Anh phát hiện mối liên hệ giữa đội ngũ của ông Trump với Nga đầu tiên
Cơ quan tình báo Anh được cho là đã phát hiện ra mối liên hệ đáng ngờ giữa đội ngũ tranh cử tổng thống của ông Donald Trump với tình báo Nga từ cuối năm 2015, sau đó thông báo cho phía Mỹ về những dấu hiệu bất thường này.
Trụ sở Cơ quan Chỉ huy Thông tin chính phủ Anh. (Ảnh: GCHQ)
Guardian dẫn nguồn tin thân cận với tình báo Anh cho biết, Cơ quan Chỉ huy Thông tin chính phủ Anh (GCHQ), cơ quan tình báo có nhiệm vụ giám sát viễn thông nước ngoài, đã bắt đầu nhận thấy những “tiếp xúc” khả nghi giữa các cá nhân thuộc đội ngũ tranh cử của ông Trump với các đặc vụ nổi tiếng hoặc nghi là đặc vụ của Nga từ cuối năm 2015, tức một năm trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra.
Thông tin tình báo này sau đó đã được tình báo Anh chuyển cho những người đồng cấp Mỹ như một phần trong quy trình trao đổi thông tin thường lệ giữa hai bên, các nguồn tin cho biết. Trong vòng 6 tháng sau đó, từ cuối năm 2015 đến hè năm 2016, nhiều cơ quan tình báo khác của châu Âu cũng đã cung cấp các thông tin tương tự về mối liên hệ giữa đội ngũ của ông Trump với phía Nga cho tình báo Mỹ, trong đó có Hà Lan, Pháp, Đức, Estonia và Ba Lan.
Một nguồn tin cho biết lãnh đạo GCHQ khi đó là ông Robert Hannigan đã chuyển những thông tin tình báo mà Anh có được cho Giám đốc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan vào mùa hè năm 2016. Sau đó, ông Brennan đã sử dụng chính các thông tin do GCHQ cung cấp và các tin tình báo từ một số đối tác khác để mở cuộc điều tra về mối liên hệ giữa đội ngũ của ông Trump và Nga.
New York Times đưa tin, vào cuối tháng 8 – đầu tháng 9/2016, ông Brennan đã chuyển một loạt các thông tin mật cho một nhóm gồm 8 lãnh đạo cấp cao nhất của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Ông Brennan đã nói với các lãnh đạo này rằng CIA đã có bằng chứng cho thấy Điện Kremlin có thể đã can thiệp để giúp đỡ ông Trump đắc cử tổng thống.
Video đang HOT
Một nguồn tin khác nói rằng ông Brennan không tiết lộ nguồn cung cấp các thông tin mật trên, mà chỉ cho biết các đồng minh tình báo của Mỹ đã cung cấp các thông tin này. Tuy nhiên, bằng cách nào đó, ông Trump sau đó đã biết đến vai trò của GCHQ trong vụ việc này.
Theo Guardian, khi cung cấp các thông tin trên cho phía Mỹ, GCHQ không hề có ý định nhắm mục tiêu tấn công vào ông Trump hay đội ngũ của ông. GCHQ cũng không chủ định tìm kiếm những thông tin này, mà chỉ tình cờ có được khi tiến hành các hoạt động giám sát thường kỳ đối với các cơ quan tình báo của Nga.
Hiện nay, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang tiến hành điều tra để làm rõ nghi vấn về mối liên hệ giữa đội ngũ của ông Trump và Nga trong cuộc bầu cử Mỹ hồi năm ngoái. Theo đó, vai trò của GCHQ trong cuộc điều tra của FBI được cho là vấn đề vô cùng nhạy cảm. Hồi tháng 3, GCHQ đã phải ra thông báo bác bỏ những cáo buộc cho rằng cơ quan này theo dõi ông Trump trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống Mỹ.
Thành Đạt
Theo Guardian
Ngoại trưởng Mỹ nói quan hệ với Nga "đang xuống thấp"
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng quan hệ giữa Washington và Moscow đang ở mức thấp sau khi ông có cuộc hội đàm với người đồng cấp Sergey Lavrov và Tổng thống Vladimir Putin trong chuyến thăm Nga hôm 12/4.
Bất đồng về nhiều vấn đề
"Mối quan hệ (Nga - Mỹ) đang ở mức thấp. Mức độ tin tưởng giữa hai nước chúng ta cũng đang xuống thấp", RT dẫn lời Ngoại trưởng Rex Tillerson nói trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Sergey Lavrov tại Moscow hôm 12/4.
