Anh nông dân trẻ với mô hình “2C”
Chuyện chàng trai Huỳnh Nguyên Đăng ( xã Phước Thuận, Ninh Phước) sử dụng bã bia nuôi cừu vỗ béo đang thu hút sự quan tâm của nông dân địa phương.
Anh Lê Văn Duôn, cán bộ nông nghiệp xã Phước Thuận đưa chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi cừu của anh Đăng nằm ven bờ sông Quao. Ít ai ngờ chàng trai 30 tuổi ở làng Phước Khánh đã mạnh dạn đầu tư tiền tỷ vào nghề nuôi cừu vỗ béo theo hướng thâm canh, ứng dụng công nghệ cao.
Trang trại của anh Đăng đang trong giai đoạn xây dựng cơ bản theo mô hình “2 C” (cừu-cá) trên diện tích 4.000 m2. Chuồng cừu được đúc trụ bê-tông, mặt sàn đóng gỗ với diện tích 1 m2/con, mái lợp tôn; sân và máng ăn được xây gạch kiên cố. Anh đang đào hai ao rộng khoảng 1.000 m2 sử dụng mạch nước ngầm nuôi cá nước ngọt nhằm tận dụng nguồn thức ăn thừa của đàn cừu.
Trang trại Huỳnh Nguyên Đăng sử dụng bã bia nuôi cừu vỗ béo đạt hiệu quả.
Huỳnh Nguyên Đăng khởi nghiệp nuôi cừu vỗ béo từ giữa năm 2016 đến nay. Lứa “đầu tay”, anh nuôi 100 con cừu, với trọng lượng 15 kg/con. Sau 6 tháng cho ăn bã bia kết hợp bổ sung thức ăn xanh, đàn cừu xuất chuồng đạt trọng lượng bình quân 35 kg/con. Lứa cừu đầu tiên, anh vừa làm, vừa học tập kinh nghiệm và xây dựng chuồng trại nên chưa có lãi. Hiện nay, anh tiếp tục nuôi lứa cừu thứ hai số lượng 200 con. Qua hơn một tháng vỗ béo, đàn cừu có trọng lượng trung bình 20 kg/con. Anh Đăng cho đàn cừu ăn bã bia với khẩu phần khoảng 15% trọng lượng cơ thể, chia làm 4 bữa/ngày. Đồng thời thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng trừ dịch bệnh theo hướng dẫn của thú y cơ sở. Nhờ đó, đàn cừu nuôi vỗ béo đạt tỷ lệ sống cao; khả năng tăng trọng nhanh, giảm chi phí đầu tư.
Anh Đăng cho biết, bã bia là sản phẩm tách ra sau khi lên men bia; phần nước được nhà máy sử dụng chế biến bia. Bã bia tươi có mùi thơm, giàu vitamin và hàm lượng đạm khá cao nên dùng làm thức ăn cho gia súc rất tốt. Anh hợp đồng với đơn vị cung cấp bã bia dài hạn, đáp ứng số lượng theo yêu cầu tăng trưởng của đàn gia súc. Anh tiếp tục đầu tư mở rộng chuồng trại đưa đàn cừu nuôi vỗ béo lên 700 con. Đồng thời, áp dụng công nghệ phun sương làm mát khu chuồng trại, tạo môi trường tiểu khí hậu ôn hòa cho đàn cừu phát triển theo hướng an toàn, bền vững.
Cán bộ nông nghiệp xã Phước Thuận và anh Huỳnh Nguyên Đăng kiểm tra đàn cừu.
Anh Lê Văn Duôn nhận xét: Huỳnh Nguyên Đăng là nông dân trẻ đầu tiên ở Phước Thuận thực hiện mô hình “2 C”. Anh sử dụng bã bia làm thức ăn nuôi cừu vỗ béo và nuôi cá nước ngọt. Đây là một hướng đi mới trong nghề chăn nuôi cừu kết hợp nuôi cá, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương. Qua đó, giúp đàn cừu tăng trưởng nhanh, trọng lượng đồng đều, ít bệnh tật, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.
Theo Sơn Ngọc (Báo Ninh Thuận)
Video đang HOT
Thợ lặn Formosa chạy thuốc từng ngày, chạy cơm từng bữa
Đa số các thợ lặn "vỡ tổ" trở về từ cảng nước sâu Sơn Dương mà chúng tôi tiếp xúc ở các phường Ninh Phước, Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) phải chạy cơm từng ngày bằng nhiều nghề khác nhau.
