Anh nông dân 8x làm giàu nhờ nuôi chim bồ câu Pháp
Trong bối cảnh sản xuất chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá thức ăn tăng, người chăn nuôi bỏ chuồng nhiều thì mô hình nuôi bồ câu Pháp theo hướng công nghiệp đã đem lại hiệu quả cao do chi phí đầu tư ít, không chịu nhiều rủi ro. Đây là mô hình được gia đình anh Ngô Quang Hùng ở thôn Vân Xá, xã Cách Bi (huyện Quế Võ) lựa chọn để làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Theo chân cán bộ Hội Nông dân huyện Quế Võ, chúng tôi có mặt tại căn nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi của “anh nông dân” sinh năm 1983 Ngô Quang Hùng. Xuất thân trong gia đình thuần nông, cũng như nhiều hộ khác ở địa phương, anh Hùng xây dựng kinh tế gia đình từ chăn nuôi gà, lợn, kết hợp làm nông nghiệp.
Tuy nhiên, hướng phát triển đó dường như không mang lại kết quả cao. Băn khoăn tìm cho mình một con đường đi thích hợp, năm 2013 anh tình cờ theo dõi chương trình “Sinh ra từ làng” và biết đến mô hình nuôi chim bồ câu Pháp cho hiệu quả kinh tế cao. Từ đó anh quyết tâm “theo đuổi” cách làm này.
Mô hình nuôi chim bồ câu Pháp cho thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm của gia đình anh Ngô Quang Hùng, thôn Vân Xá, xã Cách Bi (Quế Võ).
Để chuẩn bị cho hành trình “chinh phục” giống bồ câu Pháp, anh Hùng tự tìm tòi trên sách, báo và tìm đến những mô hình thành công ở một số tỉnh phía Bắc và trại giống của Học viện Nông nghiệp để học tập kinh nghiệm.
Sau một thời gian, với những kiến thức đã thu thập được cùng 100 triệu đồng tiền vốn, anh bắt tay khởi nghiệp. Nhờ quá trình nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về điều kiện sinh trưởng, kỹ thuật chăm sóc nên anh không gặp mấy khó khăn. Từ 150 cặp chim bố mẹ ban đầu, đến tháng thứ 6, những chú chim non đã được xuất chuồng. Không lâu sau, gia đình anh đã thu được những đồng lãi đầu tiên.
Video đang HOT
Nhận thấy nhu cầu của thị trường rất lớn, anh bàn với gia đình đầu tư mở rộng quy mô chuồng nuôi, tăng số lượng chim bố mẹ lên tới 1.200 cặp. Đưa chúng tôi đi thăm quan mô hình, anh Hùng vui vẻ chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc: Chim bồ câu Pháp có sức đề kháng tốt, dễ nuôi, ít bệnh tật, không kén thức ăn. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho chim sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất ổn định thì yêu cầu quan trọng nhất là khâu chọn giống; hệ thống chuồng nuôi phải cao ráo, khô thoáng, ấm về mùa đông, mát về mùa hè và cung cấp đủ lượng thức ăn 2 lần/ngày vào thời điểm cố định.
Thức ăn của chim chủ yếu là ngô hoặc gạo xay trộn với cám công nghiệp theo tỷ lệ 80-20. Tỷ lệ này bổ sung thêm những vi lượng dinh dưỡng cần thiết hỗ trợ cho quá trình sinh trưởng, đồng thời không làm ảnh hưởng đến chất lượng thịt và sức khỏe người tiêu dùng. Công tác phòng trừ dịch bệnh theo mùa cho đàn chim cũng được anh đặt lên hàng đầu. Một năm đàn chim bố mẹ được tiêm phòng vác xin 3 lần; chuồng nuôi thường xuyên được dọn dẹp vệ sinh, phun thuốc sát trùng. Trung bình mỗi tháng gia đình anh Hùng cho xuất bán từ 250-350 cặp chim thương phẩm và 200 đến 300 cặp chim giống. Giá bán mỗi cặp chim thương phẩm là 140 nghìn đồng và từ 200-300 nghìn đồng/cặp chim giống. Trừ chi phí, bình quân mỗi tháng gia đình thu lãi 30 triệu đồng.
Mô hình nuôi chim bồ câu của anh Hùng đã trở thành địa chỉ tin cậy để nhiều nông dân đến thăm quan, học tập kinh nghiệm và mua con giống. Nhờ sự hỗ trợ của anh, 3 hộ trên địa bàn xã Cách Bi, 1 hộ ở Lương Tài và 1 hộ ở Hải Dương đã mạnh dạn đầu tư và bước đầu cho kết quả khả quan. “So với nhu cầu của thị trường thì nguồn cung chim bồ câu thương phẩm mới chỉ đáp ứng được khoảng 40%. Do vậy, bên cạnh việc mở rộng quy mô thì các hộ chăn nuôi cần phải tăng cường mối liên kết, hỗ trợ nhau cùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”, anh Hùng tâm sự.
Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quế Võ cho rằng, với hiệu quả kinh tế cao, việc phát triển mô hình nuôi chim bồ câu Pháp là hướng đi đúng đắn, song cũng cần có định hướng về thị trường, tư vấn kỹ thuật chuồng trại và chăm sóc để mô hình phát triển bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao nhất.
Theo Việt Anh (Báo Bắc Ninh)
Am hiểu bồ câu Pháp, bỏ túi 20 triệu đồng/tháng
Nhờ nuôi 1.000 cặp bồ câu Pháp giống, mỗi tháng gia đình ông Hứa Công Lương (55 tuổi, ở thôn An Ngãi Đông, xã Hoà Sơn, Hoà Vang, Đà Nẵng) đã ăn nên, làm ra, tạo được cuộc sống khấm khá.
Bỏ nghề lái xe về nuôi bồ câu
Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại bồ câu, ông Lương kể, trước đây ông làm nghề lái xe nhưng mấy năm gần đây, nhận thấy tuổi đã cao, không đủ sức khỏe để tiếp tục làm công việc nay đây mai đó nên ông đã bỏ nghề cầm lái, về tự học hỏi mô hình nuôi chim bồ câu. Sau thời gian tìm hiểu, nhận thấy giống bồ câu Pháp mang lại giá trị kinh tế cao, năm 2006, ông đã vào tận Quy Nhơn (Bình Định) mua 45 cặp bồ câu giống về nuôi thử trên diện tích 25m2.
Mô hình nuôi bồ câu Pháp của ông Lương đạt hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: K.O
Trang trại nuôi bồ câu của ông Lương được xem là mô hình chăn nuôi thành công nhất ở địa phương. Để hỗ trợ cho mô hình phát triển bền vững, Hội Nông dân xã đã đề xuất huyện hỗ trợ 15 triệu đồng để đầu tư đệm lót sinh học, giúp xử lý hiệu quả phân chim bồ câu và khử mùi trong trang trại". Ông Trần Văn Sa - Chủ tịch Hội ND xã Hoà Sơn, huyện Hoà Vang
Từ những cặp giống ban đầu nuôi hiệu quả, ông Lương mạnh dạn nhân đàn lên 450 cặp giống, rồi tiếp tục nhân nuôi 500 cặp. Bồ câu đến lứa, ông bán lai rai cho người dân mua nuôi, bao nhiêu tiền lãi ông tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng chuồng trại.
Đến năm 2012, ông Lương vấp phải thất bại khi 1 con bồ câu bị bệnh rồi lây lan ra cả đàn, khiến 250 cặp bồ câu chết, thiệt hại hơn 50 triệu đồng. "Thất bại đó là do tôi chưa biết cách chăm sóc, lại chưa rành thú y, phòng ngừa dịch bệnh cho bồ câu" - ông Lương chia sẻ.
