Ảnh: Làng gói bánh chưng lớn nhất Hà Nội tất bật vào vụ Tết
Vào những ngày này, dân làng Tranh Khúc (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đang tất bật gói bánh chưng để cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Làng Tranh Khúc hiện có khoảng hơn 90 hộ gói bánh chưng, trong đó có hơn 10 hộ là cơ sở lớn. Vào những ngày rằm hoặc giáp Tết, không khí nơi đây nhộn nhịp hơn hẳn, tạo nên một khung cảnh đậm nét truyền thống Việt Nam.
Gia đình anh Nguyễn Duy Thắng (làng Tranh Khúc, Thanh Trì) là một trong những hộ gia đình làm bánh chưng lâu đời nhất tại làng. Anh cho biết, những ngày giáp Tết, gia đình rất bận vì phải làm bánh số lượng gấp nhiều lần so với những ngày thường.
Dù bận rộn cung cấp bánh cho Tết, nhưng quy trình làm ra chiếc bánh chưng vẫn phải thực hiện đầy đủ và đảm bảo vệ sinh. Từ khâu chọn nguyên liệu lá dong, đậu, thịt… đều phải được chuẩn bị kĩ càng. Lá dong chủ yếu được lấy từ các tỉnh miền núi như Lạng Sơn, Cao Bằng…
Để bánh được dẻo thơm, gạo nếp phải là những loại gạo ngon, được lấy từ những nơi nổi tiếng như Thái Bình, Nam Định.
Đậu xanh sẽ được ngâm nước, rồi mới đem đi đun sôi sau đó nghiền thành bột.
Đậu xanh sau khi nghiền thành bột sẽ được nặn thành bánh rồi kẹp thịt vào giữa để làm nhân bánh. Số đậu trong bánh phải được cân đo cho vừa với lượng thịt và phù hợp với kích cỡ của chiếc bánh chưng.
Video đang HOT
Thịt lợn được lấy và chọn từ những con lợn khỏe và được chăm sóc cẩn thận. Phần thịt ngon nhất được lấy làm nguyên liệu đó là thịt ba chỉ, ngoài ra có thể chọn thịt nạc mông, vai để làm nguyên liệu cho bánh. Thịt để làm nhân đều được ướp muối hạt và tiêu bắc với liều lượng thích hợp.
Sau khi các nguyên liệu được chuẩn bị kỹ càng, người thợ gói bánh với đôi bàn thay nhanh thoăn thoắt tạo ra những chiếc bánh vuông vắn, đẹp mắt.
Chị Nguyễn Thị Mai (50 tuổi) cho biết, mỗi tiếng chị có thể gói được khoảng 100 chiếc bánh chưng. Chị ước tính, Tết này nhà chị có thể bán ra khoảng 10.000 chiếc bánh với giá mỗi chiếc là 30.000 đồng.
Những chiếc bánh thành phẩm sẽ được xếp ngăn nắp vào nồi hơi.
Sau khi sắp xếp ngăn nắp, bánh sẽ được nén với sức nặng vừa đủ và được đun trong vòng 8-10 tiếng, sau đó sẽ cho ra thành phẩm nổi tiếng với thương hiệu bánh chưng Tranh Khúc.
Những nồi bánh nghi ngút khói đang chuẩn bị cho ra lò những mẻ bánh nóng hổi để phục vụ người dân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Theo Danviet
Gặp nhà xe nhồi nhét, bán vé "trên trời" trong dịp Tết, người dân gọi ngay số này
Lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM cho biết sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý mạnh tay những nhà xe, doanh nghiệp nhồi nhét khách, tăng giá vé "cắt cổ" trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019.
Những ngày tháng Chạp rất đông người dân đổ ra bến xe miền Đông để về quê đón Tết cổ truyền cùng gia đình
Những ngày qua, rất nhiều người dân đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM phải "đỏ mắt" để mua vé xe về quê trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Nhiều người dân ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên chấp nhận mua vé xe với giá "trên trời" so với ngày thường.
Ghi nhận chiều 22/1, tại bến xe miền Đông (quận Bình Thạnh), giá vé xe khách đi các tỉnh: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình... ở mức từ 1,5 triệu đến 2 triệu đồng, trong khi ngày thường giá chỉ từ 400-600 nghìn đồng/vé.
Tại các quầy vé xe thương hiệu, vé xe giường các nhà xe đều thông báo hết vé những ngày cao điểm từ (25 -30 tháng Chạp).
"Giờ tìm đâu vé xe giường nằm chứ. Có nằm luồng không?. Nếu nằm luồng thì lấy rẻ cho 100 trăm. Đi không?. Đi thì đặt tiền cọc 500 trăm nghìn đồng. Không thì vài bữa đi bộ về quê đón Tết nhé", một nhân viên nhà xe về Bình Định mời khách.