Formosa đã thừa nhận là thủ phạm khiến cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung. Ngư dân được đánh giá thiệt hại, bồi thường thiệt hại, còn các thợ lặn ở cảng nước sâu Sơn Dương (thuộc KCN Formosa Vũng Áng - Hà Tĩnh) phải nghỉ việc hàng loạt vì mắc nhiều triệu chứng bất thường ngay tại thời điểm cá chết. Giờ đây, họ vừa chạy thuốc từng ngày vừa chạy cơm từng bữa bằng nhiều nghề khác nhau. Người hết thế xoay xở vì nghèo khó, chấp nhận cược mạng với bệnh tật, tiếp tục trở lại ngụp lặn ở cảng nước sâu Sơn Dương để giải quyết cuộc sống. Vậy, ai sẽ trả lời cho câu hỏi: "Các thợ lặn bị bỏ rơi đến bao giờ?".
Mang bệnh, vẫn chấp nhận đi lặn
Ở làng biển Bá Hà 1, phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa, tôi chứng kiến nhiều ngôi nhà khang trang mọc lên nhờ vào nghề biển. Nhưng vật chất sờ ra trước mắt ấy không mang lại cuộc sống no ấm cho cư dân nơi này. Với chị Trần Thị Sùng (vợ thợ lặn Đỗ Bon, 47 tuổi), ngôi nhà của họ "vỏ bóng bẩy, ruột rỗng không".
"Nhìn vậy đó chứ không có gì cả chú à. Cuộc sống chật vật vô cùng" - chị Sùng rầu rĩ. Sau khi thợ lặn xấu số Lê Văn Ngày mất 20 ngày, cũng như nhiều thợ lặn khác ở cảng nước sâu Sơn Dương, anh Bon hoang mang, lo sợ. Anh Bon đinh ninh rằng, mình sẽ không bao giờ quay lại lặn biển thi công ở đó nữa.
Đội trưởng đội thợ lặn Nguyễn Còn (xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa) đề nghị các cơ quan liên quan xem xét lại nguyên nhân cái chết của anh Ngày. Ảnh: Nhiệt Băng
Nhưng cảnh nghèo đói làm anh thao thức, lay chuyển. Anh Bon quyết định lại quay ra Hà Tĩnh. Chị Sùng kể: "Anh đòi nghỉ rồi, tôi cũng khuyên thế, nhưng anh không nghỉ được, anh vẫn ráng đi làm, dù người thường xuyên mệt mỏi, ngứa ngáy mình mẩy. Nếu anh nghỉ gia đình sẽ không có cơm ăn. Tôi không có việc làm, trong khi 2 con đang ăn học, đứa sắp ra trường. Tất cả chi tiêu trong gia đình bây giờ đều nhờ cả vào nguồn thu nhập lặn biển của anh".
Nghề biển nói như chị Sùng là ba chìm bảy nổi. Trước khi ra Hà Tĩnh lặn biển cho Cty Nibelc, vợ chồng anh Bon hồ hởi vay mượn một khoản tiền lớn, sắm tàu đi biển, đánh bắt cá tôm. "Vợ chồng tôi đặt niềm tin vào con tàu đó rất nhiều. Nhưng hy vọng bao nhiêu thất vọng bấy nhiêu. Phần thu nhập bết bát, phần không có bạn đi, tàu hoạt động được một thời gian ngắn rồi nằm bờ, lỗ vốn, đổ nợ. Hết thế, hai vợ chồng buộc phải bán tàu, bỏ nghề. Giờ còn khoản nợ 60 - 70 triệu đồng không biết lấy đâu ra để trả" - lời chị Sùng rời rạc, đứt khúc.
Theo lời chị Sùng "giờ làm ngoài đó anh cũng mệt mỏi, ngứa ngáy", chúng tôi liên lạc với anh Bon hỏi thăm tình hình. Qua điện thoại, giọng anh Bon yếu ớt: "Tôi mệt lắm. Tôi đang nghỉ ngơi. Tôi còn nhức đầu, ngứa ngáy. Chiều tôi còn đi lặn nữa". Anh Bon là một trong số các thợ lặn được Cty Nibelc đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) khám sau cái chết tức tưởi của thợ lặn xấu số Lê Văn Ngày. Nhưng khám rồi, anh cũng chỉ nghe Cty Nibelc thông báo lại là bị gan chứ Cty không đưa kết quả khám trên giấy tờ cho anh tường tận, thỏa mãn. Và giờ đây, anh vẫn đánh cược bệnh tật của mình, trở lại lặn công trình ở Hà Tĩnh.
