Anh ở biên cương – Kỳ 4: Máu đổ trên đường tuần tra
Trong môn học nghiệp vụ của Học viện Biên phòng có bài “Tổ chức Tuần tra – bảo vệ biên giới”, chỉ bảo rất cặn kẽ những thủ tục quy định chăm sóc mốc giới – biểu tượng của Quốc gia.
Mốc 504 ở Sơn Vĩ nhìn thẳng xuống doanh trại ĐBP Lũng Làn
Ở những đồn biên phòng (ĐBP) cơ sở, mỗi khi có cán bộ chiến sĩ mới về nhận công tác, bao giờ cũng phải tham gia các chuyến tuần tra biên giới định kỳ, để nắm bắt, quen dần với địa hình địa vật, địa bàn cơ sở và nhất là các tuyến đường biên, cột mốc giới do đơn vị quản lý… Điều này đã ngấm vào máu của mỗi người lính biên phòng.
Nhiệm vụ tuần tra cột mốc biên giới của lực lượng BĐBP nhằm kiểm tra hiện trạng cột mốc để chống phá hoại, dịch chuyển, bôi vẽ trên cột mốc, thể hiện chủ quyền và hình ảnh quốc gia.
ĐBP Xuân Trường (Bảo Lạc, Cao Bằng) được xem là đồn khó khăn nhất của tỉnh Cao Bằng, nên đường tuần tra dọc biên giới qua các cột mốc cũng gian nan.
Trung tá Đồn trưởng Nguyễn Hữu Vinh bảo: “Mỗi chuyến tuần tra, bộ đội lặc lè súng đạn, tăng võng, lương thực thực phẩm đi cả tuần liền. Ăn rừng ngủ bụi. Sau chuyến đi, quân y đều phải chăm sóc sức khỏe!”.
“Có những chuyến gặp mưa lũ, anh em bị mắt kẹt giữa rừng cả tuần liền, hết lương thực phải đào củ hái quả cầm cự, nước rút mới tiếp tục hành quân!”, trung tá Vinh kể thêm.
Với thượng tá Hoàng Văn Lập, Đồn trưởng ĐBP Cô Ba (Bảo Lạc, Cao Bằng), quãng chiều dài đường biên hơn 19 km do đồn phụ trách với 30 cột mốc (24 mốc chính, 6 mốc phụ) là sự tính toán rất khoa học, tỉ mỉ cho các tổ công tác tuần tra hằng tuần.
“Mốc 589 gần và dễ đi nhất cũng phải nửa ngày, nửa đường phải đi bộ xuyên qua rừng!” – thượng tá Lập lắc đầu nói vậy và trầm giọng: “Các mốc xa, đằng đẵng đi bộ mấy ngày mới đến. Anh em cứ đi tuần về là cho ngủ thoải mái, không phải làm bất cứ việc gì khác, bởi đi thế lúc nào cũng chong mắt canh gác, muốn cũng không dám ngủ!”.
Đại tá Hoàng Đình Xuất, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Hà Giang cho biết 12 ĐBP của tỉnh quản lý 442 cột mốc, trong đó có 425 mốc đơn, 8 mốc đôi và 9 mốc ba. Nhiều địa bàn, cột mốc nằm giữa bãi mìn còn sót lại từ hồi chiến tranh biên giới 1979 – 1989, chỉ duy nhất 1 đường mòn đặt vừa đủ gót chân vào chăm sóc mốc và máu của chiến sĩ BP đã đổ xuống khi kiểm tra mốc. Mới đây, cán bộ ĐBP Thàng Tín đã hi sinh trong khi tuần tra.
Phía Trung Quốc xây dựng trạm quan sát điện tử ngay sau mốc 422 (Lũng Cú, Đồng Văn, Hà Giang)
“Điểm khởi đầu đường biên giới giữa 2 nước Việt Nam – CHND Trung Hoa là giao điểm đường biên giới giữa 3 nước Việt Nam, Trung Hoa và Lào. Điểm kết thúc đường là điểm thứ nhất của đường phân định lãnh hải trong vịnh Bắc bộ giữa 2 nước Việt Nam – Trung Hoa quy định trong “Hiệp định giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa 2 nước trong vịnh Bắc bộ”, tổng chiều dài đường biên giới là 1.449,566 km, trong đó đường biên giới trên đất liền là 1.065,652 km, đường biên giới nước là 383,914 km. Như vậy, mốc biên giới giữa Việt Nam – Trung Hoa được đánh số liên tục tăng dần từ tây sang đông (từ ngã ba biên giới A Pa Chải, Mường Nhé, Điện Biên đến giới điểm 62 cửa sông Bắc Luân, Quảng Ninh). Mốc chính – phụ số lẻ do Trung Quốc cắm, Mốc chính – phụ số chẵn do Việt Nam cắm. Mốc đôi – mốc ba cùng số, thì ở nước nào nước đó cắm.
