Anh nông dân làm giàu từ nghề… nuôi ruồi lính đen
Sau nhiều lần thất bại, anh Phan Xuân Hải (ở Hà Tĩnh) đã mạnh dạn nuôi ruồi lính đen để làm nguồn thức ăn chăn nuôi. Đến nay mô hình này đã đem lại hiệu quả rất lớn bởi chi phí gần như ‘0 đồng’.
Nguồn thức ăn chăn nuôi vô tận
Sau nhiều lần thất bại đến trắng tay, khiến gia đình lâm cảnh nợ nần chồng chất, ông Phan Xuân Hải (SN 1964), trú tại thôn Bắc Thành, xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đã mạnh dạn nuôi ruồi đen (hay còn gọi là ruồi lính đen) để tạo nguồn thức ăn cho vật nuôi. Đến nay mô hình này đã đem lại hiệu quả rất lớn bởi chi phí gần như “0 đồng”.
Bình quân mỗi ngày ông Hải thu được từ 500 đến 700 gam trứng ruồi, ngày nhiều thì trên 1kg.
Trao đổi với PV, ông Hải cho biết: “Do thất bại trong chăn nuôi, mà nguyên nhân chính là dịch bệnh, rớt giá, cũng như chi phí thức ăn quá tốn kém khiến gia đình lâm cảnh điêu đứng. Tuy nhiên, từ ngày chuyển sang nuôi ruồi đen, đến nay, mô hình nuôi ruồi lính đen gần như đã giải quyết dứt điểm nỗi lo lắng, sợ hãi vì kinh tế eo hẹp, khó khăn, nợ nần từng đeo bám tôi trong những năm qua”.
Từ những ngăn chuồng lợn bỏ trống do hậu quả từ dịch lợn tả châu Phi năm 2019, khiến 2.720 con lợn bị chết, thiệt hại trên 20 tỷ đồng, ông Hải đã vận dụng làm chỗ nuôi ấu trùng từ ruồi lính đen. Hiện nay, tại trang trại này luôn luôn có sẵn khoảng 50 tấn thức ăn từ ấu trùng để phục vụ vật nuôi như gà, vịt, ngan, cá, lợn…
Để chứng minh đây là nguồn thức ăn ưa thích, bổ dưỡng cho các loại vật nuôi, ông Hải lấy ấu trùng từ ruồi lính đen đổ vào máng. Ngay tức thì gà, vịt, ngan, lợn đổ xô vào, tranh nhau ăn ngon lành.
Theo ông Hải, ấu trùng từ ruồi lính đen không chỉ là thức ăn bổ dưỡng mà còn có tác dụng kháng thể, khả năng chống bệnh rất tốt. Từ khi dùng loại thức ăn này, 3.000 con gà, vịt, ngan không phải tiêm phòng, không hề bị chết hay còi cọc mà phát triển rất nhanh.
Những con lợn còn sót lại sau dịch tả lợn châu Phi nay đã béo tốt, khỏe mạnh nhờ nguồn thức ăn từ… ruồi đen
Chỉ tay vào 12 con lợn còn sót lại sau đợt dịch tả châu Phi, ông Hải cho biết: “Lợn chết hàng loạt, gia đình điêu đứng nên chẳng còn tâm trí nào mà rau cám. Sẵn ấu trùng từ ruồi lính đen nên cho ăn, không ngờ nó khỏe mạnh trở lại và hồi phục rất nhanh. Trong số 10 con lợn nái để làm giống, nay có con đã cân nặng lên đến 1,4 tạ”.
Video đang HOT
Cũng theo ông Hải, nếu nuôi riêng bằng thức ăn sạch như bã đậu, ấu trùng ruồi lính đen có thể dùng làm thức ăn cho người vì rất giàu chất đạm và can xi, phù hợp cho những trẻ em còi cọc, chậm lớn.
Hiện tại, bình quân mỗi ngày trang trại của ông Phan Xuân Hải cho ấp khoảng 500 gam trứng ruồi. Sau 2 tuần cho khoảng gần 2 tấn thức ăn chăn nuôi, có thể đáp ứng cho 1000 con lợn thịt.
“Trước đây, thời kỳ cao điểm, mỗi ngày trại lợn của tôi tiêu thụ khoảng 5 tấn thức ăn, tương đương 60 triệu đồng. Chỉ cần xuất muộn 2 ngày là mất cả trăm triệu tiền cám. Còn bây giờ, tôi không còn bận tâm bởi tác động của thị trường, bởi đã giải quyết được khâu thức ăn, giảm tối đa chi phí đầu tư”, ông Hải khẳng định.
Công việc nhàn hạ, chi phí thấp
Ông Hải cho biết, ruồi lính đen có vòng đời từ 45 đến 50 ngày tuổi. Quá trình sinh trưởng qua 4 chu kỳ: Trứng – Ấu trúng – Kén – Ruồi, sau khi đẻ trứng thì chết. Nuôi ruồi lính đen là một công việc rất nhà hạ, chi phí thấp, thức ăn rất dễ kiếm và rẻ, thậm chí là “0 đồng”.
Ấu trùng ruồi lính đen sau khi nở được 1 ngày tuổi
Cũng theo ông Hải, trứng ruồi được ấp bằng cách cho khoảng 100 gam trứng lên tấm lưới Inox rồi bỏ vào chiếc khay đựng bã đậu nành, cám công nghiệp, cám gạo có độ ẩm khoảng 80%, mục đích là không để trứng tiếp xúc trực tiếp với thức ăn gây hỏng trứng.
Sau 2 – 3 ngày thì trứng sẽ nở hết, ấu trùng sẽ tự chui xuống ăn bã đậu hoặc cám có sẵn trong khay. Nở xong 2 ngày thì đưa ra chuồng nuôi. Chuồng nuôi ấu trùng rất đơn giản, có thể dùng nền gạch, nền xi măng, hoặc lót bạt, không phải xây dựng cầu kỳ hay đầu tư tốn kém.
Nuôi ấu trùng 10 ngày tiếp theo thì có thể dùng làm thức ăn cho gà, vịt, ngan, cá, chim, lợn. Cứ 100 gam trứng ruồi lính đen có thể cho 3 đến 5 tạ ấu trùng.
“Thức ăn cho ấu trùng là các phụ phẩm, phế thải từ sản phẩm nông nghiệp như rau, củ, quả hỏng, bã đậu nành, bã bia, bã sắn, các loại xác chết động vật, các loại phân gia súc, gia cầm. Chính vì vậy, ấu trùng ruồi lính đen được xem là chuyên gia dọn dẹp vệ sinh, không gây hại cho người, súc vật”, ông Hải cho biết.
Sau khi ấu trùng trưởng thành, khoảng 15 ngày sau sẽ chuyển sang màu đen rồi hóa kén. Khoảng 1 tuần sau thì nở thành ruồi. Giai đoạn này ruồi không ăn bất kỳ thứ gì, chỉ uống nước từ vòi phun sương và đẻ trứng rồi chết.
Chia sẻ với PV, ông Hải cho biết: “Mỗi ngày gia đình tôi thu được từ 500 đến 700 gam trứng ruồi, ngày nhiều thì trên 1kg. Giá hiện tại trên thị trường 100 gam trứng ruồi lính đen được bán 2 triệu đồng”.
Cũng theo ông Hải, do còn nợ nần nhiều nên gia đình ông không được vay thêm tiền để tái đàn. Số ấu trùng già, dùng không hết, vợ chồng đem trộn với cám, xay ép viên phơi khô đóng bì để dành làm thức ăn cho chính nó.
“Một vòng tròn khép kín, không bỏ phí bất kỳ thứ gì. Ấu trùng dùng cho lợn, gà ăn và ngược lại, phân lợn, gà dùng để nuôi ấu trùng. Thậm chí đem ấu trùng già, ruồi chết, vỏ kén… trộn với cám, xay ép viên phơi khô đóng bì để dành làm thức ăn cho chính nó. Không có cái lợi nào hơn”, ông Hải khẳng định.
Kết hợp nuôi gà để lấy phân làm thức ăn cho ấu trùng
Nói về dự định sắp tới, ông Hải cho biết: “Sẽ duy trì 10 con lợn nái với hy vọng trong thời gian tới sẽ vực dậy trang trại mà ông đã dày công xây dựng. Đồng thời tiến hành thu gom các loại rau, củ, quả hỏng từ các chợ tỉnh, chợ huyện để làm thức ăn cho ấu trùng, giảm tối đa chi phí đầu tư có thể”.