"Tôi biết anh giấu tôi nhiều chuyện, trong đó có tình trạng sức khỏe của mình. Tôi biết anh hy sinh cho tôi và các con nhiều lắm. Tôi nghe anh nói công trình còn khoảng 2 tháng nữa là hoàn thành nên anh ráng được. Anh cũng nói một thời gian ngắn nữa, Cty sẽ đưa anh cùng các thợ lặn đang làm đi Hà Nội khám, rồi có phương án bồi thường, hỗ trợ nhưng không biết như thế nào. Giờ gia đình tôi giờ chỉ biết nhờ ơn trên thôi" - chị Sùng nói như bất lực.
Bỏ rơi thợ lặn đến bao giờ?
Không hề phân vân khi nhận được thông báo kết quả "bị suy tim cấp" và "không khởi tố vụ án vì không dấu hiệu của tội phạm" về cái chết của thợ lặn Lê Văn Ngày từ cơ quan CSĐT Công an huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình), gia đình thợ lặn xấu số này đã liền gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan, gồm: UBND tỉnh Quảng Bình, Cty Formosa, Cty CP xây dựng và cung ứng lao động quốc tế (Nibelc), Viện Kiểm sát nhân dân huyện Quảng Trạch, Công an huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình) đề nghị xem xét lại cái chết của anh.
Đơn khiếu nại gia đình gửi các cơ quan liên quan đề nghị xem xét lại nguyên nhân dẫn đến cái chết của thợ lặn Formosa Lê Văn Ngày. Ảnh: Nhiệt Băng
Chị Đỗ Thị Hòa (vợ anh Ngày) nói với PV Lao Động: "Tôi mong nhận được câu trả lời xác đáng từ các cơ quan liên quan một lần nữa. Tôi sẽ đi đến cùng vụ việc để đòi công bằng cho chồng tôi". Chị Hòa cũng lần nữa khẳng định lại không chỉ chồng chị mắc phải các triệu chứng (ho han, khó thở, co giật, ngứa ngáy...) sau khi lặn ở cảng nước sâu Sơn Dương mà còn nhiều thợ lặn khác cũng bị triệu chứng tương tự.
"Thời điểm này cũng trùng vào thời gian xảy ra cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung mà báo chí lên tiếng, cũng như Chính phủ đã có kết luận và Formosa cũng đã thừa nhận. Chồng tôi bị tai nạn lao động, chết bất thường trong khi đang thi công cho doanh nghiệp (Cty Nibelc) nhưng tôi thấy rằng, doanh nghiệp chưa có trách nhiệm với người lao động bị tai nạn như thế nào. Vì vậy, tôi có ý kiến như sau: Điều kiện hoàn cảnh gia đình tôi vô cùng khó khăn, mẹ chồng tôi nay đã già yếu, bản thân tôi không có nghề nghiệp; các con không có việc làm, anh Ngày là lao động chính cho gia đình. Từ ngày anh mất, bản thân tôi suy sụp tinh thần, sức khỏe yếu đi. Tôi đề nghị các cơ quan có trách nhiệm xem xét giải quyết cho gia đình tôi".
Đa số các thợ lặn "vỡ tổ" trở về từ cảng nước sâu Sơn Dương mà chúng tôi tiếp xúc ở các phường Ninh Phước, Ninh Thủy (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) phải chạy cơm từng ngày bằng nhiều nghề khác nhau. Người đi bán dưa, người thuê nhà mở quán, người đi thả lưới gần bờ, người ngồi không... Đã nhiều tháng trôi qua, các thợ lặn ai nấy cũng chờ trông phản hồi có hỗ trợ thất nghiệp, bệnh tật cho họ hay không từ Cty Nibelc. Thế nhưng, theo các thợ lặn, một lời hỏi thăm thôi, cũng không.
Lo an táng cho anh Ngày xong, ngày 20.5, ít nhất 3 thợ lặn cảm thấy sức khỏe không ổn, đã tự đưa nhau vào BV Trường Đại học Y dược TP HCM khám. Kết quả người bị gan, người bị dạ dày, tá tràng... Riêng anh Lê Văn Thanh (em trai anh Ngày), ngoài chuẩn đoán bị tăng men gan, anh còn bị tăng lipid máu hỗn hợp (E 78.2), tăng acid uric (trong máu). Tuy nhiên, chẩn đoán này chỉ dừng lại ở bước khám tổng quát.