Tổng hợp số lượng cột mốc các tỉnh biên giới Việt – Trung là 1.970, trong đó: tỉnh Lai Châu có 117 mốc, Lào Cai 128, Hà Giang 442, Cao Bằng 632, Lạng Sơn 472 và Quảng Ninh 170 cột mốc”.
Video đang HOT
Thượng tá Lê Đức Nghĩa, Phó chủ nhiệm chính trị, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Điện Biên bên mốc 14 (2) tại Sen Thượng, Mường Nhé, Điện Biên
Mốc 428 địa đầu Lũng Cú (Hà Giang) và việc quét dọn mốc là thói quen của mỗi chiến sĩ biên phòng khi tới mốc biên giới
PV Thanh Niên tại mốc 3 do TQ cắm tại khu vực chợ A Pa Chải (Mường Nhé, Điện Biên)
Trung tá Nguyễn Hữu Vinh, Đồn trưởng BP Xuân Trường giới thiệu về mốc 612 tại Lũng Mật (Xuân Trường, Bảo Lạc, Cao Bằng)
Tổ tuần tra đường biên mốc giới với động tác chào mốc quen thuộc
Mốc 840 (2) bên bờ bờ sông Quây Sơn thuộc huyện Hạ Lang, Cao Bằng
Cột mốc cũ được xây dựng từ hồi Pháp thuộc, được trưng bày trong ĐBP Đàm Thủy (Cao Bằng)
Tổ tuần tra ĐBP Xuân Trường (Bảo Lạc, Cao Bằng) bên mốc 605
Giao nhiệm vụ cho tổ tuần tra đường biên mốc giới tại ĐBP Xuân Trường (Cao Bằng)
Chỉ huy ĐBP Cô Ba (Bảo Lạc, Cao Bằng) kiểm tra mốc 589
Theo TNO
Không quân - Hải quân Việt Nam: Pháo đài bất khả xâm phạm
Một ngày đầu xuân 2014, chúng tôi có dịp trò chuyện với đại tá Lê Mạnh Tiến, Phó tham mưu trưởng quân chủng Hải quân, phụ trách lực lượng Không quân - Hải quân, người có nhiều năm công tác và gắn bó với lực lượng này.
Kiểm tra kỹ thuật trước giờ huấn luyện bay ở Lữ đoàn 954, Không quân - Hải quân
Không gian phòng làm việc của đại tá Lê Mạnh Tiến được sắp xếp gọn gàng, đơn giản. Nhưng điểm nhấn chính với những mô hình máy bay quân sự hiện đại đã thu hút sự tò mò của chúng tôi. Như hiểu được ý định của phóng viên, đại tá Lê Mạnh Tiến vừa chỉ tay về phía các mô hình, vừa giới thiệu các mô hình máy bay EC-225, thủy phi cơ DHC-6, K28... đều đã được trang bị cho lực lượng Không quân - Hải quân.
Đây là bước tiến vững chắc của lực lượng Không quân - Hải quân nói riêng và quân chủng Hải quân nói chung trên lộ trình xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam tiến lên chính quy, hiện đại, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.
Truyền thống anh dũng
Đại tá Tiến nói rằng, sự ra đời và phát triển của lực lượng Phòng không Không quân - Hải quân đều gắn liền với quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của quân chủng Hải quân.
Để có được ngày hôm nay, đã có nhiều tấm gương cán bộ, chiến sĩ Phòng không Hải quân chiến đấu, hy sinh anh dũng. Người lính Phòng không Hải quân như những pháo đài bất khả xâm phạm để giữ vững biển, trời thân yêu của Tổ quốc.
Những chiến công ấy vẫn mãi là bài học kinh nghiệm còn nguyên giá trị, nhất là bài học về bố trí trận địa, sử dụng lực lượng, chấp hành kỷ luật; bài học về nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động, bình tĩnh, dám đánh và quyết đánh kẻ thù xâm lược. Bộ đội Phòng không - Không quân Hải quân đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh; đã phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ ít hiện đại đến hiện đại, để góp phần tô thắm trang sử truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.