Sau bài học đó, ông Lương quyết dành thời gian cả ngày lẫn đêm chỉ để quan sát, ghi chép về những thay đổi, quá trình sinh hoạt của giống bồ câu Pháp, đồng thời tra cứu thêm thông tin trên mạng internet, sách báo... Từ những kiến thức có được, ông đã áp dụng vào mô hình một cách bài bản và gây dựng lại thành công đàn bồ câu giống.
Chi phí thấp, hiệu quả cao
Đến nay, ông Lương đã có trong tay 1.000 cặp bồ câu Pháp, mỗi tháng bán ra thị trường khoảng 600 con, với giá bồ câu thịt bình quân 70.000 đồng/cặp, con giống khoảng 200.000 đồng/cặp 2 tháng tuổi. Sau khi trừ chi phí, mỗi tháng ông thu lãi khoảng 15 - 20 triệu đồng.
Ông Lương cho biết, bồ câu nuôi 6 tháng là bắt đầu sinh sản và có thể đẻ tới 7-8 lứa/năm. Thời gian từ khi chim mẹ ấp đến khi chim non ra ràng là 28 ngày, sau 45 ngày là đã có thể xuất bán.
Để tiết kiệm thời gian chăm sóc cho bồ câu, ông Lương còn nghiên cứu lắp đặt dàn nước uống tự động cho 1.000 cặp bồ câu. "Dàn nước uống này tôi phải đặt hàng tận Bình Dương, nhờ đó mà tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho bồ câu uống nước" - ông Lương nói thêm. Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho khâu tiêu thụ sản phẩm, ông đã thành lập cơ sở kinh doanh ngay tại nhà để tiện cung cấp bồ câu giống, bồ câu thịt cho khách hàng.
Theo ông Lương, nuôi chim bồ câu Pháp dễ hơn nuôi các loại gia cầm khác, bởi bồ câu Pháp ít bị bệnh, thích ứng tốt với điều kiện nuôi nhốt nên không mất nhiều công chăm sóc, chi phí thấp mà hiệu quả kinh tế cao. Muốn chim lớn nhanh, khỏe mạnh, mật độ nuôi phải đảm bảo 6 - 8 con/m2; thường xuyên vệ sinh chuồng trại; thức ăn, nước uống phải sạch sẽ. Đặc biệt phải chú ý khâu tiêm thêm thuốc phòng bệnh, thuốc bổ định kỳ.
"Nói thì dễ, nhưng cũng phải nắm chắc kỹ thuật nuôi và chăm sóc mới làm ăn lớn được. Ví như cho bồ câu ăn thức ăn lạ, bồ câu sẽ không phát triển và sinh sản được. Theo đó, thức ăn cho bồ câu chủ yếu là lúa và một ít bột thức ăn gia cầm, bột không được nhiều hơn lúa. Khi phát hiện một con bị bệnh, cần tách riêng ra khỏi chuồng để tránh lây lan"- ông Lương chia sẻ.
Không chỉ dừng lại ở nuôi bồ câu Pháp, ông Lương còn đi học hỏi mô hình nuôi bồ câu cảnh xoè Nhật và hiện đã nhân giống thành công. Ông cho biết hiện đang có 7 cặp bồ câu Nhật giống và sẵn sàng nhân giống bán cho người có nhu cầu với giá 1 triệu đồng/cặp.
Theo Danviet
Chợ sâu bọ dành cho đàn ông nuôi chim ở Sài Gòn Khu chợ tồn tại hơn 20 năm ở đầu đường Thuận Kiều (TP HCM), bán đủ loại sâu, dế, cào cào... cho những người đàn ông nuôi chim, cá cảnh. Nằm ở bên hông Thuận Kiều Plaza, hàng ngày có khoảng 10 người thường xuyên bày biện sâu bọ, dế, châu chấu, bò cạp... ra bán. Mỗi ngày từ sáng đến chiều đều...