Trước cuộc họp báo, Ngoại trưởng Tillerson có cuộc gặp kéo dài 2 giờ đồng hồ giữa ông với Tổng thống Putin về một loạt vấn đề đang gây bất đồng trong quan hệ Nga - Mỹ hiện nay, liên quan tới cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học khiến hơn 80 người thiệt mạng tại Syria, vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad đối với tương lai của Syria, các động thái của Mỹ tại Trung Đông và sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái.
Liên quan tới vụ tấn công hóa học tại tỉnh Idlib, Syria, Ngoại trưởng Nga cho biết Moscow vẫn giữ lập trường về sự cần thiết của việc mở một cuộc điều tra về vụ tấn công này. Tuy nhiên, ông Lavrov cũng cho rằng bất kỳ nghị quyết nào của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc mà chỉ tập trung vào việc đổ lỗi cho chính quyền Syria, thay vì điều tra vụ việc xảy ra tại Idlib đều "phản tác dụng".
"Chúng tôi chắc chắn rằng, nếu các đồng nghiệp của chúng tôi tại Liên Hợp Quốc hoặc ở The Hague (Hà Lan - nơi có các tòa án quốc tế) tìm cách tránh né cuộc điều tra này, điều đó đồng nghĩa với việc họ không muốn tìm ra sự thật của vụ việc", ông Lavrov nói.
Về phần mình, Ngoại trưởng Tillerson nói rằng Mỹ chưa nhận được bất kỳ thông tin nào cho thấy các lực lượng của Nga có liên quan tới vụ tấn công hóa học, đồng thời khẳng định cuộc không kích bằng 59 tên lửa hành trình của Mỹ vào căn cứ không quân tại Syria hồi tuần trước là hoàn toàn "chính đáng". Ông Tillerson tiếp tục khẳng định vụ tấn công hóa học là do chính quyền Syria "lên kế hoạch, chỉ đạo và thực thi", bất chấp những lời bác bỏ trước đó của Damascus.
Ngoai trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) bắt tay người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson trong cuộc họp báo hôm 12/4 tại Moscow (Ảnh: Reuters)
Chủ đề "can thiệp bầu cử"
Cũng trong cuộc họp báo, Ngoại trưởng Lavrov cho biết Tổng thống Putin sẵn sàng nối lại việc thực thi bản ghi nhớ về an toàn bay giữa Nga và Mỹ tại Syria nếu Washington tái khẳng định cam kết của nước này trong mục tiêu chống khủng bố. Ông cũng nhấn mạnh rằng các cáo buộc của Mỹ về vụ tấn công hóa học là "không có cơ sở" và "thiếu bằng chứng" xác thực.
Liên quan tới cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, Ngoại trưởng Tillerson cho biết Mỹ rất "lưu tâm" đến mức độ nghiêm trọng về sự "can thiệp của Nga" trong cuộc bầu cử này. Nhà ngoại giao Mỹ cho biết sự can thiệp này "đã có từ lâu" và Moscow cũng đã phải nhận các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định ông không thấy có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
"Chúng tôi muốn nghe những bằng chứng cụ thể, rồi sau đó mới đưa ra phản ứng phù hợp", Ngoại trưởng Nga nói.
Về vấn đề Ukraine, Ngoại trưởng Tillerson cho biết sự đình trệ trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine có thể trở thành một rào cản trong quan hệ song phương. Ông nói: "Nếu các bên vẫn chưa đạt được tiến triển theo Thỏa thuận Minsk, thì tình hình ở Ukraine vẫn là một trở ngại cho việc cải thiện quan hệ Nga - Mỹ".
Đồng quan điểm với Ngoại trưởng Tillerson, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/4 cũng đưa ra nhận định về sự xuống cấp trong quan hệ Nga - Mỹ sau một loạt vụ việc gây căng thẳng gần đây, tuy nhiên ông chủ Nhà Trắng vẫn mong muốn mối quan hệ này được cải thiện trong thời gian tới.
Thành Đạt
Theo Dantri
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc tin chắc Nga can thiệp bầu cử Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley ngày 2/4 khẳng định không còn nghi ngờ gì về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 và Điện Kremlin sẽ phải đối mặt với các phản ứng của Washington sau khi cuộc điều tra hoàn tất. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley (Ảnh: Reuters)...