Máy bay EC225 của Không quân Hải quân Việt Nam là một trong những loại máy bay bay biển hiện đại nhất hiện nay
Trong những năm vừa qua, để đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng Hải quân nói chung và lực lượng Không quân - Hải quân nói riêng đã được đầu tư về vật chất, vũ khí trang bị kỹ thuật và con người để tiến thẳng lên chính quy, hiện đại.
Trước đòi hỏi của thực tiễn, được sự quan tâm và chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Hải quân, Cơ quan chỉ đạo Phòng không-Không quân Hải quân đã được thành lập ngày 4.2.2010 theo Quyết định Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây được coi là mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của lực lượng Phòng không - Không quân thuộc quân chủng Hải quân.
Cũng từ đây, đội ngũ cán bộ được đào tạo chính quy ở trong và ngoài nước về chuyên ngành Không quân được trên bổ nhiệm và điều động về quân chủng Hải quân đảm nhiệm các vị trí, chức vụ quan trọng. Cùng với đó, quân chủng Hải quân cũng đã tuyển chọn các học viên tại Học viện Hải quân và quân chủng Phòng không - Không quân gửi đi đào tạo phi công ở nước ngoài như Canada, Pháp. Đây chính là đội ngũ cán bộ, phi công trẻ sau khi được đào tạo ở nước ngoài về sẽ là lực lượng chính để xây dựng và phát triển lực lượng Không quân - Hải quân hiện đại.
Đón Thủy phi cơ DHC-6 của lực lượng Không quân Hải quân về Việt Nam
Chính quy, hiện đại
Hiện nay, lực lượng Không quân - Hải quân đã thành lập mới, như Phi đội EC-225, Phi đội DHC-6, Lữ đoàn Không quân - Hải quân 954 và được đầu tư xây dựng doanh trại, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật tại Cam Ranh, Khánh Hòa khá đồng bộ và hiện đại.
Đội ngũ cán bộ được tuyển chọn và điều động từ các học viện, nhà trường, đơn vị trong quân đội về công tác tại các đơn vị Không quân - Hải quân đều có trình độ chuyên môn tốt, yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị và xác định rõ mục tiêu phấn đấu.
Để đội ngũ cán bộ, phi công, nhân viên kỹ thuật của lực lượng Không quân - Hải quân được rèn luyện qua thực tiễn, vừa có trình độ chuyên môn, vừa có bản lĩnh và kinh nghiệm, Cơ quan chỉ đạo Phòng không - Không quân quân chủng Hải quân đã tích cực, chủ động tham mưu và đề xuất với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân những chủ trương và giải pháp sát thực nhằm nâng cao trình độ chỉ huy và thực hành cho tất cả các lực lượng Phòng không - Không quân Hải quân theo phương châm "tự đào tạo, đào tạo lại" thông qua tập huấn, diễn tập và nhiều hình thức khác...
Cơ quan cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên ngành liên quan tổ chức huấn luyện, đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ các cấp về nội dung chỉ huy tham mưu phòng không; tổ chức tập huấn cán bộ tiểu đội, khẩu đội, nhân viên tiêu đồ, máy đo xa cho hàng ngàn lượt người.
Câu chuyện giữa chúng tôi và đại tá Lê Mạnh Tiến bị ngắn quãng khi có trực ban không quân chuyển điện báo cáo: "Phi đội EC-225 và Phi đội DHC-6 tổ chức ban bay huấn luyện đầu xuân đúng kế hoạch, đảm bảo an toàn tuyệt đối".
Niềm vui lộ rõ trên gương mặt của vị đại tá có nhiều năm gắn bó với lực lượng Không quân - Hải quân.
Theo TNO
Quảng Bình: Sắc Xuân nơi biên giới Nhằm gắn kết tình quân dân nơi biên giới, những ngày qua Đồn Biên phòng Ra Mai đóng tại xã miền biên Trọng Hóa, huyện Minh Hóa (Quảng Bình) đã tổ chức các hoạt động vui xuân, đón tết đầy ý nghĩa cho bà con nơi đây. Cũng như mọi miền biên cương trên khắp tổ quốc, Xuân Giáp Ngọ 2014 cũng đang...