“Mong muốn của tôi là chia sẻ cách làm cho mọi người để hướng đến một môi trường chăn nuôi sạch, không chất bảo quản hay tăng trọng. Hiện tại, có một số người đã đến học tập mô hình để tự tạo nguồn thức ăn cho trang trại của mình”, ông Hải vui vẻ nói.
Ít ai có thể ngờ rằng, mô hình nuôi ruồi lính đen lại có tác dụng lớn, giá trị kinh tế cao, đem lại nguồn thức ăn vô cùng phong phú, bổ dưỡng, có khả năng kháng thể cho các loài vật nuôi. Đây là một mô hình mới mẻ, một công việc nhàn hạ mà bất cứ trang trại chăn nuôi nào cũng cần áp dụng.
Trao đổi với PV, ông Lê Ngọc Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Xuyên cho biết, đây là một trong những mô hình làm kinh tế có hiệu quả, tới đây sẽ sản xuất những sản phẩm sạch, khép kín, vừa đảm bảo chất lượng, vừa gắn với bảo vệ môi trường.
Cựu chiến binh làm giàu từ mô hình chăn nuôi và trồng rừng
Phát huy ý chí, tinh thần, phẩm chất 'Bộ đội Cụ Hồ', cần cù trong lao động, cựu chiến binh Đinh Văn Ửng, sinh năm 1957, ở bản Vường, xã Tân Lang, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.
Đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lựa chọn mô hình phù hợp để đầu tư phát triển kinh tế, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành điển hình trong phong trào 'Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi' tại địa phương.
Cựu chiến binh Đinh Văn Ửng chăm sóc cây bưởi tại gia đình.
Năm 1971, ông Đinh Văn Ửng cùng gia đình di chuyển từ vùng lòng hồ sông Đà, ở bản Bèo, xã Tường Phong lên định cư tại bản Vường, xã Tân Lang, huyện Phù Yên. Tháng 3, năm 1979, ông Ửng tham gia học lớp Báo vụ, thuộc Trung đoàn 604, Quân khu 2 (Bộ Quốc phòng). Sau khi ra trường, tháng 6/1980, ông tiếp tục được cử theo học lớp Trinh sát vô tuyến điện, khóa 1 do Liên bang Nga đào tạo, tại Đại đội C1, Tiểu đoàn 16, trực thuộc Bộ Tham mưu, Quân khu 2. Đến cuối năm 1982, ông trở về địa phương.
Thời gian đầu, trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả nhưng ông luôn tích cực tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, tuy nhiên cuộc sống cũng chỉ đủ ăn. Những năm 1999 - 2000, Tổ chức CARE tại Việt Nam đã mang những giống cây như: lúa, xoài, vải, măng Bát độ... về hỗ trợ cộng đồng và nhân dân trong xã. Dự án đã giúp ông tiếp cận những tiến bộ khoa học kỹ thuật cũng như kinh nghiệm để áp dụng vào trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Từ đó, ông đã mạnh dạn đầu tư công sức và tiền của mua giống để trồng 1 ha luồng và 1,5 ha măng Bát độ. Sau 2 năm, diện tích măng, luồng này đã cho thu hoạch, giúp gia đình ông không chỉ thoát nghèo, mà còn tích lũy được ít vốn để đầu tư vào chăn nuôi trâu, dê.
Năm 2006, từ 5 ha đất rừng nứa tép không hiệu quả, chính quyền xã Tân Lang đã chuyển giao cho ông quản lý, bảo vệ và phát triển. Ông sang huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, mua cây keo giống về trồng. Sau 10 năm, diện tích keo cho thu hoạch, tuy nhiên do điều kiện giao thông đi lại rất khó khăn, chi phí vận chuyển cao, giá bán tại thời điểm này rất thấp nên 5 ha keo chỉ thu về hơn 100 triệu đồng. Từ đó, ông quyết định chuyển sang trồng cây quế để nâng cao giá trị kinh tế.
Cựu chiến binh Đinh Văn Ửng chăm sóc trâu.
