòi và động viên những người đã nghĩ ra hướng đi này" - PGS Phúc nói.
Theo PGS Phúc, từ những cách làm như của ông Kim Ngọc rồi đến Đoàn Xá, Đồ Sơn, có thể nói đó là tiền đề đến Hội nghị TƯ 6 khóa IV tháng 8.1979, dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Lê Duẩn, Ban chấp hành TƯ Đảng đã ra Nghị quyết mở ra hướng phát triển nông nghiệp.
"Nghị quyết của TƯ khóa 6 khóa IV đã động viên người nông dân tận dụng bờ vùng, bờ thửa để sản xuất, canh tác, rồi cho phép xã viên được nuôi trâu, bò (trước đó trâu bò là lực lượng sản xuất chỉ có hợp tác xã được nuôi). Khi bắt tay vào làm mới phát hiện ra đất hoang hóa ở đồng bằng của chúng ta cũng còn rất nhiều, bởi vì do cách làm cũ người nông dân, xã viên chán nản, không muốn canh tác" - PGS Phúc cho hay.
Tiếp sau đó Ban Bí thư có Chỉ thị 100 vào tháng 1.1981: "Cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm người lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp" để thúc đẩy nông nghiệp phát triển.Theo PGS Phúc, thời gian đó, cả triền đê tả ngạn sông Hồng, hữu ngạn sông Hồng đều được bà con nông dân rào lại để trồng cỏ nuôi trâu, bò. Các đầm, hồ, ao được cho nông dân mượn của hợp tác xã để nuôi cá rồi giao lại bao nhiêu phần trăm. "Trước đó hầu như các đầm, ao kể trên không nuôi gì, nhiều người thường nói đùa ao, hồ của hợp tác xã nước trong veo, chỉ có đỉa" - PGS Phúc cho biết.
"Đó là quyết định của tập thể TƯ Đảng, của Bộ Chính trị, với vai trò là Tổng Bí thư, đồng chí Lê Duẩn đã có những đóng góp hết sức quan trọng" - PGS Phúc nhấn mạnh.
Theo Danviet
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc triển lãm về cuộc đời Tổng Bí thư Lê Duẩn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và cắt băng khai mạc triển lãm "Tổng Bí thư Lê Duẩn - Cuộc đời và sự nghiệp" chiều nay, 5/4, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. Triển lãm do Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức, mở cửa đón khách...