Giá vé từ TP.HCM về Tuy Hòa cao gấp đôi so với ngày thường
Ghi nhận, rất nhiều người phải xếp hàng rất lâu, chen lấn nhau để có được tấm vé xe về quê sum họp cùng gia đình trong dịp Tết cổ truyền. Dù mua vé xe ngay trong bến xe miền Đông nhưng nhiều người không khỏi bức xúc khi giá vé được nhà xe bán với giá gấp đôi, thậm chí gấp ba so với ngày thường.
Vừa giao dịch thành công 3 tấm vé đi Tuy Hòa (Phú Yên) ngày 27 tháng Chạp, chị Nguyên cho biết bình thường giá vé chỉ 230 nghìn đồng nhưng dịp cao điểm Tết, nhà xe tăng giá gấp đôi: 460 nghìn đồng/vé.
"Tôi biết dịp Tết, các nhà xe được tăng mức phụ thu từ 20 đến 60%, tuy nhiên do khan hiếm vé nên khách đành chấp nhận mức tăng 100%", chị Nguyên bức xúc nói.
Trên các website của công ty cổ phần vé xe rẻ, nhiều người dân tìm mua vé về miền Trung cũng không khỏi sốc khi giá vé "trên trời".
Gõ tìm vé xe từ TP.HCM về Bình Định ngày 26 tháng Chạp các nhà xe đều hết vé. Một số nhà xe còn vé thì giá tới 700- 900 nghìn đồng/vé/giường nằm. Ghế ngồi 550 nghìn đồng/vé. Trong khi đó, ngày thường chỉ khoảng 250-280 nghìn đồng/vé/giường nằm.
Trên trang bán vé xe giá rẻ, giá vé cũng cao ngất ngưỡng so với ngày thường
Rất nhiều người dân mua vé xe của các nhà xe bên ngoài, không do bến xe miền Đông quản lý, sẵn sàng chấp nhận giá vé cao nhưng vẫn rất lo lắng về tình trạng nhà xe nhồi nhét.
"Các nhà xe ở quê tôi những năm trước họ nhồi nhét khách kinh khủng lắm. Phải ngồi ở lối đi suốt chặng đường từ Sài Gòn về Bình Định. Nhà xe nhét đến nỗi ngồi cũng không thể duỗi chân được. Tết không về gia đình sẽ buồn nhưng về thì ám ảnh" anh Lê Đỗ quê huyện Hoài Ân, Bình Định chia sẻ.
Lực lượng Thanh tra Sở GTVT TP luôn túc trực tại bến xe để tiếp nhận phản ánh, xử lý các nhà xe bán vé giá "cắt cổ"
Ông Kiều Nam Thành, Tổng giám đốc bến xe miền Đông cho biết, bến xe luôn có vé để bà con về quê đón Tết. "Tôi khẳng định bến xe lúc nào cũng có vé xe khách cho bà con về quê đón Tết sum họp cùng gia đình. Ở những ngày cao điểm khó có vé xe giường nằm nhưng xe ghế ngồi mềm sẽ có và chất lượng xe cũng rất tốt. Bà con mình cứ an tâm", ông Thành nói.
Ông Trần Quang Lâm, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM khẳng định, các bến xe luôn đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Sở cam kết không để hành khách ở lại bến xe dù chỉ một người.
"Hiện nay, vé xe còn rất nhiều nên hành khách không nên quá lo lắng. Chúng tôi khuyến khích người dân nên vào bến hoặc liên hệ qua đường dây nóng của các bến xe để được tư vấn thông tin vé Tết và nhu cầu đi lại. Người dân không nên mua vé trôi nổi bên ngoài, rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng "chặt chém" nâng giá vé",ông Lâm chia sẻ.
Về các trường hợp nhà xe tăng vé cao ngất ngưỡng so với quy định, ông Lâm cho biết hành khách có thể phản ánh tại quầy của các bến xe và phản ánh qua đường dây nóng của Thanh tra Sở.
"Bến xe là đơn vị chịu trách nhiệm trước tiên, tiếp đến là Thanh tra Sở. Các đơn vị này sẽ xử lý nghiêm nhà xe vi phạm, với chế tài phạt tiền 4-8 triệu đồng, tước phù hiệu 2 tháng và bắt trả lại tiền cho khách", ông Lâm khẳng định.
Người dân phản ánh về tình trạng nhà xe tăng giá vé cao so với quy định, nhồi nhét khách có thể gọi số đường dây nóng của Thanh tra Sở GTVT TP qua số 02838300701 hoặc 0913880906. Mọi phản ánh của người dân sẽ được Thanh tra Sở tổng hợp và giao cho các đơn vị xử lý ngay khi tiếp nhận.
Theo Danviet
Hà Nội ra quân kiểm tra, ngăn thực phẩm bẩn ngày Tết Tăng cường công tác thanh kiểm tra, vận động, tuyên truyền các hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) là những giải pháp chủ yếu Sở Công Thương Hà Nội triển khai để đảm bảo cung ứng sản phẩm chất lượng cho người tiêu dùng trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi...