Anh lộ điểm yếu khi tham gia không kích Syria
Quyết định tham gia cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Syria cuối tuần trước vô tình làm lộ điểm yếu của quân đội Anh, Dailymail bình luận.
Máy bay chiến đấu Tornado của Anh tham gia không kích Syria ngày 14/4. (Ảnh: AFP)
Trong cuộc không kích cuối tuần qua vào Syria, 4 máy bay chiến đấu Tornado của Anh đã ném tổng cộng 8 tên lửa hành trình Storm Shadow trong tổng số 105 tên lửa của liên quân.
Đây là loại máy bay chiến đấu chủ lực của Không quân Hoàng gia Anh, nhưng nó cũng sẽ ngừng biên chế vào năm tới sau 38 năm hoạt động.
Các máy bay Tornado được hộ tống bởi 4 máy bay chiến đấu Typhoon, song các máy bay Typhoon cũng không thể phóng tên lửa hành trình vì cách đây vài năm Anh đã ngừng chương trình tích hợp vì lý do tài chính.
Để cải thiện vai trò của mình, Anh đã điều máy bay trinh sát có khả năng gây nhiễu hệ thống phòng không của Syria. Anh cũng cung cấp bản đồ, ảnh vệ tinh chi tiết về các mục tiêu tấn công.
Video đang HOT
Dailymail bình luận, hầu hết tàu chiến và máy bay chiến đấu của Anh đã lỗi thời và dường như không có khả năng phóng tên lửa hành trình hiện đại. Điều này khiến Anh “lép vế” hơn Pháp khi cả tàu chiến và máy bay chiến đấu của Pháp tham gia phóng tổng cộng 12 tên lửa tên lửa hành trình.
Tàu khu trục HMS Dunncan lớp Type 45 của Anh (Ảnh: Dailymail)
Theo Dailymail, trong cuộc không kích rạng sáng 14/4, tàu khu trục HMS Dunncan lớp Type 45 của Anh chỉ có vai trò phòng hộ ở phía đông nam đảo Síp để đề phòng các mối đe dọa từ Nga nhằm vào căn cứ Akrotiri của Anh ở quốc đảo này. Trong khi đó, tàu chiến The Languedoc của Pháp trực tiếp tham gia không kích Syria. Ngoài tàu chiến, các máy bay chiến đấu Rafale của Pháp cũng tham gia không kích và được hộ tống bởi một phi đội Mirage 2000 có trang bị tên lửa không đối không.
Theo thiết kế ban đầu, HMS Duncan, con tàu có chi phí chế tạo hơn 1 tỷ USD, có khu vực để lắp đặt các ống phóng tên lửa hành trình, nhưng hạng mục này đã bị cắt bỏ đi sau đó để tiết kiệm chi phí. Dailymail cho biết, sớm nhất đến năm 2025, Anh mới có thể hoàn tất chế tạo tàu hộ vệ có khả năng phóng tên lửa hành trình.
Anh hiện sở hữu 6 tầm ngầm hạt nhân có thể trang bị 20 tên lửa hành trình Tomahawk nhưng không tàu ngầm nào của Anh tham gia cuộc không kích Syria. Một số nguồn tin nói rằng, điều này là do tàu ngầm Anh bị tàu ngầm Kilo của Nga bám sát ở ngoài khơi Syria.
Dailymail dẫn bình luận từ nguồn tin quân sự Anh nói rằng, cuộc không kích vào Syria là bằng chứng cho thấy Pháp muốn trở thành đồng minh châu Âu quan trọng của Mỹ sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit).
Minh Phương
Theo Dantri
Tổng thống Putin: Cuộc không kích của liên quân tại Syria vi phạm luật quốc tế
Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng cuộc không kích mới nhất của liên quân Mỹ, Anh, Pháp nhằm vào Syria là hành động gây hấn và vi phạm luật pháp quốc tế.
Tổng thống Nga Putin (Ảnh: AFP)
Theo Sputnik, tuyên bố trên của Tổng thống Putin là một phần trong thông cáo chung được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa nhà lãnh đạo Nga và Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm nay 17/4.
"Tổng thống Nga một lần nữa nhấn mạnh rằng các hành động của nhóm các quốc gia phương Tây là hành động gây hấn nhằm chống lại Syria và vi phạm nghiêm trọng các quy chuẩn của luật pháp quốc tế, bao gồm Hiến chương Liên Hợp Quốc, đồng thời gây tổn hại đáng kể tới tiến trình giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng Syria", thông cáo chung nhấn mạnh.
Trong cuộc hội đàm, Tổng thống Putin và Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) tiến hành một cuộc điều tra toàn diện và công bằng về nghi vấn sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.
"Cả hai bên đều sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho việc nối lại các nỗ lực chính trị và ngoại giao trong vấn đề Syria và sẽ tiếp tục duy trì các kênh liên lạc song phương về vấn đề này", thông cáo cho biết thêm.
Đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Putin đề cập tới cuộc không kích tại Syria trong các cuộc trao đổi với lãnh đạo nước ngoài. Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Iran Hassan Rouhani hôm 14/4, nhà lãnh đạo Nga cũng cảnh báo "nếu các hành động vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc như vậy tiếp tục xảy ra, sẽ không thể tránh khỏi gây hỗn loạn cho quan hệ quốc tế".
Trước đó, ngay sau khi cuộc không kích của liên quân Mỹ, Anh, Pháp nhằm vào Syria kết thúc, ông Putin gọi cuộc tấn công này là "hành động gây hấn" nhằm vào một quốc gia có chủ quyền và đang đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố trên lãnh thổ của mình. Theo nhà lãnh đạo Nga, tình hình căng thẳng ở Syria đã ảnh hưởng xấu đến toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế và việc Mỹ sử dụng vũ lực ở Syria sẽ chỉ làm xuất hiện thêm làn sóng di cư từ Syria cũng như trên toàn khu vực.
Các bình luận của Tổng thống Putin được đưa ra không lâu sau khi liên quân Mỹ, Anh, Pháp tiến hành cuộc không kích nhằm vào 3 mục tiêu bị nghi là cơ sở vũ khí hóa học tại Syria. Chính quyền Tổng thống Donald Trump cảnh báo sẽ tiếp tục tấn công Syria nếu nghi ngờ nước này tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học.
Thành Đạt
Theo Dantri
Vì sao Đức đứng ngoài cuộc không kích Syria của liên quân Mỹ - Anh - Pháp? Việc Thủ tướng Angela Merkel quyết định không tham gia liên quân cùng Mỹ, Anh và Pháp trong cuộc không kích nhằm vào Syria hôm 14/4 cho thấy những tính toán riêng của nhà lãnh đạo Đức trong bối cảnh trong nước và quốc tế có những vấn đề nhất định. Từ trái qua phải: Tổng thống Pháp Macron, Thủ tướng Đức Merkel...