Anh khởi động chiến dịch truyền thông về di cư bất hợp pháp tại Việt Nam
Ngày 25/3, Bộ Nội vụ Anh khởi động chiến dịch truyền thông về di cư bất hợp pháp tại Việt Nam sau những thành công từ các chương trình tương tự tại Albania, Pháp và Bỉ.
Người di cư được lực lượng biên phòng Anh áp giải về cảng Dover khi đang tìm cách vượt biên trái phép vào Anh qua Eo biển Manche, ngày 6/3/2023. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại London, chương trình truyền thông tại Việt Nam là bước đi mới nhất của Anh trong chiến dịch hợp tác quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu. Thông qua chương trình này, nhà chức trách Anh muốn cảnh báo những nguy cơ khi nhập cảnh trái phép vào Anh, đồng thời vạch trần thủ đoạn của các đường dây buôn người. Các chiến dịch tương tự cũng đang được Chính phủ Anh xem xét thực hiện tại các quốc gia ưu tiên khác.
Chương trình sẽ thông qua mạng xã hội Facebook và YouTube để tuyên truyền về những nguy hiểm mà người di cư phải đối mặt trong hành trình di cư bất hợp pháp đến Anh. Các bài đăng phản ánh những chia sẻ thực tế của những người nhập cư trái phép vào Anh, cũng như các quan chức của Lực lượng Biên phòng và Thực thi Di trú của Bộ Nội vụ, những người thường xuyên tiếp xúc với người nhập cư bất hợp pháp bị bán làm nô lệ hiện đại hoặc bị chính những đối tượng đưa họ vào Anh ép buộc làm việc bất hợp pháp. Các bài đăng cũng dẫn tới đường link của trang web đăng tải các video trong đó nhân viên của Lực lượng Thực thi Di trú và Biên phòng chia sẻ những trải nghiệm trong việc giải cứu những người di cư vượt Eo biển Manche gặp nguy hiểm.
Video đang HOT
Bộ trưởng Nội vụ Anh James Cleverly cho biết, sau thành công của chiến dịch truyền thông ở Albania năm ngoái, Anh mở rộng chương trình sang Việt Nam – một đối tác quan trọng của Anh trong việc giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp – nhằm triệt phá các đường dây tội phạm kiếm lợi từ hoạt động buôn người. Ngày 17/4 tới, các quan chức cấp cao của hai nước sẽ nhóm họp ở London để thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác trong vấn đề di cư.
Theo Bộ Nội vụ Anh, hằng năm, các băng nhóm tội phạm có tổ chức đưa hàng nghìn người từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam, sang Anh bằng cách vượt Eo biển Manche bằng thuyền nhỏ. Chỉ riêng trong hai năm 2022 – 2023, có tới 76.000 người đến Anh thông qua tuyến đường này. Số người tử vong trên hành trình vượt biển này trong năm 2023 tăng gấp 3 lần so với năm trước đó. Nhiều người nhập cư bất hợp pháp bị những kẻ buôn người buộc phải sống trong điều kiện chật chội và nguy hiểm, không được tiếp cận các điều kiện vệ sinh cơ bản, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, hoặc không được làm việc hợp pháp.
Tháng 12/2022, Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố tăng gấp đôi kinh phí cho Cơ quan chống tội phạm quốc gia (NCA) tiến hành công tác chống tội phạm có tổ chức về di cư. Chính phủ Anh cũng ban hành luật mới về di cư bất hợp pháp, theo đó cho phép trục xuất nhanh chóng những người không có quyền định cư tại Anh.
Anh tăng cường truyền thông về di cư bất hợp pháp
Nhằm nâng cao nhận thức quốc tế và cảnh báo về những rủi ro người di cư phải đối mặt khi vượt biển từ Pháp đến Anh, Bộ Nội vụ Anh mới đây tổ chức sự kiện truyền thông tại trụ sở của Lực lượng chống di cư bất hợp pháp trên biển (SBOC) ở Dover thuộc Đông Nam nước Anh, thu hút các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài, đặc biệt của các quốc gia có nhiều công dân di cư bất hợp pháp đến Anh.
Thuyền chở người di cư vượt eo biển Manche hướng đến bờ biển miền Nam nước Anh, ngày 18/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại London, tại sự kiện, Bộ Nội vụ Anh cho biết, trong hai năm qua, 76.000 người từ các quốc gia trên khắp thế giới đã đến Anh bằng cách vượt eo biển Manche trên những con thuyền nhỏ, với số người thiệt mạng trong hành trình nguy hiểm này tăng gấp 3 lần trong năm 2023 so với năm trước. Bất chấp những rủi ro, số người vượt biển bằng thuyền hơi đến Anh vẫn gia tăng, cho thấy nhận thức trong cộng đồng về mối nguy hiểm của con đường di cư bất hợp pháp này vẫn còn hạn chế.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại sự kiện, bà Carol Heginbottom, Phó Giám đốc bộ phận hoạt động quốc tế thuộc SBOC, cho biết thách thức lớn nhất của lực lượng chống di cư bất hợp pháp là việc truyền tải thông điệp về mức độ nguy hiểm của hành trình xuyên eo biển Manche, cũng như việc xử lý vấn nạn bóc lột người di cư.
Bà Heginbottom lưu ý tình trạng người di cư đang mạo hiểm tính mạng khi vượt biển trên những con thuyền nhỏ kém chất lượng, nhấn mạnh đối tượng duy nhất hưởng lợi là các băng nhóm tội phạm, vốn không quan tâm tới mạng sống của người di cư, trong đó có phụ nữ và trẻ em, sẵn sàng đưa họ vào chỗ chết trong các chuyến đi đầy nguy hiểm.
Năm 2023, Chính phủ Anh thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn làn sóng di cư bất hợp pháp bằng đường biển, như thành lập lực lượng chuyên trách chống di cư bất hợp pháp trên biển, hợp tác với Pháp và các đối tác quốc tế tăng cường giám sát, tuần tra biển, đặc biệt ở các điểm tập trung đưa người vượt biển; trấn áp tội phạm buôn người có tổ chức; ban hành luật mới nhằm đưa những người nhập cư bất hợp pháp trở về nước hoặc đến nước thứ ba. Nhờ đó, số người vượt eo biển Manche đến Anh giảm 36%, từ gần 45.780 người trong năm 2022 xuống còn gần 29.440 người trong năm 2023.
Cùng với các đối tác của Pháp, Anh cũng ngăn chặn được 26.000 lượt người có ý định vượt biển đến nước này vào năm ngoái.
Bà Heginbottom cho biết, Chính phủ Anh đang tích cực hợp tác với các quốc gia có nhiều người nhập cư đến Anh bằng con đường bất hợp pháp và thực hiện các chiến dịch truyền thông xã hội ở nước ngoài với hy vọng truyền tải thông điệp cảnh báo tới những người đang có ý định thực hiện hành trình vượt biển nguy hiểm này.
Số người vượt eo biển Manche vào Anh đã vượt 100.000 kể từ năm 2018 Hơn 100.000 người di cư đã vượt qua eo biển Manche trên những chiếc tàu nhỏ từ Pháp đến vùng Đông Nam nước Anh kể từ khi Anh bắt đầu công khai ghi nhận số người di cư đến đây vào năm 2018. Người di cư băng qua Eo biển Manche để tới cảng Dover, Anh ngày 4/5/2023. Ảnh: AFP/TTXVN Thống kê của...