" Tôi khó khăn kinh phí nên không thể khám chuyên sâu để biết được triệu chứng đó có phải là do độc tố từ nước thải của Formosa gây ra hay không. Khó đến mức thời gian tái khám đã qua nhưng tôi cũng không có tiền để đi, đành phó mặc sức khỏe mình cho trời. Sống nhờ nghề biển, giờ tôi phải đi bán dưa kiếm ngày vài chục nghìn đồng" - anh Thanh cay đắng nói.
Thợ lặn Nguyễn Huy (SN 1979, thôn Mỹ Giang, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa) cho biết: "Điều tôi bức xúc nhất là sau cái chết tức tưởi của anh Ngày, chúng tôi phải tự đi khám bệnh, tự mua thuốc uống nhưng trách nhiệm của Cty với chúng tôi gần như bị bỏ ngỏ. Hãy nhìn thẳng vào thực tế, thời điểm cá chết, chúng tôi ai cũng mệt mỏi, choáng váng, ngứa ngáy như nhau. Formosa đã nhận trách nhiệm gây ra tình trạng cá chết hàng loạt, ngư dân được đền bù, còn các thợ lặn chúng tôi thì sao? Vì sao đưa chúng tôi đi khám ở BV Trung ương Huế, Cty Nibelc cũng không đưa kết quả khám cho chúng tôi?".
Ý kiến luật sư về cái chết của thợ lặn Formosa Lê Văn Ngày
LS Đào Trung Kiên Công ty luật TNHH Everest - Đoàn luật sư TP. Hà Nội: Gia đình anh Ngày có thể khiếu nại lại kết quả giám định. "Về trình tự thủ tục của cơ quan điều tra Công an huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình ra thông báo về kết luận giám định pháp y cũng như về việc không khởi tố vụ án hình sự trong vụ việc lần này thì theo tôi về mặt trình tự thủ tục thì cơ quan điều tra Công an huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện đúng theo quy định tại Điều 155, Điều 158 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành. Về mặt nội dung, gia đình có băn khoăn và thắc mắc về kết luận giám định pháp y, về nguyên nhân gây ra cái chết cho anh Lê Văn Ngày thì theo tôi theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự tại Điều 158, Điều 159, gia đình anh Ngày có thể khiếu nại lên cơ quan điều tra Công an huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình để tiến hành giám định lại theo quy định tại Điều 159, Bộ luật Tố tụng hình sự".
Thưa ông, sẽ có những giả thiết nào xảy ra trong trường hợp gia đình anh Lê Văn Ngày tiến hành khiếu nại?
- Sau khi gia đình anh Ngày thực hiện quyền khiếu nại về kết quả không khởi tố vụ án hình sự cũng như thông báo về kết luận giám định pháp y thì sẽ có những giả thiết xảy ra như sau: Thứ nhất, trong trường hợp, nguyên nhân gây ra cái chết cho anh Lê Văn Ngày không thay đổi thì cơ quan điều tra Công an huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình sẽ trả lời cho gia đình anh Ngày biết bằng văn bản. Trường hợp thứ hai, sau khi tiến hành giám định pháp y lại, nếu phát hiện ra những nguyên nhân khác gây ra cái chết cho anh Ngày và do lỗi của bên thứ ba thì trong trường hợp này, nếu như nguyên nhân gây ra cái chết cho anh Ngày do một cá nhân gây ra thì cơ quan điều tra Công an huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự, khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với cá nhân này trong trường hợp đủ các điều kiện cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự. Trường hợp thứ hai, nếu nguyên nhân gây ra cái chết cho anh Lê Văn Ngày là lỗi của một pháp nhân, ví dụ như trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình gây ô nhiễm môi trường và việc ô nhiễm môi trường này là nguyên nhân chính gây ra cái chết cho anh Ngày trong quá trình anh Ngày lặn xuống biển thì có thể xem xét trách nhiệm dân sự đối với pháp nhân trong trường hợp này có thể xem xét việc bồi thường thiệt hại cho người lao động theo Điều 609 Bộ luật Dân sự.