Với tinh thần "lao động là vinh quang" và ý chí ham học hỏi, nghị lực vươn lên làm giàu, sau nhiều năm nỗ lực, không chùn bước trước khó khăn, hiện gia đình ông luôn duy trì nuôi 15 - 20 con trâu; hàng chục con dê; 7,5 ha trồng cây bưởi, táo, xoài, quế... Năm 2019, ông xuất bán 10 con trâu, 40 con dê, thu về khoảng 500 triệu đồng; 2,5 ha táo, bưởi, xoài cũng bắt đầu cho quả, doanh thu khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm. Riêng diện tích 5 ha trồng quế, dự kiến khoảng 2 năm nữa sẽ cho thu hoạch, giúp ông thu về gần 500 triệu đồng mỗi năm. Thời gian tới, ông dự định sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng bưởi, táo và trồng 100 cây mận hậu để tạo thêm sản phẩm, tăng thu nhập.
Là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, ông Ửng còn nhiệt tình tham gia hoạt động Hội Cựu chiến binh và phong trào đoàn thể của xã Tân Lang. Ông sẵn sàng ủng hộ tiền bạc cho các gia đình hội viên cựu chiến binh để xóa nhà tạm, giúp đỡ nhân dân có hoàn cảnh khó khăn, chia sẻ về kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cây ăn quả..., giúp họ từng bước phát triển kinh tế, vươn lên ổn định cuộc sống; đồng thời vận động người dân trong xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng đời sống văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông Đinh Văn Thẩn, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh bản Vường, xã Tân Lang cho biết: Gia đình ông Đinh Văn Ửng luôn chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Trong công tác Hội Cựu chiến binh, ông Ửng tích cực tham gia ủng hộ, đồng thời kêu gọi giúp đỡ các hội viên cựu chiến binh nghèo để xóa nhà tạm, dột nát. Với mong muốn bà con trong bản, trong xã cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, từ những kinh nghiệm đúc rút được qua nhiều năm, ông luôn sẵn sàng chia sẻ, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc cây trồng. Nhiều người dân đã học tập và làm theo, từ đó đời sống của nhân dân trong xã, bản ngày một nâng lên, kinh tế ngày càng phát triển.
Cựu chiến binh Đinh Văn Ửng (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm trồng táo cho hội viên cựu chiến binh xã Tân Lang, huyện Phù Yên.
Theo ông Trần Huy Quang, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phù Yên, mô hình kinh tế chăn nuôi và trồng rừng của cựu chiến binh Đinh Văn Ửng phát triển rất tốt. Qua sự nỗ lực của hội viên cùng với việc ứng dụng khoa hoc kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, từ một mô hình nhỏ đến nay đã phát triển cả về quy mô và giá trị kinh tế. Ngoài ra, đây cũng là hội viên rất tích cực tham gia đóng góp cho các phong trào của địa phương như: An ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới, đóng góp ngày công xây dựng cơ sở hạ tầng của xã và của Hội Cựu chiến binh. Ông Ửng cũng luôn tích cực trao đổi kinh nghiệm cho nhân dân và các cựu chiến binh khác để cùng nhau phát triển kinh tế tại địa phương.
Với những nỗ lực, quyết tâm làm giàu, cựu chiến binh Đinh Văn Ửng là một tấm gương sáng về tinh thần vượt lên khó khăn, quyết tâm thoát nghèo, làm giàu chính đáng tại địa phương. Ông nhiều lần được huyện Phù Yên, Hội Cựu chiến binh tỉnh Sơn La biểu dương, khen thưởng là cựu chiến binh làm kinh tế giỏi, nêu gương cho các thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Giá heo hơi hôm nay 9/5: Miền Nam tăng dựng đứng, buôn lợn sang tay lãi tiền triệu Giá heo hơi hôm nay 9/5 thị trường miền Bắc tiếp tục duy trì mức cao, một số nơi đã đạt 95.000 đồng/kg. Giá heo hơi hôm nay tại miền Nam cũng tiếp đà tăng, đặc biệt ở Đồng Nai tăng tới 8.000 đồng/kg lên mức cao kỉ lục 93.000 đồng/kg. Giá heo hơi hôm nay tại miền Bắc: Cao ngất ngưởng Theo...