Thưa ông, sau khi có kết quả khám nghiệm tử thi của anh Lê Văn Ngày, phóng viên Báo Lao Động cũng đã mang kết quả đến cho anh Còn, là Đội trưởng đội thợ lặn tại cảng nước sâu Sơn Dương. Anh Còn cho biết, anh cũng có những biểu hiện bất thường sau khi lặn xuống cảng nước sâu Sơn Dương vào thời điểm cá chết. Anh đã yêu cầu phía công ty đưa anh và những người thợ lặn trong nhóm đi khám bệnh nhưng công ty chỉ đưa một số người đi khám và sau đó những người thợ lặn này cũng không được tiếp cận kết quả. Vậy trong trường hợp này, công ty đã làm tròn trách nhiệm của mình chưa?
- Theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Lao động, trong trường hợp xảy ra những sự cố bất ngờ, những tai nạn bất ngờ thì trách nhiệm của người sử dụng lao động là phải có những biện pháp, phương án ứng cứu khẩn cấp để khắc phục sự cố này. Trong trường hợp này, có hiện tượng sức khỏe của toàn bộ đội ngũ thợ lặn của công ty, sau khi thực hiện việc lặn cùng anh Ngày thì đã có những triệu chứng, biểu hiện về mặt lâm sàng giống nhau nên công ty phải có trách nhiệm tổ chức đưa những người này đi khám bệnh tại tổ chức khám chữa bệnh có chuyên môn để xác định được nguyên nhân gây ra ảnh hưởng sức khỏe cho những người lao động này là do đâu. Theo tôi thấy, trong trường hợp này công ty đã chưa làm tròn trách nhiệm theo Điều 140 của Bộ luật Lao động.
Ngoài ra, chúng ta có thể xem xét với nội dung theo quy định tại Điều 149 Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trang bị những phương tiện, thiết bị, dụng cụ phục vụ trong quá trình lao động của người lao động và những phương tiện bảo hộ lao động này phải đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này những người liên quan có thể có đơn yêu cầu, đề nghị thanh tra lao động của Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Hà Tĩnh vào cuộc để tiến hành điều tra về việc chấp hành Luật An toàn lao động tại công ty.
Nếu phát hiện ra những sai phạm của công ty trong việc giao kết hợp đồng lao động và tuân thủ những quy định khác của Bộ luật Lao động thì công ty có thể bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đó.
Nguyễn Hà - Phạm Dung (thực hiện)
Luật sư Vũ Như Hảo (Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa): Nhiều vấn đề phải làm rõ để đảm bảo các thủ tục tố tụng. "Bản thông báo giải quyết vụ việc mới chỉ dựa trên bản khám nghiệm tử thi. Trong khi đó, chính thông báo kết quả đã có nêu các thợ lặn khác cũng bị triệu chứng tương tự (ho, tức ngực, khó thở). Nếu suy tim, anh Ngày tử vong từ lâu rồi chứ đâu phải ngày hôm đó anh mới suy tim. Vì vậy, cần thiết phải khởi tố để điều tra nguyên nhân trực tiếp từ đâu dẫn đến suy tim cấp. Tôi ví dụ, người chết vì chấn thương sọ não thì điều gì dẫn đến chết như thế. Do đánh, đá hay đập... Đó là hành vi cấu thành tội phạm. Ở đây, đồ lặn của Cty Nibelc không đảm bảo theo phản ánh của các thợ lặn hay do bị nhiễm các yếu tố chất độc từ nước biển. Nếu vậy thì doanh nghiệp sử dụng lao động (Cty Nibelc) có vi phạm về trang bị bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động hay không. Các vấn đề này đều phải làm rõ để đảm bảo các thủ tục tố tụng".
Luật sư Trần Vũ Hải (Đoàn luật sư Hà Nội): Gia đình anh Ngày có quyền đề nghị Công an huyện Quảng Trạch cung cấp bản khám nghiệm tử thi để làm cơ sở khiếu nại. "Lẽ ra ở cuối thông báo kết quả giải quyết Công an huyện Quảng Trạch phải đề thêm dòng là gia đình có quyền khiếu nại thông báo này. Gia đình anh Ngày đặt nghi vấn và muốn biết nguyên nhân vì sao hơn 2 tháng trôi qua mới nhận được thông báo kết quả giải quyết là có cơ sở".
Nguyễn Phước Tín (ghi)
Theo_Phụ Nữ News
'Dấu chân du mục' trên cánh đồng chăn cừu ở Ninh Thuận Đến Ninh Thuận, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng những cánh đồng bạt ngàn với đàn cừu nhởn nhơ gặm cỏ và tìm hiểu cuộc sống của người dân du mục. Kể từ khi bộ phim "Dấu chân du mục" lên sóng truyền hình với những cảnh đẹp về cuộc sống dân du mục xứ nắng gió, nhiều du khách đã...